Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Những Màu Khác

Orhan Pamuk tiểu thuyết gia đã rất thành công với Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng hay Cuốn sách đen, nhưng vì là một nhà văn tham vọng, “phổ màu” của ông còn muốn bao trùm rộng lớn hơn nữa, lên chính trị, hội họa cổ điển, những tản văn ngắn, và lên sự đọc.

Những màu khác minh chứng cho tham vọng ấy khá rõ. Cuốn sách là sự nối dài đầy ngoạn mục, những “ngoại truyện” bổ sung cho các tiểu thuyết của ông, những thêm thắt về cảm giác vốn đã huy hoàng trong cuốn hồi ký tuyệt vời Istanbul, và nhất là ở đây, ta được chứng kiến Pamuk trong tư cách một người đọc cự phách; người đọc ấy hào phóng dẫn dắt ta đến với thế giới những tác giả mà ông sùng mộ nhiều chục năm nay: Camus, Flaubert, Dostoyevsky, Nabokov… những thế giới của sự đọc ấy mở rộng nhiều lần đường biên giới của sự viết ký tên Pamuk.

Nhận định:

“Những màu khác bao gồm nhiều bài viết khác nhau, từ báo chí và từ nhiều nguồn khác, được biên tập lại và đôi khi được viết lại, để làm nên một bức chân dung nhất quán về một văn nhân… Ngoài sự thông minh đầy quyến rũ và những quan sát đầy thông tuệ, Những màu khác còn là kêu gọi chúng ta hãy lùi lại mà suy ngẫm kỹ về những nguyên nhân lịch sử và tâm lý đã dẫn đến những vấn nạn đáng lo của thế giới ngày nay.”

- Roger Kaplan, Washington Post Book World

“Ông là nhà thơ của mê cung những suy tư và tưởng tượng của chính ông, về cái thần kỳ và về cái mập mờ lưỡng nghĩa.”

- Colin Thubron, The New York Review

”Từ Những màu khác vang lên một giọng nói một phần tinh nghịch một phần u tối, cái thực tại soi chiếu trong đó là thực tại mà một con họa mi trong đời thường phải đâm ganh tị.”

- Richard Eder, Los Angeles Times Book Review

***

Đây là một cuốn sách làm từ các ý tưởng, hình ảnh và phân mảnh của cuộc đời chưa tìm thấy lối vào một trong các tiểu thuyết của tôi. Tôi đặt chúng cùng nhau ở đây trong một mạch tự sự. Đôi khi tôi ngạc nhiên thấy mình đã không thể đưa vào tác phẩm hư cấu tất cả những ý nghĩ tôi cho là đáng khám phá: những khoảnh khắc kỳ cục của cuộc đời, những cảnh đời thường nho nhỏ mà tôi muốn chia sẻ với người khác, và những lời lẽ phát ra từ tôi với sức mạnh và niềm vui khi có dịp say mê. Một vài phân mảnh mang tính tự truyện; có bài tôi viết rất nhanh; có bài bị gạt qua một bên khi tôi dành sự chú ý cho việc khác. Tôi quay trở lại với chúng rất giống như khi quay trở lại những tấm ảnh cũ, và - mặc dù hiếm khi đọc lại tiểu thuyết của mình - tôi thích thú đọc lại những bài viết này. Cái tôi thích nhất là những khoảnh khắc các bài này vượt lên được khỏi tính nhất thời, khi chúng không chỉ đáp ứng được yêu cầu của tờ tạp chí hay tờ báo đặt hàng, mà còn bày tỏ những mối quan tâm, niềm nhiệt tình của tôi nhiều hơn là tôi dự định tại thời điểm viết. Để mô tả những khoảnh khắc vụt hiện đó, những khoảnh khắc kỳ lạ khi chân lý bằng cách nào đó được rọi sáng, Virginia Woolf từng dùng cụm từ “những khoảnh khắc hiện hữu”.

Trong khoảng thời gian từ 1996 đến 1999 tôi viết những bài viết ngắn hằng tuần cho Oküz (Bò đực), một tạp chí chuyên về chính trị và hài hước; và tôi cũng vẽ minh họa cho những bài ấy. Đây là những bài tản văn ngắn trữ tình được viết một mạch, trong đó tôi rất ưa nói về con gái tôi và bạn bè của tôi, thăm dò các vật thể và thế giới bằng cặp mắt tươi mới, và nhìn thế giới bằng từ ngữ. Càng ngày, tôi càng bớt xem tác phẩm văn chương là kể về thế giới, mà là “nhìn thế giới bằng từ ngữ”. Từ thời điểm bắt đầu dùng từ ngữ như dùng màu trong hội họa, nhà văn có thể bắt đầu thấy thế giới thật diệu kỳ và lắm vẻ ngạc nhiên đến thế nào, và anh ta đào sâu vào ngôn ngữ để tìm ra giọng điệu riêng của mình. Để làm điều này anh ta cần giấy, bút, và sự lạc quan của một đứa trẻ nhìn thế giới lần đầu tiên.

Tôi tập hợp những bài viết này để tạo thành một cuốn sách hoàn toàn mới lấy yếu tố tự truyện làm trung tâm. Tôi bỏ nhiều bài và cắt ngắn một số bài khác, chỉ lấy trích đoạn từ hàng trăm bài báo và đưa một số tiểu luận đến những vị trí xa lạ trong cuốn sách, những vị trí xem ra phù hợp với kết cấu của câu chuyện đó. Ví dụ, ba bài diễn văn được in thành một tập riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều ngôn ngữ khác dưới nhan đề Cái vali của cha tôi (gồm diễn từ Nobel cùng tên, cũng như bài “Ở Kars và Frankfurt”, bài diễn văn tôi đọc nhân dịp Giải thưởng Hòa bình Đức, và bài “Tác giả ngầm ẩn”, bài diễn văn tôi đọc tại Hội nghị Puterbaugh) xuất hiện ở đây trong các phần tách biệt để phản ánh cùng một câu chuyện tự truyện ấy.

Ấn bản Những màu khác này được dựng nên từ cùng bộ khung của cuốn sách cùng tên xuất bản lần đầu ở Istanbul năm 1999, nhưng cuốn sách trước mang hình thức của một tập hợp, trong khi cuốn sách này được định hình như một chuỗi các phân mảnh mang tính tự truyện, những khoảnh khắc, những ý nghĩ. Nói về Istanbul, hay bàn luận về các cuốn sách, tác giả, bức tranh yêu thích nhất của tôi, với tôi luôn luôn là một cái cớ để nói về cuộc đời. Những mẩu chuyện New York được viết năm 1986, khi tôi viếng thăm thành phố lần đầu tiên, và tôi viết chúng để ghi nhận những ấn tượng đầu tiên của một người nước ngoài, dự định dành cho độc giả Thổ Nhĩ Kỳ. “Nhìn ra cửa sổ”, câu chuyện ở cuối sách, mang tính chất tự truyện mạnh đến nỗi tên nhân vật rất có thể là Orhan. Nhưng người anh trong câu chuyện, như tất cả các người anh trong các câu chuyện của tôi, xấu xa và bạo tàn, không liên hệ gì với người anh của tôi ngoài đời thực, Şevket Pamuk, sử gia kinh tế xuất sắc. Khi soạn cuốn sách này, tôi bàng hoàng nhận ra tôi có mối quan tâm đặc biệt và khuynh hướng thiên về các thảm họa tự nhiên (động đất) và thảm họa xã hội (chính trị), và do vậy tôi đã gạt ra kha khá bài viết u ám về chính trị. Tôi luôn luôn tin rằng ắt phải có một kẻ cuồng viết tham lam và gần như không thể lay chuyển thường trú trong tôi - một sinh vật không thể bao giờ viết cho đủ, kẻ lúc nào cũng biến cuộc sống thành từ ngữ - và để cho hắn ta vui lòng tôi cần phải tiếp tục viết. Nhưng khi soạn cuốn sách này, tôi khám phá ra rằng kẻ cuồng viết đó sẽ vui hơn nhiều, và bớt đau đớn vì căn bệnh viết lách của hắn, nếu hắn làm việc với một biên tập viên trao cho những bài viết của hắn một trung tâm, một bộ khung, và một ý nghĩa. Tôi mong độc giả nhạy cảm hãy chú ý đến việc biên tập sáng tạo của tôi cũng nhiều như chú ý đến nỗ lực mà tôi đặt vào bản thân việc viết.

Tôi hầu như không đơn độc trong việc là người ngưỡng mộ nhiệt thành nhà văn, nhà triết học Đức Walter Benjamin. Nhưng để chọc tức một người bạn quá mức sùng bái ông (dĩ nhiên cô là một người trong giới học thuật), đôi khi tôi hỏi, “Ông nhà văn này có gì mà quá vĩ đại? Ông ấy chỉ hoàn thành có vài cuốn sách, và nếu ông nổi tiếng, ấy không phải nhờ những tác phẩm ông đã hoàn thành mà là nhờ những tác phẩm ông chưa bao giờ hoàn thành nổi.” Bạn tôi trả lời rằng toàn bộ các tác phẩm của Benjamin, như bản thân cuộc đời, không có ranh giới và do đó có tính chất phân mảnh, và đó là lý do tại sao nhiều nhà phê bình văn chương đã rất cố gắng mang lại ý nghĩa cho các tác phẩm đó, như họ làm với cuộc đời. Và mỗi lần như thế tôi mỉm cười nói, “Một ngày nào đó tôi sẽ viết một cuốn sách cũng chỉ tạo thành từ các phân mảnh.” Đây là cuốn sách ấy, được đặt trong một cái khung để gọi ra một trung tâm mà tôi cố gắng che giấu: tôi hy vọng độc giả sẽ thích thú với việc tưởng tượng sao cho cái trung tâm ấy thành hiện hữu.

Mời các bạn đón đọc Những Màu Khác của tác giả Orhan Pamuk & Lâm Vũ Thao (dịch).