Nhà nhân học có biết xem tướng không?
Có phải nhân học chỉ toàn nghiên cứu ở những nơi nghèo đói, những vùng xa xôi hẻo lánh, hay các bộ lạc ở châu Phi không?
Con tôi có nguyện vọng thi đại học ngành nhân học. Không biết sau này ra trường thì có thể xin việc ở đâu?
Tôi là giám đốc một công ty kinh doanh điện thoại di động. Có một bạn đến xin nộp hồ sơ vào vị trí nhân viên kinh doanh. Nhưng không có bằng kinh doanh mà lại có bằng nhân học. Không hiểu tuyển bạn ấy vào thì làm được việc gì?
***
Nhân học là ngành khoa học có một lịch sử lâu dài trên thế giới, và hiện nay là một ngành khoa học được biết đến và ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển phương Tây. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhân học vẫn là một ngành khoa học “trẻ” và còn tương đối lạ lẫm với số đông công chúng. Mặc dù ngành nhân học đã được đào tạo ở bậc đại học ở Việt Nam trong hơn mười năm qua, trên cơ sở kế thừa và phát triển ngành Dân tộc học, nhưng “Nhân học là gì,” “Nhân học nghiên cứu gì” và “Nhà nhân học làm những công việc gì” vẫn là những câu hỏi lớn và thường trực của các bạn sinh viên, phụ huynh, các nhà tuyển dụng và xã hội nói chung.
Góp phần giải đáp những thắc mắc trên, cuốn sách “Nhân học - Khoa học về sự khác biệt văn hóa” của tác giả Lâm Minh Châu sẽ cung cấp cho người đọc câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp về nhân học như “Nhân học là gì”, “kiến thức nhân học có thể được ứng dụng ở đâu”, “một sinh viên ngành nhân học sau khi ra trường có thể làm những công việc gì và tại sao họ lại có thể đảm nhiệm những công việc đó?”
Bằng một lối diễn đạt giản dị và dễ hiểu, tác giả không chỉ giúp người đọc làm sáng tỏ những vấn đề trên, mà còn cung cấp cho chúng ta một cách nhìn mới mẻ về nhân học. Theo đó, trong khi đại bộ phận các khoa học xã hội và nhân văn có mục tiêu là tìm hiểu xem văn hóa của con người trên thế giới giống nhau ở chỗ nào, có điểm gì chung, thì xuất phát điểm của nhân học lại là để tìm hiểu xem văn hóa của con người trên thế giới khác nhau ở chỗ nào. Nói cách khác, nhân học là một trong những khoa học hiếm hoi mà mối quan tâm chủ đạo của nó là lý giải sự khác biệt về văn hóa giữa con người ở nơi này và con người ở nơi khác trên thế giới.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Thế giới
***
Nhân học là ngành khoa học có một lịch sử lâu dài. Mặc dù việc giảng dạy và nghiên cứu nhân học tại các trường đại học chỉ bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 tại nước Anh, các tri thức nhân học đã xuất hiện từ rất lâu trước đó, qua vai trò của các nhà thám hiểm, các thương nhân, và các nhà truyền giáo phương Tây trên con đường khám phá những vùng đất xa lạ ở châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và châu Á. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài đó, nhân học đã từng bước khẳng định mình là một trong những khoa học cơ bản trong các khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới. Hiện nay, trong các trường đại học hàng đầu thế giới, kể cả viện công nghệ Massachusetts (MIT), không trường nào không có khoa Nhân học.
Đã hơn mười năm kể từ khi ngành nhân học bất đầu được đào tạo ở bậc đại học ở Việt Nam, trên cơ sở kế thừa và phát triển ngành Dân tộc học. Nhưng “Nhân học là gì”, “Nhân học nghiên cứu gì” và “Học nhân học ra thì làm những công việc gì” vẫn là những câu hỏi lớn và thường trực của các bạn sinh viên, các phụ huynh, các nhà tuyển dụng và công chúng. Khi giới thiệu rằng chúng tôi là nhà nhân học, mọi người thường hỏi chúng tôi rằng nhân học có phải là xem bói hay xem tướng không? Nhân học khác với nhân chủng học hay dân tộc học ở chỗ nào? Học nhân học ra thì biết cái gì, có thể xin việc ở đâu? Và nếu bạn là giám đốc của Thế giới di động, FPT, hay chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh KFC, thì nên tuyển một người học nhân học vào vị trí nào và để làm gì là phù hợp?
Mục đích của cuốn sách này là cung cấp một tài liệu tham khảo dành cho những ai muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi “nhân học là gì”, “kiến thức nhân học có thể được ứng dụng ở đâu”, “một người học ngành nhân học sau khi ra trường có thể làm những công việc gì và tại sao họ lại có thể đảm nhiệm những công việc đó?”.
Cuốn sách này không giải thích tất cả mọi điều về nhân học. Một ngành khoa học có lịch sử hơn một trăm năm chắc chắn không thể tóm lược trong một cuốn sách tham khảo hơn một trăm trang. Cuốn sách này chỉ nói đến một khía cạnh của Nhân học mà tôi cho là nổi bật hơn cả. Đó là nhân học là một trong những khoa học hiếm hoi mà mối quan tâm chủ đạo của nó là lý giải sự khác biệt về văn hóa giữa con người ở nơi này và con người ở nơi khác trên thế giới. Trong khi đại bộ phận các khoa học xã hội và nhân văn có mục tiêu là tìm hiểu xem văn hóa của con người trên thế giới giống nhau ở chỗ nào, có điểm gì chung, thì xuất phát điểm của nhân học lại là để tìm hiểu xem văn hóa của con người trên thế giới khác nhau ở chỗ nào. Tất cả các chương trong cuốn sách này sẽ từng bước phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm mấu chốt đó của nhân học.
Mời các bạn đón đọc Nhân Học - Khoa Học Về Sự Khác Biệt Văn Hóa của tác giả Lâm Minh Châu.