Ngôn Từ là một tự truyện không có những hoài niệm, dẫu ngậm ngùi cay đắng hay cảm động ngọt ngào.
Sartre không hoài niệm, ông mổ xẻ, phân tích, giải mã tuổi thơ của mình bằng con mắt sắc sảo, tỉnh táo và đầy trải nghiệm của một nhà văn đứng tuổi, đứng tách hẳn khỏi cậu bé "ngông cuồng" là chính mình ngày xưa - để đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn:
- Điều gì đã thúc đẩy ông đến với nghiệp văn chương?
Sự phân tích, đánh giá rất “lạnh lùng” ấy đã đem lại sắc thái đặc biệt cho Ngôn từ: một giọng điệu nổi bật là hài hước, mỉa mai, chế nhạo (chủ yếu là tự chế nhạo), xen lẫn với những suy tư triết học vừa chặt chẽ logic vừa phức tạp rắm rối nhưng đầy cuốn hút, câu chuyện về tuổi thơ của Sartre trở nên giống một tác phẩm châm biếm, một tiểu thuyết triết lý, hơn là một tự truyện.
“Văn hóa chẳng cứu vớt được gì cũng chẳng cứu vớt được ai, nó không bào chữa được. Nhưng đó là một sản phẩm của con người: con người tự chiếu mình vào đó, nhận ra mình trong đó; duy nhất chỉ có nó, tấm gương phê phán ấy cho con người thấy hình ảnh của mình".
***
Jean - Paul Sartre
(1905-1980)
Sau khi tốt nghiệp École normals supérieure, Jean-Paul Sartre (1905-1980) lấy bằng thạc sĩ Triết học vào năm 1929. Đây cũng chính là thời kỳ ông quen Simone de Beauvoir - triết gia, nhà văn nổi tiếng nước Pháp, người đã nhìn thấy ở Sartre một "bản sao đáp lại những mơ ước thời niên thiếu" để rồi trở thành bạn đời, người tri kỷ với Sartre đến tận những ngày cuối đời ông.
Trở về từ Thế chiến II, Sartre từ bỏ con người cá nhân chủ nghĩa mà ông từng là vào những năm 1930. Trong chiến tranh, ông đã viết tiểu luận đầu tay sau này trở thành tác phẩm quan trọng nhất của ông và cũng là tác phẩm trọn vẹn nhất về triết học hiện sinh, Tồn tại và hư vô. Những năm sau giải phóng, Jean-Paul Sartre trở thành cái tên nổi tiếng khắp giới trí thức Pháp, được coi như thủ lĩnh của phong trào hiện sinh đang là "mốt" lúc bấy giờ. Trong tạp chí Les temps modernes mà ông sáng lập năm 1945, ông đề cao sự dấn thân như một "mục đích tự thân".
Jean-Paul Sartre luôn giữ niềm tin vào xã hội chủ nghĩa, chống Mỹ, chống chủ nghĩa tư bản và đặc biệt, bài trừ chủ nghĩa đế quốc. Đến tận cuối đời, ông vẫn tiếp tục đấu tranh phản đối chiến tranh Algeria, phản đối tội ác của Mỹ ở Việt Nam, ủng hộ các thuyền nhân và người ly khai Xô viết… Năm 1964, ông từ chối nhận giải Nobel Văn học bởi với ông "không người nào xứng đáng được thừa nhận khi còn sống".
***
“Ngôn từ” của Jean Paul Sartre được mệnh danh là cuốn hồi ký khó đọc nhưng vẫn bán chạy nhất thế giới.
Jean Paul Sartre là văn hào chủ xướng dòng văn học dấn thân, có ích cho cuộc sống, ông được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam với tiểu thuyết Buồn nôn. Nhưng nhà văn đồng thời là nhà triết học hiện sinh này có vài chục cuốn sách mà cuốn nào cũng đình đám danh tiếng ở tầm cỡ hàng đầu thế giới, như Tưởng tượng, Tồn tại và hư vô, Bức tường, Ruồi, Xử kín, Tay bẩn, Những con đường của tự do… Ông đặc biệt nổi bật trong góc độ coi triết học là trung tâm của hoạt động sáng tạo.
Sartre nói ông viết cuốn Ngôn từ như một cuốn tự truyện để kể về tuổi thơ, và nó cũng đồng nghĩa với một lời giã biệt văn học ở thời điểm Sartre đang ngự trên đỉnh cao sự nghiệp. Ấp ủ tới hơn 10 năm mới hoàn thành cuốn sách, Sartre công bố tự truyện này năm 1963 và lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới phê bình và độc giả. Giới phê bình văn học đánh giá Ngôn từ là một kiệt tác của tự truyện.
Sự mổ xẻ, phân tích, đánh giá rất lạnh lùng và sắc sảo của nhà văn về tuổi thơ đã đem lại phong thái đặc biệt cho cuốn sách, và độc giả vẫn dễ dàng nhận ra nét riêng đầy quyến rũ của Jean Paul Sartre - đó là thái độ châm biếm, mỉa mai, giễu cợt, hài hước xen lẫn với tư duy triết học vừa chặt chẽ, logic, vừa phức tạp, rối rắm, khó hiểu.
Không lâu sau khi công bố Ngôn từ, ông được vinh danh tại giải Nobel Văn học năm 1964. Nhưng Jean Paul Sarte là một trong số ít các nhà văn đã từ chối không nhận giải thưởng danh giá này. Đối với Sartre chỉ có một lý do “Một nhà văn không thể bị ràng buộc vào bất cứ giải thưởng chính thức hoặc một tổ chức nào”.
Viết nên lời giã biệt văn học bằng thứ văn đẹp nhất, thể hiện sự đoạn tuyệt với thứ mình hằng tôn thờ, Ngôn từ là kỹ thuật văn chương điêu luyện của Jean Paul Sartre, với sự chú trọng đặc biệt đến phong cách, vẻ đẹp của ngôn ngữ, và còn ẩn chứa những suy nghĩ, phân tích, triết luận về nhiều vấn đề cơ bản của xã hội, về thân phận con người, về bản chất và sứ mệnh của văn học nghệ thuật.
Vẻ đẹp bác học ấy khiến cho Ngôn từ thực sự cuốn hút nhưng không hề dễ đọc, ngay cả đối với độc giả Pháp. Và đương nhiên, tác phẩm gốc ở tầm cỡ như thế là một thách thức đối với dịch giả khi chuyển ngữ sang bất kỳ thứ tiếng nào.
Ngay khi công bố bản dịch Ngôn từ ấn bản tiếng Việt, nhà văn Thuận và dịch giả Lê Ngọc Mai cũng nhận được lời mời nhận giải thưởng ở hạng mục sách dịch của năm 2017 do Hội Nhà văn Hà Nội dự kiến trao tặng. Tuy nhiên, khi Hội Nhà văn Hà Nội liên lạc, cả nhà văn Thuận và đồng dịch giả Lê Ngọc Mai đều từ chối nhận giải thưởng này.
Thuận – tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận, sống trong một gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật. Chị là con dâu của cố nhà thơ Trần Dần, hiện sinh sống tại Pháp với gia đình. Em gái của chị, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi cũng đang sống tại Pháp.
Với văn học, chị chọn bút danh chỉ có một chữ duy nhất, nhà văn Thuận là chủ của rất nhiều tiểu thuyết gây ấn tượng trong văn học Việt Nam đương đại: Made in Vietnam, China town, Paris 11 Tháng 8, T mất tích, Vân vy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4…
Thuận cũng có một số cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Pháp. Thời gian gần đây, độc giả còn được đọc nhiều đầu sách dịch đặc biệt của Thuận: Cho xem đùi nào, Leila (Rashid Al-Daif), Ngôn từ (Jean Paul Sartre). Trong năm 2018, Thuận sẽ công bố tiểu thuyết mới Thư gửi Mina và bản dịch Con miu cái của nàng Sikirida (tựa gốc: La minette de Sikirida) – một tác phẩm khác của nhà văn Rachid El-Daif.
***
Trong một bộ phim tư liệu1 về Jean-Paul Sartre được quay vào đầu thập kỷ 70 và công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Cannes 1976, bốn năm trước khi nhà văn qua đời, khi nhắc đến tác phẩm Ngôn từ, Sartre nói rằng ông viết cuốn sách này - cuốn tự truyện nhỏ về tuổi thơ của mình - để nói lời giã biệt với văn học, và ông đã muốn lời giã biệt ấy phải "được viết bằng một thứ văn đẹp".
Đó là một cuốn tự truyện lạ lùng và một lời giã biệt lạ lùng.
Ý định viết cuốn "tự truyện-giã biệt" ấy bắt đầu nhen nhóm ở Sartre vào đầu những năm 50, lúc ông đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp của mình. Sinh năm 1905, mất năm 1980, với tư cách là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội, Sartre trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng sâu đậm nhất đến đời sống tinh thần của xã hội Pháp trong nhiều thập kỷ giữa thế kỷ 20, đến mức mà có những người đã gọi giai đoạn này là "thế kỷ của Sartre"2. Đầu thập kỷ 50 là thời mà giới trí thức Pháp còn đang say sưa với chủ nghĩa hiện sinh - trào lưu triết học mà Sartre là một trong những người khởi xướng ở Pháp, thời mà tên của Sartre gần như ngày nào cũng xuất hiện trên báo chí truyền thông, thời mà mỗi buổi diễn thuyết của ông đều đông nghẹt người, và, như hồi tưởng của nhà văn Philippe Sollers, hầu như ai trong giới trí thức, sinh viên Pháp lúc bấy giờ cũng ít nhiều là sartrien (người theo trường phái Sartre/ chịu ảnh hưởng của Sartre). Thời điểm ấy, Sartre chưa nói đến chuyện "giã biệt văn học". Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí vào cuối năm 1953, khi đề cập đến dự án viết tự truyện mà ông đang ấp ủ, nhà văn lại nhấn mạnh một khía cạnh khác: theo ông, đó sẽ là một "tự truyện nhưng có tính chất xã hội và chính trị hơn là cá nhân, về quá trình tiến triển của những người thuộc thế hệ (của ông), từ 1905 cho đến Giải phóng (1945), đi qua các năm 1914,1936,1940"3.
Những phác thảo đầu tiên của cuốn tự truyện hình thành vào năm 1954, nhưng sau vài lần viết rồi bỏ dở nửa chừng, phải đến đầu năm 1963 Sartre mới quay lại thực sự tập trung vào viết để hoàn thành bản thảo này. Ngôn từ ra mắt người đọc vào cuối năm 1963, thoạt tiên được in thành hai kỳ trong số tháng Mười và tháng Mười một của tạp chí Les Temps modernes, sau đó được in thành sách vào đầu năm 1964, chín tháng trước khi Sartre được trao giải Nobel văn học, giải thưởng mà nhà văn đã từ chối bởi không muốn bị ràng buộc vào bất cứ tổ chức nào, bởi ông cho rằng khi mình ký tên là "Jean- Paul Sartre, nhà văn đoạt giải Nobel" thì sẽ không còn giống với khi chỉ ký đơn giản là "Jean-Paul Sartre". Và có lẽ còn bởi vì trong quan niệm của ông - một quan niệm hình thành từ thời thơ ấu, hằn sâu trong tâm trí cậu bé Poulou (tên gọi ở nhà của Sartre thuở nhỏ) và trở đi trở lại nhiều lần trên những trang sách Ngôn từ, - thì con người ta chỉ xứng đáng được vinh danh khi đã qua đời, cũng giống như một cuốn sách chỉ có thể được người đọc đánh giá khi đã gập lại trang cuối, và điều đó cũng có nghĩa là vinh quang đến cùng với sự chấm dứt: vinh quang đồng nghĩa với cái chết.
Ngay khi vừa ra mắt, Ngôn từ lập tức được đón nhận nồng nhiệt và đã góp phần quan trọng trong việc giải Nobel văn học được trao cho Sartre sau đó ít lâu. Giới phê bình văn học Pháp coi đây là "kiệt tác của tự truyện thế kỷ 20", một sự đánh giá mà thoạt nhìn có vẻ như "quá cỡ" đối với một cuốn sách nhỏ chỉ chừng 200 trang, nội dung chỉ giới hạn ở hơn chục năm đầu đời của tác giả - từ 1905 đến 1917, - khiêm tốn hơn nhiều so với cái dự án quy mô ban đầu của chính Sartre về một tác phẩm "tự truyện xã hội-chính trị" trải dài qua mấy chục năm với nhiều biến cố lịch sử trọng đại.
Có gì đặc biệt ở những hồi ức tuổi thơ mà Sartre kể lại trong Ngôn từ? Đó không phải là một "tuổi thơ dữ dội" dù câu chuyện mở đầu bằng cái chết của người cha diễn ra đồng thời với trận ốm thập tử nhất sinh của cậu bé Poulou ngay lúc mới lọt lòng, và dừng lại khi nước Pháp vẫn đang chìm trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất. Theo cái nhìn của Sartre, cái chết quá sớm của người cha đã trao tự do cho cậu con trai (cái tự do khỏi bị bậc sinh thành uy quyền "cưỡi trên lưng" như hình tượng mà Sartre mượn ở thần thoại Hy Lạp để diễn tả), những cơn sốt mê man của cậu bé Poulou lại giúp cho cậu "được lợi" vì không phải trải nghiệm nỗi đau khi "nhát kéo cuối cùng đang cắt đi mối quan hệ mẫu tử", còn cuộc đại chiến thế giới khốc liệt thì hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường nhật của Poulou ngoài việc khiến cậu bé "buồn chán" vì không được tiếp tục xem những tạp chí truyện tranh yêu thích phát hành trước chiến tranh. Tóm lại, dường như không có gì là bi kịch ở những sự kiện tưởng chừng bi kịch ấy. Cũng hầu như chẳng có những kỷ niệm nhuốm vẻ đẹp thi vị của dĩ vãng thường thấy ở thể loại tự truyện - trừ một vài đoạn ngắn ngủi viết về bà mẹ của nhà văn - dù câu chuyện đề cập đến một quãng đời khá êm đềm của cậu bé Poulou, được bao bọc trong sự yêu thương chiều chuộng hết mức của mẹ và ông ngoại. Ngôn từ là một tự truyện không có những hoài niệm, cả ngậm ngùi cay đắng lẫn cảm động ngọt ngào. Sartre không hoài niệm, ông mổ xẻ, phân tích, giải mã tuổi thơ của mình - bằng con mắt lạnh lùng, sắc sảo, không thương xót và đầy trải nghiêm của một nhà văn đứng tuổi, đứng tách hẳn ra cậu bé "ngông cuồng" là chính mình ngày xưa - để đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: điều gì đã thúc đẩy ông đến với nghiệp văn chương? Sự mổ xẻ, phân tích, đánh giá rất lạnh lùng và sắc sảo ấy đã đem lại sắc thái đặc biệt cho Ngôn từ: với giọng điệu nổi bật là hài hước, mỉa mai, chế nhạo (chủ yếu là tự chế nhạo), xen lẫn với những suy tư triết học vừa chặt chẽ logic vừa phức tạp rắm rối nhưng đầy cuốn hút, câu chuyện về tuổi thơ của Sartre trở nên giống một tác phẩm châm biếm, một tiểu thuyết triết lý, hơn là một tự truyện.
Sartre không bao giờ giải thích vì sao câu chuyện về đời ông trong Ngôn từ dừng lại đột ngột ở năm 1917, khi ông mới mười hai tuổi, nhưng thời điểm này trùng hợp với một biến cố lớn trong đòi Sartre: mẹ ông tái hôn vào tháng Tư năm đó, Sartre theo mẹ rời ngôi nhà của ông bà ngoại ở Paris để chuyển đến La Rochelle sống cùng người cha dượng mà ông không sao hòa hợp nổi và bắt đầu một giai đoạn u ám đối với ông (kéo dài ba năm, cho đêh 1920 là năm mà Sartre được gửi trở lại Paris để đi học trung học ở thủ đô), giai đoạn mà sau này ông gọi là "những năm tồi tệ nhất của đời tôi". Có lẽ, như một số nhà phê bình văn học phỏng đoán, Sartre tránh nhắc lại đoạn đời ấy để khỏi làm phiền lòng người mẹ mà ông rất yêu thương. Đáng tiếc là ông cũng không kể về những năm tiếp theo, dù ban đầu đã dự định kéo dài nội dung cuốn tự truyện đến tận 1945, và dù khoảng thời gian giữa 1920 và 1945 chính là thời kỳ hình thành và chín muồi của ông với tư cách nhà văn-nhà triết học. Đầu thập kỷ 60, khi Sartre bắt tay vào viết bản thảo Ngôn từ lần cuối, cũng là lức mà phần lớn thời gian và tâm huyết của ông bắt đầu dồn vào các hoạt động "trí thức dấn thân", văn học dần dần không còn chỗ trong những mối quan tâm hàng đầu của ông nữa: có thể, đây là một trong những lý do cơ bản khiến cho Ngôn từ không có phần tiếp theo như dự kiến?
Dù thế nào đi nữa, không phải ngẫu nhiên mà cuốn tự truyện về tuổi thơ của Sartre lại là tác phẩm mà nhà văn dùng để nói lời giã biệt văn học. Chính xác hơn, Sartre muốn giã biệt một thứ văn học nhất định, thứ văn học mà ông cho là một bộ phận của văn hóa trưởng giả, viết bằng ngôn ngữ của giới trưởng giả và hướng tới độc giả thuộc giới này, với quan niệm về quyền lực tuyệt đối của ngôn từ và khả năng cứu rỗi con người bằng Cái Đẹp. Sinh ra trong một gia đình trí thức tiểu tư sản, được giáo dục bởi ông ngoại là một nhà giáo tôn thờ văn chương như một thứ tôn giáo, Sartre lớn lên trong sự tôn thờ văn học ấy và, như ông kể lại trong cuốn tự truyện, "thiên chức nhà văn" ở ông được quyết định ngay từ những ngày thơ ấu. Để rồi, mấy chục năm sau, khi đã có đủ vinh quang danh vọng trong nghề nghiệp, nhà văn nhìn lại chặng đường đi của mình và có những lời tự đánh giá khá nghiệt ngã: "Tôi đã thấy những đứa trẻ chết đói. Trước một đứa trẻ đang hấp hối, cuốn Buồn nôn chẳng có ý nghĩa gì."4 (Buồn nôn là tên một tiểu thuyết của Sartre, xuất bản năm 1938: đây là tác phẩm văn học đầu tiên đem lại danh tiếng cho ông). Đề cao văn học dấn thân, văn học có ích, văn học viết cho thời đại mình và nhằm góp phần giải quyết những vấn đề tức khắc của thời đại, Sartre trở nên cực đoan đến mức ở phần cuối của Ngôn từ, ông đã gọi những hoạt động văn học trước đây của ông là "một căn bệnh điên rồ lâu dài, cay đắng và dịu ngọt" mà ông cho rằng mình đã may mắn chữa khỏi. Ông quyết định "tính sổ" với quá khứ bằng cách trở về ngọn nguồn, trở về tuổi thơ - về cái thời mà cậu bé Poulou đã "ngạo mạn nhận vào mình" sứ mệnh nhà văn như là người cứu rỗi nhân loại - để giải ngộ những huyền thoại xưa cũ gắn với văn học và thiên chức nhà văn. "Tôi đề nghị mọi người hãy coi cuốn sách này đúng như nó là: một công việc giải ngộ" - Sartre đã khẳng định rõ ràng như vậy trong lời tựa ngắn mà ông viết cuối năm 1964 cho bản dịch tiếng Nga của cuốn Ngôn từ. Và ông muốn giã biệt văn học chính bằng sự giải ngộ ấy.
Nhưng Sartre là một con người đầy mâu thuẫn, như chính ông tự nhận. Là một trí thức cánh tả phương Tây điển hình của thời đại ông, sống hết mình với những chính kiến của bản thân, Sartre luôn luôn đứng về phía những người nghèo, những kẻ yếu, những người bị đàn áp, và do vậy, thường ở vào vị trí đối nghịch với giai cấp xuất thân của mình. Ủng hộ nhiệt thành các phong trào công nhân ở Pháp, các cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa - giải phóng dân tộc ở các nước Á-Phi trong thế kỷ 20, đến tuổi sáu mươi ông vẫn không do dự khi lên tiếng bảo vệ giới trẻ Pháp trong cuộc nổi dậy của họ chống lại thể chế hiện hành vào tháng Năm năm 1968… Với tinh thần ấy, ở tư cách nhà hoạt động văn hóa, Sartre muốn đoạn tuyệt với nền văn hóa trưởng giả là môi trường xuất thân của ông và gắn bó mật thiết với ông nhưng "xa lạ với quần chúng", để hướng tới một nền văn hóa vì tầng lớp nhân dân lao động và gần gũi với họ. Nhà văn nhận thức điều này như một mâu thuẫn không dễ hóa giải trong con người ông: "Cá nhân tôi cảm nhận sâu sắc mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa: tôi được tạo nên bởi những mâu thuẫn này."5 Trong Ngôn từ, Sartre tự gọi mình là "kẻ phản bội" ("Tôi đã trở thành kẻ phản bội và tôi vẫn là như thế"), tuy vậy, đối với ông, "phản bội" giai cấp của mình trong các hoạt động xã hội-chính trị dường như dễ hơn nhiều so với "phản bội" trong lĩnh vực văn hóa-văn học. Với Ngôn từ, Sartre cho rằng ông đã "khỏi bệnh", đã nói xong lời giã biệt với thứ văn học mà theo ông là cần phải đoạn tuyệt. Thế nhưng, gần mười năm sau khi viết Ngôn từ, Sartre lại thừa nhận: "Thực ra, sự việc không đơn giản như vậy (…) Dù tôi luôn luôn phản đối giới trưởng giả, các tác phẩm của tôi là dành cho họ, viết bằng ngôn ngữ của họ… Từ mười bảy năm nay tôi gắn bó với một tác phẩm về Flaubert mà chắc chẳng khiến giới công nhân quan tâm bởi nó được viết bằng một phong cách phức tạp và hẳn là có tính chất trưởng giả (…) Do đó trong tôi tồn tại một mâu thuẫn rất đặc biệt: tôi vẫn còn viết sách cho giới trưởng giả và tôi tự cảm thấy mình đoàn kết với những người lao động muốn lật đổ giai cấp ấy."6
Ngôn từ thể hiện rõ mâu thuẫn đặc biệt này của Sartre: tác phẩm dùng để giã biệt thứ văn học mà nhà văn muốn đoạn tuyệt lại được ông viết bằng chính thứ văn học ấy, ở mức độ điêu luyện rất cao của nó, với sự chú trọng đặc biệt đến phong cách, đến vẻ đẹp của ngôn từ, với những suy nghĩ và phân tích sâu sắc đầy tính triết lý về nhiều vấn đề cơ bản của xã hội, về thân phận con người, về bản chất và sứ mệnh của văn học nghệ thuật…, nhưng lại không thực sự liên quan trực tiếp đến những vấn đề thời sự nóng bỏng như thứ văn học dấn thân, có ích mà Sartre đề xướng. Điều này khiến cho giới phê bình văn học Pháp gọi Ngôn từ là một lời giã biệt văn học đầy nghịch lý. Nhưng đó chính là chủ ý của Sartre: ông đã muốn tác phẩm-giã biệt này phải được viết bằng một thứ văn đẹp, phải là tác phẩm có tính văn học nhất trong các tác phẩm của ông. Và đúng là như vậy: những câu văn trong Ngôn từ được viết một cách tinh tế với những hình ảnh đắt giá và nhiều tầng ý nghĩa (Sartre đặc biệt chú trọng tính đa nghĩa của văn chương, ông cho rằng cái phân biệt ngôn ngữ văn học với ngôn ngữ sử dụng trong đời thường chính là tính đa nghĩa này, rằng mỗi người đọc tùy thuộc vào trình độ và trải nghiệm của mình sẽ có những cấp độ hiểu khác nhau, và, thậm chí, "nếu không có khả năng đem lại cho ngôn ngữ tính đa nghĩa thì chẳng cần mất công viết làm gì"7). Là sản phẩm của một nhà văn cực kỳ uyên bác và đa tài, những trang viết trong Ngôn từ nặng chất trí tuệ với nhiều kiến thức trong những lĩnh vực rất khác nhau: thần thoại Hy Lạp-La Mã, văn học Pháp và thế giới từ cổ đến kim, âm nhạc, điện ảnh, triết học, tôn giáo, tâm lý học, văn hóa, lịch sử, thậm chí cả vật lý nữa. Tóm lại, như một số nhà phê bình văn học Pháp nhận xét, vẻ đẹp của Ngôn từ là một vẻ đẹp bác học (beauté savante).
Vẻ đẹp bác học ấy khiến cho Ngôn từ cuốn hút nhưng không dễ đọc, ngay cả đối với độc giả Pháp, và vì vậy, đương nhiên, nó cũng làm cho việc chuyển ngữ tác phẩm này trở thành một thử thách lớn đối với chúng tôi, những người dịch Ngôn từ sang tiếng Việt. Nhận thức được tính chất phức tạp của công việc này, những người dịch đã cố gắng làm việc một cách cẩn thận, nghiêm túc, đồng thời tham khảo cả ý kiến của bạn bè Pháp, Việt đối với những trường hợp mà chúng tôi thấy phân vân. Dù vậy, bản dịch chắc chắn vẫn còn những thiếu sót mả chúng tôi mong được bạn đọc lượng thứ. Nhân đây, xin chân thành cám ơn bạn bè và người thân đã dành thời gian giúp đỡ cho việc dịch cuốn sách này, đặc biệt xin cảm ơn Paul Galvan ở Ecole normale supérieure (Paris) đã đóng góp nhiều ý kiến rất quý giá.
Để giúp độc giả Việt Nam - vốn xa lạ với văn hóa, văn học, lịch sử Pháp và châu Âu - những người dịch đã cố gắng đưa vào bản dịch này nhiều chú thích (không có trong bản gốc của tác giả, vốn hướng tới độc giả Pháp với một nền tảng văn hóa khác) nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết cho việc hiểu tác phẩm. Tuy rằng chưa đầy đủ, nhưng chúng tôi hy vọng điều này sẽ có ích phần nào cho bạn đọc trong việc khám phá và thưởng thức Ngôn từ, tác phẩm lớn của một nhà văn lớn tiêu biểu cho văn học Pháp thế kỷ 20.
Tháng Hai năm 2017
Lê Ngọc Mai
Mời các bạn đón đọc Ngôn Từ của tác giả Jean Paul Sartre.