Quốc sử tạp lục là cuốn sách khảo cứu lịch sử đặc sắc, và cũng là duy nhất, của vị học giả tài năng sinh bất phùng thời Nguyễn Thiệu Lâu.
Cuốn sách là tập hợp gần như trọn vẹn các bài viết, bài tiểu luận về lịch sử đã đăng báo của tác giả, do gia đình, bè bạn thực hiện sau khi ông qua đời được hai năm. Với “ao ước được một bộ sử nước nhà viết bằng tiếng mẹ đẻ, kê cứu theo phương pháp khoa học”, Nguyễn Thiệu Lâu đã từng bước khơi lại những sự kiện và nhân vật ít được quan tâm, chất vấn những quan điểm sử học thiên lệch và cảm tính… Ông dành mối quan tâm đặc biệt đến thế kỷ XIX với những sự kiện lịch sử thăng trầm vừa hào hùng vừa bi phẫn trong cuộc trị bình và bảo vệ đất nước của ông cha, như một cách cất lên tiếng nói ưu hoài về vận mệnh dân tộc. Đứng giữa ba động của lịch sử thế kỷ XX, bị kẹt trong những mâu thuẫn dằng dai của thời đại, Nguyễn Thiệu Lâu rốt cuộc đã chọn cho mình hành trình của một trí thức chân chính trên con đường sử học nhiều trắc trở, gian nan.
Quốc sử tạp lục, tuy chưa phải một “bộ sử nước nhà” đúng như tác giả của nó từng ao ước, nhưng xứng đáng là một di sản văn hóa độc đáo, đem đến nhiều tư liệu và quan điểm giàu sức khơi gợi cho các thế hệ nghiên cứu sau.
***
Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967) thuộc thế hệ trí thức trưởng thành thời Pháp đô hộ Việt Nam. Ông là phụ tá của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, cộng tác viên tạp chí Thanh Nghị (1940-1945).
Tham vọng của ông rất lớn: viết một bộ quốc sử vượt gộp Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim [Trần Trọng Kim trở thành một điểm mốc trong câu chuyện trí thức thời thuộc địa; Trần Ngọc Ninh sau này nhắc nhiều đến Trần Trọng Kim: ngưỡng mộ Việt Nam sử lược và phê phán kịch liệt Việt Nam văn phạm]. Nhưng suốt đời ông chưa bao giờ in được sách. Quốc sử tạp lục là cuốn sách được người bạn Lê Văn Siêu [tôi không biết Lê Văn Siêu là ai] và con cháu tập hợp từ các tiểu luận được Nguyễn Thiệu Lâu viết từ năm 1942 đến năm 1962. Sách xuất bản lần đầu năm 1970 và mới được tái bản tháng Mười một 2018.
Các tiểu luận của Nguyễn Thiệu Lâu được những người biên soạn chia làm năm phần. Phần mở đầu là “Quan điểm viết sử của tác giả”. Phần thứ nhất: “Ký ức của tác giả”. Phần thứ hai là “Khảo sử” gồm hai chương: “việc bang giao” và “việc trị nước”. Phần thứ ba là “Danh nhân lịch sử”. Phần cuối là phụ lục.
Trong phạm vi bài điểm sách, tôi chọn phân tích một tiểu luận được đặt ở phần phụ lục cuốn sách “Một trong những tội nặng mà vua Lê Thánh Tôn đã muốn trị: Sự loạn luân của người Mường, Mán”. Đây là tiểu luận duy nhất Nguyễn Thiệu Lâu phân tích trên phương diện xã hội học. Nghiên cứu xã hội học là tìm cái lí của một khối xã hội nó lộn xộn nếu chỉ nhìn bằng con mắt của người bình thường.
Trong thời gian cai trị từ 1460-1497, vua Lê Thánh Tôn đã ban điều luật thứ hai mươi tư: “Các dân thường [sic, chữa lại là “Mường”], Mán ở ngoài bờ cõi, nên giữ lời di huấn, không được trái đạo luân thường như cha, anh, chú, bác đã chết thời con, em không được chiếm những thê, thiếp. Nếu mà trái phép thời sẽ trị tội rất nặng.”. Nguyễn thiệu Lâu không phân tích điều luật của vua Lê Thánh Tôn. Ông đi tìm cái lí của sự kiện hôn nhân này ở xã hội Mường, Mán.
Thứ nhất, Nguyễn Thiệu Lâu vượt qua lương tri (common sense). Ông không chỉ trích sự kiện xã hội này mà coi đây là một sự kiện xã hội bình thường. Cuộc hôn nhân giữa con trai – thiếp của cha, chú và bác là một hình thức của hôn nhân.
Trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Engels viết: trong một giai đoạn của lịch sử, người đàn bà là sở hữu của cả đại gia đình. Bất cứ người đàn ông nào (con, cháu, anh em ruột của người chồng) cũng có quyền sở hữu, giao cấu với người đàn bà. Nguyễn Thiệu Lâu không đi ra quỹ đạo của Engels khi phân tích: người đàn bà là một hàng hóa được đại gia đình mua về. Họ thuộc sở hữu của đại gia đình.
Nguyễn Thiệu Lâu lưu ý: người Mường, Mán không tồn tại hình thức hôn nhân nội tộc: anh trai – em gái, em trai – chị gái, cha – con gái, cháu gái,… Người Mường, Mán tránh hình thức hôn nhân nội tộc bởi vì người đàn bà được đại gia đình mua về là người ngoài.
Nguyễn Thiệu Lâu sử dụng tiếp phương pháp so sánh: tại sao người Việt ở đồng bằng không cho phép hình thức hôn nhân trên của người Mường, Mán?
Ông rất sáng suốt nhìn thấy khuôn phép luân lý Nho giáo là lý do quá đơn giản để giải thích. Vì một chính sách của chính quyền có tác dụng chỉ khi nó phù hợp với điều kiện sinh hoạt, kinh tế của xã hội. Không chỉ luân lý Nho giáo khuôn ép người dân đồng bằng Bắc Bộ mà chính điều kiện sinh hoạt, kinh tế của họ phù hợp để thực hiện các chính sách.
Do phương pháp nghiên cứu của xã hội học, Nguyễn Thiệu Lâu loại bỏ lý do thuộc tâm lý học (như ham muốn quan hệ tình dục giữa con trai và mẹ) của sự loạn luân ở người Mường, Mán. Vì vậy Nguyễn Thiệu Lâu tìm câu trả lời bằng cách so sánh điều kiện sinh hoạt và kinh tế của người Việt ở đồng bằng và người Mường, Mán.
Điều kiện kinh tế, sinh hoạt của người Mường, Mán không phát triển bằng người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Công cụ sản xuất còn thô sơ nên cần nhiều lao động trong một thời gian nhiều hơn để hoàn thành một công việc. Gia tăng dân số là điều bắt buộc của các xã hội Mường, Mán.
Tuy nhiên nhiệm vụ này gặp ngoại trở lớn. Dựa vào số liệu, ông nhận ra vấn đề: tỷ lệ sinh/tử của người Mường, Mán thấp hơn rất nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ. Theo quan sát thực địa của Nguyễn Thiệu Lâu, phụ nữ đồng bằng mắn đẻ. Dù gia đình nghèo đói, trẻ em vẫn đông đúc và tỷ lệ tử vong ở trẻ em không cao bằng khu vực người Mường, Mán sinh sống.
Ngoài lí do người đàn bà thuộc quyền sở hữu đại gia đình, Nguyễn Thiệu Lâu đưa ra một lý do nữa của hôn nhân giữa con trai – thiếp của cha, chú và bác. Đó là gia tăng dân số.
Hình thức hôn nhân trên chỉ phổ biến ở đàn bà mắn đẻ. Một người đàn bà mắn đẻ tái sản xuất sức lao động trong tương lai. Đồng thời, phụ nụ có sức đề kháng lại bệnh tật và sức sinh tồn mạnh hơn nam giới. Lý do trên càng quan trọng hơn nếu chúng ta xét tình trạng đàn bà mường Mường, Mán sảy thai xảy ra thường xuyên hơn nhiều ở vùng đồng bằng.
Một lý do nữa để lý giải hiện tượng loạn luân mà Nguyễn Thiệu Lâu gợi mở là khí hậu khu vực người Mường, Mán sinh sống rất độc. Dù ông chưa giải quyết được vấn đề đã nêu ra nhưng Nguyễn Thiệu Lâu đã cố gắng đi tìm cái lí của loạn luân.
Tôi chưa xác định được thời điểm Nguyễn Thiệu Lâu đã viết tiểu luận này. Và Trần Thiệu Lâu có quen biết Bửu Lịch hay Trần Ngọc Ninh không?
Mời các bạn đón đọc Quốc Sử Tạp Lục của tác giả Nguyễn Thiệu Lâu.