ĐỌC KỸ SÁCH NÀY MỚI BIẾT BỐC THUỐC CHỮA BỆNH
TRỊ BỆNH PHƯƠNG PHÁP
(KHÁI THUYẾT)
(Dạy biện chứng lập phương thuốc chữa các bệnh)
(Tài liệu cho các lang y ; giúp cho các Bác-sỹ ;
y-sỹ, dược-sỹ Tây-y muốn tham khảo Đông-y)
Nhà thuốc THƯỢNG-ĐỨC
15, Phố nhà Chung, Hanoi
« Xuất bản giữ bản quyền »
Cấm phỏng theo và bắt chước
(Muốn dịch ra tiếng ngoại quốc phải xin phép nhà xuất bản)
1953
***
Chương trình chia từng khóa, mỗi khóa 6 tháng : Khóa đầu là sơ học (dạy tất cả những cần thiết lúc đầu học thuốc). Khóa thứ hai là Trung học (trau dồi lý luận, thực hành về y dược). Khóa thứ ba là đại-học (dạy người học thuốc có thể phát biểu được lý thuyết về Đông-y). Mỗi khóa, học phí 400$00. Có thể chia trả tiền học làm 2 kỳ, tam cá nguyệt. Một tháng có 2 bài học đều đóng thành từng quyển bìa da mạ vàng. Học hết mỗi khóa đều có bằng công nhận của nhà trường cấp cho để khi làm thuốc được thêm phần giá trị.
Nhà trường do ông Lê Ngọc Vũ – tiền Giám-đốc nhà thuốc Thượng Đức sáng lập. Giúp việc thường xuyên cho nhà trường có một ban giáo sư chuyên nghiệp : Gồm có cụ Ng. tử Siêu, cụ Thủ-khoa Nguyễn-Tảo, cụ Lê thanh Sơn, Hoàng kim Ngọc và mấy vị bác-sỹ Tây-y cùng mấy cụ khoa-bàng cựu học làm cố vấn. Hàng tháng, vào ngày 15 dương lịch nhà trường sẽ cử một vị trong ban nghiên cứu tiếp các học sinh, trao đổi tư tưởng giải thích những chỗ học sinh cần hỏi vào buổi sáng từ 9 giờ đến 12 giờ.
***
Nghề làm thuốc rất khó khăn, sách thuốc nhiều như rừng như bể. Người học thuốc phải kiên tâm vững chí, không tiếc ngày giờ, không ngại khó nhọc, coi như mưa rầm, không thấy nước đâu, mà lâu lâu có thể thắm nhuần đến từng đất sét… Tuy vậy, thấy khó mà nản nó là cái thông bệnh của hết thẩy mọi người. Giờ muốn tránh sự chán-nản ấy, chi bằng để học-giả hãy biết qua cái đại khái, gợi thêm tấm lòng ham thích, rồi do đó mà tiến dẫn mãi, qua dễ đến khó, lại qua khó đến dễ… Tức là sẽ đạt được kết quả mỹ-mãn.
Tập Khái thuyết này tức là để gợi tấm lòng ham thích đó. Sẽ chọn những bệnh thông thường tại sao mà phát ra, về phương pháp điều trị, mỗi một chứng bệnh có bài thuốc chữa riêng, chia từng mục : Dược vị, chủ trị, bệnh giải, giải nghĩa bài thuốc, quảng luận về chứng bệnh ấy và phương pháp gia giảm để học-giả dễ hiểu ; có thể xem chữa bệnh này mà tự biết chữa được bệnh khác.
Trước khi học lập phương thuốc chữa bệnh, học-giả cần phải biết rõ những cốt yếu sau đây sinh ra bệnh thì mới hiểu rõ nguyên cớ để lập phương thuốc :
PHONG : Phong là đầu bách bệnh, tùy thời vận khí mà biến phát. Mùa Đông là hàn-phong, mùa Xuân là ôn-phong, mùa Hạ là nhiệt-phong, mùa Thu là lương-phong. Nội kinh nói rằng : Phong ở trong phải chữa bằng thuốc cay, thuốc mát vì phong thuộc mộc, cay thuộc Kim dùng thuốc Kim khắc lại Mộc thì bệnh khỏi. Tuy dùng thuốc có chất cay mát để chữa nhưng lại phải dùng thêm thuốc có những chất Đắng Ngọt để phụ vào cách chữa nữa. Vị đắng thì đỡ được cay vì sợ cay nhiều sẽ hại đến chân khí. Ngọt thì ích được khí.
HÀN : Nội-kinh nói : Hàn ở trong dùng thuốc Ngọt, thuốc nóng để chữa vì Hàn thuộc Thủy, thuốc ngọt thuộc Thổ, Thổ khắc Thủy nên bệnh khỏi. Dùng thuốc có chất Ngọt, Nóng để khỏi bệnh nhưng lại phải dùng thuốc có chất Đắng, chất Cay chất Mặn để phụ vào cách chữa nữa, vị thuốc Đắng để tả nhiệt, bền thận, bổ ở trong. Thuốc mặn để tả, thuốc cay để nhuận vì trong ráo.
THỬ : Nắng nực mà sinh bệnh, yên lặng mà trúng thử là Âm-thử, vì thử khí bị lạnh không bốc ra được nên bị phải, làm công việc lao động mà bị thử-bệnh là trúng-nhiệt, hay là dương-thử, vì thử khí bị nóng bốc ra nên mắc phải.
THẤP : Thấp là ẩm thấp, bị hàn là Hàn-thấp, bị nhiệt là Nhiệt-thấp, bị Phong là Phong-thấp, bị táo là Táo-thấp. Hiện ra chứng gì phải chữa chứng ấy, Thấp ở trên nên tán, Thấp ở giữa nên ráo, Thấp ở dưới nên thanh. Nội kinh nói : Các chứng Thấp, chứng Đầy đều thuộc Tỳ, chữa Thấp nên chữa ở Tỳ, Chữa Thấp nên lấy thuốc Đắng thuốc Nhiệt ; vì thuốc đắng-nhiệt thì ráo được Thấp, lại dùng thuốc có chất chua, chất nhạt chữa thêm nữa. Chua thuộc Mộc, Mộc khắc Thổ (thấp) bệnh sẽ khỏi.
TÁO : Táo là khô ráo, Phế hay bị ráo trước. Vì Phế ở cao nhất, Phế đã bị ráo thì Tỳ cũng ráo ; huyết khô, tinh hết đều ở Phế táo mà sinh ra cả. Nội kinh nói : Ráo ở trong chữa bằng thuốc ôn, thuốc đắng để hạ xuống vì táo là Kim, thuốc đắng thuộc Hỏa, Hỏa khắc Kim bệnh sẽ khỏi, lại dùng thêm thuốc có chất ngọt, chất cay để chữa nữa, vì ngọt thì hoãn, cay thì nhuận.
HỎA : Hỏa là lửa, Hỏa ở ngoài thì nên tán, nếu không tán ngay thì biến ra uất hỏa. Hỏa hư bốc lên thì phải bổ phải hoãn. Hỏa thực thì nên tả nên thanh, Hỏa vì hư mà phù lên, phải dẫn hỏa về, Hỏa hư bốc ra nên liềm hỏa lại. Nội kinh nói : Hỏa dâm (Tướng hỏa hay Thận hỏa) ở trong phải lấy thuốc mặn, thuốc lạnh để chữa và dùng thêm thuốc có chất cay, chất đắng, chất chua. Cay để tư nhuận, đắng để tả được nhiệt, chua để thu liễm.
Vậy chữa về Hỏa có bốn phép : Thanh Hỏa, Giáng Hỏa, Tả Hỏa, Phạt Hỏa. Thanh Hỏa là làm cho bớt sức đi. Giáng Hỏa là lôi xuống. Tả Hỏa là đổ bớt đi, Phạt Hỏa là chém, chặt cái Hỏa đi.
Đờm là trọc khí người ta sinh ra, vì khí tỳ đục nên thành đàm, chữa đàm cốt chữa ở Tỳ.
Phương-Thư nói : Ngọn bệnh đàm ở Tỳ mà gốc ở Thận. Thận là tiên-thiên Thủy hỏa, Tỳ là hậu thiên khí huyết, Thủy hỏa kém, khí huyết mới suy nên sinh ra đàm. Chữa đàm có nhiều cách :
1) Tán đàm : Làm cho đàm tan đi (Đàm ở biểu, Thấp đàm bế tắc, Phong thấp đàm).
2) Thổ đàm : Làm cho đàm thổ ra, vì đó là nhiệt đốc kết thành đàm (Nhiệt độc đàm, Tích ẩm đàm, Phong đàm, Khí đàm, Hàn đàm).
3) Giáng đàm : Thực đàm thì phải làm cho đàm giáng xuống (Giáng Phế đàm, Giáng Tâm đàm, Giáng Tỳ đàm, Giáng Thận đàm, Giáng Can đàm, Giáng đàm ở ngoài màng).
4) Ráo đám : Hàn-đàm thì phải làm cho ráo (Hỏa kém, hàn khỏe hơn, đàm khí sôi lên là thủy phiếm vi đàm phải dùng thuốc bát vị để thu lại. Thủy khí nghịch lên, Tỳ khí không vận hóa được cũng thành đàm, phải dùng bài thuốc Lục-quân hay Tứ-quân để trừ đàm).
CHỮA BỆNH HƯ YẾU KHÔNG NÊN CÔNG ĐÀM : Đàm là tân dịch người ta hóa ra, tân dịch nhân vì cớ gì không lưu thông mà thành đàm, chứ đàm không sinh ra bệnh. Người hư yếu đã lâu chớ thấy có đàm mà chuyên chủ chữa đàm, vì công đàm thì hao tâm dịch tổn nguyên khí. Phải chữa bệnh, đờm sẽ khỏi.
Khí là nơi chất hơi. Tạng, Phủ, Huyết mạch, Gân Xương, Da, Thịt mà vận hóa được là nhờ có hơi. Khí là quan trọng nhất trong thân thể người ta. Khí gốc ở Thận, ngoài da gốc ở Phế, thống lĩnh ở Tỳ. Như thế mới hộ vệ được ở ngoài, thông hành được ở trong. Khí nhiều là hỏa Khí, khí kém là hàn Khí. Bách bệnh phát sinh đều bởi khí, uất khí thì tại phế trước. Chữa khí có nhiều cách :
1) Khí bất túc phải bổ : Bổ phế khí, bổ tỳ khí, bổ can khí, bổ tâm khí, bổ thận khí.
2) Khí huyết hãm phải thăng đề : Thăng phế khí, Thăng vị khí, Thăng can khí.
3) Khí bế tắc phải thông hành : Thông Tâm khí, thông Tỳ khí, thông Can khí, thông biểu khí, thông khí ở các khiếu, thông khí ở huyết mạch, thông dương khí, Thông tích âm Khí.
4) Khí vì chật hẹp chướng đầy, phải làm cho rộng ra : Khoan Tỳ-Phế-Thận-Khí, khoan Tỳ Vị khí. Khoan bàng-quang và Thận khí, khoan Tiểu-phúc, khoan Can khí bế tắc, khoan khí hữu hình ở trong hay ở ngoài.
5) Khí nghịch không đi xuống được phải giáng Phế khí, giáng Tràng khí, giáng Thận khí, giáng Vị khí, giáng Phế khí, giáng Thận khí, giáng Tỳ khí và Phế khí.
6) Khí kết phải phá ra : Phá kết khí Phế ở phía trên, phá kết khí Phế ở phía dưới, phá kết khí ở Can, Vị, Kinh lạc.
7) Khí tán phù lên, phải liễm khí lại : Liễm Phế khí, liễm Can khí, liễm Thận khí, liễm Tỳ, Vị, Phế khí.
Mời các bạn đón đọc Trị Bệnh Phương Pháp (Khái Thuyết) của tác giả Nhà Thuốc Thượng Đức.