Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thề Non Nước

TIẾNG ĐÀN XUÂN : Một cuốn sách xuân đặc-biệt, in rất mỹ-thuật, phụ thêm nhiều tranh ảnh của những họa-sĩ có tiếng. Ngoài thơ, ca tiểu-thuyết còn có « thuốc nuôi xuân » dâm rượu bổ sức, cùng bùa-chú, thần-tiên pháp-thuật dạy người ta tàng hình, dùng sức thiêng-liêng cho nhân-tình yêu, thăng quan, phát tài. Chuyện là như những cuộc đấu xảo cười, đấu xảo khảo, đấu xảo chết, nhà xéc ho, v.v… do toàn những tay danh bút như Nguyễn-mạnh-Bổng, Mai-đăng-Đệ, Trịnh-đình-Dư, Vũ-duy-Thiện, Nguyễn-tiếng-Lãng, Nguyễn-Tố, Trần-văn-Huy, Nguyễn-xuân-Ngoạn, Tạ-mạnh-Khải, Nguyễn-văn-Phúc, Ái-Liên, Lê-thục-Nữ, v.v… Dày 80 trang, Giá 0p.28 một cuốn mỹ-thuật.

RỪNG XANH MÁ PHẤN : Một bộ trinh-thám rất mới, rất hoạt-động vai chủ-động là một bọn thanh-niên Việt-Nam cấp tiến, đau-khổ, uất-ức vì bị cướp mất nguồn sống, gây nên một cuộc biến-đổi giữa chốn rừng xanh làm tiêu-bểu cho tất cả hủ-bại của ngàn xưa. Dày hơn trăm trang. Giá 0p.80.

LY-DỊ : Ông Lê-Thanh, một phê bình gia có tài nhận xét đã vạch cho ta thấy rõ trong cuốn này những đau-khổ ngấm-ngầm của những đôi vợ chồng không thể yêu nhau, phải coi gia-đình như nấm mộ, coi những ngày chung sống như nỗi buồn-đau nhất. Giá 0p.45.

Hỏi nhà xuất-bản Hương-Sơn 97, Hàng Bông, Hà-nội, mỗi cuốn thêm 0p.08 cước gửi thường, thêm 0p.40 gửi lĩnh hóa giao ngân, mỗi cuốn sau thêm 0p.04. Trả tiền bằng tem thư cũng được.

***

Vân-Anh, một mình đứng giữa sân, nhìn lên giăng mà xem, thấy những đám mây bay tán-loạn thường che mờ cả mặt giăng. Cái cảm-hoài vô-hạn, bị cảnh đó khêu động, vụt nghĩ thân-thế con người ta, nhiều người bổn-lĩnh thật là quang-sáng mà phải những cảnh-ngộ ác-nghiệp làm cho đến u-âm sầu-thảm khác gì mặt giăng vốn trong sáng mà có khi phải luồn những đám mây vô-lại kia, bỗng lại nghĩ thân-thế của người ta có khi thật như đám mây bay tán-loạn, bầu giời vô-hạn, biết đâu là chỗ về. Đương nhàn-tưởng bồi-hồi, chợt nghe đồng-hồ nhà bên cạnh đã đánh mười một tiếng ; trong nhà, mẹ già gọi vào để bóp trán. Vừa quay mình vào thời thấy một người khách đến chơi. Vân-Anh mời vào. Uống nước xong, khách bảo làm cháo ăn và nói không phải gọi ai cả. Vân-Anh khi ấy xuống bếp mổ gà với đứa ở. Khách ngồi một mình, trông nhà có hai gian bằng tre, chỗ ngồi uống nước đó kê một đôi trường-kỷ tre, một cái án-thư, bên trong còn có một cái tủ chè bằng gỗ tạp ; một gian bên thời có hai cái giường kê liền nhau, cũng có hai cái chiếu cạp đỏ đã cũ, bên giường trong có mắc một cái màn trắng cũ và vá. Cách một bức phên chắn, còn một gian nhà nữa thời nghe có tiếng bà cụ già thường ho-hắng, như có ý mệt. Khách ngồi buồn, tự nghĩ một mình rằng : vào chơi nhà cô đầu, quang-cảnh thế này nghĩ thật buồn, song cũng tiện cho mình được ngủ qua một tối rồi mai đi ; lại nghĩ như người ả-đầu đó, trông cũng xinh-xắn và cũng phong-cách, sao không được có đông khách hát mà ăn ở bần-tiện đến như thế. Một lúc đã thấy bưng cháo lên thời một con ở ăn-mặc cũng rách-rưới. Vân-Anh lên lấy rượu, ngồi rót mời khách uống. Khách hỏi bên gian buồng trong có tiếng bà cụ già là ai. Vân-Anh nói là mẹ đẻ, mấy hôm vẫn nhọc mệt. Khách giục Vân-Anh vào xem bà cụ có bảo gì, mặc mình tự uống rượu không cần phải ngồi tiếp, Vân-Anh chạy vào qua, rồi lại ra, lên ngồi kề gần khách, múc thìa rượu, vừa cười vừa mời uống. Khách lấy tay gạt đi, rồi cứ cầm chén uống tự-nhiên, như quên mình là ngồi ở nhà cô đầu vậy. Vân-Anh nghĩ cũng lấy làm lạ, ngồi có ý ngắm nhận người khách, ăn-mặc thời nhũn-nhặn mà vẻ mặt rất lanh-lợi điều riêng gì. Suốt bữa rượu ấy, ngoài sự ăn uống, không có câu chuyện gì cả. Rượu xong, khách đi ngủ, đến sáng dậy, chi tiền rồi đi.

Cách chừng một tuần-lễ nhà Vân-Anh lại có khách uống rượu, tức là người khách uống rượu cách một tuần lễ trước, mà bận này đến lại có mang một cái va-ly. Hôm ấy giời hơi mưa, trong lúc uống rượu, khách lại tự uống một mình mà uống tất bằng chén, Vân-Anh nghĩ lại lấy làm buồn cười. Một lúc, có người nhà cô-đầu khác đến gọi Vân-Anh đi mời rượu, Vân-Anh xin phép đi. Khách chỉ tự-nhiên mặc lòng. Hôm ấy bà cụ đã khỏi mệt, sau lúc Vân-Anh đi mời rượu, ra ngồi chơi ở trường-kỷ uống nước. Khách nhân hỏi chuyện về Vân-Anh.

Bà cụ nói : « Con bé nhà tôi, tên nó là Vân-Anh, vẫn gọi là cái Vân. Từ bé cháu có học chữ nho, cũng đã biết làm thơ ».

Bà cụ ngồi chơi một lát, rồi vào buồng nằm nghỉ. Khách lại tự uống rượu một mình.

Khoảng hơn mười hai giờ, giời mưa to, Vân-Anh về, đã loáng-choáng say rượu. Khách ở nhà, uống cũng đã say. Vân-Anh lại ngồi bên, rót rượu mời uống. Khách cười, nói rằng : « Mời rượu thời phải có hãm chứ ? »

Vân-Anh : « Hãm câu gì ? »

- Chỉ muốn nghe một câu hãm bằng chữ nho.

- Ai biết chữ nho mà hãm ; cũng chẳng thấy ai hãm bằng chữ nho bao giờ.

- Không ai hãm bao giờ mà bây giờ hãm, thế nó mới « mới ».

- Khốn như tôi không biết.

- Tôi biết rằng chị biết.

- Ô hay, cứ buộc vào người ta.

- Thôi, hãm đi.

- Thế ông đặt đi cho một câu.

- Ai hãm thời người ấy phải đặt lấy, nhờ người đặt hộ thời còn có thú gì nữa !

- Tôi đặt lấy thời không biết có nghe được không.

- Hãy cứ hãm đi, nghe được hay không, mặc người ta.

Vân-Anh vừa mỉm cười, vừa nghĩ. Khách cũng cười mà cất chén uống rượu để đợi nghe.

Vân-Anh nghĩ đã xong, rót chén rượu mời, hãm rằng :

鷄鳴風雨瀟瀟天涯遊子

藍橋神仙好惡姻缘

« Kê minh, phong vũ tiêu-tiêu ;

Thiên-nhai du-tử, Lam-kiều thần-tiên

Hảo, ác nhân-duyên ? »

Khách nghe, thần-hồn như phiêu-động ; cạn chén, hỏi Vân-Anh rằng : « Thế trước chị học chữ nho được bao năm ? »

- Tôi học từ năm lên sáu, đến năm mười sáu tuổi thời thôi.

- Chị học ra làm sao ?

- Cũng học đấy thôi, chẳng biết nó ra làm sao cả.

- Trong lúc học, chị có tập làm văn, làm thơ gì không ?

- Cũng có làm thơ cùng những câu đề vịnh lảm-nhảm.

- Các bài của chị làm ra từ khi trước, bây giờ có bài nào còn giữ lại hay còn nhớ không ?

- Kể mất đi cũng nhiều, nhưng tôi cũng giữ được một ít, vẫn cuộn để ở trong hòm, những lúc nào buồn quá thời lại giở ra xem chơi một mình.

- Bây giờ chị thử lấy ra đây xem.

Vân-Anh đi mở hòm, lấy cuốn văn ra. Ông khách giở xem, thấy cũng có nhiều bài thông lắm. Xem đến bài vịnh lĩnh-mai 嶺梅 có hai câu rằng :

含精不向東風笑

獨伴青松蹅雪遊

« Hàm tinh bất hướng đông-phong tiếu,

Độc bạn thanh-tùng đạp tuyết du ».

Nghĩ như hai câu này thời thật có phong-diệu, cốt-cách, mà tự người làm thơ cũng không đáng trụy thân vào trong đám binh-khang. Khách xem hết các bài văn thơ chữ nho, lại hỏi về văn quốc-âm. Vân-Anh đọc một bài « vịnh sen hồ Hoàn-kiếm » rằng :

« Hồ Gươm, sen mới ra hoa,

Cả hương, cả sắc, ai là không chơi.

Sen tàn, lá rách tả-tơi,

Quanh hồ lai vãng ai người tiếc-thương,

Nước hồ sen đứng soi gương,

Còn đâu là sắc lá hương với đời,

Tủi thân sen lại giận giời,

Cho chi hương sắc ? cho người trọng khinh ! »

Khách nói : « Văn cũng hay, nhưng sao đặt đến buồn quá thế ! »

Vân-Anh : « Bài này tôi mới làm. Trong lúc buồn có làm ra vui thế nào được ».

Khách ngậm-ngùi một lúc rồi nói rằng : « Nghĩ như chị, người như thế, tài-hoa như thế, mà sao không thấy nổi tiếng ? Chắc lại cũng không được đông khách hát, cho nên trong nhà ở cũng có ý cẩu-thả ».

Vân-Anh đến lúc ấy lại buồn lắm, giả nhời khách rằng : « Ông nghĩ cho như vậy, chớ như tôi thời còn có gì mà nổi tiếng. Cứ về bên chữ nho bây giờ, đến như ông Nghè, ông Cử, cũng còn nhiều ông chẳng có vinh-hiển gì ; huống hồ là một người cô-đầu biết đôi ba câu thơ, còn lấy gì làm có giá được. Từ khi tôi ra hát đến nay, hôm nay mới thấy có ông hỏi đến là một. Những cái sự ấy bây giờ đã không ai coi ra gì, nhà ở lại lụp-sụp rơm rác, cũng chẳng có mấy người buồn đến, thỉnh thoảng mới có một vài ông khách đến ăn cháo, còn thời chỉ là đi hát mảnh, lại cũng không khéo chiều quan viên, như thế tài nào mà không phải chịu bần-tiện ? »

Lúc ấy đã đến hơn bốn giờ sáng, khách bảo xếp bỏ rượu để đi ngủ. Vân-Anh buông màn cho khách ngủ, rồi vào trong nhà với mẹ.

Ngày mai, giời mưa dầm mãi từ sáng cho đến chiều. Lúc người khách ngủ dậy thời vào khoảng chín, mười giờ. Nguyên ý người khách đến uống rượu bận ấy, hoặc định ngủ một tối rồi sáng hôm sau đi đâu thời không biết ; nhân có một đêm nói chuyện, cái cảm tình đối với Vân-Anh thực thương tiếc vô hạn. Lại nhân hôm ấy giời mưa dầm, cho nên thánh ra lại giữ khách ở lại. Mười giờ hơn, Vân-Anh nói cùng khách xin để làm cơm sáng ăn, khách cũng ừ nhưng không có đưa tiền. Trong nhà Vân-Anh từ tối hôm trước chỉ còn có một con gà thời đã làm rượu rồi mà cũng phải vay thêm đồ ăn mới đủ dọn ; đến lúc ấy không biết làm thế nào, nghĩ người khách đi lại chưa thân, cũng không tiện ra hỏi. Hai mẹ con ra vào thì thầm bàn cùng nhau, khách cũng hiểu tinh ý, nhưng cứ tự nhiên như không biết, chỉ nằm xem những bài thơ văn của Vân-Anh, rồi lại mở va-li ra, lấy giấy bút để viết. Độ 12 giờ hơn, thấy có cơm bưng lên, cũng lịch-sự. Khách bảo Vân-Anh mời cả bà cụ ra cùng ăn cơm, nhưng bà cụ xin từ chối. Bữa ấy hai người cùng ngồi uống rượu ; ngoài bức mành thưa, giời vừa mưa vừa gió, những người đi ngoài đường thật là lận-lội mà trong chỗ mâm rượu thời một người du-tử ngồi đối một mỹ-nhân cùng thù tạc, đàm-đạo những nhân tình thế cố cùng là sự làm văn làm thơ. Khách tuy không phải là người say đắm ở nơi bình-khang, nhưng lúc ấy bất-giác cũng cao hứng. Đương lúc tửu-hứng, Vân-Anh nói rằng : « Tôi có một bức tranh sơn-thủy, là của gia-bảo, vẫn cuộn để trong hòm, thường muốn đề một bài quốc-văn mà nghĩ lại không xứng ; nay không mấy khi được gặp cao-nhân, xin hạ bút đề cho một bài, thực là quí hóa quá ».

Khách nói : « Sự đề vịnh nguyên đã không dễ, lại đề vào một bức họa trân-trọng thời thực không dám nhận ; nhưng chị thử lấy cho xem thời hay lắm ».

Vân-Anh đi mở hòm lấy bức tranh đem ra, khách giở xem, thực là một bức cổ-họa. Trông khoảng trên có đề ba chữ triện, không hiểu là chữ gì. Vân-Anh nói đây là chữ nôm Khách nhận ra thời là ba chữ « THỀ NON NƯỚC » Vân-Anh nói : « Cứ ba chữ này, nguyên nghĩa thường thời là chỉ non thề nước ; đề vào đây thời là làm sao ? »

Khách nghĩ một lúc, rồi nói : « Đây hoặc là người ta mượn câu sẵn mà khiến về nghĩa riêng. Ba chữ đề đây, phải nhận nghĩa là non với nước, hai cái thề với nhau. Như thế, có nhẽ mới hợp ý bức họa ».

Vân : « Dẫu nhận là như thế, nhưng đây chỉ vẽ một dẫy núi, còn không thấy sông nước gì cả lấy gì làm hai cái thề với nhau ? »

Khách : « Đây dẫu không có vẽ sông nước, nhưng nhận kỹ một ngàn dâu ở chân núi này, ý tức là sông nước khi xưa mà tang-thương đã biến-đổi ».

Vân : « Dẫu nhận cho là như thế nhưng lấy gì làm thề ? »

Khách : « Nguyên bức họa này, ý chỉ là một bức tang-thương, cho nên ở dưới vẽ một ngàn dâu tựa như thế khúc sông ; trên núi thời như mây, như tuyết, như mấy cây mai già, như bóng tà-dương, đều là để tả cái tình-cảnh thê-thảm. Bởi thế cho nên ba chữ đề này, dẫu là lấy câu sẵn mà đề vào, song thực tỏ ra được cái tình thương nhớ của dẫy núi tức là vì dẫy núi mà cảm nỗi tang-thương. Bây giờ tất cứ trong bức họa mà muốn tìm cho ra thế nào là thề, như thế thời nệ vì chữ đề mà hại đến nguyên ý của bức họa ».

Vân : « Vậy thế bây giờ muốn đề một bài thời thế nào là phải ? »

Khách : « Bây giờ nếu muốn đề một bài phải nên trông vào bức họa, mà lại lấy ba chữ đó làm đầu đề. Chú-trọng vào một chữ non, lấy chữ non làm chủ, vì rằng non đó thực là chủ-trương trong bức họa mà lại có ở trong đề ; còn chữ thề với chữ nước thời trong họa không có mà trong đề có, cũng phải nhận như có mà chỉ nên nói nhẹ như không, vì là thề thời về sự đã qua mà nước thời không trông thấy ở đó. Nghĩa như thế, hoặc có phải chẳng ? »

Mời các bạn đón đọc Thề Non Nước của tác giả Tản Đà.