Sử-Ký nước Nam viết bằng chữ Pháp xuất bản đã nhiều, viết bằng quốc-ngữ cũng có vài ba quyển, viết lối song-thất lục bát này mới có quyển QUỐC SỬ NGÂM của ông NGUYỄN TỐNG SAN soạn ra là một.
Xưa đã có bộ QUỐC SỬ CA viết lối lục bát, bằng nôm mà nay cũng có nhà in đem dịch ra Quốc-ngữ và ấn hành, tiếc rằng quyển ấy không tiện đem làm sách giáo khoa vì những lẽ sau này :
- Chuyện không chia ra từng chương từng bài, mà chép đến đời Lê, Trịnh là hết.
- Các chuyện hoang đường về đời thượng cổ thì chép dài, mà các việc lớn lao trong nước có quan hệ đến quốc kế dân sinh thì chỉ nói qua loa.
- Văn chương dùng nhiều chữ Hán nhiều điển-tích rất khó dẫu có giảng cho trẻ, chúng cũng khó nhớ.
Nay ông NGUYỄN TỐNG SAN theo chương trình quyển SỬ-KÝ GIÁO-KHOA-THƯ của Nha HỌC-CHÍNH, soạn ra quyển QUỐC SỬ NGÂM này, gồm 50 bài, sách viết công trình mà có mấy điều đặc sắc như sau này :
- Sách chia ra chương theo từng thời đại rất phân minh, bài ngăn ngắn vừa cho trẻ học.
- Bài tuy ngắn mà tóm đủ các công việc lớn lao, xếp đặt các công việc rất dễ nhớ.
- Văn đã giản dị lại minh bạch trẻ đọc đến cũng đã hiểu ngay được.
- Sách có địa-đồ trẻ mở ra xem rất vui mắt.
Vậy quyển QUỐC SỬ NGÂM này có thể dùng kèm với quyển SỬ-KÝ GIÁO-KHOA-THƯ của Nhà Nước tưởng giúp ích cho sự dậy sử, học sử một phần không nhỏ.
Tôi vui lòng giới thiệu quyển Quốc Sử Ngâm này cùng các công giáo, học trò, các độc-giả, và có lời khen Quan Giáo Thụ Ninh-Giang NGUYỄN-TỐNG-SAN thực đã lưu tâm đến việc dậy sử, học sử của trẻ nước Nam ta lắm.
Viết tại Baiduong ngày mồng ba tháng bảy năm Bảo-Đại thứ mười ba. NGUYỄN-HOÀI-ĐĨNH Đốc Học tỉnh Haiduong
***
MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Sách Quốc Sử xuất bản đã nhiều. Bộ thì sưu tập kỹ càng để người nhớn tiện khảo cứu. Cuốn thì rút lại rõ ràng để trẻ con học dễ nhớ.
Nhiều người viết sử là một việc đáng mừng, ít người đọc sử là việc đáng lo.
Này người dân không đọc sử thì khác nào như con không đọc quyển gia-phả. Không học sử, không đọc quyển gia-phả, tất công đức của tổ tiên không biết rõ, mà cuộc tiến hóa cận lai này (nhờ có Nước Đại-Pháp Bảo-Hộ) tất cùng không biết đến.
Người nước ta nói cho đúng thì đại đa số là không đọc sử.
Ở các trường Sơ Đẳng, từ khi Nhà Nước bỏ vấn đáp về các kỳ thi Sơ-Học Yếu-Lược, môn sử học đã là một món gác ngoài mâm (nếu ví được môn học ấy là một thức ăn) thì nay nó chỉ là món chuối hột. Đói, trông thấy nó, sợ ăn vào cồn ruột, no rồi, thì ai nhìn đến chuối hột nữa.
Ấy đấy sự dậy sử, học sử hai việc đền chán bằng nhau tựa hồ như vậy.
Tại sao thế ? Vì :
1) Dậy là không biết nói cho hoạt bát minh bạch gợi đến lý-tưởng, nghị luận của trẻ, không bắt chúng ngẫm nghĩ cùng phán đoán, sau nữa không làm cho « phục hoạt, cho tái sinh » các việc đã qua thì trách sao trẻ không chán.
2) Sử viết bằng văn xuôi, không vần không điệu, trẻ học khó thuộc, nên chúng lười học sử.
May sao Nhà Nước lại đặt bài hỏi về Nam Sử ở kỳ thi Sơ-Học-Yếu-Lược (Nghị định 3408E ngày 29-6-37).
Vậy nay chúng tôi theo chương trình quyển Sử-Ký Giáo-Khoa-Thư của Nha Học-Chính soạn ra quyển Quốc Sử Ngâm này, cốt bài học, bài đọc có vần cho trẻ vui tai dễ nhớ. Vậy quyển Quốc Sử Ngâm này có thể dùng với quyển Sử-Ký Giáo-Khoa-Thư, mong rằng nó sẽ giúp ích cho việc dậy sử học sử đôi chút.
Viết tại Ninh-Giang ngày hai mươi bẩy tháng sáu năm Bảo-Đại thứ mười ba.
NGUYỄN-TỐNG-SAN
Mời các bạn đón đọc Quốc Sử Ngâm của tác giả Nguyễn Tống San.