Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75

Cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh đã phục dựng và tái hiện một cách trung thực, sinh động, đầy ắp sự kiện, biến cố trên chính trường và chiến trường trong giai đoạn cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Những sự kiện và nhân vật được tác giả xây dựng trên nền tảng sự thật lịch sử, dưới ngòi bút uyển chuyển,sắc nhọn của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, khiến ranh giới giữa lịch sử và văn học dường như bị xóa nhòa. Chính điều đó đã góp phần làm nên sức hấp dẫn và giá trị nhân văn của tác phẩm.

(Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia - Sự thật)

***

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 gói lại một giai đoạn lịch sử vinh quang của đất nước, phục dựng lại sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài gòn - Hoa Kỳ. Và dường như cuốn sách cũng có một vận mệnh riêng đầy thử thách, giống như đời sống của chủ nhân cuốn sách vậy.

Để truy tìm kho tư liệu tối mật thuộc về lịch sử, thuộc về phía bên kia(Sài Gòn - Hoa Kỳ) là điều không tưởng với bất kỳ ai, bởi nó rất kỳ công và gặp phải vô vàn khó khăn. Nhà báo Trần Mai Hạnh đã mất nhiều chục năm sưu tầm tài liệu, từ những cuốn hồi ký của Mỹ, những đánh giá của Trung tâm quân sự hoa kỳ. Một khối lượng tài liệu đồ sộ càng không cho phép ông vội vàng được. Tuy nhiên, khi đã có đầy đủ tài liệu trong tay thì những tai ương trong cuộc đời lại khiến ông không thể chắp bút. Ông kể: “Tôi đã gặp tai nạn và tưởng chừng không qua khỏi, rồi đến khi sức khỏe có thể vực dậy đi lại được, lại là lúc gia đình gặp sự cố cháy nhà. Toàn bộ tài liệu thu thập trong nhiều năm bị mất. Đến năm 1981, tôi lại quyết định đi tìm lại tài liệu lần thứ 2. Trong quá trình sưu tầm tài liệu, cũng có nhiều sóng gió xảy ra, vật vã, kéo dài, nên khi viết xong tôi cảm giác tâm trạng bão hòa. Tôi nghĩ, số phận cuốn sách bây giờ do bạn đọc quyết định, nó tồn tại đến đâu và phát triển như thế nào. Tôi tin cuốn sách có số phận của nó”.

Lịch sử không bao giờ lặp lại và nó có những điều kỳ lạ. Đó là tâm sự của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh trong buổi giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc về Tiểu thuyết sự thật: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Ông kể: “Lịch sử đã cho tôi may mắn được là người trong cuộc, khi tôi đi từ Huế vào Sài Gòn và chứng kiến giờ phút giải phóng lịch sử 30/4/1975. Thế rồi, chính nhờ duyên nghiệp cuộc đời khi bài tường thuật của tôi viết ra được Tổng biên tập Đào Tùng trực tiếp duyệt và xuất bản trang trọng trên báo Nhân dân: Tiến vào Dinh tổng thống Ngụy, bài của Trần Mai Hạnh phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã tại Sài gòn. Ngày ấy, tôi còn may mắn được Ủy ban Quân quản TP. Sài Gòn - Gia Định cấp "GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT" ngay ngày 1/5/1975". Đây được xem như là Thẻ nhà báo đầu tiên được cấp trong buổi bình mình lịch sử của TP. Sài Gòn giải phóng. Vừa là phóng viên VNTTX tại Sài Gòn, vừa là thư ký, trở lý của Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã Đào Tùng khi ấy, tôi được tháp tùng ông tham dự nhiều hoạt động, nhiều cuộc họp của các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội. Từ đó, tôi có điều kiện tiếp xúc, thu thập được nhiều tài liệu mật về cuộc chiến của phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và phái Hòa Kỳ).

Năm 2002 khi sự cố cuộc đời ập đến với nhà báo Trần Mai Hạnh cũng đúng vào thời điểm cuốn sách còn 1 chương cuối cùng cần hoàn thiện mang tên “Phút tắc thở của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn”. Lúc đó, nhà xuất bản muốn in cũng không in được vì ông còn chưa viết xong bởi một phần vì sự biến cố của cuộc đời, một phần vì thiếu những tài liệu gốc về ngày cuối cùng của Bộ tổng tham mưu để đối chứng. Ông cũng đã dành nhiều thời gian kiếm tìm nhưng chưa tìm ra được những nhân chứng lịch sử. Thế rồi, như duyên trời định. Phụ huynh học sinh “cá biệt” của vợ ông lại chính là nhân vật quan trọng mà bấy lâu ông tìm kiếm. Đó là một cán bộ cấp cao có trách nhiệm hỏi cung tất cả các tướng lĩnh quân đội sài gòn bị bắt tại trận. Họ gặp nhau khi người cán bộ cấp cao ấy ngỏ lời muốn cùng ông viết chung một tác phẩm về Bộ tổng tham mưu. Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết: “Thật bất ngờ, sau đấy, ông ngỏ lời tặng lại toàn bộ số tài liệu quan trọng này cho tôi với lý do sức khỏe và bệnh tật không cho phép ông làm bất cừ điều gì. Tôi bị bệnh rất nặng, ngày ra đi không còn xa nên tôi tặng anh và tôi nghĩ tài liệu này ở với anh thì cuộc sống sau này sẽ tốt hơn. Ông tặng tôi và ra đi một tháng sau đó”.

Tài liệu là bản đánh máy giấy than (có 2 bản), thì trong đó có bản của đại tá Phạm Bá Hoa Tham mưu trưởng Tổng cục tiếp vận Bộ Tổng tham mưu mà ông đã hỏi cung. Bản tường trình của Phạm Bá Hoa hơn 200 trang, trong đó có thuật lại về những ngày cuối cùng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu không có một cơ duyên trong cuộc đời thì những tài liệu ấy có tài thánh cũng không thể có được.

***

Tác giả Trần Mai Hạnh từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, ông được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại chỗ trong quá trình tham gia chiến dịch cùng những tài liệu quý giá thu thập được đã giúp tác giả viết nên “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

“Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra có một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm sống và sức sống mãnh liệt của tương lai.” – Trần Mai Hạnh.

NXB Chính trị quốc gia – Sự thật cùng Thaihabooks tái bản lần thứ năm, có bổ sung cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

Mời các bạn đón đọc Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh.