Phân tâm học là một chuyên ngành của tâm lý học, là một tập hợp các lý thuyết và kỹ thuật trị liệu liên quan đến việc nghiên cứu tâm trí vô thức, cùng tạo thành một phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần, một phương pháp lâm sàng để điều trị bệnh lý tâm thần thông qua đối thoại giữa bệnh nhân và nhà tâm lý học. Ngành học được thành lập vào đầu những năm 1890 bởi nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud, người đã giữ lại thuật ngữ "psychoanalysis" cho trường phái tư tưởng của riêng mình, và một phần xuất phát từ công trình lâm sàng của Josef Breuer và những người khác. Phân tâm học sau đó được phát triển theo nhiều hướng khác nhau, chủ yếu là bởi các sinh viên của Freud, chẳng hạn như Alfred Adler và cộng sự của ông, Carl Gustav Jung, cũng như bởi các nhà tư tưởng Freud mới, như Erich Fromm, Karen Horney, và Harry Stack Sullivan.
***
Trước Freud 1 những nhà tâm lý thường đồng hóa đời sống tâm linh với đời sống ý thức. Họ nghĩ rằng tất cả những hiện tượng tâm linh đều ý thức. 2
Descartes chẳng hạn, đã đồng hóa cái « Tôi » với một « vật suy tưởng », một vật mà bản chất là suy tưởng. Như vậy, tất cả những gì chúng ta gọi là vô thức đều được xếp vô đời sống sinh lý.
Thật ra một vài triết gia cũng đã ghi nhận sự hiện diện của những lực lượng tâm lý, những lực lượng nầy thoát khỏi tư tưởng ý thức của chúng ta. Vào thế kỷ thứ 17 chẳng hạn, La Rochefoucauld đã xác nhận rằng lý do sâu xa của những hành vi của chúng ta không phải là những lý lẽ tốt đẹp mà chúng ta thường viện dẫn. Những lý lẽ tốt đẹp nầy thường che giấu một tánh ích kỷ căn bản : « Con người thường tưởng rằng mình tự do hành động, trong lúc thật ra mình bị bó buộc phải hành động ».
Cũng vào thời kỳ nầy, triết gia Leibniz nghĩ rằng chúng ta không biết hết được tâm linh của chúng ta, như vậy, ý niệm về vô thức rất cần cho chúng ta để giải thích bản chất tâm lý của bản năng.
Vào thế kỷ thứ 19, Triết gia Schopenhauer nghĩ rằng trong mỗi chúng ta đều có một ý chí mù quáng và ngầm, ý chí nầy có tánh cách căn bản và phát xuất từ căn nguyên của sự sống. Theo ông : « Trí thông minh không biết gì hết về những quyết định của ý chí».
Vào cuối thế kỷ thứ 19, triết gia Nietzsche lại tỏ ra là người đi trước Freud, khi ông xác nhận rằng những động lực thúc đẩy chúng ta không phải là những lý lẽ tốt lành mà chúng ta thường viện dẫn để giải thích những quyết định của chúng ta. Theo ông, những quyết định nầy phát xuất từ một ý chí hùng bá, ý chí nầy là một ước muốn tăm tối và dữ dội muốn ngự trị người và vật. Vào lúc mà Freud bắt đầu những khám phá đầu tiên của ông, một nhà Tâm lý người Pháp là Pierre Janet, cũng có những trực giác tương tự như ông : đặc biệt là ông nghĩ rằng nhân cách của chúng ta có nhiều tầng, mà chúng ta chỉ biết được có tầng ý thức mà thôi. Phần lớn những hành vi không đòi hỏi một sự chú ý đặc biệt đều phát xuất từ một phần tâm linh gần như là vô thức : ông gọi phần nầy là những hình thức sơ đẳng của ý thức. 3
Và trong thực tế, ý niệm về vô thức rất quen thuộc đối với chúng ta, mặc dầu đôi khi chúng ta không biết tới những khám phá của Freud. Chúng ta nhận thấy, ẩn núp đàng sau những biện minh đạo đức hay tôn giáo, những lý do tăm tối thoát khỏi lý trí, những động lực phi lý của hành động con người. Sự hiện diện của một bộ máy tâm linh vô thức, bộ máy nầy là sản phẩm của một tâm linh xưa cũ hơn, bộ máy tâm linh của bản năng, vẫn còn rất mạnh nơi trẻ con, sự hiện diện nầy được thể hiện trong những lúc mơ màng, được thể hiện trong những hình ảnh chập chờn của những lúc nửa thức nửa ngủ. Trong những lúc như vậy, cuốn phim những biểu tượng của chúng ta, nội dung của chúng, sự nối tiếp của chúng và sự vang dội tình cảm mà những hình ảnh nầy tạo ra nơi chúng ta, tất cả đều vượt ngoài sự kiểm soát của ý chí chúng ta ; và mọi việc xảy ra như là ý thức của chúng ta trở thành chứng nhân của những gì xảy ra trong một tâm linh xa lạ. Nhưng chính nhờ sự phát triển của Tâm lý học vào thế kỷ thứ 19 và nhất là Tâm bệnh lý học 4 mà chúng ta được biết rõ ràng hơn và chính xác hơn về ý niệm vô thức. Đặc biệt là người ta phân tách kỹ lưỡng hơn những trường hợp nhị hóa nhân cách.
Những trường hợp nầy cho thấy rằng một người suy nhược và mất quân bình có thể làm nhiều hành động có ý nghĩa, những hành động nầy được thực hiện trong những trạng thái không ý thức, như trong giấc mơ hay trong trạng thái thụy du (somnambulisme). Những hành vi nầy không phải rời rạc và bất nhất, nhưng thoát khỏi ý thức của người làm ra chúng, và có vẻ như tuân theo một luận lý « khác », một loại luận lý tình cảm hơn, gần hơn với thế giới tâm lý của trẻ con, một loại luận lý đứng ngoài những mệnh lệnh của lẽ phải thông thường, hay của luận lý xã hội 5. Khi Freud còn là một bác sĩ trẻ, ông cũng có dịp quan sát nơi phòng mạch của giáo sư Bernheim, một nhà chuyên môn về bệnh thần kinh tại Nancy, nơi ông tới để tập sự, những bệnh nhân có những dấu hiệu ám thị sau khi thôi miên (suggestion post hypnotique) hay ám thị có kỳ hạn (suggestion à échéance).
Chúng ta có thể tóm tắt việc « ám thị có kỳ hạn » như sau : Khi một người đang ngủ trong giấc ngủ thôi miên 6 bác sĩ ra lệnh cho anh phải làm một hành vi nào đó nhất định, vào một lúc nào đó, chẳng hạn như làm một hành động phi lý, như là bò trong phòng nửa giờ sau khi được đánh thức. Sau khi ám thị như vậy, người ta đánh thức bệnh nhân. Sau khi được đánh thức, người bệnh lấy lại ý thức của mình, và không nhớ mệnh lệnh đã nhận được khi ngủ, một cách ý thức… Nhưng khi tới giờ mà bác sĩ đã qui định, người bệnh táy máy, có vẻ như muốn tìm kiếm một cái gì, và sau cùng bò trong phòng, viện dẫn lý do anh ta đã làm rớt tiền lẻ hay làm rớt nút áo, và bò như vậy, tìm kiếm bên phải rồi bên trái, và rốt cuộc bò chung quanh phòng, như lời bác sĩ ra lệnh trước đây, mặc dầu anh không nhớ tới lệnh nầy, và mặc dầu anh tưởng tự ý làm hành động nầy. 7
Đối với Freud, cuộc thí nghiệm nầy có rất nhiều ý nghĩa. Thật vậy, nó chứng tỏ :
- Sự hiện hữu của một tâm linh vô thức, tại vì chủ thể đã hiểu và ghi nhận một mệnh lệnh xác định, điều mà một bộ máy sinh lý không thể làm được.
- Sự can thiệp của vô thức vào đời sống ý thức dưới hình thức phản ứng có kỳ hạn.
- Tâm linh ý thức của chúng ta có thể tạo nên nhiều lý lẽ rất hợp lý, nhưng giả tạo và bịa đặt, những lý lẽ nầy không phải là nguyên động lực thật sự của hành động.
Nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy cuộc thí nghiệm nầy chứa đựng phần lớn lý thuyết phân tâm học : những năm đầu tiên của tuổi trẻ tương tự như giấc ngủ thôi miên. Trong những năm nầy, đứa trẻ chịu nhiều ảnh hưởng, nhiều ám thị cản trở những thèm muốn và những khuynh hướng của nó. Do sự cản trở nầy phát sanh những xung khắc, những chấn động 8 tâm lý, mà đứa trẻ và cả người lớn cũng không nhớ, nhưng chúng vẫn can thiệp thường xuyên vô những hành động của họ, mà họ không biết. Thật vậy, ý tưởng chánh mà Freud và môn đồ của ông (K. Abraham, E. Jones, K. Horey) khai triển, đó là xã hội dồn ép những khuynh hướng sơ đẳng của chúng ta từ nhỏ, dồn ép chớ không hủy diệt hoàn toàn được.
Một mặt sự dồn ép tạo nên những xung khắc trên phương diện tâm lý, mà một vài người trong chúng ta không giải quyết được, điều nầy làm ngưng trệ hay xáo trộn sự phát triển nhân cách của họ, và sự trưởng thành của họ. Mặt khác, những khuynh hướng bị dồn ép không biến mất hẳn, mà vẫn tồn tại dưới lớp vỏ những tập quán xã hội, và lợi dụng những cơ hội bất ngờ để thể hiện, hoặc là thể hiện một cách tự do và dữ dội dưới hình thức trò chơi, chiến tranh, ngược đãi, v.v… hoặc dưới hình thức biểu tượng và che giấu dưới những biến cố được quan niệm như không quan trọng : dưới hình thức giấc mơ, giấc mơ nầy đề nghị những thỏa mãn bị cấm đoán cho những thèm muốn bị dồn ép của chúng ta : dưới hình thức lầm lẫn (lapsus) 9, thiếu sót 10, những hành vi bệnh hoạn. 11
Tất cả những năng lực đã bị những cưỡng chế xã hội dồn nén cũng chờ cơ hội tốt để tự giải thoát, bằng cách phá vỡ những đê điều mà xã hội đã đấp lên, ngăn chận những bạo tàn của nhân loại cổ sơ.
Tuy nhiên, năng lực của những thúc đẩy bị dồn ép nầy cũng có thể tìm ra được một lối thoát, bằng cách hỗ trợ cho những hoạt động tinh thần của con người (hoạt động nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, tôn giáo…) Trong trường hợp nầy, người ta nói rằng năng lực đã được thăng hóa, nghĩa là đã được hướng sang những mục tiêu khác hơn là những mục tiêu thông thường mà thiên nhiên nhắm. Theo Freud, tất cả những cố gắng của văn hóa và văn minh phải nhằm làm cho chúng ta chấp nhận những cưỡng chế xã hội, bằng cách bù lại đề nghị với chúng ta những thú vui tinh thần : thú vui trao đổi những kiến thức, thú vui cùng nhau thực hiện những chinh phục kỹ thuật, thú vui thẩm mỹ, thú vui thương yêu và được thương yêu. Tuy nhiên, Freud nghĩ rằng văn hóa phần lớn đã không hoàn thành trách vụ của mình, và đó là nguyên nhân của sự thiếu quân bình, của những đau khổ và bạo tàn của chúng ta. Sở dĩ như vậy trước hết là tại vì những phương thức giáo dục của chúng ta không biết tới những nền tảng vô thức của cảm tính của trẻ, vì vậy đụng chạm mạnh đứa trẻ, bó buộc nó một cách bạo động, để rồi sau cùng tạo nên nơi mỗi cá nhân một bản ngã xã hội, hết sức hời hợt và mỏng manh ; những nguyên động lực thúc đẩy bản ngã nầy do một siêu ngã ảnh hưởng, siêu ngã nầy đàn áp những thèm muốn của chúng ta, nhưng thường thường không cho phép chúng ta hiểu những xung khắc giữa những thèm muốn nầy và những cấm đoán xã hội. Chính tại vì xã hội bó buộc chúng ta phải sống như là kẻ tử thù của chính mình, mà xã hội là nguồn gốc của những mặc cảm của chúng ta : xã hội chỉ biết đàn áp những thúc đẩy của chúng ta, mà không cần chú trọng tới những hậu quả của sự dồn ép.
Mặt khác, xã hội chỉ cho phép một thiểu số được ưu đãi, thăng hóa những năng lực bản năng của mình trong những hoạt động cao đẹp mà thôi. Phần lớn nhân loại vẫn còn sống dưới sự cưỡng chế của những đòi hỏi xã hội, đạo đức và tôn giáo một cách sơ đẳng, mà không hiểu lý do của những đòi hỏi nầy, cũng không được hưởng những đền bù của nền văn minh. Chính vì vậy mà quần chúng cơ cực trên phương diện tinh thần, cũng như hay thay đổi. Sau cùng Freud nghĩ rằng những trừng phạt xã hội, mà người ta luôn luôn kèm theo những đe dọa tôn giáo, chỉ đàn áp con người mà thôi, chớ không làm cho họ « lành bệnh », vì vậy làm phát sanh một mặc cảm tội lỗi tập thể, bệnh hoạn, mặc cảm nầy tạo nên sự mất quân bình tâm linh trầm trọng.
Như vậy, khoa Tâm lý học của Freud thực sự là một khoa tâm lý học chiều sâu. Nó phát lộ cho chúng ta thấy rằng đời sống tâm linh không phải chỉ hạn chế trong những gì chúng ta ý thức được mà thôi, rằng dưới những động lực ý thức và những quyết định hợp lý, có một bộ máy tâm linh ở đó những nguyên động lực được giấu giếm, vô thức hay bị dồn nén vẫn tác động. Nó lôi kéo sự chú ý của chúng ta về sự giáo dục, là sự chuyển hướng từ thiên nhiên tới văn hóa, không phải được hoàn thành mà không hậu quả tai hại, tai hại ở chỗ giáo dục đã tạo nên trong nhân cách của chúng ta những xung khắc đánh dấu chúng ta từ nhỏ, vì vậy, mỗi kinh nghiệm mới của chúng ta trong hiện tại đều phản ánh phần nào quá khứ vô thức của chúng ta. Tóm lại, khoa tâm lý học của Freud cho chúng ta thấy rằng tánh cách thống nhất và ý thức của cái Tôi chỉ bề ngoài mà thôi.
Do những yếu tố nêu trên ngày nay nó có thể được quan niệm như một trong những phương pháp căn bản của khoa học nhân văn.
Mời các bạn đón đọc Phân Tâm Học của tác giả J. P. Charrier.