Trong một phòng tranh ở Sydney, người đàn ông tình cờ bắt gặp bức tranh vẽ cô gái đã từng khiến ông sẵn sàng vứt bỏ hết thảy để rồi ngoạn mục biến khỏi đời ông. Sau đó, như từ bóng tối bước ra sân khấu, những nhân vật chính mắc kẹt trong cuộc tình tay bốn năm xưa đều xuất hiện. Họa sĩ nổi tiếng thế giới, nhà tài phiệt, và luật sư tái ngộ cùng cô gái trong tranh trên một bờ vịnh Úc, mong muốn giành lại thứ họ nghĩ phải thuộc về mình. Nhưng chuyện đời không đơn giản - đối với một tác phẩm nghệ thuật mà mọi bảo tàng thế giới đều săn lùng, cũng như đối với Irene mà cuộc đời có nhiều góc khuất, khi tuổi tác của tất cả họ đều đã về chiều, và định mệnh thì thường khắc nghiệt…
***
Người đàn bà trên cầu thang của tác giả Bernhard Schlink, một câu chuyện tình lãng mạn, thậm chí có phần “sến sẩm".
Nhưng qua đó, mỗi người đọc đều có thể tìm cho mình kho tàng kiến thức đáng quý, về một thời đã qua của nước Đức, ẩn sau những tình tiết, câu chữ đầy mê hoặc.
Cuốn tiểu thuyết vừa mới được giới thiệu tới độc giả Việt Nam trong buổi ra mắt sách diễn ra tại Viện Gothe. Dịch giả của cuốn sách – Lê Quang cùng biên tập viên Trần Kiều Vân là 2 diễn giả chính trong buổi tọa đàm này.
Thông qua Người đàn bà trên cầu thang, qua câu chuyện xoay quanh chuyện tình tay bốn giữa họa sĩ nổi tiếng thế giới, nhà tài phiệt, luật sư và cô gái, Bernhard Schlink đã phơi bày bức tranh sự thật về thực tế lịch sử của nước Đức.
Đó là thời kì mà bức tường Berlin đã chia cắt nước Đức thành 2 nửa Tây và Đông Đức. Và nhân vật cô gái trong truyện, vì chạy trốn sự truy nã của nhà cầm quyền Cộng hòa liên bang Đức do tham gia một tổ chức khủng bố, đã rời bỏ người chồng tài phiệt giàu có, cùng với anh họa sĩ trốn sang Cộng hòa Dân chủ Đức ở phía Đông. Cô gái đã kịp nhận ra vẻ đep của một Đông Đức mà trước đó cô chưa hề nhận thấy, cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ đảo chiều tất cả.
Quang cảnh buổi giới thiệu "Người đàn bà trên cầu thang"
Tác giả Bernhard Schlink là một luật sư, ở ông có sự khô khan và thực tế. Nhưng đọc truyện của ông, người đọc vẫn có thể thổn thức với sự gợi cảm mà ở đó, từng chi tiết và câu từ được ông vuốt ve thật mượt mà. Với biệt tài mổ xẻ những ẩn ức tăm tối trong lòng người, Bernhard Schlink đã viết nên một tiểu thuyết về tình yêu thật cuốn hút, mê hoặc.
Và dịch giả Lê Quang, với sự am hiểu về ngôn ngữ cùng văn hóa Đức, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Người đàn bà trên cầu thang là câu chuyện mà với người đọc “hăng hái“ có thể lướt qua nó trong vòng 2 ngày. Nhưng có lẽ, đó khó có thể là một câu chuyện mà bất kì ai có thể cảm nhận được hết giá trị chỉ với một lần mở sách, về những ý nghĩa, kiến thức mà tác giả đã lồng ghép đầy tinh tế qua từng câu từ", dịch giả Lê Quang nói.
Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng, để ta mang theo khi du lịch, vừa đọc vừa thư giãn dưới ánh đèn mờ rồi bỏ nó lại khách sạn sau những ngày nghỉ. “Người đàn bà trên cầu thang” ẩn chứa nhiều vấn đề khiến người ta phải suy ngẫm. Nó mang nhiều giá trị, ý nghĩa và lợi ích cho độc giả mà ai cũng có thể rút ra được một chút kiến thức (nói một cách khiêm tốn) cùng bài học đáng quý.
Bernhard Schlink (sinh 1944 ở Đức) là giáo sư Luật và thẩm phán Tòa án hiến pháp cấp bang, đã viết gần 20 tác phẩm, được trao nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước Đức.
Ông nổi tiếng với tiểu thuyết Người đọc (1995) - giải Prix Laure Bataillon cho văn học dịch của Pháp, giải Grinzane Cavour của Ý…
Tiểu thuyết mới nhất Người đàn bà trên cầu thang vừa xuất bản đã lọt vào danh sách bestseller của tác chí Der Spiegel, và bán bản quyền dịch cho hơn 10 nước trên thế giới. Bernhard Schlink hiện đang sống ở Berkshire (Massachusetts) và Berlin.
***
Bernhard Schlink (sinh 1944 ở Đức), là giáo sư luật và là thẩm phán tòa án hiến pháp cấp bang, đã viết gần 20 tác phẩm, được trao nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước Đức. Ông nổi tiếng với tiểu thuyết "Người đọc" (1995) - giải Prix Laure Bataillon dành cho văn học dịch của Pháp, giải Grinzane Cavour của Italia… Tiểu thuyết "Người đàn bà trên cầu thang" của ông vừa xuất bản đã lọt vào danh sách bestseller của tạp chí Der Spiegel, đã bán bản quyền dịch cho đối tác tại hơn 10 quốc gia.
Trong "Người đàn bà trên cầu thang", tình tiết xoay quanh các nhân vật chính gồm một họa sĩ nổi tiếng thế giới, một nhà tài phiệt, một luật sư - cả ba cùng yêu một cô gái. Với biệt tài mổ xẻ ẩn ức trong lòng người, cách hành văn dễ hiểu, trong trẻo và trí tuệ, Bernhard Schlink đã viết nên một tiểu thuyết cuốn hút, khiến bạn đọc ngẫm ngợi về thân phận con người.
***
Có thể một hôm nào đó mọi người sẽ thấy bức tranh. Nó mất tích đã lâu rồi, nay đột ngột xuất hiện, và bảo tàng nào cũng săn đuổi. Chả gì thì Karl Schwind giờ đây cũng là họa sĩ nổi danh nhất và đắt giá nhất thế giới. Vào dịp sinh nhật thứ bảy mươi của ông, tôi thấy mặt ông trên mọi tờ báo và kênh tin tức, dù là phải ngắm mất một lúc mới nhận ra chàng trai ngày nào sau gương mặt già nua hôm nay.
Nhưng bức tranh thì tôi nhận ra được ngay. Tôi bước vào gian cuối của phòng tranh, nó treo ở đó và làm tôi choáng váng như ngày nào, khi tôi vào phòng khách nhà Gundlach và thấy nó lần đầu.
Một cô gái đang xuống thang. Chân phải cô đặt lên bậc dưới, chân trái còn chưa rời bậc trên nhưng đã dợm vào bước tiếp theo. Cô gái khỏa thân, da xanh tái, gò vệ nữ và mái đầu phủ vàng rơm, tóc cô lóng lánh phản chiếu ánh sáng. Khỏa thân, xanh tái, vàng rơm - trên nền xanh xám của những bậc thang và tường vẽ mờ ảo, cô bồng bềnh nhẹ trôi về phía người thưởng lãm, nhưng đồng thời cặp đùi thon dài, phần hông nở tròn trịa và hai bầu vú săn chắc lại trĩu nặng đam mê.
Tôi chầm chậm tiến lại gần bức tranh. Tôi ngượng ngùng, và đó cũng là cảm xúc giống ngày nào. Hồi ấy tôi ngượng ngùng vì cô gái trước đó một hôm còn ngồi trước mặt tôi trong quần bò, crop top và áo khoác, nay hiện ra trần trụi trước mắt. Hôm nay tôi ngượng ngùng vì bức tranh nhắc tôi nhớ đến những gì xảy ra ngày đó, những gì tôi sa vào và sau đó chỉ muốn xóa khỏi trí nhớ thật nhanh.
“Người đàn bà trên cầu thang”, tấm biển nhỏ cạnh bức tranh ghi vậy, và cho biết tác phẩm được mượn về. Tôi tìm ông giám tuyển và hỏi ai là người cho phòng tranh nghệ thuật này mượn. Ông đáp, ông không được phép nói tên. Tôi nói, tôi quen người phụ nữ trong tranh và chủ nhân tác phẩm, và có thể báo trước cho ông rằng sẽ có tranh cãi về quyền sở hữu bức tranh. Ông nhíu mày nhưng không đổi ý, không được phép cho tôi biết tên.
Chuyến bay trở về Frankfurt của tôi được đặt vào chiều thứ Năm. Sau khi kết thúc các thương lượng ở Sydney vào sáng thứ Tư, lẽ ra tôi có thể đổi chuyến bay sang chiều thứ Tư. Song tôi thích đến Vườn Bách thảo vào chiều hôm ấy.
Tôi định ăn trưa ở đó, nằm lăn ra cỏ và tối đến Nhà hát nhạc kịch xem vở Carmen. Tôi thích Vườn Bách thảo, nó giáp với một nhà thờ lớn về phía bắc, còn phía nam nằm kề Nhà hát nhạc kịch, trong đó có Phòng trưng bày nghệ thuật và Nhạc viện, và từ đỉnh đồi ấy có thể phóng tầm mắt xuống vịnh. Vườn Bách thảo có các khu trồng cọ, hồng và thảo mộc, có ao hồ, khu ngồi nghỉ dưới tán cây, tượng và nhiều bãi cỏ với cây cổ thụ, có ông bà và các cháu, có những người đàn ông và đàn bà cô đơn dắt chó, các nhóm picnic và đôi tình nhân, người đọc sách và người nằm ngủ. Trên bao lơn của nhà hàng giữa vườn, thời gian như ngừng trôi: cột nhà cổ kính bằng gang đúc, lan can sắt và các cây to có chồn bay, chim chóc với bộ lông sặc sỡ và mỏ cong.
Tôi đặt đồ ăn rồi gọi điện cho bạn đồng nghiệp. Ông ta là người chuẩn bị vụ sáp nhập doanh nghiệp về phía Úc, tôi làm bên phía Đức. Như trong các vụ sáp nhập doanh nghiệp, hai chúng tôi vừa là đối tác lại vừa là đối thủ. Nhưng chúng tôi cùng tuổi, đều là chuyên gia thuộc một trong những phòng luật lớn chưa bị người Mỹ hay người Anh thôn tính, cả hai đều góa vợ và thân nhau. Tôi hỏi ông về dịch vụ thám tử mà phòng luật của ông sử dụng, và ông cho tôi biết tên.
“Chúng tôi có thể giúp gì cho ông không?”
“Không có gì đâu, chỉ chút tò mò từ lâu, nay cần giải đáp.”
Tôi gọi điện đến dịch vụ thám tử, cần biết ai là chủ sở hữu bức tranh của Karl Schwind trong Phòng tranh New South Wales, có phải đó là một phụ nữ tên họ khai sinh là Irene Gundlach hoặc khi lấy chồng mới lấy họ Gundlach theo chồng, và có phụ nữ nào tên như thế sống ở Úc không. Ông giám đốc phòng thám tử hy vọng sẽ cung cấp tin cho tôi sau vài ngày. Tôi hứa sẽ thưởng nếu ngay sáng mai có thông tin. Ông ta cười. Hoặc hôm nay lấy được thông tin từ phòng tranh nghệ thuật, hoặc vài hôm nữa mới có, thưởng hay không thưởng cũng vậy thôi. Ông hứa sẽ gọi lại.
Mời các bạn đón đọc Người Đàn Bà Trên Cầu Thang của tác giả Bernhard Schlink & Lê Quang (dịch).