Có những kẻ ẩn mình để trộm cắp, để giết chóc, để bội phản, để yêu thương, để hưởng thụ. Tôi thì phải ẩn mình để viết. Vừa tròn hai mươi tôi đã rơi vào vòng chi phối - chế ngự - của một người đàn ông lớn tuổi hơn đôi chút, người ấy muốn định đoạt cuộc đời tôi và đã tiến hành chuyện đó hết sức bất lương.
***
Montgomery, Alabama, 1918. Zelda Sayre, con gái một gia đình quyền quý, gặp viên trung úy Scott Fitzgerald, một cuộc gặp gỡ định mệnh. Với những rạo rực của một cô gái trẻ bước vào đời, mong muốn vượt thoát mọi ràng buộc của xã hội tỉnh lẻ miền Nam, Zelda cùng Scott lao mình về phía thiên đường. Thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết đầu tay của viên trung úy sau này được ca tụng là nhà văn lỗi lạc nhất nhì thời đại đã biến cặp đôi thành đứa con cưng của giới thượng lưu New York. Vậy nhưng thiên đường có là vô tận khi tiếp nối chuỗi những dạ tiệc xa hoa, hội hè rực rỡ là những cơn say triền miên, là chứng tâm thần phân lập, là những giày vò giằng xé lẫn nhau đưa đến cái kết của một bi kịch phủ nhung?
Hóa thân thành Zelda Fitzgerald trong cuốn tự truyện hư cấu, Gilles Leroy hé lộ phần nào số phận bí ẩn và bi thảm của cặp đôi từng là hai ngôi sao sáng chói trên vòm trời văn chương phương Tây những năm 20 thế kỷ trước: Scott Fitzgerald, tác giả The Great Gatsby và Zelda, vợ ông.
Alabama Song đã mang lại cho tác giả giải Goncourt 2007.
“Leroy kể lại nỗi đau của một người đàn bà mà để trở thành nàng thơ của một thiên tài đã từ từ bước xuống địa ngục.”– L'Express
***
“Cuốn tự truyện hư cấu này được dẫn dắt bởi một bàn tay bậc thầy.”
– Le Point
“Tác giả hóa thân tuyệt vời trong giọng điệu của một người phụ nữ đổ vỡ. Người đọc chạm đến sự tinh tế tuyệt đỉnh.”
– Danielle Laurin - Radio-Canada
“Tài năng của Gilles Leroy là không dùng tưởng tượng mà lên đường đến tận Montgomery để mang đến cho người đọc mùi hương nồng nàn của hoa mộc lan, giọng điệu xúc động của người đàn bà đứng đằng sau một cây viết vĩ đại.”
– Elle
***
Gilles Leroy sinh năm 1958 tại Bagneux (Haute-de-Seine), có bằng cử nhân văn chương hiện đại năm 1979. Ông đã từng làm nhiều nghề trước khi trở thành nhà báo. Năm 1996, Gilles Leroy rời Paris về sống ở nông thôn để chuyên tâm viết văn và tự nghiên cứu văn học Mỹ cùng văn học Nhật. Xuất bản năm 2007, Alabama Song đã giành được giải Goncourt trong năm đó.
***
Bỗng nhiên, thành phố lơ mơ ngái ngủ của chúng tôi bị xâm chiếm bởi hàng nghìn thanh niên trai tráng, phần lớn là những gã trai thảm hại, bị lôi ra khỏi trang trại, đồn điền, quầy hàng của họ, từ khắp các bang miền Nam trong khi các sĩ quan mới tốt nghiệp trường quân sự của họ lại xuống từ phương Bắc, từ vùng Hồ Lớn và từ các thảo nguyên (kể từ nội chiến đến giờ người ta chưa khi nào thấy ngần ấy bọn yankee trong thành phố, mẹ bảo tôi như vậy).
Trẻ như thế, hừng hực như thế, các chiến binh tươi cười ồn ã sà xuống chúng tôi và đổ dồn theo những con phố của chúng tôi tựa như những đám mây chim chóc dày đặc trong bộ lông màu xanh lơ hoặc xám hoặc xanh lục, một số có mào bằng vàng hoặc bằng bạc, điểm đốm mắt bằng những ngôi sao cho lòng quả cảm và những phù hiệu nhiều màu - nhưng tất cả, lũ chim hạng lính tổng động viên cũng như lũ chim hạng sĩ quan chuyên nghiệp, những kẻ chủ trương ly khai hay những người ủng hộ phong trào phế nô, rốt cuộc cũng liên kết lại, nếu không phải là hòa giải với nhau, tất cả chẳng bao lâu sẽ lại lên đường cho một chuyến đi dài vượt Đại dương về phía châu Âu già cỗi, vẫn chưa phải châu Âu trong mơ của chúng tôi mà là châu lục của một nỗi kinh hoàng lạ lẫm, sự lạ lẫm nằm ở chỗ người ta phải chết trong một cuộc chiến ngoại quốc.
Nếu có sợ đi chăng nữa, họ cũng không để lộ ra ngoài. Những buổi khiêu vũ diễn ra khắp nơi trên phố, tại các khu sân bay bao quanh thành phố và trong các trại huấn luyện. (Đó là sự lạ, quả đúng vậy, một sự hi hữu, chưa được lý giải: không một thành phố nào diện tích khiêm tốn như Montgomery lại có chừng ấy sân bay. Và vậy là thành phố nực cười của chúng tôi được chọn làm nơi huấn luyện hàng loạt các cậu bé mà người ta sẽ giao nộp cho chiến trận - Cuộc chiến, họ gọi thế, Trận chiến.)
Tôi còn nghe thấy từ họ phát ra những âm thanh lộn xộn đầy cuồng nhiệt: tiếng giày nhà binh kiêu hãnh gõ đôm đốp xuống mặt đường, tiếng gào rống và tiếng ly cốc chạm vào nhau, như thể hai mươi nghìn gã trai đang tạo thành một cơ thể to lớn duy nhất, một người khổng lồ với các mạch máu nóng bỏng nơi người ta có thể nghe thấy chất ađrênalin sôi ùng ục và một bầu nhựa sống căng tràn không thể kìm nén. Như thể mối nguy cận kề và niềm tin chắc vào những cú sốc khác, vào những cơn quá khích khác, những cú sốc và những cơn quá khích chết người, đã khiến những gã đàn ông này thêm phần quậy phá ồn ĩ, thơ trẻ và sảng khoái lạ thường.
Và chúng tôi, những Mỹ nhân miền Nam, tôi không rõ những cậu trai này nhìn chúng tôi như thế nào: một đàn ong phát tiếng vo vo, có lẽ vậy, hay một chuồng chim ruồi và vẹt mái hốt hoảng cũng nên. Lý do duy nhất để thức dậy và sống, đó là chờ đợi cuộc duyệt binh mới trong thành phố, và, đối với những cô gái may mắn như tôi, không bị bố mẹ kìm giữ bằng vòng mũi để vực ngựa, thì là chờ đợi buổi vũ hội tiếp theo tại Country Club hoặc tại phòng ăn của doanh trại Sheridan.
Bố đã hết sức cố gắng giam lỏng tôi trong nhà chừng nào các đội quân vẫn lưu lại trong thành phố. Ông, vị viên chức nhà nước xanh rớt và rụt rè, vị luật gia khắc khổ tối nào cũng ngủ cùng lúc với mặt trời, dĩ nhiên là ông chỉ nhìn ra trong đám lính hung hãn vô kỷ luật một lũ thô lậu đồi bại đầy ám muội, những tên tội phạm cưỡng dâm và sát nhân. Minnie - cảm ơn mẹ - đã cho phép tôi tới Country Club, chứ không phải bất kỳ một vũ hội nào khác, một khán phòng nào khác, cho phép đi tới nửa đêm. Bà thức đợi tôi về mới đi ngủ, lúc đó đã quá mười hai giờ đêm từ lâu.
Trung úy Fitzgerald hai mươi mốt tuổi và đã bộc lộ nhiều tài năng. Anh khiêu vũ rất tuyệt tất cả các điệu thịnh hành, dạy tôi nhảy turkey trot, maxie và aeroplane; anh viết những truyện ngắn trong nay mai sẽ được đăng báo, anh chắc chắn về điều ấy; anh sạch sẽ và lịch lãm, anh biết tiếng Pháp - chính nhờ thạo tiếng Pháp mà anh được đào tạo thành trung úy lục quân sau khi tốt nghiệp Princeton, những người nói tiếng Pháp đều được hưởng quyền ưu đãi đẩy họ lên tới hàng sĩ quan - và nhất là anh lại sạch sẽ và chải chuốt, cách ăn vận của anh đỏm dáng chẳng khác nào một dandy*. Bộ quân phục của anh được cắt may tại tiệm anh em nhà Brooks ở New York. Đi cùng chiếc quần cưỡi ngựa màu xanh lá mạ của anh, thay vì đôi ghệt bằng vải như thường thấy là đôi giày ống cao, màu vàng rơm, với những chiếc đinh thúc ngựa đem lại cho anh một dáng vẻ không thực lắm của một người hùng trên báo ảnh.
Dandy là từ dùng để chỉ những người đặc biệt kỹ tính và có gu trong ăn mặc. (Các chú thích nếu không có lưu ý gì thêm đều là của người dịch)
Anh thấp bé, đúng vậy, nhưng khiếm khuyết thiếu vài centimet này được bù lại bằng một thân hình cân đối được tôn bật nhờ chiếc áo vest ôm sát người của bộ quân phục, bằng một vầng trán cao và một cái-gì-tôi-không-rõ (lòng tự tin vì đang là một ai đó, sự chắc chắn vào bản thân, ý thức rằng một định mệnh vô song đang chờ đợi), bằng một dáng vẻ phi thường, cái thực ra đã nâng anh cao thêm một cái đầu. Lũ đàn bà sửng sốt và lũ đàn ông cũng vậy. Một ngày nào đó tôi sẽ phải suy ngẫm về cái sự kỳ quái này: không một ai trong số các đồng đội ganh ghét với anh hay tức tối. Không hề, như thể những gã đàn ông khác đều chấp nhận sức lôi cuốn của anh và cổ vũ cho điều đó…
Càng làm tôi bối rối bao nhiêu anh càng trêu ngươi tôi bấy nhiêu! Đoạn tuyệt với những giấc mơ của mi đi. Ngay lập tức.
Mời các bạn đón đọc Alabama Song (Tiếng Việt) của tác giả Gilles Leroy.