Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Săn Và Bẫy Thú

Từ trước đến nay những câu chuyện về săn thú, bẫy thú thường rất hấp dẫn. Từ chuyện đi dụ voi rừng, đánh hổ bằng đòn xóc tới chuyện đào hang con trút, rồi ngay cả việc bẫy chim, thổi ống xì đồn bắn cá tràu bông đều có những lý thú riêng biệt. Tập này gồm 6 truyện: săn rái cá, săn khỉ, săn gấu, săn chồn vàng, săn lợn rừng ….

Ở mỗi truyện đều có những nét hấp dẫn và phong phú.

Là người đi săn, ai cũng mong bắt, bắn được thú, nhưng có khi săn hụt vẫn đem lại niềm vui cho con người.

Các con thú đều có cái tinh khôn riêng, nhưng dù to như gấu, hung dữ như hổ, tất thảy đều thua trí thông minh con người.

Các bạn sẽ tìm thấy ở đây một số kiến thức bổ ích về thú vật, về săn bắn và bẫy thú.

***

Trưa ấy, trên đường trở về cơ quan, Thiện và Đối, anh bạn tí hon rất xông xáo ấy, nghỉ chân ở một bìa rừng ăn nốt phần cơm nắm còn lại. Thiện ăn xong trước. Anh tìm lối đi xuống bờ suối lấy nước lên nấu uống. Uống với nụ vối rừng chín tươi mới hái vàng như hoa ngâu thì rất ngọt cổ.

Vốn là tay quen nghề săn bắn nên bước đi của anh đã thành thói quen, bước thật nhẹ nhàng. “Hắn đi như mèo đi”, anh em thường bảo đùa vậy. Chưa đến bờ suối, bỗng anh nghe rõ ở dưới kia có những tiếng lõm bõm lạ tai, giống như có con vật gì đang ăn chùm quả chín làm rơi rụng đôi trái xuống mặt nước suối. Thiện càng bước khẽ, không đặt chân vào lá khô, một tay nắm khéo chiếc cà – mèn không cho nó chạm vẹt vào cành cây hay tảng đá, cũng không cho phần quai sắt đu đưa lắc lư qua về trên miệng cà – mèn. Đã ở trong quân đội qua ba năm chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, lại thêm chuyên nghề săn bắn, anh có nhiều kinh nghiệm trong lối phục kích giặc – cũng như phục kích thú săn. Chỉ nghe qua tiếng động, anh phân biệt chính xác từng lối đi con thú …

Đó, đó là cả đoàn voi: bước đi ào ào như máy ủi cây, kiểu đi luôn hiên ngang, ỷ đến sức mạnh không chỉ riêng vào từng con mà chung cả bầy, vừa bước vừa ném vòi vít cành vít ngọn bẻ rắc những thân cây nào ngang tầm vòi với tới, và trước khi tống cả túm là vào miệng còn huơ vòi đập vào chân mình bên này bên kia mấy cái để phủi kiến, phủi sâu, y như kẻ nhổ mạ xong vội quay đập túm rễ vào chân mình cho văng bớt bùn, bớt đất.

Đó là con hổ: đi dè dặt khoan thai để dễ bề trở quẻ, rất cảnh giác đề phòng, hai chân trước mỗi chân vững, khoẻ gấp đôi so với mỗi chân sau, nhưng phép đặt bước lại quá hiền, quá êm, không gây thành tiếng động, đang đi bình thường mặc dù chẳng gặp một lá non nào cản trở, cũng dừng lại “phè gió” một cái lấy oai rồi mới bước tiếp.

Đó là con heo rừng, heo một: dám đi ăn giữa ban ngày ban mặt, đôi nanh như đôi kiếm ưỡn cong, bước đi lúm chúm, vừa đi vừa hất hất mặt như muốn sinh sự với tất cả, ỷ vào cái mũi rất thính của mình nên không cần dè dặt lắm, bước được mấy bước lại dừng lại hướng mặt lên cao nghe ngóng như điệu đi của những người mù, luôn với tư thế sẵn sàng xốc tới.

Đó là con chồn đèn: con vật chuyên ăn đêm, sở dĩ phải đi ra ban ngày là vì vừa rồi chắc gặp phải con thú khác săn đuổi, bước đi rất đắn đo, vừa bước vừa ngửi đất đánh hơi, mũi thính có thể phân biệt được cách đây khoảng ba hôm, trên lối mòn này đã có chân con cọp hay con beo bước qua. Chồn đi thường không dám theo vết đường mòn mà chỉ xuyên rừng xuyên bụi, cứ gần đến một lối mòn cắt ngang trước mặt thì chuẩn bị thật cẩn thận chu đáo, giỏng đôi tai ngang song song với cái mặt đưa ra trước, nhìn qua nhìn về xong là phóng vút như ném con thoi …

Mời các bạn đón đọc Săn Và Bẫy Thú của tác giả Trần Thanh Địch.