Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nghệ Thuật Đàm Phán

Sự thật về những nền tảng thành công

Chúng ta luôn tự đặt ra câu hỏi, làm thế nào để tránh được rủi ro, thất bại và làm thế nào để thành công cũng như giành chiến thắng cuối cùng? Có rất nhiều nền tảng cần thiết cho thành công nhưng chắc chắn bên cạnh những yếu tố cần thiết như tố chất, trí tuệ, tinh thần dám mạo hiểm thì kiến thức, kỹ năng là những điều không thể bỏ qua.

Được lựa chọn từ bộ sách Những Sự thật về kiến thức, kỹ năng cần thiết hỗ trợ thành công của các cá nhân, chúng tôi xuất bản 5 cuốn sách được đánh giá là phù hợp cũng như hữu ích nhất với độc giả Việt Nam hiện nay: Sự thật về nghệ thuật đàm phán, Sự thật về ra quyết định thông minh, Sự thật về làm giàu từ mạng xã hội, Sự thật về marketing qua email và Sự thật về những kỳ vọng của khách hàng. Mục tiêu của bộ sách là mang đến cho bạn những Sự thật cơ bản về nền tảng thành công, giúp bạn hiểu biết hơn những xu hướng trong tương lai, và khuyến khích bạn suy nghĩ có chiến lược về cách thức tốt nhất mà bạn có thể củng cố cũng như nâng cao động cơ và mục tiêu trong công việc và cuộc sống.

Mỗi cuốn sách bao gồm khoảng 50 Sự thật điển hình, hữu ích, thực tế, dễ đọc và dễ áp dụng sẽ là cẩm nang không thể thiếu đối với bất kỳ ai đang muốn phát triển các kỹ năng này. Bạn sẽ tìm thấy những hướng dẫn cụ thể, những ví dụ tiêu biểu về từng tình huống đàm phán, ra quyết định, về những nền tảng cơ bản của Internet, những biến đổi và các công cụ, tính năng tuyệt vời nhất của nó… để từ đó tận dụng và mang lại thành công cho bản thân. Và đặc biệt, nếu bạn là nhà kinh doanh, bạn ở vào vị trí nhà quản lý, hay bạn là nhân viên bán hàng… bạn sẽ tìm thấy câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi “Khách hàng thật sự muốn gì” từ cuốn cẩm nang Sự thật về những điều khách hàng mong muốn. Những Sự thật đơn giản trong bộ sách chắc chắn sẽ là những điều mà các bạn đang tìm kiếm.

Một điều đặc biệt nữa, bộ sách Sự thật được các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, với sự trợ giúp, tham khảo từ rất nhiều nhà lãnh đạo, cố vấn, huấn luyện viên… chắp bút, vì thế sẽ là công cụ hữu ích hỗ trợ bạn, dù bạn là “thực tập viên” mới bắt đầu những bước đi đầu tiên hay đã có nhiều năm kinh nghiệm. Chúng sẽ nâng bước, giúp bạn tiến xa hơn nữa trên con đường thành công trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp kinh doanh.

Hy vọng rằng với bộ sách này, bạn sẽ tìm được cho mình con đường đi đúng đắn, đạt được thành công và tránh xa “trạng thái lờ nhờ của buổi chiều chạng vạng”.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Hà Nội tháng 6/2012

Công ty Sách Alpha

***

Nếu bạn chỉ có một giờ để chuẩn bị…

Đàm phán không chỉ xảy ra ở những bãi ô tô đã qua sử dụng, trong phòng họp hoặc ở các văn phòng luật sư. Bạn đàm phán mỗi ngày: với vợ/chồng để phân việc nhà, với đồng nghiệp xem ai sẽ gọi điện cho khách hàng, với đứa con nhỏ để quyết định thời gian đi ngủ. Bất cứ khi nào muốn đạt được mục đích, bạn cần có sự hợp tác của những người khác, và bạn phải đàm phán.

Thỉnh thoảng bạn có thời gian để chuẩn bị cho việc đàm phán. Nhưng nhiều khi bạn bị đặt trong tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Bạn nhận được một cuộc gọi từ một người bạn cũ với cơ hội kinh doanh “nóng hổi”, hoặc bạn nhận được một email phiền toái của một đồng nghiệp tuyên bố rằng “việc ai nấy làm”. Hoặc cô trông trẻ hay người giúp việc dọa sẽ nghỉ làm trừ khi bạn tăng lương và cho cô ta nghỉ phép ba tuần. Trong tất cả các tình huống trên, dường như bạn không còn thời gian để chuẩn bị cho “cuộc đàm phán”.

Nhưng thậm chí nếu bạn chỉ có một giờ – hoặc chỉ một chút thời gian – để chuẩn bị, thì đây là vài bước cần thiết bạn nên biết:

1. Xác định rõ mục tiêu chính.

2. Suy nghĩ về các lựa chọn.

3. Lên kế hoạch cho bước đi đầu tiên.

Xác định mục tiêu

Người đàm phán thường vội vàng khẳng định quan điểm. Quan điểm là nhu cầu, ví dụ: “Tôi muốn một khoản hoa hồng”. Sự nguy hiểm trong việc khẳng định quan điểm đó là nó có thể khiến đối tác cũng nhanh chóng đáp trả, ví dụ: “Không đời nào, anh đừng có mơ.”

Trái lại, những người đàm phán thường dễ dàng đạt được mục tiêu hơn nếu biết tập trung vào quyền lợi thay vì quan điểm. Một mục tiêu thật sự phản ánh quyền lợi của người đàm phán và trả lời cho câu hỏi “tại sao”. Lấy ví dụ trong trường hợp hai đồng nghiệp tranh luận xem ai sẽ là người được nhận phòng làm việc rộng rãi hơn. Việc cả hai người đều nói “Tôi muốn căn phòng rộng hơn” là điều dễ hiểu. Đó là nhu cầu. Khi những đồng nghiệp này lý giải tại sao họ muốn căn phòng rộng hơn đồng nghĩa với việc họ sắp sửa tuyên bố mục tiêu của mình. Ví dụ, một đồng nghiệp muốn căn phòng rộng hơn vì cô ta có thể tổ chức những buổi họp nhóm với quy mô vừa phải, không cần thiết phải tổ chức trong phòng họp của công ty, hơn nữa cô ấy phải chịu áp lực về thời hạn hoàn thành công việc. Người còn lại có thể muốn văn phòng rộng hơn để gây ấn tượng với những khách hàng quan trọng.

Bất cứ khi nào, để đạt được mục đích, bạn cần có sự hợp tác của những người khác, và bạn phải đàm phán.

Nhu cầu của mọi người có thể khác nhau, nhưng mục đích của họ thì hoàn toàn giống nhau hoặc ít nhất có sự tương đồng. Ví dụ, nếu hai đồng nghiệp đều muốn đạt được mục đích của mình, họ có thể thu xếp cùng sử dụng căn phòng rộng hơn, khi tiến hành những cuộc họp hoặc gặp mặt khách hàng.

Suy nghĩ về các lựa chọn

Đàm phán không phải lúc nào cũng kết thúc trong sự đồng thuận. Một đồng nghiệp có thể nhất quyết muốn sử dụng căn phòng rộng, cô trông trẻ có thể nghỉ việc, công ty có thể không chấp nhận yêu cầu của bạn. Vì thế bạn cần phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về việc bạn sẽ làm gì khi không đạt được thỏa thuận. Nói tóm lại, hành động ứng phó của bạn là gì? Hầu hết mọi người đều thấy mù mờ khi ở trong tình huống đó. Họ quá tập trung vào nhu cầu mà không nhìn thấy hết những hướng đi khác để giải quyết vấn đề. Xác định những lựa chọn bằng cách sử dụng bốn quy tắc cơ bản dưới đây để tìm ra ý tưởng:

- Dừng việc phán xét ban đầu và chỉ liệt kê tất cả các lựa chọn có thể, thậm chí là cả những ý tưởng kỳ lạ.

- Nỗ lực để tìm ra nhiều ý tưởng nhất – một ý tưởng hay thường xuất phát từ vài ý tưởng có vẻ ngớ ngẩn.

- Đừng vội đưa ra phán quyết và đánh giá.

- Trộn lẫn, lắp ghép và kết hợp các lựa chọn khác nhau.

Lên kế hoạch cho bước đi đầu tiên

Lời mở đầu nên thể hiện rõ ràng mục tiêu của bạn và gợi ý cách để đạt được nó. (“Tôi muốn căn phòng trong góc vì số lượng khách hàng của tôi nhiều nhất công ty, và nhóm của tôi cần một không gian rộng hơn hiện tại.”) Bạn không cần phải thốt ra yêu cầu đầu tiên ngay khi gặp đối tác. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, sau màn chào hỏi hoặc có lẽ là sau khi đối tác đưa ra một số vấn đề, đó mới là thời cơ để bạn “vào cuộc”.

Bạn nên tạo cho mình một khởi đầu tốt đẹp. Hãy trình bày mạch lạc yêu cầu của bạn, nhưng đừng biến yêu cầu đó thành nhu cầu. Đây là một cách mở đầu trực diện nhưng không quá khắt khe: “Để bắt đầu cuộc thảo luận, về phần mình, tôi đã sẵn sàng…” hoặc “Tôi không muốn làm mất thời gian của anh/chị, do đó tôi muốn biết thái độ của anh/chị đối với…”

Kiên quyết giữ vững quyền lợi, nhưng linh hoạt trong cách giải quyết. Đừng biến nó thành những nhu cầu “được ăn cả, ngã về không”. Nếu bạn cảm thấy quá nôn nóng hoặc bực bội trước cuộc “đàm phán”, một lần nữa hãy thể hiện sự quan tâm của bạn (với vợ/chồng hoặc bạn bè) – thậm chí nếu bạn không thực sự quan tâm đến người đối diện. Nguy cơ đặt ra những yêu sách hay xảy ra xung đột là điều mà hầu hết mọi người đều muốn hạn chế.

Mời các bạn đón đọc Nghệ Thuật Đàm Phán của tác giả Leigh Thompson.