Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Chuyện Làng Nhô

Chuyện làng Nhô, kịch bản phim truyền hình (1995), là tác phẩm đầu tay ở thể loại này của nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi anh đầu quân về Trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài truyền hình Việt Nam. Cốt lõi của nó là từ cuôn tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng (Nxb Công An Nhân Dân, 1994) của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Một cuốn tiểu thuyết được viết ra từ chính một sự kiện có thật đã diễn ra ở vùng đồng chiêm Kim Bảng (Hà Nam). Những người nông dân nơi đó do có những mâu thuẫn với một số cán bộ chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai, cách thức làm ăn, đời sống sinh hoạt, đã kiến nghị, đã phản đối, và cuối cùng đã thành ra chống đối khi có kẻ xấu ở làng bày mưu xúi giục, tìm cách lái họ chệch hướng đấu tranh. Vụ việc bùng ra gây chấn động dư luận và cuối cùng đã được giải quyết, lập lại trật tự ở làng quê, để cho người nông dân được sống thực trên mảnh đất của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã về tận nơi tìm hiểu sự việc, lấy tài liệu, gặp gỡ trò chuyện với những người thực trong biến cố đó, và anh soi chiếu nó bằng cái nhìn văn học. Tên sách Kẻ ám sát cánh đồng mang tính biểu tượng, đó không chỉ là một nhân vật cụ thể mà còn có thể là một cách làm sai, một cách nhìn chưa đúng gây ra nhũng loạn, hà hiếp ở nông thôn mới. Ý nghĩa này ở cuốn tiểu thuyết của người bạn văn chắc hẳn đã hấp dẫn Phạm Ngọc Tiến khi anh tìm kiếm một cốt truyện viết kịch bản phim truyền hình đầu tay.

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thiều đã có những nhân vật rõ nét, có những biến cố kịch tính, có những cảnh huống căng thẳng, đủ chất liệu cho phim. Lên phim, Phạm Ngọc Tiến xoáy bật vào cái làng sinh chuyện - Chuyện làng Nhô. Chuyện làng nhưng cũng là chuyện nước, tác phẩm nghệ thuật phải chưng cất, khái quát hiện thực, không chỉ mô tả mà còn phản ánh, sau phản ánh còn là thể hiện, và thể hiện là để nghiền ngẫm. Tác phẩm Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều đã không đơn thuần chỉ là kể về một vụ việc, nó không phải là một báo cáo hình sự, nó là tiểu thuyết. Tác phẩm Chuyện làng Nhô của Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết thành phim, biến con chữ nằm im thành hình ảnh chuyển động, là cụ thể hóa rõ hơn, sâu hơn những số' phận người, đập thẳng vào giác quan và tâm trí người xem. Cố nhiên từ sách lên phim thông qua kịch bản là bằng sự đạo diễn và diễn xuất (dựng thành phim năm 1997). Nhưng "có bột mới gột nên hồ", một cuốn sách hay thành một kịch bản hay và được một bộ phim hay.

***

Ngôi nhà thờ họ Trịnh nằm ở đầu làng (đó là dòng họ lớn nhất nhì vùng). Ngoài gian chính có điện thờ, còn có một nhà ngang 3 gian nơi ở của cụ Tín, người trông coi việc hương đèn.

Nhà thờ họ được quây bằng bức tường đá xám. Lúc này trời đã chạng vạng tối, cụ Tín khóa cổng rồi cập quạng lên gian chính. Điện thờ âm u nhờ nhịt.

Cụ Tín đứng trầm mặc trước bàn thờ.

Đoạn cụ móc túi lấy bao diêm. Đôi tay già lẩy bẩy quẹt đến bốn năm lần que diêm mới bắt lửa. Cụ lập cập tháo thông phong chiếc đèn dầu nhỏ.

Tiếng gió rít nhẹ rờn rợn. Lửa tắt. Lại lẩy bẩy quẹt diêm. Lần này lửa được châm vào đèn. Bập bùng thứ ánh sáng vàng vọt ma quái liếm nhòe nhoẹt các bức ảnh chân dung tiền nhân họ Trịnh.

Cụ Tín châm hương, run rẩy cắm vào bát hương, chắp tay.

Bên ngoài nhà thờ, làng Nhô lùm lùm thành khối trong màn đêm sầm sẫm. Lác đác những ngọn đèn điện đỏ tòng tọc. Chó sủa thành vệt dài đến nhà thờ họ thì tắt.

Một bóng đen đứng tần ngần ở cổng.

Tiếng khóa, xích xoeng xoẻng. Bóng đen khẽ gọi:

- Cụ Tín… cụ Tín…

Gọi thêm vài lượt, không thấy động tĩnh gì, bóng đen chặc lưỡi, đu mình qua tường tiến vào gian thờ.

Trong gian thờ cụ Tín vẫn chắp tay không quay lại. Giọng cụ rành rọt.

- Chào anh Khả!

Bóng đen giật nảy mình:

- Hả?

- Anh Khả mới về?

- Dạ! Nhưng bỗng dưng sao cụ lại biết là con?

- Biết chứ. Mắt tôi bây giờ cập bà nhèm nhưng trời thương còn để cho đôi tai. Không phân biệt nổi tiếng chân người họ Trịnh, sao dám chường mặt ở chốn này.

- Dạ, con chịu cụ.

- Anh Khả về hẳn?

Trịnh Khả run bắn người:

- Ơ… cụ Tín… sao… .

Một tràng cười của cụ Tín cất lên. Tiếng cười nhẹ, mảnh, lạnh, sắc:

- Nghe tiếng chân của anh ta biết. Nó nặng nề lắm.

Trịnh Khả hơi chồm lên bối rối:

- Cụ Tín. Cụ là người hay là…

- Ta là con cháu họ Trịnh. Mà thôi, về là phải, con cá chết một giờ ngửa bụng với nước. Con cáo chết ba năm quay đầu về núi. Huống hồ con người… Anh Khả vào thắp hương đi.

Cụ Tín quay trở lui ra sân.

2 - Nhà thờ họ Trịnh, tối.

Khả châm hương vái. Lần lượt hiện về những khuôn hình thờ. Tiếng gió rít. Các bức ảnh đảo chung chiêng. Mắt Khả đậu lại ở một bức ảnh. Khả thẫn thờ:

- Cha ơi.

Từ bức ảnh hiện dần lên một người đàn ông mặc áo dài khăn xếp. giọng người ảnh trầm trầm, âm âm:

- Anh đã về đấy ư?

- Con là Trịnh Khả. Giọt máu buồn, giọt máu lưu lạc của họ Trịnh. Con đã trở về.

Người ảnh nhếch mép cười:

- Về hẳn à? Hưu à? Làm gì đến tuổi, đúng không nhỉ?

Trịnh Khả cung kính:

- Con mới 52 tuổi nhưng ở lại làm gì nữa, buồn lắm. Cả đời chẳng đâu vào đâu, vài năm nữa ở lại làm gì.

Người ảnh:

- Về cũng được. Rút cục anh là người sướng nhất họ Trịnh. Được đi tận Liên Xô học. Gõ đầu người khác, lại ở bậc đại học, lớn lắm đấy. Chả bằng mấy làm quan ư?

Trịnh Khả hằn học:

- Nước non gì cái chức thầy đồ. Hơn nữa ai để ý gì đến con. Họ thù bố ngày xưa làm sao con ngóc đầu lên được. Xin tổ tiên đừng bỏ rơi con.

Người ảnh cất tiếng cười ha ha:

- Thù à, ha ha… Trịnh Khả, tuổi kia rồi phải biết phân biệt phải trái chứ, ha ha…

Trịnh Khả lùi dần, lùi dần ra cổng, miệng lắp bắp:

- Xin đừng bỏ rơi con.

Khả lùi sát cổng, hoảng hốt. Tiếng cười vây bủa ghê rợn. Người ảnh lừ lừ trôi phía trước mặt. Thoắt cái, người ảnh biến thành ông cụ Tín, tay cầm đèn cao ngang mặt:

- Kìa anh Khả, về nhà đấy à? Còn túi hành lý kia nữa.

Khả trân mắt nhìn cụ Tín. Đoạn Khả cầm túi hành lý rút vào bóng đêm.

Chó lại sủa rộ thành vệt.

3 - Nhà Trịnh Khả, tối.

Khả lùi lũi đi vào ngõ nhà mình. Con chó vàng nhảy chồm chồm ném từng tiếng sủa vào mặt Khả.

Khả lậm lừ tiến. Con chó vừa sủa, vừa lùi. Khả lẩm bẩm chửi:

- Tiên sư, toàn chó là chó.

Trong căn nhà tối om, vẳng ra tiếng đàn bà tru tréo:

- Tiên nhân đứa nào trêu chó nhà bà đấy.

Khả dằn giọng:

- Khả đây!

Đèn nhà bật tách sáng. Vợ Khả mừng rỡ:

- Ôi thầy nó. Tôi cứ tưởng đứa nào trêu chọc.

- Con đâu?

- Con Lụa, thằng Khảm lớn rồi, tởn lắm. Chưa cơm nước xong đã tấp tểnh. Kệ xác chúng nó. À chết, bố nó ăn uống gì chưa?

- Ăn rồi!

- Vậy để tôi pha ấm nước.

Vợ Khả đi xuống bếp. Khả ngồi xuống chiếc ghế cũ chợt nhổm người nhăn nhó:

- Mẹ kiếp, nhà cửa bẩn thỉu, hôi hám quá.

Vợ Khả xách phích nước lên, vừa lúi húi pha trà, vừa lẩm bẩm khẽ:

- Nhà không chủ nó thế đấy. Có đàn ông, đàn ang đâu… .

Khả vằn mắt:

- Cô nói cái gì?

Vợ Khả không đáp đi vào buồng. Một lát sau bước ra, tóc tai đã chải gọn gàng, chiếc áo gụ nhàu nát đã được thay bằng chiếc áo cộc tay màu mỡ gà còn mới. Bây giờ vợ Khả mới đáp:

- Anh cứ đi biền biệt, có bao giờ ngó ngàng gì đến nhà với cửa.

Vợ Khả nấc lên tức tưởi:

- Mấy tháng trước con Lụa bị bệnh mắt, suýt mù phải đi Hà Nội chữa. Tìm đến bố, nào có thấy…

Khả, giọng đã dịu:

- Tôi phải đi công tác liên miên. Thôi, Liên này, tôi sẽ ở nhà. Ở hẳn!

- Già rồi còn gì. Ở nhà với vợ, với con lại chả chán vạn lần hơn.

Khả nhìn kỹ vợ:

- Cô dạo này thay đổi nhiều nhỉ. Nói năng cũng khác. Ai dám bảo tôi già. Sự nghiệp của tôi còn dài.

Liên lau nước mắt, chợt bật cười:

- Đi cả đời chẳng thấy sự nghiệp đâu. Giờ về dưỡng già lại sự với nghiệp. Đâu, đồ đạc anh để đâu hết.

Khả nhăn mặt:

- Chỉ có cái túi ấy chứ còn gì nữa.

Liên lôi ra bộ quần áo, vài thứ đồ lặt vặt:

- Khốn nạn, cả đời công tác, giờ chỉ có ngần này thứ. Sự nghiệp ở đây chắc.

Khả rít liên:

- Im mồm. Đàn bà biết gì mà nói.

Liên khóc:

- Tôi thật khổ cả đời!

Khả như nhận thấy mình vô lý, đặt tay lên vai vợ:

- Thôi, đừng trẻ con, tôi đã về, không phải lo nữa. Rồi cô xem, còn lâu Khả mới già.

Khả đẩy Liên vào buồng. Đèn tắt. Tiếng dế rúc.

4 - Làng Nhô buổi sáng.

Nhà gạch, mái ngói san sát. Một vài ngôi nhà mái bằng. Đường làng lát gạch nghiêng.

Khả, quần áo chỉnh tề, gặp ai cũng sởi lởi chào. Đến cuối làng, hết con đường độc đạo, Khả nhìn ra cánh đồng. Lúa đang trổ.

Mắt Khả mông lung.

Mời các bạn đón đọc Chuyện Làng Nhô của tác giả Phan Ngọc Tiến & Nguyễn Quang Thiều.