Môn LUÂN LÝ CHỨC NGHIỆP là môn mở đầu cho môn thứ hai của chương trình ban Sư Phạm thường xuyên là môn Giao tế xã hội.
Hai môn học bổ túc nhau và chỉ dẫn cho nhau. Đó là hai môn Kiến thức chuyên nghiệp nhằm tạo uy tín tinh thần cho nhà giáo.
Mục đích của Luân lý chức nghiệp là cấu thành một nhân cách Sư Phạm. Như vậy nhà giáo, ngoài kiến thức chuyên môn cần có để giảng dạy, còn phải được học hỏi về Sư Phạm, Tâm Lý Nhi Đồng… cũng như cần phải trao dồi, cô kết các kinh nghiệm, tập quán nghề Thầy.
Trong kiến thức chuyên nghiệp không thể thiếu Luân lý chức nghiệp. Hơn nữa truyền thống lâu đời của nghề giáo là nghề thanh cao, vậy Luân lý chức nghiệp phải chiếm vai quan trọng.
Ở Đông Nam Á có bốn quốc gia có môn nầy trong chương trình đào tạo giáo chức : Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Iran. Đây là ý tưởng đáng khuyến khích để giúp tạo thành và xác định thái độ nghề nghiệp.
Đây cũng là thái độ ý thức, chấp nhận nghề nghiệp cho giáo sinh là kẻ còn trong thời kỳ đào tạo, và sự tận tâm phục vụ cùng cải tiến nghề nghiệp cho giáo chức đã phục vụ.
Viết quyển sách nhỏ nầy, chúng tôi luôn luôn nhớ tới các giáo chức còn ở bên ngoài trường Sư Phạm, ở các tư thực ; chính họ đã có những khuynh hướng nghề nghiệp không kém gì các giáo chức chánh ngạch của quốc gia. Họ là những nhà giáo vô danh âm thầm xây dựng một thế hệ tương lai, khuynh hướng nghề nghiệp thật phong phú, xả thân vì nghề.
Quyển sách nhỏ nầy mong muốn giúp cho tất cả các giáo sinh và những ai sắp bước vào nghề nhưng chưa có dịp học nghề, có được một thái độ « trung bình » của nghề mình, chấp nhận và tinh tiến hơn trong nghề.
Đối với các giáo chức còn trong giai đoạn vào nghề, quyển sách nầy giúp các bạn có dịp trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề hơn, vì có những điều mà sách nầy không thể quảng diện đầy đủ được.
Công việc khiêm tốn nầy chắc vẫn còn nhiều khuyết điểm ; kính mong những bậc kinh nghiệm trong nghề chỉ giáo lỗi lầm để tăng bổ sau nầy.
Saigon, ngày 20-2-71
TÁC GIẢ
***
(1 giờ mỗi tuần, năm thứ nhất)
Môn học tinh thần nầy thật là hệ trọng giữa lúc những giá trị luân lý trong xã hội ta đương ở trong cơn thử thách nguy hiểm hiện nay.
Có nhiều thanh niên thi vô Sư Phạm vì những lý do khác hơn là vì ham thích NGHỀ THẦY. Cho nên trong thời gian huấn luyện, nghiệm vụ tinh thần của nhà trường thật nặng, vừa giúp sao cho giáo sinh ý thức được giá trị cao quý của bổn phậm làm thầy, vừa giúp sao cho họ phát huy được những giá trị tinh thần của Á Đông trong đám thiếu niên sau này.
CHƯƠNG 1 : Khái niệm mở đầu : Định nghĩa Luân Lý Chức Nghiệp, Luân Lý với Pháp Luật và Khoa học, Lương tâm và Nghĩa vụ nghề nghiệp, Vấn đề bồi bổ Văn Hóa.
CHƯƠNG 2 : Nghề thầy : Giáo chức ngày xưa và ngày nay. Tác phong nhà giáo.
CHƯƠNG 3 : Tinh thần làm việc : Đều đặng, Cương Nghị, Tận Tâm.
CHƯƠNG 4 : Bổn phận đối với bản thân : Giáo chức phải tu sửa nghề mình suốt đời. Đời công, đời tư của giáo chức.
CHƯƠNG 5 : Bổn phận đối với đồng nghiệp, với Ban Giám Đốc và nhân viên nhà trường.
CHƯƠNG 6 : Bổn phận đối với học sinh.
CHƯƠNG 7 : Bổn phận đối với nhà chức trách : các vị Ty Trưởng và Thanh Tra học chánh, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng, nhân viên Hội Đồng Xã…
CHƯƠNG 8 : Trách nhiệm đối với Phụ Huynh học sinh.
CHƯƠNG 9 : Nhiệm vụ của giáo chức trong các công việc phụ vào việc giáo dục của nhà Trường.
CHƯƠNG 10 : Tủ sách và sách học của học sinh về phương diện đạo lý.
PHẦN PHỤ THÊM : Giáo sư có thể thuật lại hoặc cho giáo sinh thuyết trình về tiểu sử và thành tích của những nhà giáo dục danh tiếng Việt Nam hay thế giới trong công cuộc phục hưng xứ sở và phục vụ tương lai nhân loại.
Mời các bạn đón đọc Luân Lý Chức Nghiệp của tác giả Lê Thanh Hoàng Dân & Nguyễn Hòa Lạc.