Hầu Tử và Lão Hổ là tác phẩm thứ 14 trong bộ tiểu thuyết trinh thám quan án Địch Công kỳ án viết về Địch Nhân Kiệt – vị thần thám danh tiếng lẫy lừng triều Đường, dưới thời Võ Tắc Thiên trị vì.
Hầu Tử và Lão Hổ tái hiện lại hai vụ án riêng lẻ ở hai mốc thời gian khác nhau trong sự nghiệp quan án xuất chúng của Địch Công. Vụ án thứ nhất có liên quan đến một chiếc nhẫn quý dính máu và một xác chết trong căn lều hoang. Vụ án thứ hai liên quan đến nạn đạo tặc hoành hành, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khổ cực.
Số mệnh trớ trêu, lòng người khó đoán, kẻ đáng thương vị tất không có chỗ đáng giận. Vậy ai mới là kẻ có tội? Làm thế nào để Địch Công có thể lật ngược ván cờ trong thế khó, vạch trần bộ mặt của những kẻ đổi trắng thay đen, gỡ được những nút thắt phức tạp, tìm ra chân tướng của các vụ án?
***
Robert Van Gulik (1910-1967) là một nhà Đông phương học uyên thâm, từng học Pháp luật và Ngôn ngữ phương Đông tại Hà Lan; năm 1935 nhận học vị tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu về Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc) và Viễn Đông. Những năm tiếp theo, liên tục làm công việc của một quan chức ngoại giao tại Trùng Khánh, Nam Kinh (Trung Quốc), Tôkyô (Nhật Bản) và một số nước khác; cuối đời trở thành đại sứ Hà Lan tại Nhật Bản. Ông là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng về văn hóa phương Đông, như “Trung Quốc cổ đại cầm học”, “Kê Khang cầm phú”, “Trung Quốc hội họa giám thưởng”, “Địch công án”, “Xuân mộng tỏa ngôn”, “Bí hí đồ khảo”, Trung Quốc cổ đại phòng nội khảo”…
Celebrated Cases of Judge Dee (Địch Công Án/ Những cuộc điều tra của quan Địch) gồm 16 tập. Một loại tiểu thuyết trinh thám - công án về quan án Địch Công được xây dựng dựa trên nguyên mẫu của tể tướng Địch Nhân Kiệt (630 - 700) một nhân vật có thật sống vào đời nhà Đường thế kỷ thứ VII. Sinh tại Tĩnh Châu, phủ Thái Nguyên (Sơn Tây) Địch Nhân Kiệt đã làm quan tại các địa phương dưới các chức vụ huyện lệnh, Pháp tào Tham quân, Tuần phủ,Thứ sử. Năm 47 tuổi ông về kinh đô Trường An làm Đại lý thừa Tự khanh rồi lần lượt được thăng lên Thị ngự sử, Thị lang bộ Công, thượng Thư tả thừa, hai lần làm Trung thư lệnh (tể tướng) và đô đốc dưới quyền nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Phẩm chất đạo đức và tài phá án của ông đã được người đời ca tụng sủng ái đến mức như huyền thoại. Không những là người có hiểu biết về pháp luật, về tâm lý con người, Địch Công còn biết cả kiếm thuật, võ thuật lẫn chữa bệnh, một quan toà cổ đại Trung Quốc mang dáng dấp của Sherlock Holmes… Cùng với bốn hộ vệ mưu trí, dũng cảm, xả thân vì chủ như Hồng Lương, Mã Tôn, Triệu Thái và Tào Can - những giang hồ hảo hán được ông giác ngộ và cho đi theo, Địch Công đã phá được rất nhiều vụ án ly kỳ. Robert Van Gulik cũng khéo léo đưa vào bộ tiểu thuyết trinh thám này những nét văn hóa, lịch sử, phong tục của Trung Quốc.
***
Địch Công kỳ án là bộ tiểu thuyết 16 tập thuộc dòng trinh thám quan án. Nội dung tác phẩm xoay quanh nhân vật Địch Nhân Kiệt và các trợ thủ thân tín, cùng những vụ kỳ án muôn màu muôn vẻ ông đã phá giải trên hành trình thăng tiến từ một Huyện lệnh lên đến chức Tể tướng.
Có thể nói, tác giả đã hội tụ và đúc kết những gì tinh hoa nhất của hai dòng trinh thám phương Đông và phương Tây vào kiệt tác Địch Công kỳ án. Bộ tiểu thuyết được viết theo phong cách đậm chất duy lý, đồng thời cũng là tác phẩm trinh thám phương Tây đầu tiên đi theo mô tuýp trinh thám quan án và mang lại sức sống mới cho dòng trinh thám đậm chất phương Đông này. Nhờ vậy mà đến tận bây giờ, Địch Công kỳ án vẫn giữ vị trí độc tôn đặc biệt, là tác phẩm thành công nhất trong dòng trinh thám quan án.
***
Địch Công đang tận hưởng buổi sáng mùa hè mát lành bên hành lang chạy dài theo phía sau của tư thất. Ông vừa ăn xong bữa điểm tâm buổi sáng cùng mọi người trong nhà, và giờ ông đang thưởng trà một mình, đây là thói quen cố hữu trong suốt những năm ông làm Huyện lệnh Hán Nguyên. Ông kéo chiếc ghế mây lại gần lan can bằng cẩm thạch được chạm khắc. Chậm rãi vuốt bộ râu dài đen nhánh, ông khoan khoái ngồi ngắm hàng cây cao chót vót và cây bụi rậm rạp trên triền núi ngay phía trước chỗ ông ngồi, trông y như một bức tường màu xanh tươi mát. Từ bức tường ấy rộ lên tiếng những loài chim nhỏ ríu rít và cả bài ca râm ran của đám ve sầu hòa cùng. Ông nghĩ thật đáng tiếc khi những thời khắc thư nhàn để tận hưởng sự bình yên này chỉ là thoáng chốc. Chẳng mấy chốc, ông sẽ phải lên công đường để xem có công văn nào được chuyển đến hay không.
Bỗng trong đám lá có tiếng xào xạc và cành cây gãy. Hai bóng dáng lông lá đen thẫm đang chuyền qua những ngọn cây, đu từ cành này sang cành khác bằng đôi tay dài mảnh khảnh, để lại phía sau là một đám lá rụng lả tả. Địch Công mỉm cười nhìn theo hai con khỉ. Ông chưa bao giờ chán ngắm vẻ uyển chuyển của lũ khỉ khi chúng nhào lộn. Khỉ vốn nhút nhát, chúng sống trên triền núi và đã quen với vị quan ngồi một mình ở đó mỗi sáng. Thỉnh thoảng, một trong hai con khỉ còn dừng lại một lát và khéo léo chụp lấy trái chuối Địch Công ném cho.
Đám lá lại xao động. Lúc này, một con khỉ khác xuất hiện. Nó chuyền rất chậm bằng một cánh tay dài duy nhất và đôi chân linh hoạt tựa như bàn tay. Nó đang ôm một vật nhỏ trên tay trái. Con khỉ dừng lại phía trước chỗ Địch Công và hạ mình xuống một cành thấp hơn, đôi mắt tròn và nâu nhìn sang vị quan án bằng vẻ tò mò. Lúc này, Địch Công mới thấy rõ vật trên tay nó - một chiếc nhẫn bằng vàng có gắn miếng ngọc màu lục lấp lánh. Ông biết lũ khỉ vẫn hay nhặt về những vật nhỏ mà chúng thích thú, nhưng hứng thú của chúng cũng chẳng được bao lâu, nhất là khi chúng thấy những thứ nhặt về không thể ăn được. Nếu ông không thể khiến con khỉ thả chiếc nhẫn xuống ngay lúc này, nó có thể sẽ ném chiếc nhẫn vào đâu đó trong rừng, và chủ nhân chiếc nhẫn sẽ không bao giờ tìm lại được. ????
Địch Công trông thấy con khỉ đang nhìn mình
Vì Địch Công không còn chút hoa quả nào trong tay để khiến con khỉ mất tập trung với chiếc nhẫn, ông vội rút chiếc hộp nhỏ trong tay áo và bày những thứ trong đó ra bàn trà, cẩn thận xem xét từng thứ một. Ông liếc thấy con khỉ đang quan sát mình. Chẳng mấy chốc, nó đã bỏ rơi chiếc nhẫn, đu mình xuống cành cây thấp nhất và trụ lại đó hồi lâu bằng đôi tay dài xù xì, say sưa dõi theo từng cử chỉ của Địch Công. Địch Công thấy có vài cọng rơm trên bộ lông đen nhánh của con khỉ. Ông không thể đánh lạc hướng nó quá lâu. Con khỉ kêu lên “oác oác” mấy tiếng thân thiết rồi lại trèo lên một cành cao hơn và biến mất giữa đám lá xanh.
Địch Công bước qua lan can và xuống chỗ những tảng đá xanh rêu xếp thành hàng dưới chân dốc núi. Ông nhanh chóng phát hiện ra chiếc nhẫn lấp lánh. Ông nhặt lên và lại treo lên hành lang. Quan sát kĩ hơn thì thấy đó hóa ra là một chiếc nhẫn lớn, rõ ràng là loại nhẫn dành cho nam nhân. Chiếc nhẫn được thiết kế từ hai con rồng bằng vàng cuộn xoắn lấy nhau, và một miếng ngọc lục bảo to lớn khác thường loại thượng đẳng. Chủ nhân chiếc nhẫn chắc sẽ rất mừng khi tìm lại được món đồ cổ giá trị này. Ngay khi ông định bỏ chiếc nhẫn vào tay áo, ông để ý đến những đốm màu nâu như gỉ sắt ở phần bên trong chiếc nhẫn. Ông nhíu mày nhìn kĩ. Những dấu vết đó trông giống vết máu khô một cách lạ lùng.
Ông quay lại và vỗ tay. Khi lão quản gia chạy đến, ông hỏi:
“Lão quản gia, trên sườn núi đằng kia có nhà dân nào không?”
“Bẩm đại nhân, không hề có. Sườn núi ấy quá dốc, lại chỉ toàn rừng rậm che phủ. Tuy nhiên có vài tĩnh xá trên đỉnh núi.”
“Phải rồi, ta nhớ đã trông thấy những căn tĩnh xá đó. Ngươi có biết ai đang sống trên đó không?”
“Bẩm đại nhân, có Lam chưởng quỹ, chủ một cửa hiệu cầm cố. Và cả một lang trung họ Hoàng.”
“Ta không biết người họ Lam ấy. Còn ngươi vừa nói là Hoàng lang trung ư? Ý ngươi là người chủ hiệu thuốc ngoài chợ, đối diện miếu Khổng Tử? Một người nhỏ nhắn, sang trọng và luôn có vẻ âu lo?”
“Bẩm đại nhân, đúng là vậy. Ông ta cũng có lý do chính đáng để luôn âu sầu. Nô tài nghe nói, năm nay công việc làm ăn của ông ta không thuận lợi. Và nhi tử độc nhất của ông ta lại là người thiểu năng. Cậu ta sang năm sẽ tròn hai mươi tuổi, nhưng vẫn không thể đọc hay viết. Nô tài không biết cậu ta rồi sẽ thành người thế nào…”
Địch Công lơ đãng gật đầu. Căn tĩnh xá chắc vắng người, vì lũ khỉ không dám bén mảng đến nơi có người sinh sống. Đương nhiên, con khỉ có thể nhặt được chiếc nhẫn ở một góc vườn vắng vẻ trên đó. Nhưng rồi sau đó nó có thể ném chiếc nhẫn đi trước khi nó đi qua khu rừng và xuống đến chân núi. Con khỉ chắc chắn đã nhặt được chiếc nhẫn ở quãng dưới này.
Ông bỏ qua lão quản gia và lại ngắm nghía chiếc nhẫn. Miếng ngọc lục bảo óng ánh này dường như bỗng xỉn màu, biến thành một con mắt sầu thảm nhìn xoáy vào ông bằng ánh mắt tang tóc. Khó chịu vì chính nỗi bối rối của mình, ông vội bỏ chiếc nhẫn vào tay áo. Ông sẽ phải ra cáo thị về chiếc nhẫn này, rồi chủ nhân của nó sẽ sớm đến huyện nha trình diện và mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó. Ông vào trong, đi về tư thất của mình ở hoa viên phía trước, rồi từ đó lên thẳng sân chính của huyện nha.
Không gian dịu mát vì những tòa nhà lớn bao quanh sân đã ngăn lại ánh nắng buổi sáng. Bộ đầu của huyện nha đang kiểm tra lại quân bị cho hơn mười người dưới quyền, họ xếp hàng trong sân. Tất cả đều quay sang khi thấy Huyện lệnh đến. Địch Công định đi nhanh qua, lên công đường ở phía bên kia sân, nhưng bỗng một ý nghĩ khiến ông dừng bước. Ông hỏi Bộ đầu:
“Ngươi có biết tư gia nào trong khu rừng trên sườn núi phía sau huyện nha không?”
“Bẩm đại nhân, thuộc hạ không biết. Theo như thuộc hạ nhớ thì ở đó không có nhà dân. Tuy vậy, ở lưng chừng núi có một căn lều. Loại lều nhỏ bằng gỗ, vốn là của một tiều phu. Bấy lâu nay chỗ đó bị bỏ không.” Rồi y nghiêm nghị nói thêm, “Đám du đãng vẫn hay ở lại đó qua đêm. Vậy nên thuộc hạ mới phải lên đó thường xuyên. Chỉ để đảm bảo chúng không gây ra tai họa gì.”
Lời này có vẻ hợp lý. Trong một căn lều bỏ hoang, ở lưng chừng núi…
“Ngươi nói thế nào là thường xuyên?” Ông hỏi sắc lạnh.
“Bẩm đại nhân, ý thuộc hạ là… khoảng hai tháng một lần. Thuộc hạ…”
“Ta không gọi đó là thường xuyên!” Địch Công ngắt lời y. “Ta muốn ngươi…” Ông bỏ lửng câu hỏi. Không được. Cảm giác băn khoăn, mơ hồ không khiến ông mất bình tĩnh. Chắc chắn là bữa điểm tâm chưa tiêu trong bụng đã phá hỏng tâm trạng thư thái, an lạc của ông. Ông sẽ không ăn thịt vào bữa điểm tâm nữa… Ông hỏi lại bằng vẻ thân tình hơn:
“Bộ đầu, căn lều ấy cách đây bao xa?”
“Bẩm đại nhân, chỉ tầm một khắc* đi bộ. Có một lối mòn nhỏ dẫn lên sườn núi.”
1 khắc bằng 15 phút.
“Được rồi. Hãy đi gọi Đào Cam đến đây!”
Bộ đầu chạy lên công đường. Y quay lại cùng một nam nhân trung tuổi, người gầy, mặc ngoại y màu nâu đã bạc màu, đội mũ có chóp cao bằng vải sa đen. Người này có khuôn mặt dài, u buồn, bộ ria mép rũ xuống và cằm lưa thưa râu, có ba sợi lông dài rủ xuống từ nốt ruồi trên má trái. Đào Cam vừa thi lễ, Địch Công đã kéo y đến một góc sân. Ông cho y xem chiếc nhẫn và thuật lại chuyện mình có được nó.
“Ngươi có thể trông thấy vết máu khô bám trên đó. Có thể chủ nhân chiếc nhẫn đã bị đứt tay khi đi trong rừng. Người này đã tháo chiếc nhẫn ra trước khi xuống suối rửa tay, rồi con khỉ đã lấy mất chiếc nhẫn. Vì đây là một vật giá trị, và cũng vì chúng ta vẫn có nửa canh giờ* trước phiên thăng đường buổi sáng, chúng ta sẽ lên núi và tìm kiếm. Có thể chủ nhân chiếc nhẫn vẫn còn quanh quẩn đi tìm nhẫn. Tín sứ có đem đến thư từ quan trọng nào không?”
Mời các bạn đón đọc Địch Công Kỳ Án Tập 14: Hầu Tử Và Lão Hổ của tác giả Robert van Gulik & Nguyễn Việt Hải (dịch).