Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thiền Sư Thần Hội

Thiền tông truyền thừa ở Trung Hoa, dưới Lục Tổ, không ít các bậc tác gia đã khuấy nước sông thành tô lạc, ném đại địa trên đầu sợi lông, hồi cơ chuyển vị đại dụng hiện tiền. Mỗi vị có một nét xuất cách riêng. Song có thể nói, người rống tiếng sư tử làm chấn động đất Bắc, nêu cao tông chỉ Tào Khê, không ai hơn Thiền sư Thần Hội.

Nhận thấy được cốt tủy đó, Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm đã giảng giải tác phẩm Thiền sư Thần Hội cho Tăng Ni tại viện, nắm được tiêu chỉ thiền đốn ngộ mà xông thẳng vào đất thật. Quyển Thiền sư Thần Hội này gồm có ba phần: một là Tiểu sử Thiền sư Thần Hội, hai là Thần Hội Ngữ Lục và ba là Hiển Tông Ký do Ngài trước tác. Trong đó hai phần sau do Sư cô Hạnh Diệu trích dịch từ Thiền tạng, dưới sự chứng nghĩa của Hòa thượng.

Pháp yếu là tâm tủy của người xưa truyền đạt cho người sau, phải là bậc tâm thông trí sáng mới đảm đương nổi. Thật may mắn cho hàng hậu học chúng ta vẫn còn chút duyên mọn được nghe lại những dòng pháp yếu này. Nếu là khách hữu duyên biết đâu chừng cũng sẽ giật mình, toát mồ hôi thốt lên hai chữ “đâu ngờ”!

Lập Đông 2001

BAN VĂN HÓA THƯỜNG CHIẾU

***

Thiền sư Thần Hội sanh năm 668, tịch năm 760 đời Đường. Sư họ Cao quê ở Tương Dương, lúc nhỏ theo thầy học Nho. Sư thông suốt Ngũ kinh, hiểu rành Lão Trang, sau nghiên cứu Phật pháp. Sư theo Pháp sư Hạo Nguyên ở chùa Quốc Xướng, tại phủ nhà xuất gia, học thông kinh luật.

Năm mười bốn tuổi là Sa-di ở chùa Ngọc Tuyền, Sư tìm đến yết kiến Lục tổ Huệ Năng. Tổ hỏi:

- Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến có đem được gốc theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?

Sư thưa:

- Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Tổ bảo:

- Sa-di! Ông đâu nên dùng lời đó!

Sư thưa:

- Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?

Tổ cầm gậy đánh Sư ba gậy, hỏi:

- Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?

Ngài nói:

- Con cũng đau, cũng chẳng đau.

Lục Tổ bảo:

- Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy.

Ngài hỏi:

- Thế nào cũng thấy, cũng chẳng thấy?

Tổ bảo:

- Ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là cũng thấy cũng chẳng thấy.

Tổ hỏi:

- Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, nếu ngươi nói đau thì đồng với phàm phu ắt khởi tâm giận hờn. Trước ngươi nói thấy cũng chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ngươi không thấy Tự tánh mà dám cợt với người.

Sư liền lễ bái sám hối.

Tổ bảo:

- Nếu ngươi tâm mê không thấy, nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết, tự thấy lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?

Sư lễ bái hơn trăm lạy, cầu xin sám hối. Từ đây Sư ở lại hầu hạ Tổ không lúc nào rời.

Một hôm Tổ bảo đại chúng:

- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết chăng?

Sư bước ra thưa:

- Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ bảo:

- Đã nói với các ngươi là không tên, không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh; ngươi lại đi lấy tranh che đầu cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.

Sư lễ bái lui ra.

Có sáu điều nghi trong kinh tạng, Sư đem ra hỏi Lục Tổ:

- Giới định tuệ dùng như thế nào? Giới vật gì? Định từ chỗ nào tu? Tuệ nhân chỗ nào khởi? Chỗ thấy của con chưa thông suốt.

Tổ bảo:

- Định là định tâm kia, đem giới để giới hạnh kia, trong tánh thường có tuệ chiếu, tự thấy tự biết sâu.

Lại hỏi:

- Xưa không nay có, có vật gì? Xưa có nay không, không vật gì? Tụng kinh chẳng thấy nghĩa có không, thật giống người cỡi lừa lại tìm lừa.

Lục Tổ dạy:

- Niệm trước nghiệp ác xưa không, niệm sau thiện sanh nay có. Niệm niệm thường làm hạnh lành, đời sau sanh người trời chẳng khó. Chính ngươi nay nghe ta nói, ta tức xưa không nay có.

Sư hỏi:

- Đem sanh diệt dẹp diệt, đem diệt diệt dẹp sanh, không rõ nghĩa sanh diệt, chỗ thấy in mù điếc.

Tổ bảo:

- Đem sanh diệt dẹp diệt khiến người không chấp tánh, đem diệt diệt dẹp sanh khiến người tâm lìa cảnh. Nếu lìa được hai bên tự trừ bệnh sanh diệt.

Hỏi:

- Trước đốn mà sau tiệm, trước tiệm mà sau đốn. Người không ngộ đốn tiệm trong tâm thường mê muội.

Tổ đáp:

- Nghe pháp trong đốn mà tiệm. Ngộ pháp trong tiệm mà đốn. Tu hành trong đốn mà tiệm. Chứng quả trong tiệm mà đốn. Đốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muội.

Hỏi:

- Trước định sau tuệ, trước tuệ sau định; định tuệ cái nào sanh trước, cái nào sanh sau là đúng?

Lục Tổ dạy:

- Thường sanh tâm thanh tịnh, trong định mà có tuệ. Ở trên cảnh mà không tâm, trong tuệ mà có định. Định tuệ đồng, không trước sau, tu cả hai tự tâm chánh.

Hỏi:

- Trước Phật sau pháp, trước pháp sau Phật, nguồn gốc Phật pháp từ đâu khởi?

Mời các bạn đón đọc Thiền Sư Thần Hội của tác giả Thích Thanh Từ & Sư Cô Hạnh Diệu (dịch).