Nếu có một nhà văn/một quyển sách có thể lôi ta ra khỏi tâm trạng muốn gây sự với cả thế giới, để cười ha hả (dù không muốn), để khóc tu tu, để thấy lòng xáo động, hay chỉ để ngồi lặng yên chiêm ngưỡng vẻ đẹp của câu chuyện, thì nhà văn đó chính là George Saunders, và cuốn sách đó chính là Ngày Mười tháng Mười hai.
Saunders là bậc thầy miêu tả độc thoại nội tâm của nhân vật - những giọng nói bí mật, những huyễn tưởng nho nhỏ, những trò đùa riêng tư, những nỗi buồn điểm xuyết. Nhưng hơn thế, Saunders còn là thiên tài trong việc khắc họa nỗi trớ trêu và phi lý xung quanh chúng ta, bên trong chúng ta, dù viết về tình yêu, tình dục, cái chết, mất mát, tuyệt vọng, giai cấp, công nghệ hay chiến tranh. Ta có thể thích thú, có thể khó chịu, nhưng sau tất cả, ta lại thấy muốn yêu thương con người.
George Saunders là một trong những nhà văn độc đáo và quan trọng bậc nhất của thế hệ ông, và Ngày mười tháng Mười hai: tập truyện ngắn sâu sắc, lay động và hài hước nhất.
***
George Saunders là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng với các tập truyện ngắn, tiểu luận, tiểu thuyết và truyện cho thiếu nhi. “Ngày mười tháng mười hai” (2013) là tập truyện ngắn thứ tư của ông, trong đó tập hợp mười câu chuyện khiến ta phải đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân về thực tại đang bày ra trước mắt ta, liệu sự thực có đồng nhất với những gì xảy ra trong thực tế hay không, và cuộc sống có còn những tầng sâu nào bên dưới?
Nói về “Ngày mười tháng mười hai”, tôi muốn nói trước hết về điểm nhìn trong các câu chuyện. Thứ ấn tượng, với tôi, là điểm nhìn bởi nó là nguồn cơn lôi kéo ta vào hành trình đọc. Điểm nhìn thay đổi từ nhân vật này sang nhân vật khác chỉ sau một khoảng cách nhỏ giữa các dòng chữ đòi hỏi ta phải tập trung toàn bộ tâm trí cho câu chuyện để có thể theo dõi tác giả đang trao giọng cho người nào. Đó là góc nhìn của Alison Pope và Kyle Boot, của Marie và Callie, của Robin và Don Eber lần lượt chuyển đổi cho nhau. Bằng cách này, người đọc được nhìn thấy nhiều hơn một thứ được gọi là hiện thực, từ đó kích thích trí tò mò và sự hiếu kì muốn lĩnh hội đâu mới là bản chất thật của tất cả biểu hiện bề ngoài này.
Cũng có thể dễ dàng nhận thấy trong tập truyện này có hai kiểu truyện. Một loại là các câu chuyện hư cấu nhưng có khả năng xảy ra trong thế giới thực như là đời sống hằng ngày, loại kia là các câu chuyện mang hơi hướng khoa học viễn tưởng. Song dĩ nhiên chúng phải có điểm chung nên mới được xếp vào cùng một tập truyện: những truyện ngắn này đặt con người đứng trước những lựa chọn nan giải, đôi khi liên quan đến tính mạng và cuộc đời của con người. Và chính ở đó, ngòi bút George Saunders được tự do thể hiện khả năng miêu tả nội tâm nhân vật vô cùng độc đáo và sống động.
Bạn có quyền giết kẻ suýt đã cưỡng hiếp cô bạn hàng xóm của mình không?
Bạn có báo cho trung tâm bảo vệ trẻ em khi thấy một đứa trẻ bị xích vòng cổ ở ngoài sân không (và bạn chưa hay biết đó là vòng xích từ tình yêu của người mẹ muốn đảm bảo đứa con chậm phát triển của mình được an toàn chứ không phải đột ngột lao vụt qua những làn đường đầy xe cộ)?
Nếu bị buộc phải khiến cho một người xa lạ đau khổ đến chết (theo nghĩa đen của từ này: đau khổ đến mất trí rồi tìm cách tự vẫn) thì liệu bạn sẽ chọn cái chết cho mình hay cho người kia?
Khi chứng kiến đồng nghiệp của mình bị cấp trên lạm dụng tình dục và bản thân người đồng nghiệp muốn giấu nhẹm chuyện này rồi tiếp tục nhẫn nhục, bạn sẽ đứng về phía lặng im hay đứng về công lý? Và nếu, đứng về công lý, thì, bằng cách nào?
Những câu hỏi khó nhằn như thế cứ liên tiếp đặt ra trong câu chuyện. Tình huống có lẽ có thể tóm tắt được trong vài dòng ngắn gọn như trên, nhưng điều mà câu chuyện muốn nói là cuộc đấu tranh với những bản ngã khác nhau của chính nhân vật. Nên hay không nên, còn có lựa chọn nào khác không, có lựa chọn nào là đúng đắn không… Và người đọc thấy mình cùng suy nghĩ với nhân vật, bởi vì cuộc đời của mỗi người cũng là một chuỗi những câu hỏi về đúng và sai, trái và phải, và nhất là lằn ranh giữa hai phía bao giờ cũng thường mập mờ và nhập nhoạng. Thường nhân vật trong truyện thấy thực tế khác xa với những điều đã vạch ra trong trí tưởng tượng, và người đọc có lẽ cũng không ngoại lệ: thấy những tưởng tượng của mình đều chệch hướng trong thực tế. Vậy thì đâu là sự thật? Là mong muốn, hoạch định của chúng ta trong tâm trí, hay là điều đã diễn ra ngoài đời?
Tôi cũng lưu ý đến động cơ/động lực hành xử của những nhân vật trong những truyện ngắn này. Hình như chúng đều xuất phát từ tình yêu. Cô bé Eva giải thoát cho những cô gái Semplica – những cô gái nghèo nhập cư trái phép chấp nhận để người ta gắn dây siêu vi xuyên qua não bộ tạo thành một dải những cô gái để trưng bày trong sân nhà như búp bê giấy, có điều búp bê này hoàn toàn là người thật – vì cô không muốn họ chịu cực khổ. Callie xích vòng cổ cho Bo – đứa con bệnh tật đáng thương của cô – vì lo sợ đứa trẻ có thể lại băng ngang qua đường bất chấp hiểm nguy từ dòng lưu thông xe cộ vì quá khích hay vì một lí do bí ẩn nào đó. Hay Eber trốn khỏi giường bệnh vào ngày đông lạnh, một mình vào rừng tìm lấy cái chết để tránh cho những người thân khỏi phải cực nhọc chăm sóc, lau chùi, bón đút cho ông… Tuy nhiên, những câu chuyện cũng dạy ta biết rằng, tình yêu cũng có muôn vàn dạng thức thể hiện, và cũng cần dùng lí trí để phán đoán sự tình. Những cô gái Semplica chưa chắc đã đau khổ vì họ cần tiền, việc giải thoát không đúng cách của Eva khiến họ giờ đây không nơi nương tựa, dây siêu vi không thể tháo ra còn bản thân gia đình Eva phải đền bù thiệt hại. Cách chăm sóc của Callie sẽ dẫn đến việc trung tâm bảo vệ trẻ em tách đứa trẻ khỏi cô và họ sẽ không tin cô làm như thế vì tình yêu (rõ ràng theo lẽ thường chúng ta cũng khó mà tin một người mẹ yêu con của mình bằng cách xích nó lại). Eber không biết rằng cái chết của ông sẽ khiến những người ông thương yêu đau khổ và cảm thấy bản thân bất lực và vô dụng vì ông đã tước đi quyền chăm sóc và yêu thương người chồng, người cha của vợ và con ông (rất may ông đã nhận ra được trước khi phạm sai lầm).
Xuyên suốt những câu chuyện với những câu hỏi đôi khi đến cuối cùng ta cũng không thể tìm kiếm được câu trả lời đích xác ấy, là giọng văn hài hước và thản nhiên của George Saunders. Chính giọng văn ấy cho tôi cảm giác về cái nhìn bên ngoài. Câu chuyện của cô bé Alison và Kyle – kẻ suýt giết kẻ suýt hiếp Alison – cứ vài đoạn lại có một dòng về động tác múa ballet làm ta cảm tưởng mọi thứ diễn ra nhanh như trong vòng xoay điêu luyện của vũ công và dù những chuyện tồi tệ nhất đã có thể xảy ra với cô bé thì bản nhạc cuộc sống vẫn chảy trôi nhịp nhàng không dừng lại. Những cây cột được một người cha cô độc dựng lên với đầy ắp những kỉ niệm đã rơi vào cõi chết cùng cái chết của người cha, như thể tất cả mọi tình cảm và kí ức dù có cố giữ đến đâu thì cũng sẽ chết, và sự tồn tại của những kỉ vật đã từng có ý nghĩa to lớn chừng này với một người thì vẫn chẳng là gì đối với một người khác. Trong đời sống, chúng ta cùng nhìn vào mọi người khác ngoài bản thân ta cũng cùng một “giọng điệu” ấy. Mọi thứ hiện lên thật đơn giản và bình lặng, dù dưới lớp vỏ ngoài cơ thể người ta có thể đau khổ đến đâu, đang phải trải qua những sự cố khó khăn đến mức nào đi nữa. Cuộc sống vẫn tiếp tục bình thường.
Và tôi nghĩ, đó cũng là lời nhắn gửi của những trang sách, một lời mời gọi hãy sống sâu hơn đời sống bề mặt, hãy sống và ý thức rằng có thể những người xung quanh ta cũng đang chiến đấu một cuộc chiến của riêng mình. Có thể chúng ta không giúp họ tìm được lời giải chính xác nhưng ít nhất ta không khiến cuộc chiến của họ thêm nặng nề. Mặt khác, bản thân ta cũng không phải trung tâm vũ trụ nên ta không thể buộc mọi người phải chú ý đến nỗi đau cá nhân, và nhiều khi ta phải mạnh mẽ một mình bước đi trên con đường tìm lựa chọn đúng cho riêng mình.
Mời các bạn đón đọc Ngày Mười Tháng Mười Hai của tác giả George Saunders.