Đạt Ma Tổ Sư
Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma là người Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua nước Hương Chí, họ Sát-lỵ, trước tên là Bồ-đề-đa-la, về sau khi đắc Pháp nơi Tôn-giả Bát-nhã-đa-la, Tôn-giả nói :
- Ngươi đối với các pháp đã được thông đạt. Đạt-ma là thông đạt đại nghĩa, nên Ta đổi tên cho ngươi là Đạt-ma.
Tổ hỏi Tôn-giả : Nên đi nước nào làm Phật-sự ?
Tôn-giả nói : Ngươi dù đắc Pháp, chưa thể đi xa; hãy tạm ở Nam Thiên Trúc, đợi sau khi Ta diệt độ sáu mươi bảy năm, thì nên sang Trung-quốc thí Đại-pháp-dược, tiếp người thượng-căn. Chớ nên đi gấp mà có thể thành chướng duyên.
Tổ lại hỏi : Nước Trung-quốc có bậc Đại-sĩ kham làm Pháp-khí chăng ? Ngàn năm về sau có chướng nạn chăng ?
Tôn-giả đáp : Chỗ ngươi hoằng hóa, người được chứng quả Bồ-đề chẳng thể kể xiết. Sau khi Ta diệt độ hơn sáu mươi năm, nước ấy có nạn, tà pháp trôi nổi, ngươi hãy khéo đi hàng phục. Ngươi đến nước ấy chớ nên lưu lại miền Nam vì họ chỉ ham công nghiệp hữu vi, chẳng thấu lý Phật, dù ngươi đến cũng chẳng thể lưu lại đó đâu.
Nghe bài Kệ của Ta đây :
Giữa đường vượt biển gặp con dê,
Một mình vắng lặng lén qua sông,
Đáng tiếc roi ngựa dưới mặt trời,
Hai cây quế tươi lâu mãi mãi.
Tổ lại hỏi : Về sau còn có việc gì không ?
Tôn-giả đáp : Một trăm năm mươi năm về sau thì có nạn nhỏ.
Nghe Kệ-sấm đây :
Trong tâm cát tường, bên ngoài hung,
Tăng phòng thiên hạ gọi không trúng,
Vì gặp độc long sanh võ tử,
Bỗng gặp chuột con tịch vô cùng.
Tổ lại hỏi : Về sau thế nào ?
Tôn-giả đáp : Hai trăm năm mươi năm về sau, dưới Tòng-lâm sẽ gặp một người đắc đạo quả. Nghe Kệ-sấm đây :
Trung-quốc tuy rộng chẳng đường khác,
Càng nhờ con cháu đi dưới chân,
Gà vàng biết ngậm một hạt lúa,
Cúng dường mười phương La-hán Tăng.
Tổ vâng lời dạy bảo, siêng năng phục vụ bốn mươi năm, đến khi Tôn-giả viên tịch mới ra hoằng hóa khắp trong nước. Lúc ấy có hai Sư, một vị là Phật Đại Tiên, một vị là Đại Thắng Đa, trước là bạn của Tổ cùng học Thiền-quán Tiểu-thừa với ngài Phật-đà-bạt-đà. Phật Đại Tiên đã gặp Tôn-giả Bát-nhã-đa-la, bỏ Tiểu-thừa hướng Đại-thừa, được ngộ và cùng Tổ hoằng hóa. Lúc bấy giờ người đời xưng là hai cửa cam-lồ. Còn môn đồ Phật Đại Thắng Đa chia thành sáu Tông :
1. Hữu Tướng tông.
2. Vô Tướng tông.
3. Định Huệ tông.
4. Giới Hạnh tông.
5. Vô Đắc tông.
6. Tịch Tịnh tông.
Các Tông mỗi mỗi tự ôm chặt kiến giải của Tông mình tự cho là cội nguồn, triển khai hoằng hóa khác nhau.
Tổ than rằng : Một thầy kia đã lún chân xuống bùn lại còn chia ly làm sáu Tông, nếu Ta chẳng đi phá trừ thì họ vĩnh viễn bị trói trong tà-kiến.
Nói xong hiện chút thần lực đến nơi Hữu Tướng tông hỏi : Sao lại gọi tất cả các pháp là Thật-tướng ?
Tông-trưởng trong Chúng là Tát-bà-la đáp : Nơi các tướng chẳng biết lẫn nhau gọi là Thật-tướng.
Tổ hỏi : Tất cả tướng chẳng biết lẫn nhau, nếu gọi là Thật-tướng thì lấy gì để xác định ?
Đáp : Nơi các tướng thực bất định. Nếu các tướng nhất định thì sao gọi là thực ? (5)
Tổ hỏi : Các tướng bất định, chẳng nói chứng các tướng. Khi nói chứng các tướng thì nghĩa ấy cũng bất định vậy.
Tổ hỏi : Ông nói bất định tức là Thật-tướng. Định nếu bất định tức phi Thật-tướng.
Đáp : Định đã bất định tức phi Thật-tướng. Vì biết ta phi (ta phi là vô ngã) nên bất định bất biến.
Tổ nói : Nay ông bất biến sao gọi Thật-tướng. Nếu biến thì biến mất, cũng không gọi là Thật-tướng.
Đáp : Bất biến nên tồn tại, vì tồn tại chẳng thực nên gọi là biến thật tướng để xác định nghĩa ấy.
Tổ hỏi : Thật-tướng chẳng biến, biến thì chẳng Thật. Nơi pháp hữu vô cái nào gọi là Thật-tướng ?
Tát-bà-la biết Tổ là Thánh-sư, đã thấu suốt nghĩa lý, liền dùng tay chỉ hư không rằng : Đây là hữu tướng của thế gian vì có thể không. Nay thân ta được giống không này chăng ?
Tổ nói : Nếu thấu Thật-tướng thì thấy phi tướng. Nếu liễu phi tướng, sắc ấy cũng vậy. Khi ở nơi sắc chẳng mất bản thể của sắc, ở trong phi tướng chẳng ngại sự có. Nếu được thấu hiểu như thế, ấy gọi là Thật-tướng.
Họ nghe xong tâm ý khai mở, khâm phục lễ bái tín thọ.
(5) Kinh Kim Cang viết : “Nếu thấy các tướng không phải là tướng mới là thấy Thật-tướng”.
Mời các bạn đón đọc Công Án Của Tổ Sư Đạt Ma của tác giả Thích Duy Lực.