“Nhiều nhà văn trẻ bắt đầu nghiệp cầm bút bằng một tác phẩm viết về chính mình. Những kỷ niệm thời thơ ấu, mối tình đầu, những ước mơ, khát vọng… Đây là điều bình thường bởi vì tuổi thơ ấu là những năm tháng đẹp nhất và thường đi theo suốt cuộc đời.
Nhà văn Bùi Tự Lực đã trải qua những năm tháng tuổi thơ dữ dội, có thể nói, ít người lâm vào những cảnh ngộ éo le như anh. Nhưng cuốn sách đầu tiên của anh, cuốn “Nội tôi”, lại không phải là cuốn sách viết về mình, mà về người bà đã khuất; một người bà ba bốn năm trong một: là bà, là mẹ, là cha, là người dẫn đường, là thần tượng – bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cho nên không có gì lạ khi người bà lại là nhân vật chính duy nhất trong suốt một trăm trang sách đầu tay của anh.
Cháu yêu thương, kính trọng bà là chuyện bình thường, nhưng nhớ ơn bà, tìm cách đền đáo lại là chuyện khác, còn đền đáp bằng cách viết một cuốn sách về cuộc đời bà thì càng khác nữa, không phải ai cũng làm được. Hẳn Bùi Tự Lực phải xuất thân từ một gia đình có căn cốt tốt đẹp, và việc làm của anh là một việc làm của người có văn hoá… Vâng, Bùi Tự Lực là một nhà văn có căn cốt và có văn hoá. Những người vô ơn không bao giờ là người có văn hoá, dù họ là nhà văn, giáo sư hay là ai đi nữa.
Trở lại với hình tượng người bà, Bùi Tự Lực đã kể về rất nhiều chuyện cảm động và đáng khâm phục về người bà anh hùng của mình, ở đây chỉ xin nhắc lại một chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng có sức ám ảnh không nhỏ. Đó là chuyện làm chông tẩm thuốc độc: “Bà nội vót chông khéo lắm, đủ các loại: chông kép, chông đơn, chông ba lá, có cả loại chông có nganh như cái lưỡi câu, vót đến đâu, bà đem xếp hàng trải phơi nắng đến đó”.
“Bà nội để ngay dưới gầm giường một cái ống nhổ, đựng nắm lá rừng đã được vò nát. Bà bảo tôi cứ mối sáng thức dậy, trước khi bước xuống đất, hãy nhổ nước bọt vào đó để bà làm thuốc độc tẩm chông”.
Tôi không biết chuyện nước bọt biến thành thuốc độc thực sự thế nào và thứ nước bọt buổi sáng của người cháu có gì đặc biệt, nhưng khi căm thù biến thành lẽ sống, khi người ta đủ bền gan để chờ tre thành gậy “gặp đâu đánh què” chờ nước bọt biến thành thuốc độc để giết giặc thì sự thật đã biến thành huyền thoại.
Đây là một chi tiết có thật hoàn toàn nhưng lại có tính biểu tượng rất cao.
Hoa chi thơm lạ thơm lùng,
Thơm gốc thơm rễ người trồng cũng thơm
Vâng, một cuốn sách đáng quý từ chính cuộc đời, tấm lòng người viết cho đến những nhân vật, đặc biệt là người bà.”
Trần Đình Nam
***
Kính viến hương hồn nội
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đỉnh
## MẸ SANG NGANG
Đời tôi có một thua thiệt lớn trong tình cảnh gia đình, tuổi thơ lớn lên không được sống gần mẹ. Nhưng bù lại, tôi có được sự chăm ẵm và cưng chiều của bà nội từ thuở nhỏ.
Đến năm mười hai tuổi, tôi cũng chỉ biết được đại khái rằng, ba tôi bị địch bắt lưu đày, mẹ tôi ở nhà vì một lý do nào đó, nên đi lấy chồng khác ở làng bên khi tôi mới tròn bốn tuổi. Lớn lên, tôi chỉ nhớ lờ mờ về những kỷ niệm tuổi thơ với mẹ.
Nghe kể lại, mẹ tôi lúc ấy là một phụ nữ có nhan sắc, quanh năm buôn bán tảo tần. Hằng ngày, mẹ dậy từ mờ sáng, lo nhổ giá sắm sửa gánh xuống chợ Vinh Huy bán, chiều về quảy một gánh gồm mắm, muối, dưa cà…bán dạo quanh xóm. Chắc vì hoàn cảnh như thế, nên lúc nhỏ, trời phú cho tôi là đứa bé dễ nuôi, hay ăn chóng lớn, lúc đói thì giọt sữa bú nhờ, sắn khoai tán nhỏ đều ăn được hết; ai bế cũng theo, bế đi đâu cũng được.
Ký ức tuổi thơ của tôi còn nhớ mang máng một ngày cuối năm 1959, mẹ không đi chợ, trong nhà có vài người hàng xóm đến giúp đỡ dọn dẹp, nấu nướng. Tôi đoán chắc là có đám giỗ kỵ gì đó vào ngày mai. Tối hôm ấy, mẹ dẫn tôi sang ngồi nói chuyện với bà nội rất lâu. Mẹ vừa nói vừa khóc. Đêm về, mẹ ôm tôi khóc hoài. Một câu hát ru vô thức đã nhập vào trong tôi ngay từ dạo ấy: “Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây.”
Sáng hôm sau, bà nội sang đón tôi sớm. Mẹ trao vội cho bà một cái bọc lớn (chắc là áo quần của tôi) và nói trong tiếng nức nở:
- Con gửi nó cho mẹ - Mẹ ôm chầm lấy tôi - Từ nay con ở với bà nội - Vừa dứt câu nói, mẹ buông tay chạy vụt vào buồng.
Bà nội dắt tôi về nhà, rồi hai bà cháu ra luôn ngoài ao rau muống ở giữa đồng. Được ra ao vừa nghịch vừa tát nước với bà là tôi thích lắm.
Khoảng nửa buổi, tôi thấy có đoàn người đi qua, toàn là người quen ở xóm bên, khăn áo chỉnh tề hướng vào ngõ nhà tôi. Thấy tôi mãi nhìn theo, bà nội bảo nhỏ:
- Đám cưới của mẹ con đó, mẹ con đi lấy chồng khác, từ nay con ở với bà.
Một sự kiện rất quan trọng đối với đời tôi như vậy, nhưng vì còn quá thơ ngây, nên tôi nhận thức mơ hồ và đón nhận một cách vô tư như nghe tin mẹ đi chợ vắng nhà.
Mẹ đi lấy chồng ở xóm bên, hay gửi quà bánh về cho tôi. Tôi lần lữa lớn lên bên bà nội, nghe mọi người nói rằng bà nội rất ghét mẹ. Mẹ sợ bà, nên chỉ dám ghé thăm tôi khi bà đi vắng. Tôi nhớ có mấy lần mẹ đang ngồi chơi với tôi, khi thoáng thấy bóng bà ngoài ngõ là mẹ trốn đi cửa sau. Với nhận thức còn non nớt của tuổi thơ, tôi chỉ nghĩ một lẽ rất giản đơn là, tại mẹ bỏ tôi lại cho bà nuôi, để đi theo người khác, nên bà không ưa.
Mỗi năm tôi thêm một tuổi. Những ý nghĩ nông cạn của tuổi thơ cứ thế lớn dần lên thành nỗi xót xa như kim châm khi nghĩ cảnh tự dưng mất mẹ; khoảng trống trong lòng sẽ cứ thế nới rộng mãi, nếu không có cái đêm đáng nhớ trước khi tôi thực sự dấn bước vào đời.
Đêm cuối cùng trước khi tiễn tôi đi Giao bưu, bà nội căn dặn tôi nhiều điều; trong đó có một chuyện rất hệ trọng. Hôm ấy, tôi mê man trong giọng kể sâu lắng của bà:
-Còn một chuyện nầy nữa, con phải ghi nhớ để mà sống cho trọn đạo làm người. Sau nầy lớn lên con sẽ hiểu thêm, phải thương và hiếu thảo với mẹ - Bà im lặng hồi lâu như để lục tìm trong trí nhớ - Vào quảng đầu thu 1954, cái đêm mẹ con chuyển dạ, ba con chỉ dám về đến bìa rừng ngồi chờ đợi, khi nghe con cất tiếng khóc đầu tiên là đi biền biệt luôn, sau đó sa vào tay giặc, bị lưu đày đi khắp các nhà lao, có thời gian bặt tin. m mưu “Tố Cộng” và “Diệt Cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ thâm hiểm lắm. Gia đình mình bị bọn chúng liệt vào loại “Gia đình Cộng sản”. Bà và mẹ con ở nhà bị chúng nó hành hạ đủ điều; con còn nhỏ phải bế đi hết trại cải huấn nầy đến trại cải huấn khác- Tôi ngồi lắng nghe như nuốt từng lờ i- Mẹ con lúc ấy còn rất trẻ, mới ngoài tuổi hai mươi, lại đẹp người. Bọn đại diện, ấp trưởng, bí thư Quốc dân đảng… la lết suốt ngày đêm trong nhà, buộc mẹ con phải “ly khai gia đình Cộng sản” để làm vợ lẽ chúng nó. Nếu không chịu “ly khai”, thì chúng nó sẽ tìm cách bóp chết giọt máu ba con để lại. Có một hôm, mới vừa sập tối, tên địa chủ chánh đại diện lẻn vào núp chờ sẵn trong buồng; mẹ vừa bế con từ bên bà về, nó xô đến trấn áp, giành giật; may mà có bà đến giải cứu kịp thời, nếu không thì những gì tồi tệ nhất đã phải đến vào đêm hôm ấy - Bà nội ngừng lời, nhìn tôi chăm chú như vẫn còn ngỡ ngàng; bà thở dài rồi kể tiếp - Nghĩ mà cơ cực cho cái cảnh cứ đêm đêm, bà, bác Cả, bác Năm phải thay nhau thức canh chừng. Tình thế gia đình ta lúc ấy éo le lắm! - Ly khai để giữ lấy sự sống cho mai sau, hay một dạ trung thành để có được chữ kiên trinh, hoặc sống chết một phen oán thù với chúng nó. Mẹ con phải định đoạt và lựa chọn. Để tránh chịu tiếng “ly khai Cộng sản” lấy Việt gian và giữ được con, không còn cách nào khác, bà và các bác đành lòng chấp nhận phải bỏ rơi một con người, để giữ lại truyền thống và dòng giống gia đình Cách mạng. Và mẹ con chỉ còn chọn con đường nhận lời lấy một người ở làng bên, để tránh sự nhòm ngó của bọn chúng - Kể đến đây, giọng bà trầm hẳn xuống - Bà coi như từ bỏ mẹ con, vì không thể chịu tiếng gả bán dâu, còn mọi tiếng thị phi thì mẹ con phải gánh chịu hết một kiếp người.
Câu chuyện về mẹ mà bà nội kể đêm hôm ấy, đã giải thoát cho tôi nhiều khuất tất trong lòng bấy lâu. Tôi hiểu rõ hơn bà và mẹ, ơn nghĩa cao vời; càng thấu hiểu lời “Ru con” của ba tôi gửi lại: “Nín đi đừng khóc con ơi! lắng tai nghe mẹ truyền lời ba ru…Con lớn lên ơn với bà, nghĩa với mẹ muôn đời nhớ ghi, ba nguyền giữ dạ tri tri, thương con nhớ mẹ ba đi một đường, vì nhân dân một tình thương, có gian lao khó nhọc mới có con đường vinh quang.”
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bà nội tôi không còn nữa! Mẹ tôi đến bây giờ mới ngoài tuổi sáu mươi, nhưng trông bà già hơn trước tuổi rất nhiều. Chắc gì tất cả mọi người đã thông cảm và tha thứ hết cho mẹ tôi. Câu chuyện nầy lưu truyền trong dòng họ và kể suốt các đời con cháu của tôi.
Mời các bạn đón đọc Nội Tôi của tác giả Bùi Tự Lực.