Seiichi Osabe là một cậu bé bình thường nếu không xét một cậu bé 14 tuổi có một người mẹ xinh đẹp, yêu thương và người bố tận tâm với công việc. Mối liên kết giữa cậu và mẹ tựa như sắt như thép, nhưng rồi một tai nạn liên quan đến người anh họ của cậu xảy đến, một hạt giống nghi ngờ đã được gieo vào đầu cậu, Seiichi bắt đầu nghi vấn bản chất mẹ cậu có bình thường hay không, hay là gì đó độc ác và thất thường hơn. Bạn sẽ vẽ đâu cái làn phân cách giữa tình yêu mẹ con và thứ tình cảm yêu thương không lành mạnh? Và sao bạn có thể vẽ nên được cái làn đấy khi những gì bạn biết về bà là chỉ có mỗi tình thương?
***
Review manga] Chi no Wadachi - Khi SoL Còn Ám Ảnh Hơn Horror
Tên: Chi no Wadachi
Tác giả: Oshimi Shuuzou
Tag: Drama, Psychological, School life, Seinen, Slice of life
Cảnh báo: manga có một chút yếu tố incest (cũng không hẳn lắm nhưng bạn nào có dị ứng với mấy kiểu tình mẹ con khác thường thì nên bỏ qua bài review này)
Hiện “Chi no wadachi” vẫn chưa hoàn thành, mình cũng mới biết và mới đọc xong những chap mới nhất của nó, đang sẵn cảm xúc nên review luôn cho nóng.
Nôi dung: Cho đến giờ, câu chuyện trong manga là xoay quanh hai mẹ con, Seiko (người mẹ) via Seichi (người con). Truyện mở đầu với một cảnh thường ngày trong cuộc sống – người mẹ dẫn đứa con mình đi dạo, Seichi gặp một con mèo trắng nhỏ và vuốt nó. Nhưng con mèo đã chết! Tiếp theo nữa là câu hỏi “Tại sao mèo con lại chết?” cùng khuôn mặt cười “dịu dàng” của người mẹ. Rồi truyện nhảy thời gian đến 11 năm sau, khi người con đã 13 tuổi, lúc này Seichi vẫn có một cuộc sống êm ả với mẹ và bố, thân với tụi bạn lớp, crush một người bạn gái và có người anh họ hàng (Shigeru) đến chơi cùng mỗi cuối tuần. Mọi chuyện cứ thế cho đến lúc Seiko đẩy Shigeru xuống vực trong chuyến picnic của gia đình và họ hàng, và đứa bé Seichi bắt đầu trở nên hoảng loạn, gần như mất luôn khả năng nói để bảo vệ bí mật của người mẹ.
Ngay từ lúc đầu, bộ manga này đã mở ra hứa hẹn ràng nó sẽ rất dị thường bằng hình ảnh con mèo, thoạt nhìn là chú mèo trắng nhỏ trong giấc ngủ bình yên, nhưng thật chất sự dễ thương, thoải mái trong dáng nằm con mèo ấy lại chính là cái chết. Hình ảnh chú mèo sau được lặp đi lặp lại khá nhiều trong truyện, và phải nói nó gây ám ảnh cho mình khá nhiều. Dù chưa biết thật sự có chuyện gì đã xảy ra trong sự kiện “con mèo”, nhưng qua cái mở đầu này, tác giả như đưa ra một cảnh báo ngầm với nguồi xem: mọi chuyện trong manga này sẽ không tốt đẹp như cái vẻ ngoài của nó đâu.
Cái vẻ ngoài của gia đình Seichi, như mình đã nói ở trên, nó êm ấm và hòa thuận. Cậu con trai ngoan nghe lời bố mẹ và người mẹ thì rất thân thiết với họ hàng nội. Thế mà, dù chỉ là xem đến những hoạt động rất đời thường của hai mẹ con thôi (trò chuyện, thăm hỏi, cảnh gia đình ăn cơm,…) nhưng tất cả chúng đều cho mình một cảm giác rất kỳ quái. Không biết có ai cảm thấy thế chưa, cái kiểu mà lỡ ngủ quá giấc trong một buổi trưa, để khi tỉnh dậy thì nhìn mọi thứ xung quanh cứ mơ hồ, cảm giác như mình vẫn còn trong một thế giới mơ và mọi thứ chỉ chờ sụp đổ xuống. Đó chính xác là những điều mình cảm thấy khi đọc những chap đầu truyện – tất cả mọi thứ đều không thật! Như khi hai mẹ con nói chuyện với nhau, không một chút xung đột nào trong lời nói, vẻ mặt của hai người, nhưng tác giả luôn vẽ cận mặt từng người, chậm rãi từ ánh mắt đến khuôn miệng. Như thể họ đã phải quan sát đối phương rất kỹ, cẩn thận từng chút một trong những gì hay sẽ nói ra. Hay nụ cười, người mẹ luôn cười trong mỗi chap truyện và nụ cười ấy luôn được đặt tả chi tiết trong một khung truyện lớn, nhưng sự chi tiết ấy lại gợi lên sự giả tạo, gợi lên một nụ cười giả dối đã được rèn đúc cho sao cho trông thật hoàn hảo, chân thành trước mặt mọi người. Càng đọc càng thấy bất an, thấy như cái vẻ bề ngoài ấy sẽ nhanh chóng biến mất thôi, và thế chỗ nó sẽ là cái gì đó gai người, xấu xí như hình ảnh con mèo lạnh băng bất động với ruồi bọ bu xung quanh mà đầu truyện đã đề cập đến
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự tan vỡ của vẻ bề ngoài ấy chính là sự bao bọc quá mức của người mẹ. Đồng ý rằng mẹ con thì thân thiết, gần gũi nhau là chuyện thường tình, nhưng vẫn phải có những khoảng cách nhất định, một không gian riêng của cả hai. Seiko thì lại không cho con mình một không gian riêng nào hết, lúc Seichi còn mẫu giáo, cô luôn đứng ở phía sau lớp học nhìn cậu. Còn hiện tại, dù luôn cư xử dịu dàng, nhưng Seiko không muốn cho đứa con có một chút riêng gì của mình, luôn đặt những câu hỏi, kiểm tra, không để một lúc nào thằng bé ra khỏi tầm nhìn của mình, luôn đứng sát bên cạnh Seichi khi cậu muốn đưa ra một quyết định gì dù cậu muốn hay không, điều này tạo nên một áp lực rất lớn cho cậu, khiến cậu hay xuôi theo ý của người mẹ để tránh cái áp lực ấy. Những người họ hàng đều biết về sự “bảo bọc” quá mức này, và họ cười nhạo nó. Đỉnh điểm là trong lần picnic, Shigeru đã đùa giỡn, đẩy Seichi một cái khi cả hai đang đứng gần vách núi, người mẹ liền lao nhanh ra ôm đứa con mình với khuôn mặt hoảng loạn cực độ còn mọi người khác đều cười phá lên nói cô lại bảo vệ con quá thái nữa rồi (cái này thì mình theo phe người mẹ, giỡn ngu thấy sợ luôn, ngay phía vực mà đẩy con người ta như thế, không người mẹ nào là không sợ và lao ra ôm con mình hết). Chính cái hành động của Shigure đã làm giọt nước tràn ly, nếu một người mẹ bình thường có thể hét lên hoặc đánh đứa trẻ họ hàng vì đã giỡn kiểu ấy, Seiko chỉ cười hùa theo mọi người, cô thuộc dạng người giấu hết tất cả mọi phẫn uất, không hài lòng của mình sau nụ cười. Nhưng đó chỉ là giấu đi, những cảm xúc ấy không biến mất và tệ hơn, chúng bị đè nén lại với nhau và đợi đến lúc đỉnh điểm sẽ bùng nổ. Shigure đã làm những dồn nén của Seiko tới giới hạn, trong lúc chỉ có cậu, Seiko và Seichi, Seiko đã đẩy thẳng cậu xuống vực thẳm. Lý do cú đẩy đó không phải chỉ là vì cậu đã đẩy Seichi, mà còn là những uất ức khác trong lòng Seiko
- “Này anh ta chỉ là bạn thôi”, “Tại sao giờ anh mới nói, quá muộn rồi”, “Tôi không phải là một con hầu”,… cô lẩm nhẩm thế khi đẩy Shigure, tất cả mọi giận dữ mà người khác gây ra cho cô, cô giữ nó lại, và giờ thì trút hết lên đầu một kẻ duy nhất – Shigure.
Qua sự kiện này, cái vẻ bên ngoài bình thường đã hoàn toàn vỡ vụn. Seiko thể hiện mình là người diễn viên hạng nhất, cô kêu người con nhanh lên đi tìm người giúp đỡ, tỏ ra hoảng loạn, nuối tiếc “Chỉ một chút nữa là tôi chụp kịp thằng bé rồi…”, cô đóng vai một người dì bi thương, ân hận vì không cứu nỗi cháu mình đạt đến nỗi tất cả mọi người đều thấy tội nghiệp cô, đến cả mẹ của Shigure còn xin lỗi cô vì con trai mình khiến cô đau khổ đến thế. Chỉ mình Seichi, cậu đã thấy hết hành động của mẹ, cậu bị giằng xé giữa việc bảo vệ mẹ và nói ra sự thật. Từng trang truyện tiếp sau sự kiện này ngày một trở nên nặng nề hơn. Như lúc cảnh sát tra hỏi hai mẹ con, Seiko nói một cách như thể cô đã thật sự không cứu kịp Shigeru khi thằng bé đứng giỡn chỗ bờ vực. Đến Seichi, cậu không nói được gì, người mẹ đang nhìn cậu và cười, nụ cười mà đối với cậu giờ đây là một sự nguy hiểm, đe dọa, chứ không phải là động viên, an ủi. Seiko bình thản, không một chút lo sợ nào, chỉ cười và đặt bàn tay mình lên vai người con, chỉ thế thôi, nhưng nó lại thể hiện áp lực, sự thống trị tuyệt đối của người mẹ lên đứa con, khiến Seichi chỉ có thể rời rạt sát nhận những gì mẹ cậu nói là sự thật. Sau đó, hai mẹ con lại cố diễn những cuộc đối thoại bình thường trước mặt người bố, nhưng mọi chuyện không bao giờ như xưa nữa. Đọc cực kì thấy tội Seichi luôn, tất cả mọi tội lỗi về đẩy Shigeru xuống vực cậu như gánh lấy hết, khi người mẹ dửng dưng, cậu lại trằn trọc, ám ảnh về giây phút đó mọi phút mọi giây và Seichi trở nên sợ hãi mẹ mình hơn bao giờ hết. Seiko cũng không quá kìm nén mình như trước nữa, cô thể hiện cái nỗi ám ảnh với đứa con của mình mỗi lúc một rõ ràng hơn, không muốn bất kì ai đến gần đứa con mình nữa. Cô khóc nức nở khi Seichi nhận được lá thư tình và ép cậu xé nó đi. Cái tình mẹ con ngày càng trở nên méo mó, kì quoặc (mình không thích diễn ra, nên mọi người cứ đọc truyện để biết thêm chi tiết). Tất cả mọi thứ đó dẫn đến Seichi bắt đầu cắt hết mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, từng câu chữ như bị kẹt luôn nơi cuống họng, rất khó khăn, cậu mới có thể nói được một câu ngắn tròn vành. Đứa bé đã bị tội lỗi, sự giam hãm vô hình của người mẹ bóp nghẹn.
Trong những diễn biến tiếp theo, người chồng trước đó luôn làm lơ những hành động, suy nghĩ của vợ con mình (hay đúng hơn ông đã không tin ý để nhìn ra bất cứ điểm gì khác thường giữa họ) bắt đầu cảm thấy lo sợ, ông muốn tách Seichi ra khỏi mẹ, quan tâm thằng bé hơn. Thật sự không biết câu chuyện sẽ đi tới đâu nữa, khi Seiko chỉ còn một mối quan tâm, lo lắng nhất trên đời là Seichi, nhưng cậu bé đang được người bố tách ra khỏi cô, chắc chắn hành động này sẽ đánh thức những điên dại cuối cùng mà cô vẫn còn đang kìm giữ. Những truyện kiểu này thường sẽ kết thúc không tốt đẹp gì, xem đến lúc đứa con được đưa lên xe, còn khuôn mặt người mẹ thì nghiến răng ken lét sau tấm màn, thật mình toàn nghĩ đến những viễn cảnh đáng sợ tiếp theo có thể diễn ra. Cô ta sẽ giết đứa con? Tự sát? Hay một cái gì khác khủng khiếp hơn? Thường thì những truyện có kiểu tâm lý bất ổn thế này luôn đi kèm với những kết thúc đen tối, nhưng vẫn hi vọng tác giả sẽ mở ra một lối thoát cho người con.
Dù “Chi no wadachi” không có gắn mác horror nhưng độ ám ảnh, đáng sợ của cái truyện này còn hơn nhiều một số horror manga khác mà mình từng coi. Cảnh con mèo chết, cái nụ cười của người mẹ, hay hình ảnh Shigeru nằm ngây dại trong bệnh viện,… tất cả điều mang đến cái lạnh rợn người khi xem đến. Có lẽ sự đáng sợ ở câu chuyện này là vì nó được xây dựng bởi những tình tiết có thể hoàn toàn xảy ra ở đời thường – một người mẹ mất hết mọi ý chí sống và sẽ làm tất cả để giữ người con trong vòng tay mình. “Chi no wadachi” chính xác là một câu chuyện tràn ngập nỗi bất an giữa đời thường, hãy đọc nó chỉ khi bạn muốn thử gặm nhắm nỗi bất an ấy.
Mời các bạn đón đọc Vết Xe Máu của tác giả Oshimi Shuzo.