Chúng tôi, buổi này, cho ra mắt cuốn Dĩ Vãng, là có ý giới thiệu với các bạn cuốn văn đầu tiên của thi sĩ Hồ Dzếnh (mà những bài thơ trong tờ Tiểu Thuyết thứ bẩy đã khiến các bạn để ý từ lâu).
Đây không phải là một câu chuyện biến ảo, ly kỳ đầy những sự hội hộp. Đây chỉ là một câu chuyện dĩ vãng của một thi nhân nhiều tình mộng.
…Năm tháng trôi qua, cỏ đã bao nhiêu lần úa và mọc xanh trên những nấm mồ.
Một thi nhân, giữa một đêm lành lạnh, nướng sợi tóc bạc vào ngọn lửa một chiếc đèn leo lét, trạnh nhớ đến thời xưa. Thi nhân buồn rầu đọc một lá thư của người mà mười lăm năm trước, chàng đã mất bao nhiêu nước mắt ước ao.
Thư ấy có câu:
…(Đến bây giờ…người yêu ông đã mất, tôi mới lại dám ngỏ chút lòng oan khổ mà đằng đẵng bao lâu nay tôi từng chép nó bằng nước mắt của một thiếu phụ có chồng, con)…
Thi nhân thoáng thấy hình ảnh một người hiền phụ đợi chồng, thấy tất cả một giấc một mộng đương trôi về quá khứ…
Tất cả, tất cả cuốn văn chỉ gợi cho ta niềm nhớ, thương một cái gì đẹp đẽ lắm đã mất từ lâu.
Nhà Xuất Bản.
Á Châu.
***
Hồ Dzếnh (1916–1991), tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh) là một nhà thơ của Việt Nam. Ông được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê ngoại với một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát, phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Ngoài ra, Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942), Thạch Lam đề tựa.
Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông sang sinh sống ở Việt Nam từ khoảng 1890, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt, quê ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội do xuất huyết dạ dày và viêm thận[1].
Hồ Dzếnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Hồ Dzếnh là một tín hữu Công giáo Rôma, tên thánh của ông là Phaolô Têrêsa.
Nhà thơ Bùi Giáng trong nhiều tập thi thoại đã cho rằng Hồ Dzếnh là người làm thơ lục bát cực hay, nhưng bù lại thơ thất ngôn chỉ ở mức bình thường. Bài "Rằm tháng giêng", theo Bùi Giáng trong cuốn Thi ca tư tưởng thì: "Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh".
Nhà văn Kiều Thanh Quế viết: "Ngòi bút Hồ Dzếnh đã có được lắm đặc tánh khả quan trong khi phô diễn. Nó nên tỏ ra có sức mạnh trong những tiểu thuyết dày dặn, thì tên tuổi của người Minh Hương ấy – Hồ Dzếnh là người Minh Hương, văn học quốc ngữ không nề hà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn Việt Nam hữu tài." (Tạp chí Tri Tân số 67, 13/6/1942)
"Lời giới thiệu" Tuyển tập Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc, Nhà xuất bản Văn Học 1988, nhận định: "Tác phẩm của Hồ Dzếnh không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với bản chất trầm lắng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu bước vào nghề viết. Tuy nhiên, với hai tập văn thơ Chân trời cũ và Quê ngoại, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân tài. "
Nhà thơ Hoài Anh viết về Hồ Dzếnh: "Phần đóng góp quan trọng nhất cho văn học Việt Nam của anh lại là tập Chân trời cũ, thể hiện nếp sinh hoạt, tính cách, tình cảm, tâm lý của bà con gốc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hồ Dzếnh chỉ kể chuyện về người cha mình, các anh, chị, em mình, con ngựa của cha mình… mà làm cho người đọc Việt Nam rung động tận đáy lòng." (Chân dung văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2001)
Nhà văn, giáo sư Đặng Thai Mai đánh giá tập truyện Cô gái Bình Xuyên (Nhà xuất bản Tiếng Phương Đông, 1946) viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân Nam bộ thời 1945-1946 như là một trong những tín hiệu đầu tiên của văn học kháng chiến.
Mời các bạn đón đọc Dĩ Vãng của tác giả Hồ Dzếnh.