Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thám Tử Kindaichi

Kindaichi Hajime (tên thường gọi là Kindaichi) là một cậu học sinh trung học ở trường Litong nổi tiếng quậy quá, nghịch ngợm, chuyên đi học trễ nhưng luôn là học sinh đứng đầu lớp. Thực chất Kindaichi là một người có cá tính mạnh mẽ, rất thông minh (có chỉ số IQ là 180) cùng với những suy luận sắc bén vì cậu ta là người có một dòng máu "thiên tài" từ ông nội của mình là một nhà thám tử nổi tiếng đại tài Hajime. Kindaichi có một cô bạn gái thân với nhau từ nhỏ là Nanase Miyuki, một cô gái dễ thương có tính tình đáng yêu và được rất nhiều cậu con trai đào hoa phong nhả để ý nhưng cô chỉ luôn đi theo Kindaichi dù cậu ta là một người quậy phá, vô tích sự. Kindaichi cùng với cô bạn thân Miyuki luôn phiêu lưu vào những vụ án ghê rợn, đẫm máu và đầy bí ẩn thử thách của những kẻ giết người tàn ác. Hai viên cảnh sát thường có mặt trong truyện luôn được Kindaichi hỗ trợ phá án qua những vụ án mạng là Kenmochi Isamu và Akechi Kengo.

Cái hay ở tập truyện Thám tử Kindaichi Những tập truyện Kindaichi lôi cuốn người đọc với những vụ giết người huyền bí và những màn phá án tuyệt vời của một cậu học sinh trung học. Những vụ án trong truyện thường là những vụ giết người trong phòng kín hay trên đảo hoang với những manh mối đặc sắc kèm theo những lời bí ẩn để lại tại hiện trường và hung thủ là những người quen thuộc đồng hành từ đầu tập. Điều đáng chú ý ở Thám tử Kindaichi là kẻ giết người không bị tâm thần và những vụ giết người không vì lợi ích cá nhân. Những hung thủ bị vạch trần thường là do tổn thương nặng về tâm lí hoặc tình cảm vì nạn nhân gây ra cho mình trong quá khứ và có khi bắt nguồn từ lòng hận thù, ghen ghét đố kị, tham lam mù quáng, thói chuộng hư danh, ham muốn tiền tài vật chất v.v. Nói chung tính chất tội phạm là do bắt nguồn từ ý muốn tham vọng cá nhân, thỏa mạn dục vọng thấp hèn của con người.

Ngoài những vụ án li kì hấp dẫn hồi hộp qua những pha phá án sắc sảo, những tập truyện Thám tử Kindaichi còn giáo dục cho thanh niên sống ngày nay phải bằng chính năng lực của mình, sống đúng với pháp luật, tội ác luôn bị trừng trị và cộng lí công bằng trong xã hội.

***

[Review Manga]KINDAICHI CASE FILES (Thám tử KINDAICHI)
LINK WEBSITE https://2dreviewer.com/…/review-mangakindaichi-case…/
Quá hiển nhiên, nhân vật chính đóng vai trò “thám tử” trong bộ trinh thám này tên là Kindaichi, mà thật ra, cậu ta cũng ít khi nào tự nhận mình như thế lắm, người ngoài mới nhìn vô cũng chỉ thấy đây là một thằng ngốc quậy phá, dê xồm thứ thiệt thôi, chứ chẳng thấy tí khí chất nào của người thám tử cả. Nhưng mỗi khi đụng chuyện, cái IQ 180 của tên ngốc này liền chạy hết công suất + những gợi ý tình cờ của cô bạn thuở nhỏ Miyuki + sự hỗ trợ từ cảnh sát (thanh tra Kenmochi) mà cậu chàng phá được biết bao nhiêu vụ án lớn mang nhiều bi thương dưới lớp vỏ bọc về những câu chuyện kì lạ, quái đản.

Spoiler Alert: Phần tiếp theo sẽ có spoil, dù mình sẽ hạn chế hết mức, nhưng đọc vào vẫn có thể đoán được thủ phạm ở một vài arc truyện.

_ Làng lục giác, nơi mà mỗi ngôi nhà trong cái nơi ấy đều cất giữ một xác ướp kì lạ với phần thân thể bị cắt rời và thiếu sót.
_ Trường học có bảy bí ẩn ghê rợn và kẻ biết được bí ẩn thứ 7 sẽ chịu sự nguyền rủa.
_ Nơi đây là đảo nghĩa địa, chỗ những oan hồn lính bại trận không thể siêu thoát và sẽ giáng phẫn nộ xuống những kẻ quấy rầy họ

Đây thường là cách mà “thám tử Kindaichi” khởi đầu một vụ án: đưa mọi nhân vật vào một bầu không khí quái gở, đậm tính kinh dị và siêu nhiên. Tiếp theo, những vụ án mạng liên hoàng sẽ xảy ra với cái khung dựa trên những câu chuyện kì quái đó, ví như việc nạn nhân bị chặt mất đầu bởi ngày xưa ở đây có câu chuyện về võ sĩ săn đầu người, hay xác ông chủ đoàn xiếc bị bẻ vặn vẹo và treo lên như con rối vô hồn trong “Kẻ điều khiển rối”. Chính mối liên kết nhập nhằng giữa các câu chuyện xưa về những oán hận, lời nguyền và câu chuyện này là các vụ án mạng khiến “Kindaichi” tạo sức hấp dẫn, tò mò rất lớn vì cứ như đang được nghe cùng lúc cả hai thể truyện khác nhau vậy, vừa như câu chuyện kinh dị nơi mọi người bị những thế lực vô hình gài bẫy, hãm hại; vừa là câu chuyện về những kẻ sát nhân với bộ óc tính toán logic, thiên tài.
Có thể nói, độ khát máu trong các vụ án của “Kindaichi” khá cao, gần như vụ nào cũng tới bốn năm người bị giết và xác thì cũng chẳng được để bình thường: phân xác, băm mảng, thiêu sống… đủ cả bộ, một số lúc, hung thủ còn thêm những dấu hiệu kì lạ xung quanh để tăng phần bí hiểm: khắc chữ thập lên da thịt, giết hình nhân rồi sau đó mới giết người,… Và cái hay ở đây là những cách thức gây án tàn bạo này không phải chỉ vẽ ra để gây sốc, tạo không khí vụ án; mà nó thực sự đóng vai trò quan trọng trong cái chuỗi gây án tinh vi của hung thủ, như trong “Án mạng hồ Hiren”, hung thủ chém nát mặt của nạn nhân ra, mục đích chính không phải để tạo sự kinh hãi cho những người còn lại mà để có thể che dấu danh tính thật sự của nạn nhân, tạo đường thoát cho mình. Nói chung cách gây án càng kì quái, lạ đời bao nhiêu, thì sau đó lại vỡ lẽ ra là nó càng cần thiết để tạo bằng chứng ngoại phạm cho hung thủ bấy nhiêu, mọi tình tiết kỳ bí, rùng rợn lúc ban đầu, đến phút cuối cùng lại được lập luận giải thích logic đến không ngờ. Nhưng dù có xác đáng đến đâu thì mức độ tàn nhẫn, khốc liệt ở nhiều vụ án vẫn có thể khiến những ai xem quen “Kindaichi” cũng rợn cả gáy, với mình, ám ảnh nhất là vụ “Làng Lục Giác”, nhân vật trong ấy đã ngồi chặt từng cái xác chết cháy ra để ngụy tạo số lượng xác, dù cái cảnh này được minh họa lại thông qua những con búp bê, nhưng cái độ ám ảnh, lạnh người về nó cũng chẳng thể giảm đi chút nào.
Tiếp đến, thường với truyện trinh thám, cái nhiều người tò mò bậc nhất: Ai là hung thủ và hắn đã tạo ngoại phạm giả bằng cách nào? Màn lật tẩy hung thủ là cao trào nhất, còn khúc phía sau về lí do gây án thì không quan tâm lắm vì nhiều lúc nó chỉ thêm vào để câu chuyện được rõ ràng, thậm chí là mờ nhạt và không đáng nhớ (kiểu cũng nhiêu đó lí do: hận thù, ghen ghét, hiểu lầm… gì gì đấy, xào qua xào lại rồi gắn lên người hung thủ là xong). Nhưng ở “Kindaichi”, khó có vụ đọc xong mà có thể quên được câu chuyện của kẻ sát nhân, vì ở từng vụ án, tác giả đều chăm chút và đầu tư rất kĩ vào lý do gây án của họ, sau màn vạch trần hung thủ, từng câu chuyện đằng sau sẽ được bóc tách ra rõ ràng và nhiều lúc nó còn xấu xí, bi thảm hơn cả những gì hung thủ đã làm ở hiện tại. Đó có thể là câu chuyện về một cô bé nhỏ kêu cứu đến khàn cả cổ vì người mẹ đang bị kẹt trong đống đổ nát của tai nạn máy bay nhưng những kẻ vô tâm, ích kỷ vẫn bỏ mặc hai người để tập trung kiếm lợi từ cái tai nạn này; hoặc câu chuyện về một người họa sĩ vô danh nhưng tài ba bị tước đoạt hết mọi tác phẩm của mình và giam lỏng, đến cuối cùng còn bị những kẻ lợi dụng mình hại chết,… những cái này chỉ chiếm một vài trang truyện cuối thôi, nhưng nó truyền tải mạnh nhất những cảm xúc và suy nghĩ thật của hung thủ đến người xem. Nên dù căm phẫn hay đồng cảm, thì mình vẫn phần nào thấy thỏa đáng với những lý do ấy, chứ không bao giờ có vụ nghe lý do xong thì thất vọng vì nó quá trớt quớt hay sáo rỗng.
Với những gì nêu trên, “Kindaichi” đúng kiểu một câu chuyện tràn ngập đau thương và bi kịch. Nhưng nó không chỉ có vậy, nó không phải kiểu truyện đưa người xem vào một bầu không khí tràn ngập chết chóc và những khía cạnh xấu xí của con người rồi dìm luôn họ trong đó, vẫn còn một bước ngoặt cuối cùng nữa ở đoạn kết câu chuyện:
“_ Nhưng ai cũng có quyền sống hạnh phúc đúng không?
_ Ý cậu là bọn khốn đó cũng có quyền được sống hả?
_ Không phải vậy, người em muốn nói là chị ấy ” – lời của Kindaichi với hung thủ sau khi vụ án kết thúc.
“_ Cô vẫn để dành thương hiệu L’oiseau riêng cho em, khi nào thụ án xong hãy phát triển nó nhé” – lời của một người nói với kẻ đã định ám hại mình.
Ở “Kindaichi” không khuyến khích người xem cảm thấy hành vi giết người của hung thủ là đúng đắn, nó luôn chứng minh hành động ấy dù có tinh vi cỡ nào cũng chỉ là một sai lầm lớn (có kẻ giết người nhưng gánh nặng đau buồn vẫn không thể bỏ xuống, có kẻ vì thế mà làm hại những người thân yêu nhất và cả bản thân mình, những ví dụ như thế không khó để tìm thấy trong bộ truyện này), dù vậy, cậu chàng thám tử và rất nhiều con người khác trong đây vẫn luôn dành sự cảm thông của mình cho kẻ sát nhân ở khía cạnh giữa người với người – Đó có thể là sự tiếc nuối, mong ước thảm kịch này đừng xảy ra, cuộc sống họ cũng đáng giá cơ mà, tại sao lại đánh đổi nó để lấy cái tiếng sát nhân cơ chứ? Hoặc là sự cao thượng, bỏ qua hết mọi lỗi lầm kẻ đó gây ra cho chính mình hoặc giúp đỡ hoàn thành những ý nguyện của hung thủ. Để lựa chọn nói ra và làm như thế khó lắm chứ đâu có dễ, ngoài đời thật không khéo còn bị cho là rảnh hơi hay đạo đức giả ấy chứ, nhưng may mắn rằng tất cả những điều trên đều xuất phát thật lòng, nên dù vẫn để lại chút dư vị buồn nhưng đoạn kết truyện vẫn như một khoảng lặng yên ả nơi mọi người đã tìm thấy sự bình yên cho chính mình sau tất cả mọi chuyện nhờ những sự chân thành này, chính nhờ vậy mà nó đáng đọc.
Là một trong những bộ manga trinh thám hay nhất với mình, dù vậy, “Kindaichi” vẫn còn một số khuyết điểm. Như với người mới đọc nó có thể sẽ bị khớp đôi chút vì nét vẽ, lúc ban đầu, mình cũng không đánh giá cao nét vẽ trong bộ truyện này, nhìn nó gượng và tỉ lệ cơ thể nhân vật đôi lúc không hợp mắt lắm, nếu không phải do nội dung kéo lại thì mình drop luôn nó ở tập đầu rồi, nhưng may là vấn đề này cũng không kéo dài lâu, càng về sau, hình ảnh truyện ngày càng hoàn thiện và có được nét riêng của mình (nét của Saito không lẫn với ai được luôn). Thứ hai là về nhân vật, trong truyện có xây dựng được một gã khá thú vị, biệt danh là “kẻ điều khiển rối”, hắn là một nhà ảo thuật tài ba và là một tội phạm thiên tài, mỗi tập có hắn thì phần kịch tính, gay gấn đều tăng lên rất cao, nhưng có vẻ càng về sau, cảm giác tác giả đã tận dụng nhân vật này quá đà, dù khá thích hắn ta, nhưng mình vẫn mong tác giả cho hắn xuất hiện ít thôi hoặc đào sâu hơn nữa vào tính cách nhân vật này: chứ cứ kiểu lần nào xuất hiện cũng màu mè, đeo mặt nạ; hoặc có thể qua mặt cảnh sát một cách quá dễ dàng thì riết cũng nhàm và nó làm nhân vật này mất đi tính “thật” – một điều mà những nhân vật khác trong “Kindaichi” luôn có.
Kết lại thì “Kindaichi” vẫn là một bộ trinh thám hay, đáng xem vì nó biết cách lôi cuốn người xem vào vụ án bằng cách tận dụng hết tất cả những yếu tố: bầu không khí truyện, cách dẫn dắt, nhân vật… Nó cũng làm rất tốt trong việc dẫn dắt cảm xúc người xem, câu chuyện này mở ra câu chuyện kia khiến cảm xúc cứ đi từ những cung bậc này đến cung bậc khác, khiến cả những trang cuối cùng rồi mà vẫn không thể rời mắt ra khỏi nó.
Ngoài lề một chút, “Kindaichi” hiện nay đã được nxb Trẻ mua bản quyền và vẫn đang phát hành, sẵn thì mình sẽ review sơ về nó luôn. Hiện tại thì “Kindaichi” được xuất bản theo kiểu một tập sẽ là nguyên một vụ án hoàn chỉnh nên sẽ rất tiện khi mua (khỏi đắn đo nó có bị dính phần của tập trước tập sau không), cũng như là lúc đọc khỏi thấp thỏm là đến đoạn hay thì bị ngưng lại. Vấn đề là độ dài mỗi vụ án khá khác nhau, nên có vụ tập này chỉ dày bằng một nửa tập kia nhưng tất cả đều đồng giá 25k, nếu là mua lẻ thì nhiều lúc hơi xót khi gặp những tập truyện mỏng, nhưng nếu để mua đủ bộ thì cũng đáng đồng tiền (chất lượng giấy, bìa cũng tốt và truyện cũng không bị cắt duyệt tùm lum như bản cũ). Về dịch thuật thì nó khá ổn,mượt và không bị rối cách xưng hô, chỉ có cái điệu cười “Khục khục khục” và cái cách xin lỗi “Sơri, sơri” là đọc không vô được, nghe nó kì sao ấy. Với một cái hơi tiếc nữa là với với kiểu in hiện nay, chỉ có thể mua được tập về những vụ án lớn, còn kiểu vụ các án nhỏ thì vẫn chưa thấy nxb gom lại để in thành một tập truyện, nên so với bản xuất bản cũ, dù nó rõ ràng và đẹp mắt hơn nhưng lại thiếu khá nhiều các vụ án nhỏ và ngoại truyện (đang hi vọng là nxb sẽ bổ sung nó vì mình đang muốn sưu tầm lại đầy đủ bộ truyện này :> )

​​Mời các bạn đón đọc ​Thám Tử Kindaichi - Kanari Yozaburo.