Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bao Thanh Thiên

Những vụ án li kỳ, hấp dẫn, hài hước, lôi cuốn người đọc

Tài trí thông minh, bảo vệ chính nghĩa, phá án nhanh gọn

Chấp pháp nghiêm, không khiếp sợ uy quyền hay vị nể tư tình

Thanh liêm, chính trực, chí công vô tư, yêu nước, thương dân như con

Hình ảnh vị quan Bao Hắc Tử - chuyên gia phá án đời Tống sẽ được khắc họa trong tập truyện thú vị này. Các bạn cùng đón đọc để thử tài phá án cùng Bao Thanh Thiên.

***

Bao Tam Hắc từ nhỏ đã thông minh, lanh lợi được thầy giáo vô cùng yêu quý. Thầy đặt tên cho cậu là Bao Chửng, có nghĩa là cậu nhất định sẽ trở thành dường cột trong việc trị an.

Năm 28 tuổi, Bao Chửng đỗ tiến sĩ và bước chân vào con đường làm quan. Ông từng giữ các chức: tri huyện, quan châu, phủ doãn, từng làm sứ giả sang vương quốc Khiết Đan ở Trung - Bắc Á thời đó. Ông cũng nắm những vị trí quan trọng trong lĩnh vực tài chính, giám sát và làm quan tới chức Tể phụ (quan cố vấn riêng của Hoàng đế).

Bao Chửng làm quan rất công bằng, không bao giờ tư lợi, ông thanh liêm, thẳng thắn, rành mạch, rõ ràng, phá án như thần, yêu thương dân chúng, được mọi người ca ngợi là “Bao Thanh Thiên” (Ông Bao Trời Xanh).

***

Bao Chửng người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang. Lúc còn bé, Bao Chửng đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước. Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ.

Sau khi cha mẹ qua đời, Bao Chửng đi nhậm chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là Tri châu Đoan Châu[4] (nay thuộc Thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông).

Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Đãi chế (nên người đời sau còn gọi ông là Bao Đãi chế).

Năm 1050, vì đàn hặc quốc trượng Trương Nghiêu Tá làm phật lòng hoàng đế Nhân Tông, ông bị thuyên chuyển đến Hà Bắc làm Nhậm đốc chuyển vận sứ. Bốn năm sau, ông mới được triệu về kinh nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong. Đây là chức vị rất quan trọng, tương đương thị trưởng Bắc Kinh ngày nay, lo việc trị an kinh thành. Lúc ở phủ Khai Phong, Bao Công thường ngồi hướng Nam để tỏ lòng tôn kính hoàng đế, nhưng khi thăng đường ông lại ngồi theo hướng Bắc, do vậy trong các phim về Bao Công có câu "Bao Công đồ đảo tọa Nam nha Khai Phong phủ". Bao Công làm quan phủ doãn phủ Khai Phong chỉ trong vòng 1 năm. Thời gian còn lại, ông được thăng chức Thừa tướng, Ngự sử đài. Chức vụ cao nhất mà Bao Công đảm nhận ở cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức Phó Tể tướng.

Thống kê ghi lại, những người bị Bao Chửng trừng trị không dưới 30 người là đối tượng quyền quý, hoàng thân quốc thích trong xã hội đương thời. Thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá – cha đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức. Nhà văn đời Tống Âu Dương Tu đã dành cho Bao Chửng những lời bình luận: “Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình”.

Trong 27 năm làm quan, vị trí công việc rất đa dạng: làm Tri huyện Thiên Trường; Tri phủ Đoan Châu, Doanh Châu, Dương Châu, Lư Châu, Triệu Châu; Tri phủ Giang Ninh rồi Phủ doãn phủ Khai Phong, nắm giữ toàn bộ việc hình pháp, trị an trong kinh thành. Bao Công nhận mệnh đi sứ Khiết Đan, rồi về kinh làm Lễ bộ Thị lang, Tam ti Hộ bộ… Trước sau gánh vác công việc ở các bộ Công, Hình, Binh, Lễ. Chức vụ lớn nhất của Bao Công trước khi qua đời là Khu mật Phó sứ, tương đương phó tể tướng. Sau ông được phong hàm Thiên Chương các đãi chế, Long Đồ các trực học sĩ, Khu mật trực học sĩ.

Năm 1062, ông lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 63 tuổi, điều đáng nói ở đây, là thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, nên người ta nghi ngờ rằng ông mất một phần do thuốc của hoàng đế ban cho, do lúc sinh thời Bao Chửng từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên bị bọn chúng căm ghét (từ lúc uống thuốc đến khi phát bệnh mất chỉ là 9 ngày). Sau này, các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu năng lượng vật lý cao Học viện Khoa học Trung Quốc đã phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công. Kết quả cho thấy: Hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và arsen (thạch tín) lại thấp hơn người thường. Ngày xưa, độc dược được sử dụng chủ yếu là tì sương (thạch tín) và chu sa (thủy ngân), chúng có độc tính cực mạnh. Kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống phải thuốc có chứa thạch tín.[5] Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lễ bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu "Hiếu Túc", có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.

***

Chuyện xảy ra đúng vào mùa thu hoạch. Trời hãy còn tờ mờ sáng, trong ánh sáng yếu ớt của ban mai thoang thoảng mùi hương cỏ cây và mùi nhựa thông. Phía đông đầu thôn, một nông phu cường tráng ra đồng cắt lúa. Trong tiếng soàn soạt của chiếc liềm, từng hàng từng hàng lúa ngã rạp ngay ngắn trên mặt bùn.

Chăm chú làm việc, nhưng lòng chàng lại cảm thấy bất ổn, nên chốc chốc lại ngừng tay liềm, ngẩng nhìn về thôn trang. “Cù – cú,” tiếng cú kêu như báo trước có điềm chẳng lành xảy ra.

Năm Bắc Tống khánh lịch, vùng đất Trung Châu là nơi vừa phồn thịnh lại hỗn loạn, bọn người tranh loạn phát tài mọc lên như nấm, khiến thiên hạ mất đi cảnh an vui thái bình.

Thôn này tên gọi Bảo Thạch, cách huyện thành Khải Khánh 30 dặm, là một bồng lai tiên cảnh ngoài thế sự loạn lạc. Do đất đai màu mỡ phì nhiêu, nguồn nước sung túc, bóng cây râm mát, thoạt nhìn đã tạo cho ta cảm giác đây là nơi tốt nhất để trăm họ an cư lạc nghiệp. Bảo Thạch thôn có nhiều đồng lúa rộng lớn, sinh sản ra giống gạo thơm nổi tiếng khắp xa gần, ngay cả Tống Hoàng đế cũng biết tiếng.

Thế nhưng, người đời vốn sợ nổi tiếng là giàu có, bởi càng giàu có thì bọn đạo chích càng để ý đến.

Chàng nông phu cuối cùng đành phải dừng tay, một phần có thể là vì ra đồng sớm nên bụng đói, một phần vì lòng chàng thấp thỏm không yên nên đành phải quay về nhà.

Chàng là một phú nông, tên gọi Vương Thế Bân cả nhà từ đời này qua đời khác bám ruộng lúa, cha truyền con nối vì thế mà giàu có. Phụ thân chàng là Vương Thiện Nhân, tuổi đã cao không thể lo liệu việc đồng áng, nên toàn bộ công việc đều giao cho con trai. Chàng nổi tiếng khắp thôn về tính cần cù, một tay lo liệu trong ngoài. Tuy mướn người làm, nhưng chàng không để họ ra đồng sớm, mà muốn chính mình là người đầu tiên đổ mồ hôi trên cánh đồng yêu quý.

Vợ của Vương Thế Bân là Quỳnh Nương, con gái nhà họ Trần trong huyện thành, tính nết dịu dàng, dáng người đẹp đẽ, từ khi gả về nhà họ Vương, sớm hôm lo phụng sự cha mẹ chồng, nhất mực hiếu thuận, ngoại trừ cách đây vài năm có xảy ra một nhầm lẫn nhỏ, mọi người trong nhà đều sống hết sức thân mật, thương yêu nhau.

Còn cách nhà không xa mấy, Vương Thế Bân đã vội lên tiếng gọi:

“Nương tử! Nương tử!”

Đáp lời chàng chỉ là tiếng gà vịt kêu.

Chàng đẩy cửa bước vào phòng, mền gối đã được xếp gọn gàng ngăn nắp, nhưng Quỳnh Nương thì không có ở đó. Chàng chạy vội vào bếp, hy vọng vợ mình đang chuẩn bị bữa sáng, nhưng vẫn không thấy.

“Nương tử! Nương tử!” Vương Thế Bân lo lắng kêu to, cảm giác bất ổn càng lúc càng vây chặt lấy chàng.

Lúc bấy giờ trời đã sáng tỏ, người làm đều đã dậy, đang rửa mặt ngoài giếng, nghe thấy chủ nhân tìm vợ, bọn họ đều vây lấy chủ nhân để hỏi xem đã xảy ra chuyện gì.

“Các ngươi có nhìn thấy phu nhân ta đâu không?”

Mọi người đều lắc đầu đáp: “Không thấy, không thấy, chúng tôi thức dậy đã không thấy phu nhân. Mà lạ thật! Bình thường phu nhân luôn dậy sớn hơn chúng tôi, chuẩn bị cơm nước sẵn sàng, hôm nay vẫn ngỡ phu nhân chưa dậy!”

Đúng lúc mọi người đang bàn luận xôn xao, Vương Thế Bân bỗng nhìn thấy bóng người lảo đảo đi trên con đường nhỏ trước cổng. Khắp người đầy máu, đến ngạch cửa, người đó như không còn sức chịu đựng. “Ầm!” – y đổ nhào xuống đất.

Vương Thế Bân chạy bổ về phía trước, chàng nhận ra đây chính là Tiến An, tên gia đồng của nhà Quỳnh Nương vừa đến hôm qua. Phụ thân của nàng bệnh nặng nên sai Tiến An đi mời nàng về chăm sóc.

“Tiến An! Tiến An! Ngươi sao vậy?” Vương Thế Bân đỡ y lên, lay nhẹ đầu hỏi.

“Chủ nhân! Chủ nhân, phu nhân…” Tiến An kinh hoàng đáp.

“Quỳnh Nương ở đâu, nàng làm sao? Ngươi nói mau!” Vương Thế Bân trợn trừng mắt nhìn y.

“Phu nhân, phu nhân bị người ta giết chết rồi!” Tiến An đưa bàn tay đầy máu che mặt bật khóc.

“Sao?” Vương Thế Bân như sét đánh ngang mày, ngã ra bất tỉnh.

Mọi người vội đặt chủ nhân lên giường, vấy nước cho chàng tỉnh dậy.

Vương Thế Bân tỉnh lại, rất lâu vẫn không nói được lời nào, một lúc sau mới cất giọng khàn đặc lẩm bẩm: “Không nghe lời ta, sao không nghe lời ta!”

Một người tỉnh táo nói: “Thưa chủ nhân, hay là mau đi tìm thi thể của phu nhân về?”

Vương Thế Bân bấy giờ như tỉnh cơn mê, gật đầu vội nhảy ra khỏi giường, lấy trúc cột lại thành bó, dẫn theo một người làm, cùng với Tiến An đi tìm Quỳnh Nương.

Tiến An lảo đảo chạy vội về phía rừng Hắc Phong.

Đây là khu rừng tự nhiên nằm trên đường nối giữa Bảo Thạch thôn và huyện thành, trong rừng đồi núi nhấp nhô, thông xanh dày đặc, địa hình cực kỳ phức tạp, dã thú thoắt ẩn thoắt hiện khiến khu rừng vốn âm u càng tăng thêm phần nguy hiểm. Ngoài ra mấy năm gần đây, nơi này thường có đạo tặc hoành hành cướp phá khách bộ hành, nên sự sợ hãi của dân chúng đối với khu rừng càng lúc càng tăng.

Trên một đám cỏ bị quần nát, Vương Thế Bân lờ mờ nhìn thấy thi thể bầm nát lẫn lộn thịt và máu của vợ mình. Vai trái của nàng bị chém đứt chỉ còn dính lại sợi gân trắng, tay phải đã rớt lìa nằm bên cạnh, bu quanh là đàn kiến, thân dính đầy máu, khuôn mặt càng thương tâm hơn, bị vô số những nhát chém, hầu như không còn hình dạng…

“Nương tử! Nương tử!” Vương Thế Bân quỳ xuống bên cạnh thi thể Quỳnh Nương khóc nức nở.

Một lúc sau chàng mới từ từ bình tĩnh, một mặt lo kêu người đào huyệt mộ, mặt khác cởi lấy chiếc áo đầy máu của vợ mình, quyết tâm đến nha huyện kêu oan.

Trước cửa nha huyện, bên phải có treo một cái trống to, Vương Thế Bân vội cầm lấy dùi trống đánh ba tiếng.

Quỳ ở công đường, chàng ngẩng nhìn lên. Kỳ lạ thay! Vị đại quan ngồi trước Điêu Hoa án không phải là quan huyện lệnh, mà là vị lão gia mặt đen, thân hình to lớn, ông đưa đôi mắt đầy uy lực nhưng không hung ác nhìn chàng. Ô! Sao mà quen thuộc đến thế? Vương Thế Bân nghĩ. Chàng sực nhớ ra, suýt chút nữa thì bật kêu lên: Đây có phải là Thanh Thiên đại lão gia Bao Công?

Đúng vậy, Đại Tống Thiên Chương Các đặc chế, Long Đồ Các học sĩ, Bao Chưởng phủ doãn phủ Khai Phong, tuần sát đến huyện Khải Khánh, nghe báo có vụ án giết người nên đã thân hành đứng ra điều tra.

Vương Thế Bân tạ ơn trời đất. Có Bao đại nhân đứng ra xét xử thì nỗi oan của Quỳnh Nương nhất định sẽ được điều tra ra! Hung thủ nhất định trốn không thoát.

Bao Công như đọc được ý nghĩ của chàng bèn hỏi:

“Vương Thế Bân phu nhân của ngươi hà cớ gì mà phải rời nhà để đi qua rừng Hắc Phong? Ngươi hãy thành thật khai rõ.”

“Vâng, thưa đại nhân.” Vương Thế Bân bắt đầu kể lại:

Hôm qua, lúc chập choạng tối thì Tiến An, tên gia đồng của nhà Trần đại nhân vội vội vàng vàng đến, báo cho Quỳnh Nương hay lão quan mấy ngày nay bị cảm phong hàn, muốn con gái về lo thuốc thang, săn sóc cha già cho đỡ nỗi nhớ thương.

Quỳnh Nương nghe nói cha bị nhuốm bệnh, trong lòng không yên, hận mình không có đôi cánh để bay về báo hiếu. Nhưng muốn đi thì phải bàn bạc cùng chồng, đợi chàng đồng ý mới được. Lúc bấy giờ Vương Thế Bân vẫn chưa về, không thể quyết định ngay, nên nàng bảo Tiến An hãy ăn cơm trước, đợi chàng về.

​​Mời các bạn đón đọc ​Bao Thanh Thiên của tác giả Trương Hiểu Nhiên & Ngô Bảo Hòa.