Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nicôlai Cudơnhétxốp - Người Tình Báo Anh Hùng

A. LUKIN - T. GLATCỐP
NICOLAI CUDƠNÉTXỐP
NGƯỜI TÌNH BÁO ANH HÙNG
Thùy Dương và Thế Anh dịch
SỞ VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN HẬU GIANG
- 1983 -

TRONG những tập báo cũ số ra ngày 22 tháng Sáu năm 1941 chỉ có những tin tức bình thường nhất, hoàn toàn thanh bình về cuộc sống của đất nước. Những số báo ấy được xếp chữ và in hồi đêm, bản hết vào sáng sớm, khi tất cả biên giới phía Tây đã ngập chìm trong khói lửa, những quả bom đầu tiên đã rơi xuống Kiep, Minxcơ, Xêvaxtôpôn. Người Mátxcơva chỉ đến nửa buổi mới hay tin chiến tranh qua thông báo khẩn cấp của Chính phủ trên đài phát thanh.

Trong những phút đen tối ấy Nicôlai Cudơnétxốp cũng giống như mọi người xô-viết khác: tức giận và căm thù bọn xâm lược tráo trở xâm phạm tự do và sự tồn tại của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới,

Nhưng anh không ngạc nhiên. Anh đã quá biết nước Đức Hitle. Anh hiểu rằng chiến tranh là không thể tránh được. Một cuộc chiến tranh khủng khiếp, đẫm máu: Một cuộc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử. Và anh biết anh sẽ phải đứng vào vị trí nào trong đội ngũ chiến sĩ chống phát-xít.

Ý định đầu tiên của Cudơnétxốp là được ra mặt trận đã đạt được. Là một vận động viên nhảy dù, thạo dùng súng, một tay trượt tuyết cừ, lại thêm biết tiếng Đức, anh liền được đưa vào đơn vị biệt kích dù, Chẳng còn bao lâu nữa anh được tới mặt trận - chỉ đợi phiên chế xong các phân đội là lên đường.

Sau đó ít lâu Cudơnétxốp được tập nhảy dù và nhảy nhiều lần, nhưng anh không trở thành chiến sĩ biệt kích và thực sự anh chỉ nhảy dù có một lần duy nhất vào hậu cứ địch, mà lại qua mãi một năm sau kia.

Mệnh lệnh của một đồng chí cấp trên vội vã phiên chế Cudơnétxốp vào đơn vị biệt kích, đã bị một đồng chí cấp trên khác cao hơn và cái chính là nhìn xa trông rộng hơn, hủy bỏ vô điều kiện. Đồng chí này tính rằng một người có kiến thức tiếng Đức như vậy mà đưa vào biệt kích dù bình thường thì không thích đáng.

Do đó tên họ Cudơnétxốp từ đơn vị biệt kích dù đã được chuyển sang một danh sách khác, trong đó số lượng ít hơn nhiều. Người thuộc danh sách đặc biệt này không được tung ra mặt trận. Những người này được ném vào sau mặt trận. Không cử đi từng phân chi đội, mà từng người một, trường hợp đặc biệt – từng nhóm nhỏ là cùng.

Những phẩm chất riêng, kiến thức kinh nghiệm của họ cho phép sử dụng họ trong những điều kiện phức tạp hơn nhiều và khá đặc biệt.

Lính lái xe tăng, phi công, các chuyên viên quân sự khác, sau ngày 22 tháng Sáu năm 1941 đều cần cho Tổ quốc không kém gì anh em trinh sát, tình báo. Nhưng dạy cho một người lái xe tăng hay máy bay dù sao cũng dễ hơn là biến người ấy thành một người lính của mình mà lại ở trong hàng ngũ địch.

Gần một năm trời… Những ngày tháng dài đằng đẵng, mệt mỏi, vô công rồi nghề chờ đợi (mặc dù cũng đâu phải ngồi yên). Hết đề nghị này đến đề nghị khác gửi đi nhưng không được chấp thuận, cấp trên một mực từ chối, Cudơnétxốp lang thang hàng giờ khắp thành phố và tự thấy hổ thẹn vì tuổi trẻ và sức lực của mình - đàn ông lứa tuổi anh lúc này ở thủ đô chỉ có thể gặp trong quân phục hoặc đi nạng. Nicolai bất giác có lần giật mình thấy sợ không dám ngồi xuống chỗ trống trên xe điện để tránh những cái nhìn trách móc, thậm chí khinh rẻ của cả toa xe.

Em trai Vichto của anh đã đi chiến đấu, còn anh là anh cả, vậy mà vẫn giậm chân tại chỗ trên đường phổ Mátxcơva.

Mátxcơva… Ai có mặt ở thủ đô vào mùa thu đầu tiên của chiến tranh, hẳn không bao giờ quên bộ mặt nghiêm khắc mới mẻ của thủ đô. Cửa sổ các nhà đều dán những mảnh giấy chéo nhau, mặt các cửa hiệu được chắn cao những chồng bao tải cát, những quả khinh khí cầu xam xám lờ mờ bay trên trời đêm, những mũi tên trắng viết trên tường nhà với chữ đề: «Hầm tránh bom», những khẩu đội cao xạ bốn nòng thường trực trên các nóc nhà.

Hầu như đêm nào còi báo động cũng rền rĩ réo vang, những luồng ánh sáng đèn chiếu hừng hực sục sạo xoáy vào bầu trời tối om, đạn cao xạ giận dữ vút bay lên liên tiếp, lả tả trút xuống mặt đường trận mưa mảnh thép sắc cạnh. Và mỗi sáng các bác nhân viên vệ sinh sân phố lại đổ đầy nước vào các bồn gỗ để trên gác áp mái tất cả các nhà trong thành phố. Khi họ còn chưa đến, mấy chú bé còn lại trong thành phố (chúng chẳng vội đi đâu mùa đông nhà trường đóng cửa cả) đã len lỏi đến trước, moi từ đây các bồn gỗ lên những kíp pháo sáng sơn đen lấp lánh và những cái ống pháo sáng của địch bị cháy. Các em lớn, trước đó, trong những đợt máy bay địch, đã dập tắt những pháo sáng này trong các bồn nước.

Mời các bạn đón đọc Nicôlai Cudơnhétxốp - Người Tình Báo Anh Hùng của tác giả A. Lukin & T. Glatcốp.