Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mãi Yêu Em

Một câu chuyện '' kinh dị '' khoác áo diễm tình, kể về Judith - cô chủ tiệm bán đèn thông minh, xinh đẹp, song bị xếp vào diện ''quá lứa lỡ thì'' tình cờ gặp được một chàng kiến trúc sư lịch lãm với hành tung bí ẩn.

Tác phẩm đã để lại ấn tượng đẹp với độc giả về giọng văn hóm hỉnh của Daniel Glattauer, khắc họa câu chuyện tình yêu giữa nàng Judith 37 tuổi, chủ hiệu bán đèn với chàng kiến trúc sư Hannes, 42 tuổi. Phía sau câu chuyện tình yêu ấy là nỗi sợ tình yêu cưỡng áp, dẫu nó được ngụy trang bằng muôn vàn yên ấm, để rồi qua đó, tác giả truyền tải thông điệp trong tình yêu phải có sự tôn trọng từ cả hai phía, không được trói buộc.

***

Cuốn tiểu thuyết “Mãi yêu em” của nhà văn Daniel Glattauer không phải là kiểu truyện tình yêu lãng mạn thông thường, mà nó còn ẩn chứa những chi tiết kì bí, lạ lùng, khiến độc giả không thể rời mắt khỏi cuốn sách.

Nàng: Judith, 37 tuổi, đơn thân, chủ hiệu bán đèn.

Chàng: Hannes, 42 tuổi, “không phải độc thân trở lại mà xưa nay vẫn độc thân”, kiến trúc sư.

Chàng đã bước vào cuộc đời nàng thông qua cú giẫm gót đau điếng. Anh: “Xin lỗi chị lần nữa vì giẫm phải chân chị.” Cô: “Ồ, quên lâu rồi mà.” Anh: “Không, không, tôi biết, chỗ ấy đau khủng khiếp lắm.” Cô: “Cũng không đến nỗi.” Anh: “Vâng, vâng.” Cô: “Vâng.” Anh: “Chào chị nhé.” Cô: “Vâng.” Anh: “Chúc chị ngày lễ vui vẻ.” Cô: “Anh cũng thế.” Vẫn vậy, Daniel Glattauer dẫn chuyện như-không, cây bút này có tài đẩy những chi tiết nho nhỏ trong đời thành hàng trang “diễm tình” rất duyên, khiến người đọc khó mà ngừng cười tủm tỉm.

Mở chuyện chẳng có gì lạ, song ta không thể đặt cuốn sách xuống được, bởi bằng một cách nào đó, Daniel Glattauer tạo cho độc giả linh tính rằng cú xoay chuyển còn ẩn kĩ ở những trang sau.

Hannes: cao 1,90 mét, nặng 85 kg - về ngoại hình chàng rắn rỏi, đầy nam tính. Hannes: “cùng lúc vừa nhút nhát vừa liều mạng, ngượng nghịu và trơ trẽn, tự chủ và bộc phát, bền bỉ một cách hậu đậu. Và anh biết anh muốn gì: gần cô.” - về tính cách chàng quả là dễ thương, hấp dẫn. Nhìn chung, Judith đã phải thừa nhận: “Anh là một dạng người khác hẳn những người khác từ xưa đến nay.” Nàng (và cả các độc giả) đều ngây ngất, đều tin tưởng vào tương lai ấm áp và hạnh phúc mà chàng mang lại. Dĩ nhiên sẽ là như thế nếu Judith không rơi vào… chứng loạn thần bởi chính tình yêu nồng cháy của Hannes. Judith đáng thương phát rồ phát dại trước sự hoàn hảo nơi Hannes, điều mà cả gia đình lẫn bạn bè cô đều không tài nào hiểu nổi (thậm chí họ đứng tuốt về phe anh), trừ Bianca - con bé học nghề trong cửa hiệu bán đèn - là đứng về phía cô: “Trời ơi, hãm thế cơ chứ, cháu hiểu cô. Cháu cũng không ưa ai bám theo mình, khi cháu không yêu người ấy nữa. Và cháu chuột rút cực nhanh, khi có đứa nào làm cháu nhức đầu.”

Nhưng chuyện đâu chỉ “thường thường” như vậy, Daniel Glattauer khiến bạn đọc cảm thấy rờn rợn khi đột ngột hé lộ một chi tiết đáng ngờ ở quý ông Hannes, biến tình sử thành thước phim kinh dị: Đèn nhà chàng không bao giờ sáng – điều đó chẳng phải rất bất thường trong mắt cô chủ hiệu bán đèn sao?

Rốt cục, việc Hannes gặp gỡ Judith có đúng là tình cờ? Liệu anh cần gì ở cô và ở hiệu bán đèn? Nếu đã quen với những câu chuyện mang hương vị lãng mạn như “Con sóng thứ bảyhay “Cưỡng cơn gió bấc”, ta sẽ tìm thấy Daniel bản-mới trong cuốn tiểu thuyết “Mãi yêu em”: tác giả khá “tinh quái” dẫn dụ độc giả đến với nỗi sợ - nỗi sợ tình yêu đầy cưỡng áp đầy trói buộc, dẫu nó được ngụy trang bằng muôn vàn yên ấm. Vậy hạnh phúc là gì? Nhân vật Judith đã phải trở đi trở lại bệnh viện tâm thần, đấu tranh với tiếng nói ma quái của chàng Hannes vang trong đầu cô, ngụp lặn giữa hàng vốc thuốc hãm phanh thần kinh… để trả lời câu hỏi đó. Đi tới cùng, hạnh phúc nên là và phải là tự tại; nó sẽ bước ngay sang địa hạt ác mộng nếu bị gắn với một dây xích bọc đường.

“Mãi yêu em” của tác giả Daniel Glattauer, được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi dịch giả Lê Quang, do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc từ tháng 5 năm 2017.

Lan Phương Review

***

Khi anh bước chân vào đời Judith, gót chân cô đau buốt, nhưng rồi đỡ ngay. Anh: “Xin lỗi”. Cô: “Không sao”. Anh: “Đông kinh khủng”. Cô: “Vâng”. Judith nhìn lướt qua mặt anh, tựa như đó là tít tin thể thao hằng ngày. Cô chỉ muốn biết sơ sơ mặt người đã giẫm nát bét gót chân người khác trước quầy phô-ma đông kín hôm thứ Sáu Tuần Thánh. Cô hơi ngạc nhiên, anh ta trông bình thường, như mọi người ở đây, không hơn mà cũng không kém, cũng không đặc biệt. Tại sao cả thế giới phải đổ đi mua phô-ma dịp Phục sinh? Tại sao chỉ vào một cửa hàng và cùng một lúc?

Ở quầy thu ngần, anh ta, lại anh ta, xếp đồ lên băng chuyền cạnh đồ của cô. Cô nhận ra anh ta nhờ tay áo da lộn nâu đỏ có mùi da đặc trưng. Khuôn mặt anh ta thì cô quên từ lâu, à không, có nhớ đâu mà quên, nhưng cô thấy ưa động tác khéo léo, chính xác và uyển chuyển của tay anh. Kể cả trong thế kỷ hai mốt thì quả là kỳ lạ khi một đàn ông trạc bốn chục tuổi biết sắp xếp và gói ghém hàng mua trong siêu thị cứ như đã từng làm việc đó rồi.

Ở cửa ra vào thì hầu như không còn tình cờ, khi lại là anh ta đứng đó để giữ cánh cửa mở ra cho cô và khoe tài nhớ mặt người của mình. Anh: “Xin lỗi chị lần nữa vì giẫm phải chân chị”. Cô: “Ồ, quên lâu rồi mà”. Anh: “Không, không, tôi biết, chỗ ấy đau khủng khiếp lắm”. Cô: “Cũng không đến nỗi”. Anh: “Vâng, vâng”. Cô: “Vâng”. Anh: “Chào chị nhé”. Cô: “Vâng”. Anh: “Chúc chị ngày lễ vui vẻ”. Cô: “Anh cũng thế”. Cô thích kiểu nói chuyện như thế ở siêu thị, nhưng bây giờ thì thế là đủ cho phần đời còn lại.

Ý nghĩ, tạm gọi là ý nghĩ cuối cùng dành cho anh, là năm, sáu hoặc bảy quả chuối, một nải vàng ươm mà anh ta gói vào trước mắt cô. Ai mua năm đến bảy hoặc tám quả chuối, người ấy ắt có hai, ba đến bốn đứa trẻ đói bụng ở nhà. Dưới cái áo khoác da chắc anh ta mặc áo thun kẻ ca-rô lớn nhiều màu như cầu vồng. Một ông chủ gia đình đích thực, cô nghĩ bụng, một người biết giặt giũ phơi phóng quần áo cho bốn đến năm hoặc sáu người, có lẽ treo bít tất thành một hàng, chập từng đôi một, ai phá hỏng trật tự ấy trên dây phơi thì cứ liệu hồn.

Về đến nhà, cô dán một miếng băng dính dày cộp lên gót chân đỏ ửng. May mà gân gót không hề hấn gì, mà nói chung Judith luôn cảm thấy không ai có thể làm tổn thương mình.

Lễ Phục sinh như mọi năm. Sáng thứ Bảy: thăm mẹ. Mẹ: “Bố khỏe không?” Judith: “Con không biết, chiều con đến bố”. Chiều thứ Bảy: thăm bố. Bố: “Mẹ khỏe không?” Judith: “Khỏe ạ, con ở chỗ mẹ ban sáng”. Trưa Chủ nhật: về nông thôn thăm em trai Ali. Ali: “Bố mẹ khỏe không?” Judith: “Khỏe, hôm qua chị thăm bố mẹ”. Ali: “Bố mẹ lại về với nhau à?”

Sáng thứ Hai sau lễ Phục sinh Judith mời các bạn đến nhà mình ăn. Thực ra mời ăn tối, nhưng từ khi ngủ dậy cô đã bắt tay vào chuẩn bị. Sáu người cả thảy: hai đôi và hai người độc thân (một người độc thân vĩnh viễn, còn người kia chính là cô). Giữa các đợt đồ ăn bưng lên, câu chuyện diễn ra ở trình cao, xoay quanh các chủ đề như cách nấu ăn không làm mất vitamin và các diễn biến mới nhất trong nghiên cứu chống cặn kết tủa trong rượu vang. Nhóm này rất thuần, thậm chí có những chủ đề mà họ sống chết không rời (chống chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, và gan ngỗng nhồi). Bộ đèn chùm kiểu Art Nouveau tỏa sáng ấm áp lên các khuôn mặt vui vẻ. CD mới nhất của nhóm The Divine Comedy tựa như kịp thời ra đời để phục vụ dịp này.

Thậm chí Ilse còn có lần mỉm cười với Roland, và anh xoa bóp vai phải của cô, phải đến hai giây chứ không ít - dù họ đã cưới nhau mười ba năm và có với nhau ba mặt con trong niềm đam mê đang chết dần chết mòn mỗi ngày. Đôi kia trẻ hơn, Lara và Valentin, vẫn trong chu kỳ tay nắm tay say đắm. Thỉnh thoảng cô lại nắm các ngón tay anh bằng cả hai tay, có lẽ để giữ anh chặt hơn khả năng thực sự của cô xét về lâu dài. Tất nhiên Gerd lại là nhân vật nhộn nhất, luôn nổi bật ở bất cứ đám nào và ngày càng nổi hơn cùng với trách nhiệm làm cho những người khô khan phải vui vẻ và lắm mồm lên. Tiếc là anh ta không đồng tính để Judith tiếp xúc riêng nhiều hơn và tâm sự những chuyện cá nhân hơn, vốn bất khả thi trong một nhóm có nhiều đôi.

Cuối những buổi tối tương tự, khi khách khứa đã ra về và chỉ còn không khí đặc quánh gợi nhớ đến sự hiện diện của họ, Judith luôn thẩm định tình trạng của mình trong khung cảnh thân thuộc và giữa một núi bát đĩa rếch. Ồ có chứ, rõ ràng đó là chất lượng sống vượt trội khi đầu tư một tiếng vào bếp, mở toang cửa sổ để không khí trong lành vào phòng, hít một hơi thật sâu, uống vội một viên thuốc đề phòng nhức đầu, để rồi rốt cục được ôm cái gối thân thương và chỉ buông nó ra vào tám giờ sáng hôm sau. Rõ ràng như thế còn hơn thâm nhập vào tâm lý của một gã “bạn đời” - có khả năng (cũng) phê phê, móc mồm cả ngày không ra một tiếng, không ưa bị giữ ở nhà, lười dọn dẹp nhà cửa - để dò xem hắn ta đang nuôi hi vọng hay run rẩy lo sợ sắp lên giường. Judith tránh được tình trạng xì-trét đó, trừ một vài buổi sớm mai cô thấy thiếu một người đàn ông cạnh mình trong chăn. Nhưng đó không được phép là một người đàn ông bất kỳ, người đàn ông nào đó, mà phải là một người nhất định. Vì vậy, buồn thay, người đó không trong số những người cô quen.

Judith yêu công việc của mình. Và nếu không - thường là sau các ngày lễ - cô cố mọi cách tự huyễn hoặc là mình yêu công việc. Ít nhất thì cô cũng là sếp của chính mình, dù hằng ngày cô luôn mong có một bà sếp khác xông xênh hơn, ví dụ như Bianca, con bé học nghề của cô. Bianca chỉ cần một cái gương là có đủ việc cho cả buổi. Judith có một doanh nghiệp nhỏ ở phố Goldschlag, quận 15. Nghe chữ “doanh nghiệp” có hơi hướm kinh doanh hơn thực tế, song cô yêu cửa hiệu bán đèn của mình và không đổi nó lấy bất cứ cửa hiệu nào trên thế giới. Từ nhỏ, cô thấy đó là những căn phòng tuyệt diệu nhất trần gian, bao la giữa vô vàn vì sao nhấp nhánh và những quả cầu chói lọi. Trong bảo tàng ngoài trời lấp lánh của ông ngoại, ngày nào Judith cũng được vui lễ Phục sinh.

​​Mời các bạn đón đọc ​Mãi Yêu Em của tác giả Daniel Glattauer & Lê Quang (dịch).