Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cõi Mê

Chủ đề mà tác giả hướng tới là sự phân rã trong gia đình, trong cơ cấu xã hội và sự tha hóa khó kìm hãm của con người.

Gia đình ông Hoàng, gồm ông và các con trai là những người có năng lực, có tâm huyết với sự đổi mới nhưng nhiều lúc đã chịu thất bại cay đắng bởi cỗ máy bảo thủ và sự tranh giành quyền lực của những kẻ xấu.

Gia đình ông Nguyễn Kỳ Hòa, hay là gia đình cụ Nguyễn (bố ông Hòa, tuổi đã tròn trăm) là một gia đình yêu nước có truyền thống, đời đời theo Trương Ðịnh, Nguyễn Tri Phương chống thực dân Pháp xâm lược. Ông Hòa là bộ đội tập kết, lên đến chức đại tá. Anh em ông, các con trai ông đều là liệt sĩ, chỉ để lại đứa cháu nội là thằng Thăng.

Do sự cưng chiều và dựa cậy thần thế, thằng Thăng, cái hạt giống duy nhất của một gia đình yêu nước, trượng nghĩa, chưa đến tuổi mười lăm đã đua xe cán chết người, đã làm nát đời con gái người ta rồi tiếp đó là du nhập băng đảng xã hội đen, lao vào dòng đời thác loạn. Sự sa ngã, đúng hơn là lối sống mất dạy, rất nguy hiểm cho xã hội của bọn choai choai như thằng Thăng không chỉ vì sự cưng chiều mà còn vì xã hội còn có mảnh đất cho lối sống ấy.

Cái tha hóa của ông Hòa lại ở dạng khác: vì không xin việc được cho thằng Thăng, vì thấy ông Hoàng không tiếp mình, khinh mình nên đã lạm dụng cương vị công tác và uy tín hùa nhau khép tội cho cha con ông Hoàng, những người trung thực và có nhiều tư tưởng đổi mới, đẩy xã hội tiến lên.

Cụ Nguyễn đã trụ vững qua nhiều giai đoạn lịch sử để giữ lấy trung nghĩa, nhân đức, sự thanh khiết kể cả dưới chế độ Mỹ - ngụy, cuối cùng đã gục ngã. Sự gục ngã của một trụ cột gia đình, sự thối rữa của một hạt giống duy nhất còn sót lại khiến người đọc bàng hoàng. Liệu rồi dòng máu yêu nước, những đạo lý truyền thống sẽ chảy từ đâu, về đâu?

Chỉ ra những chiều hướng xấu trong xã hội, miêu tả sự tha hóa, băng hoại đến tột cùng và những nguy hại nhãn tiền, nguy hại lâu dài cho cả một dân tộc, với tinh thần trách nhiệm và tính chiến đấu cao, tiểu thuyết “Cõi mê” của Triệu Xuân đã góp một tiếng nói thức tỉnh, cảnh giác đối với một thời đoạn lịch sử, đối với tương lai. Dường như nhiều người, nhiều khi chúng ta đang rơi vào cõi mê, đang bị sự quyến rũ chết người nhấn xuống tận đáy của nhơ nhớp lại cứ ngỡ mình đang thăng hoa, đang vinh quang, đang khôn khéo hoặc tuyệt vời sung sướng.

Văn học Việt Nam đang tìm đường để tự đổi mới mình, đang hướng tới những tác phẩm làm tròn thiên chức cao cả của mình là góp phần cải biến xã hội.

Có những nhà văn viết về lịch sử, viết về một cuộc sống nào đó trong tư duy chủ quan của mình, nhưng tôi coi trọng hơn những nhà văn viết về cái hôm nay. Triệu Xuân là một nhà văn như vậy. Anh có hiểu biết am tường về lịch sử lẫn mọi ngóc ngách của cuộc sống hôm nay, biết đặt vấn đề hôm nay trong một tiến trình để các sự kiện, vấn đề được soi sáng hơn có ý nghĩa hơn. Tác phẩm “Cõi mê” ngồn ngộn chất liệu đời thực, với những chi tiết chính xác của báo chí, các sự kiện và nhân vật như vừa gặp đâu đó, như đang sống, đang vây lấy người đọc, đòi hỏi anh phải bộc lộ thái độ chứ không chỉ “thưởng thức”…

“Cõi mê” đã thật sự thành công khi nói về sự tha hóa của một số người, sự phân rã trong một số cơ tầng xã hội, đưa ra những vấn đề bức xúc về lối sống, về giáo dục gia đình, quản lý xã hội, sử dụng con người nhưng chưa mấy thành công khi nói về tương lai, về cái mới với sự mỏng mảnh của những nhân vật đại diện cho cái mới như Ngọc Bắc, Phương Thảo.

Tôi cũng không thích đoạn kết có hậu: mọi người trong hai gia đình “thù địch” lại giảng hòa, vui vẻ ềcả làngể, lại bắt tay cùng xây dựng một cuộc sống mới và sự thanh khiết một cách quá dễ dàng, không đúng ềtôngể với các phần trước đó của cuốn sách, cũng không đúng quy luật của cuộc sống. Cái chết của Ngọc Tiên, sự trả giá của thằng Thăng đã là cái chết của một lối sống trục lợi, chụp giật, thiếu lý tưởng, đã là sự chiến thắng của cái thiện, không cần viết thêm đoạn kết gượng ép.

Review Nguyễn Sĩ Đại.

***

Nhà văn Triệu Xuân quê Ninh Giang, Hải Dương. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ÐHTH Hà Nội, anh vào nam làm phóng viên mặt trận, trải qua đời làm báo dài nhất tại Ðài phát thanh Giải Phóng, sau đó là Ðài Tiếng nói Việt Nam. Hiện công tác tại Nhà xuất bản văn học.

Trực diện với cuộc sống, mong muốn được đứng ở hàng đầu của những xung đột và tham gia giải quyết những xung đột ấy là thế sống, là điểm đích của ngòi bút Triệu Xuân trong văn chương cũng như báo chí.

Tính từ 1985 đến nay, Triệu Xuân đã có sáu tiểu thuyết: “Giấy trắng” (1985); “Ðâu là lời phán xét cuối cùng” (1987); “Nổi chìm trong dòng xoáy” (1987); “Trả giá” (1988); “Bụi đời” (1990); “Sóng lừng” (1991); “Cõi mê” (2004) và “Hồn rừng” (2005).

Anh đã được Giải thưởng văn học giai đoạn 1986-1990 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bằng tiểu thuyết “Trả giá”.

***

Cuộc đời có quá nhiều sự quyến rũ!

Xưa nay sự quyến rũ có quyền năng vô hạn. Nó có thể làm người ta bừng sáng, thăng hoa đến tót vời, nó cũng có thể đè người ta bẹp dí, nghiền nát, hoặc nhấn xuống tận đáy của sự nhơ nhớp. Nhưng quyền năng vô hạn đó không chỉ có hai mặt, mà mặt thứ ba mới là thực tế: Có những kẻ đang bị sự quyến rũ chết người nhấn xuống tận đáy của nhơ nhớp lại cứ ngỡ mình đang thăng hoa, đang vinh quang, tuyệt vời sung sướng. Thằng Thăng cháu nội ông Nguyễn Kỳ Hòa là kẻ như thế. Nó đang sung sướng lắm! Trời ban cho nó vóc dáng cao lớn, vạm vỡ, điển trai, mắt to đuôi dài rất đa tình. Hồi nó mới mười ba tuổi, đã thèm xe Honda, ông bà nội mua cho liền! Nó cúp cua đi chơi Thủ Đức, Biên Hòa, Vũng Tàu, Đà Lạt, đi bằng xe Honda, và đua với bạn. Cuộc đua nào nó cũng về nhất. Rồi nó mê bơi lội, mê tennis. Nó kiếm được chân nhặt banh trên sân tennis Tri Âm sát sông Sài Gòn. Tại đây, nó nhanh chóng học được môn thể thao này. Nó quan sát những người chơi, nghe họ trò chuyện về những chốn ăn chơi, những cô gái đẹp ở những chốn ấy và hiểu ra rằng những người đàn ông trong nhà nó không là… cái đinh gì, bởi họ không hề biết thưởng thức cuộc đời (câu mà nó thường được nghe đại ca X.O nói)! Chú Hùng Tâm của nó xem ra cũng máu ăn chơi, thế nhưng thằng Thăng ghét Tâm, nó coi Tâm chẳng ra ký lô nào bởi cái tội chảnh chọe với cháu! Chỉ có ông Ba Đào, người mà đàn em tôn vinh là đại ca X.O, và những người bạn của ông ta trên sân Tri Âm mới hiểu đời, biết thưởng thức cuộc sống…

Thằng Thăng lớn nhanh như Phù Đổng Thiên Vương sau khi được dân làng góp gạo thổi cơm cho ăn. Mười lăm tuổi mà đã có ria mép, thân hình lực lưỡng như trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Sừng trâu thì nó chưa bẻ gãy, nhưng nó đã hơn một lần làm nát đời con gái người ta. Không phải nó ác, mà bởi nó đam mê, nó bị sự quyến rũ ngự trị; và nhất là tại các em choai choai thèm lăn xả với nó. Con gái nhìn nó một lần là muốn được lao vào vòng tay nó, dù có chết cũng cam lòng! Bước vô tuổi mười lăm, nó đã cao một mét bảy mươi lăm, người nở nang cân đối và rắn như thép cường độ cao. Nó thông minh, nhưng chán học, triền miên trốn học vì… bị nhiều cô gái đẹp quyến rũ, hay chính nó tạo ra sự quyến rũ không biết. Các cô gái được nó cho thưởng thức mùi đời, biến thành đàn bà thời ấy là bạn học cùng lớp, cùng trường, cùng tuổi choai choai, cùng khao khát ăn chơi, cùng biết xài tiền như nước và cùng thích tốc độ. Băng của thằng Thăng có tám cặp, chỉ có nó đang học lớp tám, còn những đứa kia học lớp mười đến lớp mười hai. Tất nhiên thằng Thăng được tôn làm thủ lãnh. Không làm thủ lãnh sao được khi mà nó chơi bạo nhất, đẹp trai nhất, to cao nhất, nhiều tiền nhất, đa tình nhất, nhiều ý tưởng sáng tạo điên rồ nhất! Ngoài những cái nhất ấy, thằng Thăng còn mang vào chốn giang hồ những tư chất của một kẻ được gia đình chăm sóc, giáo dục kỹ lưỡng: không bao giờ nói tục, không bao giờ chửi thề, ngày đánh răng ba lần, sau khi đi cầu là phải tắm rửa, sau khi đi tiểu dứt khoát dùng giấy vệ sinh thấm… thằng nhỏ, và rửa tay thật kỹ trước khi rời toilet!… Những điều vừa kể đã ngấm vào máu thằng Thăng. Nó thực hiện như một phản xạ bản năng. Bởi thế mà đám đệ tử thấy thằng Thăng như một người của thế giới khác lạ, chúng rất khâm phục.

Không biết vì sao Nguyễn Quốc Thăng lại được đám choai choai kêu bằng biệt danh Rồng Xanh? Có lẽ ngẫu nhiên chăng? Vào sinh nhật thứ mười sáu của thằng Thăng, ngày 30 tháng Tư, sau khi ăn chơi nhảy nhót từ sáng tới tối, rồi lao vào chuyện chăn gối đến rã rời cơ bắp, chúng nó vào cuộc đua mới. Không biết là cuộc đua thứ bao nhiêu rồi? Trời cũng chịu, không nhớ nổi! Đêm ấy, băng Rồng Xanh đua với băng Ó Trắng. Tất nhiên là xe phân khối lớn. Tất nhiên là tháo bỏ dây thắng. Tất nhiên là tay đua nào cũng có một em mặc mini jupe khoe cặp chân dài như chân Julia Robert ngồi quặp chặt sau lưng. Điểm xuất phát và đích là cầu Sài Gòn. Rồng Xanh về đích trước tiên. Hai giờ sáng, đúng vào lúc xe thằng Thăng bay tới điểm đích thì bất ngờ xuất hiện chiếc xe đạp của một nữ công nhân đi làm ca đêm về… Người đàn bà xấu số ấy chết không toàn thây!

Cả nhà ông Hòa như vừa bị khủng bố. Ai nấy mặt mày dớn dác, cắt không ra giọt máu.

Mùa Xuân 1985, đại tá Hòa - nổi tiếng hào hoa, giao thiệp rộng - nhận được quyết định: không trực tiếp chỉ huy đơn vị pháo binh nữa, ông được điều về giữ một trọng trách ở Quân khu. Khi nhận quyết định này, Hòa vừa khấp khởi mừng, vừa lo. Ông hy vọng cấp trên giao cho ông phụ trách thanh tra để rồi thăng lên cấp tướng?! Nhưng, nếu không phải vậy thì… ông lo vì mình đã bước vào tuổi sáu mươi rồi, không được lên tướng thì chỉ còn nước lên làng nướng mà nhậu, nghĩa là về hưu!

Quân đội luôn luôn là nguồn cung cấp cán bộ cho các ngành khác. Sau năm 1975, tại miền Nam, hầu hết những cán bộ khung của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra, thuế, hải quan… đều xuất thân quân đội. Trong đội ngũ ấy, có rất nhiều người là bạn thân hoặc là cấp dưới của Hòa. Hòa làm việc ở Quân khu được hai năm, lập được một vài công tích thì tiếng tăm bay tới cấp trên. Nạn tham nhũng đã và đang hiển hiện. Đại tá Hòa, chưa được lên tướng, nhưng được trên cử làm Phó Ban chống tham nhũng!

Mời các bạn đón đọc Cõi Mê của tác giả Triệu Xuân.