Biệt tài duy nhất của cậu học sinh cấp 3 Iwashiro Tessho là khả năng cảm âm tuyệt đối. Cậu không biết chơi nhạc cụ, hát hò dở ẹc, và tất nhiên học hành cũng chẳng ra đâu.
Lẽ nào Tessho sẽ trở thành “dân anh chị”?
Khi ngỡ tưởng tương lai mù mịt rơi xuống đáy xã hội, thì Tessho bỗng có một cuộc gặp gỡ định mệnh…
Một “bộ truyện dài tập cực hấp dẫn về đề tài thú y” chắc chắn sẽ khiến bạn cảm động! Giờ, tập 1 xin được bắt đầu…!
***
Tessho là một cậu học sinh cấp ba có khả năng cảm âm tuyệt đối. Khả năng này khiến Tessho có thể nghe được những âm thanh mà hầu hết người bình thường đều không thể nghe được. Sau khi giúp đỡ một bác sĩ thú y địa phương tên Kashu cứu sống một chú chó nhỏ bị khuyết tật tồn tại ống động mạch ở tim, Tessho đã lựa chọn mục tiêu cho mình phải trở thành một bác sĩ thú ý. Chú chó được cứu sống về sau cũng trở thành người bạn thân thiết luôn ở bên Tessho. Sau khi tốt nghiệp trường đại học thú ý, Tessho may mắn có cơ hội được làm việc ở bệnh viện thú ý top đầu R.E.D. Từ đây, câu chuyện dõi theo hành trình của bác sĩ thú y Tessho với những trải nghiệm, khám phá và bài học từ công việc của mình.
Cảnh báo có spoiler. Trước khi đi sâu vào phần review, mình xin được nói trước đây là cảm nhận của mình với tư cách một người đọc Wild Life lần đầu và đọc bản được xuất bản năm 2019. Mình sẽ không có sự so sánh về chất lượng 2 bản dịch hay sự khác biệt giữa hai bản. Hơn nữa, vì cốt truyện Wild Life không thuộc kiểu drama mà thiên về nội dung dứt điểm ở mỗi tập, nên dù mới đọc 3 tập, mình tin bản thân có thể có những cảm nhận khái quát nhất của bản thân về bộ truyện này. Bắt đầu nào!
Khi mới bắt đầu tìm hiểu về Wild Life, mình nhận thấy khá ít bạn đã đọc review thật chi tiết về bộ truyện. Phần lớn người đọc chỉ giới thiệu chung chung đây là một bộ truyện rất vui nhộn, cung cấp nhiều kiến thức về bác sĩ thú y hoặc nếu ai muốn trở thành bác sĩ thú y có thể đọc tham khảo. Mình hoàn toàn đồng ý với tất cả những khen ngợi trên, nhưng với mình, đây là bộ truyện hàm chứa nhiều ý nghĩa về cuộc sống cũng như quan điểm về nghề nghiệp, xã hội.
Như ở phần thông tin sơ lược, truyện đạt giải Shogakukan lần thứ 26 cho hạng mục shonen, vậy hẳn đây không chỉ là một bộ truyện với nội dung bình thường mà nó phải mang một ý nghĩa đặc biệt. Chưa đọc sâu cũng có thể thấy đề tài bác sĩ thú y là một đề tài hấp dẫn và mới lạ, ít tác giả khai thác. Một phần là bởi bác sĩ thú y không phải một nghề xếp top 20 hay top 50 những ngành nghề phổ biến trên thế giới và một phần khác là bởi bác sĩ thú y chưa được nhìn nhận tầm quan trọng đúng nghĩa. Điều này thể hiện ngay từ những chap đầu của truyện. Khi được Kashu gợi ý với khả năng cảm âm tuyệt đối, Tessho hãy trở thành một bác sĩ thú y giống ông. Tuy là một người yêu động vật và lực học mà theo mô tả trong truyện, mình đoán Tessho chỉ có học lực xoàng trong lớp, cậu cũng đã đáp lại “Nghe cứ tầm thường sao ấy”. Như vậy có thể thấy, nghề bác sĩ thú y ở một đất nước phát triển như Nhật Bản cũng không phải một nghề hot, và rõ nghe nó không “oách” như nghề bác sĩ khám cho người.
Điều làm mình ấn tượng nhất với bộ truyện đó là chỉ cần với những câu thoại ngắn gọn, súc tích, lặp lại một vài lần mà đã bao quát được nhiều tầng triết lí cuộc sống tác giả gửi vào trước. Mình có thể khái quát một vài lớp ý nghĩa sau đây:
Bác sĩ thú y là một nghề khắc nghiệt và đòi hỏi người làm nghề phải có tinh thần thép
Tessho đến với nghề bác sĩ thú y rất tự nhiên. Cậu đơn giản thấy đây là nghề có thể cần nhiều đến khả năng cảm âm của mình, hay nói cách khác, khả năng của cậu có đất dụng võ. Hơn nữa, cậu nhiệt huyết và có một tình yêu ấm áp, chân thành cho động vật. Tình yêu và sự nỗ lực, song đó không phải tất cả làm nên một nghề nghiệp mà theo đó, còn là sự chấp nhận hi sinh, những quan điểm dứt khoát về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Kashu ngay từ chap đầu đã nói “Mỗi năm toàn quốc có tận 630.000 con chó mèo gặp nạn. Cứu được một con nhưng 629999 con còn lại thì sao?” Đây là câu nói đánh động đến nhiều thứ. Tình trạng động vật bị đối xử tệ bạc, hay chuyện động vật gặp nạn vẫn diễn ra phổ biến và người làm bác sĩ thú y phải chấp nhận hiện thực này, dùng nỗ lực của mình thay đổi nó dần dần, kiên trì và lâu dài. Không thể cứu được cùng lúc một lượng lớn những động vật bị gặp nạn như vậy nhưng chỉ cần còn có thể, bác sĩ thú y phải dốc hết sức và nhiệt huyết mỗi ngày, mỗi giờ giải cứu những con vật đáng thương ngoài kia. Đi sâu vào các chap sau của truyện, khi Tessho đã làm việc ở bệnh viện R.E.D, có thể thấy bác sĩ thú y không chỉ là nghề giống như trong tưởng tượng của nhiều người, rằng chỉ đưa thú cưng đến một phòng khám sạch sẽ, bác sĩ tiêm cho vài mũi rồi đưa về. Trái lại, bác sĩ thú y ở R.E.D có cường độ làm việc cao, trung bình 130-150 ca một ngày, chưa kể còn phải đi công tác gấp ở nước ngoài, cấp cứu động vật hoang dã ở mọi nơi, mọi địa hình, tiến hanh các phẫu thuật phức tạp ở những điều kiện dù thiếu thốn hay đầy đủ. So với nghề bác sĩ khám cho người, nghề bác sĩ thú y có phần cam go và nguy hiểm hơn nhiều (như khi Tessho chạy xuống bảo vệ gấu mẹ và gấu con giữa vùng băng tuyết và bị gấu cào rách da).
Đòi hỏi hàng đầu ở một bác sĩ thú y là trân quý tính mạng của động vật ngang với tính mạng con người
Wild Life đã chỉ rõ yếu tố tiên quyết của một bác sĩ thú ý này. Như Tessho đã nói “Chỉ cần là con gì con sống thì đều là bệnh nhân của tôi” hay “Tôi muốn cứu bệnh nhân thì cần lí do nào khác sao?” Điều này thể hiện sự lăn xả với công việc Tessho, đồng thời cho thấy sự công tâm trong nghề cứu tính mạng động vật của cậu. Dù với lí do gì, trong hoàn cảnh khó khăn nào, chỉ cần cứu được mạng sống một sinh linh thì đó là việc một bác sĩ phải làm. Đỉnh điểm của tấm lòng yêu thương động vật của Tessho chính là câu nói trong tập 2 của truyện, chi tiết Tessho chạy ra bảo vệ gấu mẹ và gấu con, “Nhưng đây là công việc của tao. Vì nó, cái mạng tao có xá gì.” Theo mình, đây là chi tiết thiêng liêng nhất truyện và cho thấy rõ nhất lí tưởng về nghề bác sĩ thú y của Tessho. Chưa bao giờ mình thấy sinh mạng của động vật lại được đặt cao hơn một con người đến vậy. Có người sẽ nói vì là truyện, tác giả có thể làm quá lên như vậy, mục đích cũng là để tạo không khí oai, đã hay giải trí bậc nhất nhưng thực sự, dù là bất cứ nghề nghiệp nào khác bác sĩ thú y, nếu không có sự cống hiến hết mình của cái tôi và cái tâm như Tessho ở đây, người đó cũng sẽ không bao giờ làm trọn vẹn đầy đủ và đúng nghĩa công việc ấy được.
3. Wild Life cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn, thú vị về các loại động vật, từ động vật nuôi tại gia, động vật trong chăn nuôi nông nghiệp đến động vật hoang dã. Mỗi chap truyện, mình lại có thêm kiến thức hay về động vật, các loại bệnh chúng gặp phải và cách chữa trị.
4. Wild Life đề cập đến cả khía cạnh hướng nghiệp cho học sinh
Giáo dục Nhật Bản rất quan trọng chuyện hướng nghiệp cho học sinh, tập trung hướng đào tạo đáp ứng thực tiễn, đa dạng nhiều công việc để học sinh có thể lựa chọn. Về khía cạnh này, Wild Life lồng ghép rất khéo. Đầu tiên là ngay mở đầu truyện, khả năng cảm âm của Tessho chưa được đánh giá cao. Ngay từ bạn học của cậu đến những nhà tuyển dụng chỉ nghĩ cảm âm tốt thì phải theo nghiệp âm nhạc, hoặc ít thì cũng có tố chất thành thiên tài âm nhạc chứ không hề nghĩ khả năng đó có thể ứng dụng được vào nghề nghiệp phổ cập nào khác. Nhưng việc gắn khả năng này của Tessho với nghề bác sĩ thú y lại là điểm nhấn, cũng là điểm thú vị của tính hướng nghiệp trong truyện. Tác giả muốn động viên các bạn trẻ hãy tự tin hơn vào khả năng của mình và dù một khả năng nhỏ nhoi nào đó cũng sẽ có công việc cần đến nó và phát huy nó tối đa. Ở tập 3 của truyện, khi bố của Ryoto kiên quyết buộc Ryoto phải nối nghiệp mình và trở về phòng nghiên cứu, với niềm tin đó mới là con đường đúng đắn và thích hợp nhất với anh; điều này cho thấy nhìn chung các ngành nghề chuyên về học thuật nghiên cứu vẫn được người ta coi trọng hơn các ngành thực hành ứng dụng, đơn giản chỉ bởi nó thể hiện tri thức, chất xám nhiều hơn và là đầu nguồn, mũi nhọn phát triển của xã hội. Nhưng được làm việc mình thích, và hơn cả là “nhiệt huyết”, thứ mà Ryoto đã khiến bố anh nhận ra rằng cả anh và bố anh đều thiếu yếu tố đó để trở thành một bác sĩ thú y vẹn toàn đã trở thành lời động viên, khuyến khích giáo dục thực hành và các ngành nghề thực nghiệm trong xã hội nói chung. Dù là làm gì, cống hiện thực chất cho xã hội mới là điều quan trọng và đáng tự hào.
Ngoài những tầng ý nghĩa sau khi đọc 3 tập đầu của Wild Life trên, mình cũng rất ưng văn phong dịch và hình thức của truyện. Lời văn của truyện cực vui nhộn, nhất là những thán từ của các nhân vật, rất gần gũi với độc giả mọi lứa tuổi. Các thuật ngữ y khoa được tra cứu cẩn thận, chỉn chu, dễ hiểu. Thêm nữa, các loài động vật đều được minh họa rất dễ thương (mỗi lần nhìn thấy là “moe” hết cỡ :>) Hệ thống nhân vật trong truyện cũng rất đa dạng, mỗi một bác sĩ có một câu chuyện riêng, một cá tính riêng nhưng đều giao nhau ở tình yêu động vật, tình yêu nghề mãnh liệt.
Sau 14 năm, NXB Kim Đồng tái bản bộ truyện này theo mình là một điều hoàn toàn xứng đáng. Dù là 14 năm trước hay hiện tại, thế hệ nào cũng có thể đọc và dễ dàng tiếp nhận những bài học ý nghĩa trong truyện. Chưa kể vấn đề thái độ, ý thức đối xử với động vật nhìn chung ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, mặt trái. Để lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đọc Wild Life cũng là một cách giáo dục thiết thực về vấn đề này.
Wild Life thực sự là một bộ truyện đáng đọc và lưu giữ. Mong bộ truyện được thêm nhiều bạn đọc đón nhận và ủng hộ.
Mời các bạn đón đọc Cuộc Sống Hoang Dã của tác giả Masato Fujisaki.