Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Các Hung Thần Lên Cơn Khát

Anatole France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, ông sinh ở Paris ngày 16 tháng 4 năm 1844, ngày 13 tháng 10 năm 1924 ở Tours, Indre-et-Loire, Pháp. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì "những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực"… Đến năm 1922, sách của ông đã nằm trong danh sách cấm của Giáo Hội Công Giáo La Mã, bởi trước tác của ông chống lại sự mê hoặc tôn giáo, giáo điều chủ nghĩa; dưới ngòi bút châm biếm đả kích, trào lộng, A. France mỉa mai những luận điệu thần thánh, những thiết chế Nhà nước, những thối nát của nhà thờ cùng với sự đớn hèn của loài người.

Các hung thần lên cơn khát là một thiên hùng ca bi tráng về thời kỳ Công xã Paris. Nhân vật chính của câu chuyện là Évariste Gamelin, một họa sĩ trẻ tràn trề sức sống và lý tưởng, một người con hiếu thảo sống cùng mẹ già nghèo khó, một người bạn vô hại dễ thương, một công dân nhiệt tình yêu nước, một chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Cách mạng được bổ nhiệm làm hội thẩm của Tòa án Cách mạng Pháp. Tư tưởng cực đoan và sự sùng bái cá nhân của Gamelin đối với các nhà lãnh đạo công xã Robespierre, Marat,… và cơn ghen cuồng điên trong mối tình si chớm nở đã từng bước đưa anh từ một nghệ sĩ mộng mơ thành một tên giết người hàng loạt. Vì chế độ Cộng hòa, anh hy sinh không hối tiếc bao nhiêu sinh mạng, kể cả bạn bè, và nếu cần, cả em gái mình để làm lễ dâng lên bàn thờ Tổ quốc.

Điều gì sẽ đến khi lý tưởng trở thành ngọn hải đăng tỏa sáng dẫn đường, khi lý tưởng trở thành vị thần được tôn thờ mù quáng, khi lý tưởng được sùng bái một cách bất khả tư nghị? Và chuyện gì sẽ xảy ra khi con người trở thành nô lệ của dư luận, khi suy nghĩ bị dẫn dắt bởi đám đông. Đó là khi máy chém sẽ trở thành vị chủ tế, mạng sống và máu của con người được xem như vật hiến sinh, những buổi hành hình trở thành lễ hội náo nhiệt.

Khi sự phi lý trở nên bình thường, khi quyền lực trao tay những kẻ vô tri, con người trở thành điên rồ và khát máu.

Các hung thần lên cơn khát, một kiệt tác của A.France không chỉ là một tiểu thuyết lịch sử cách mạng. Dưới ngòi bút của một thiên tài, một xã hội thị dân Paris với đầy đủ các cung bậc cuộc sống, tình yêu, dục vọng, với ghen tuông được tái hiện. Các hung thần lên cơn khát còn là một bản trường ca về sự giao hòa giữa lý tưởng và tình người, về cách mạng và nhân văn, giữa duy tâm với duy vật, cả thánh thiện và tàn ác, về chiến thắng và chiến bại, về sự sống cùng cái chết, tất cả đã được Anatole France dệt thành một câu chuyện đa sắc sinh động.

***

Anatole France (1844-1924) là một nhà văn vĩ đại của nước Pháp, thành viên Viện Hàn lâm và nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1921.

Sự nghiệp văn chương của ông thực đồ sộ và mang dấu ấn những quan điểm của ông trong từng thời kỳ. Khi còn trẻ, với các tác phẩm “Sách của bạn tôi”, “Tội ác của Sylvestre Bonnard”, “Bông huệ đỏ”, “Khu vườn của Epicure”,… Anatole France nổi tiếng là một nghệ sĩ đơn thuần, một nhà nhân văn cá nhân chủ nghĩa ít quan tâm đến cuộc đời.

Nhưng khi đã đứng tuổi, ông bắt đầu chú ý đến những vấn đề thời đại, những nỗi băn khoăn, lo lắng của con người. Ông tham gia bảo vệ Dreyfus, một sĩ quan Pháp bị kết án oan về tội làm gián điệp. Trong số các tác phẩm ông viết trong thời kỳ này ta có thể kể: “Chiếc vòng thạch anh xanh”, “Ông Bergerer ở Paris”,… Đặc biệt trong các cuốn “Thiên thần nổi loạn”“Các hung thần lên cơn khát”, ông đã tố cáo bạo lực và chuyên chế, phản đối những hành động quá khích phát sinh từ cách mạng. Luôn luôn tranh đấu cho một xã hội công bằng và nhân đạo, Anatole France đứng vào hàng ngũ các chiến sĩ cực tả. Ông quan niệm tự do là tài sản quý nhất của con người, nhưng không thể có tự do khi một giai cấp còn bị một giai cấp khác nô dịch.

Ông mơ ước một nhà nước thực sự dân chủ không vi phạm quyền của mỗi công dân và bảo đảm hạnh phúc cho từng cá nhân trong xã hội. Là người vô thần, ông phản đối cả cuồng tín tôn giáo lẫn cuồng tín chính trị; là nghệ sĩ, ông luôn luôn để lòng mình rung động xen lẫn xót xa trước những niềm vui mong manh, giúp ta trong giây phút quên đi nỗi đau đớn của thân phận con người.

Tiểu thuyết “Các hung thần lên cơn khát” (1912) là một trong những tác phẩm hàng đầu của Anatole France. Câu chuyện xảy ra trong thời kỳ thứ ba của Cuộc cách mạng 1789 Pháp, “Thời kỳ chuyên chính Jacobin” bắt đầu từ tháng sáu năm 1793 đến hết tháng bảy năm 1794. Đó là thời kỳ cuộc cách mạng nằm trong tình thế thù trong giặc ngoài cực kỳ hiểm nghèo. Để đối phó, một mặt Quốc ước tung quân chống ngoại xâm, dẹp bạo loạn trong nước, mặt khác, bên cạnh những biện pháp nhằm ổn định đời sống, đã dùng Tòa án Cách mạng làm công cụ thực hiện quốc sách khủng bố các phe phái, cá nhân chống đối. Và vì bản thân phái Jacobin cũng phân hóa, khủng bố lan tràn vào ngay nội bộ những người cách mạng trung kiên nhất. Đó là thời kỳ rối ren nhất, đẫm máu nhất trong cuộc Cách mạng 1789.

Có thể gọi “Các hung thần lên cơn khát” là một tiểu thuyết lịch sử: Một loạt sự kiện được mô tả khá đầy đủ, chính xác đến từng ngày, nhiều nhân vật lịch sử được nhắc đến trong đó một số lãnh đạo vĩ đại của Cách mạng, như Robespierre, như Marat, được phác họa bằng ngòi bút tài tình khiến người đọc có thể hình dung được cả hình dáng lẫn tâm hồn họ.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Anatole France đưa lên sân khấu cả một đám thị dân Paris bình thường, để cho họ sinh hoạt, yêu đương, chơi bời, hy vọng, đau khổ… cả bọn đục nước béo cò thời nào cũng có. Khi nói đến những con người bình thường, tính hoài nghi cố hữu của ông thường kết hợp với sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau nhân thế. Và mỗi lần như vậy, bút pháp bình dị của ông tự nhiên sống động, ấm áp hẳn lên. Đó là nỗi khổ đau triền miên của bà cụ Gamelin sống giữa người con trai đã mất tính người và người con gái tội lỗi đang lẩn trốn; bà cụ sợ từng tiếng động nhỏ, “vì địa vị thấp kém,… coi hèn nhát là một nghĩa vụ.” Chúng ta phải buồn cười với cô Élodie đa tình quyết tâm “đi nửa quãng đường, hoặc hơn nữa” để chinh phục người yêu. Để mô tả tâm hồn trong trắng của một cô gái điếm, tác giả đã để cho “mặt trăng lên cao rọi vào gian phòng sát mái một tia bạc làm bừng sáng mớ tóc bồng bềnh, từng chiếc mi vàng, cái mũi thanh tú, cái miệng tròn và đỏ của Athénaïs đang ngủ ngon giấc, hai bàn tay nắm chặt.” Ông đã dùng những lời lẽ thực trang trọng, đầy xúc động khi nói đến Fortuné Trubert, người chiến sĩ được giao trọng trách không hề cảm thấy “sự nhỏ bé của các phương tiện sẵn có” vì “đời sống của anh hòa nhập với đời sống của một dân tộc vĩ đại”.

Nhưng ông đã dành nhiều trang nhất để diễn tả hai nhân vật trung tâm, hai con người có cá tính thực đặc biệt. Một người là họa sĩ Évariste Gamelin, người con hiếu thảo, hội thẩm Tòa án Cách mạng. Anh là một công dân nhiệt tình yêu nước, một chiến sĩ tuyệt đối trung thành với cách mạng. Vì chế độ Cộng hòa, anh hy sinh không hối tiếc bao nhiêu sinh mạng, kể cả bạn bè, nếu cần, cả em gái mình để làm lễ dâng lên bàn thờ Tổ quốc. Anh nghĩ, mỉa mai thay, làm thế để mai đây “mọi người Pháp sẽ ôm hôn nhau trong hạnh phúc”.

Người kia là ông già Brotteaux nguyên là nhà quý tộc, yêu thiên nhiên, luôn luôn xúc động trước cảnh đẹp, môn đệ của Épicure. Tác giả đặt ông vào bao nhiêu tình huống, cho ông gặp bao nhiêu con người để ông có dịp nêu lên những ý nghĩ, những tình cảm của mình, của một người vô thần nhưng không cuồng tín, chống mọi hình thức chuyên chế hay bạo lực. Những ý nghĩ, những tình cảm đó được bộc lộ đôi khi mơ mộng, thường thường nhẹ nhàng, châm biếm, có lúc lố bịch, che giấu một tấm lòng cực kỳ nhân hậu, nhạy cảm, vị tha.

Thế là rõ, Anatole France đã gián tiếp nêu lên quan điểm của mình. Đó là một quan điểm và còn có những quan điểm khác: bao nhiêu sử gia và nhà nghiên cứu đã viết và còn viết để đánh giá cuộc cách mạng Pháp.

Giới thiệu với bạn đọc cuốn tiểu thuyết này, chúng tôi cũng mong góp phần nhỏ bé kỷ niệm một cuộc cách mạng vĩ đại mà những lý tưởng vẫn luôn luôn thôi thúc loài người.

Người dịch

Trần Mai Châu

***

Sáng sớm hôm đó, Évariste Gamelin, họa sĩ, học trò của David*, thành viên phân khu Cầu mới, trước đây là phân khu Henri IV, đến nhà thờ dòng Barnabites. Từ ngày 21 tháng 5 năm 1790 cách đây ba năm, nhà thờ này được dùng làm trụ sở các đại hội của phân khu. Nó vươn cao trên một quảng trường hẹp và tối, gần hàng rào Tòa án. Mặt tiền nhà thờ có hai cây cột kiến trúc cổ điển với những công-xôn đảo ngược và bình lửa cháy đã dầu dãi với thời gian và bị con người xúc phạm. Người ta đã lấy búa đập các biểu tượng tôn giáo và thay bằng những châm ngôn Cộng hòa với dòng chữ đen tô đậm trên cửa chính: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái hay là Chết”. Évariste Gamelin bước vào gian giữa: các vòm nhà thờ trước kia bao lần vang lên lời ca của các tu sĩ bận áo thụng trắng thuộc giáo đoàn Saint Paul thì nay chứng kiến các công dân yêu nước đội mũ chụp đỏ hội họp bầu các thẩm phán của thành phố và thảo luận về công việc của phân khu. Các vị thánh đã bị lôi ra khỏi bệ; thay vào đó là tượng bán thân của Brutus, Jean-Jacques và Le Peltier. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền đặt sừng sững trên bàn thờ để trống.

Jacques-Louis David (1748-1825): là họa sĩ thời cách mạng Pháp, đứng đầu trường phái Tân cổ điển.

Chính tại gian giữa này, mỗi tuần hai lần, từ năm giờ chiều đến mười một giờ đêm, tiến hành các hội nghị công khai. Giảng đài có trang trí một lá quốc kì, được dùng làm diễn đàn kêu gọi quần chúng. Đối diện với giảng đài là một chiếc bục sơ sài làm bằng gỗ thô dành làm chỗ đứng cho đàn bà, trẻ con, thường đến khá đông, dự các buổi họp. Sáng hôm ấy, đứng trước một chiếc bàn kê ngay ở chân giảng đài là công dân Dupont-anh, mình mặc áo vét ngắn, đầu đội mũ chụp đỏ, làm nghề thợ mộc ở quảng trường Thionville, hiện là một trong mười hai ủy viên của ủy ban Giám sát. Trên bàn có bày một cái chai, mấy cái ly, một hộp bút và một quyển vở trong viết sẵn một kiến nghị đòi Hội đồng Quốc ước* trục xuất hai mươi hai đại biểu bất xứng.

Hội đồng Quốc ước: là nghị viện cách mạng thay thế Quốc hội lập pháp từ ngày 21-9-1792 và cai trị nước Pháp cho đến ngày 26-10-1795.

Évariste Gamelin cầm bút ký.

“Tôi biết chắc, công dân Gamelin, cậu thế nào cũng ký, - ông ủy viên kiêm thợ thủ công nói. - Cậu là một phần tử trung kiên. Nhưng dân ở đây không nhiệt tình, lại thiếu đạo đức. Tôi đã đề nghị ban Thanh tra không cấp chứng chỉ ái quốc cho những người không ký.”

“Tôi sẵn sàng dùng máu của mình ký vào kiến nghị đặt ra ngoài vòng pháp luật bọn phản quốc theo chủ nghĩa liên bang*. Họ đã muốn Marat* chết thì chính họ phải bị tiêu diệt.”

Trong thời cách mạng Pháp, đây là những người chống lại những kẻ thù của tự do.

Jean-Paul Marat (1743-1793): đại biểu phái Montagne trong Hội đồng Quốc ước, kịch liệt lên án và đòi chém đầu Louis XVI, bị một phụ nữ là Charlotte Corday ám sát năm 1793.

“Điều nguy hiểm đối với ta chính là chủ nghĩa bàng quan. Phân khu này gồm chín trăm công dân có quyền bỏ phiếu nhưng chưa tới năm mươi người đi họp. Hôm qua lại chỉ có hai mươi tám người.”

“Vậy phải bắt họ đến, nếu không thì nộp phạt.”

“Này, này, - anh thợ mộc nhíu mày đáp, - nhưng nếu họ đến cả, công dân yêu nước chúng ta sẽ bị thiểu số… Công dân Gamelin, cậu có muốn làm một chén rượu chúc mừng những người cách mạng chân chính không?…”

Trên tường nhà thờ, phía bên Phúc âm*, có những dòng chữ sau đây, kèm theo hình một bàn tay màu đen, ngón trỏ chỉ đường ra hành lang: Ủy ban dân sự, Ủy ban thanh tra, Ủy ban cứu trợ. Đi qua vài bước là cửa một phòng trước đây còn là gian nhà áo*, trên có ghi: Ủy ban quân sự. Gamelin đẩy cửa và thấy anh thư ký Ủy ban thanh tra đang ngồi viết trước một chiếc bàn bừa bộn sách vở, giấy tờ, thỏi thép, vỏ đạn và những mẩu đất chứa diêm tiêu.

Côté de L’Évangile: Phía bên Phúc âm. Phía bên trái bàn thờ, đối với vị chủ tế.

Nhà áo: là nơi các linh mục chuẩn bị trước khi làm lễ.

“Công dân Trubert, chào cậu. Cậu khỏe không?”

“Mình ấy à?… Mình rất khỏe…”

Fortuné Robert trả lời những ai quan tâm đến sức khỏe của mình bằng một câu bất di bất dịch, muốn cho người ta biết về tình trạng của mình thì ít, mà muốn cắt đứt câu chuyện về đề tài đó thì nhiều. Anh ta mới hai mươi tám tuổi mà da đã khô, tóc thưa, gò má đỏ, lưng còng. Làm nghề bán kính ở bến Kim hoàn, anh là chủ nhân một tiệm có từ lâu đời, nhưng năm 1791 anh đã nhượng lại cho một viên thầy ký già để có thể toàn tâm làm nhiệm vụ của anh trong thành phố. Mẹ anh, một phụ nữ duyên dáng, chết lúc hai mươi tuổi mà các cụ già trong khu phố vẫn còn nhớ lại những kỷ niệm xúc động, đã để lại cho anh đôi mắt dịu dàng, đắm đuối, nước da xanh xao, tính tình rụt rè, nhút nhát. Còn tính chính xác, cần cù thì anh đã kế thừa của cha anh, kỹ sư quang học, người cung cấp vật dụng cho hoàng gia, qua đời cùng một căn bệnh khi chưa đầy ba mươi tuổi. Vẫn tiếp tục làm việc, anh hỏi:

“Còn cậu, công dân, cậu thế nào?”

“Tớ khỏe. Có gì mới không cậu?”

“Không, không có gì mới. Cậu thấy đấy: Ở đây, tất cả đều yên tĩnh.”

“Thế còn tình hình?”

“Tình hình vẫn thế.”

Tình hình thực khủng khiếp. Đạo quân tinh nhuệ nhất của nền Cộng hòa phải đưa vào cố thủ Mayence; Valenciennes bị bao vây; dân Vendée* chiếm Fontenay; Lyon làm loạn; Cévennes nổi dậy, biên giới với Tây Ban Nha bỏ trống; hai phần ba các quận bị xâm lăng hay nổi dậy; còn Paris không tiền bạc, thiếu cả bánh mì thì nằm trong tầm đại bác của bọn Áo.

Một số dân vùng Vendée và những nơi khác chống lại cách mạng vì chính sách dân sự hóa Giáo hội và bắt lính hàng loạt của chính quyền cách mạng.

Fortuné Trubert vẫn yên lặng ngồi viết, chiếu theo quyết định của Công xã* giao cho các phân khu trách nhiệm động viên mười hai nghìn người để cứu viện Vendée, anh đang thảo các chỉ thị về việc tuyển quân và cung cấp vũ khí thuộc phạm vi phân khu Cầu Mới. Tất cả súng trường sẽ được giao cho những người được trưng dụng. Đội Vệ quốc của phân khu chỉ còn súng săn và giáo mác.

Công xã: là chính quyền thành phố Paris thời kỳ Cách mạng. Từ ngày 10-8-1792, công xã áp dụng chính sách khủng bố.

Gamelin nói:

“Mình mang lại cho cậu báo cáo về tình trạng các quả chuông phải gửi đi Luxembourg để đúc đại bác.”

Mặc dầu không có một xu trong túi, Évariste Gamelin vẫn được ghi vào danh sách những thành viên tích cực của phân khu: luật chỉ ban đặc quyền đó cho các công dân tương đối giàu, đã đóng góp số tiền bằng ba ngày lao động; và muốn là ứng cử viên thì phải đóng góp mười ngày. Nhưng muốn phát huy quyền bình đẳng và giữ vững tính tự trị, phân khu Cầu Mới cho phép các công dân nào chịu bỏ tiền túi sắm đồng phục Vệ quốc được quyền bầu cử và ứng cử. Đó là trường hợp Gamelin, công dân tích cực, thành viên ủy ban quân sự.

Trubert đặt bút xuống nói:

“Công dân Évariste, cậu hãy qua bên Quốc ước đề nghị họ gửi cho chúng ta chỉ thị đào xới các hang động, lọc đất đá để sản xuất diêm tiêu. Có đại bác đâu đã đủ, còn cần thuốc súng nữa.”

Một chàng gù bé nhỏ, bút giắt tai, tay cầm giấy tờ, bước vào. Đó là công dân Beauvisage, trong ban Thanh tra. Anh ta nói:

“Này các công dân, chúng ta vừa nhận được tin xấu. Custine đã rút khỏi Landau.”

“Custine là tên phản bội!” Gamelin thét lên.

“Phải chém cổ hắn,” Beauvisage nói.

Bằng một giọng hơi hổn hển, Trubert bình tĩnh phát biểu:

“Quốc ước đâu có thành lập ủy ban cứu quốc để chơi. Hành động của Custine sẽ được đem ra xét xử. Bất lực hay phản bội, cũng phải thay y bằng một vị tướng có quyết tâm chiến thắng. Rồi sẽ ổn cả thôi!”

Anh lật các giấy tờ và đọc lướt bằng cặp mắt mệt mỏi:

“Muốn cho binh sĩ của ta hoàn thành nhiệm vụ, không rối loạn, không chùn bước, cần làm cho anh em hiểu rằng đời sống những người thân của họ được bảo đảm. Nếu cậu đồng ý, công dân Gamelin, trong phiên họp tới, cậu sẽ cùng mình đề nghị ủy ban cứu trợ phối hợp với bên quân sự giúp đỡ những gia đình khó khăn có con em tại ngũ.”

Anh mỉm cười và ngân nga:

“Sẽ ổn cả! Ổn cả!…”

Như vậy là làm việc từ mười hai đến mười bốn giờ mỗi ngày trước một chiếc bàn mộc, để bảo vệ Tổ quốc lâm nguy, viên thư ký tầm thường của một ban trong phân khu không hề cảm thấy sự chênh lệch giữa mức độ to lớn của nhiệm vụ và sự nhỏ bé của phương tiện: anh cảm thấy sức mình hòa với nỗ lực chung của các công dân yêu nước, anh và đất nước là một, đời sống của anh hòa nhập vào đời sống của một dân tộc vĩ đại. Anh thuộc hạng người nhiệt tình và kiên nhẫn, sau mỗi thất bại lại chuẩn bị cho chiến thắng dường như không thể có được nhưng lại chắc chắn vô cùng. Họ phải thắng! Những con người chẳng là gì cả đó, những người đã đạp đổ vương quyền, cái anh Trubert, kỹ sư quang học tầm thường, cái anh Gamelin, họa sĩ vô danh, không thể chờ đợi sự khoan dung của kẻ thù. Họ chỉ có thể lựa chọn giữa chiến thắng và chết. Do đó họ đầy nhiệt tình và cũng vô cùng thanh thản.

Mời các bạn đón đọc Các Hung Thần Lên Cơn Khát của tác giả Anatole France & Trần Mai Châu (dịch).