Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mặt Nạ Trắng

Vào một đêm mùa đông, có một đôi vợ chồng người thợ rèn bị ba gã đàn ông đột nhập và giết chết hết sức dã man, ngôi nhà của họ cũng đã bị thiêu cháy thành tro.

Nhưng ngay hôm sau, những gã tham gia vụ án mạng đó đều lần lượt bỏ mạng bởi những nhát búa đập nát đầu. Dân làng cho rằng, đã có một người đeo chiếc mặt nạ trắng xuất hiện và gây ra những cái chết trên.Ma mị hơn, người ta tin rằng đó chính là hồn ma của người thợ rèn đã quay lại trả thù. Chính vì vậy, họ lập một ngôi miếu nhỏ để thờ cúng, với mong muốn có được một cuộc sống bình yên.
Vài chục năm sau, mọi chuyện tưởng đã trôi vào quên lãng, ngôi miếu cũng đã bị bỏ hoang và không mấy ai còn nhớ đến nữa. Bỗng nhiên, một vụ án mạng xảy ra, nạn nhân được tìm thấy ngay tại khu vực ngôi miếu với cái đầu bị đập vỡ nát. Kẻ đeo mặt nạ trắng xuất hiện trở lại, tiếp tục giết người bằng búa đã gây xôn xao, tạo nên nỗi sợ hãi khiếp đảm cho người dân khắp vùng. Điều đặc biệt, những người bị giết đều liên quan đến ba gã đàn ông năm xưa đã sát hại vợ chồng người thợ rèn. Quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân gia đình mình phải trốn chạy khỏi sự truy sát của Mặt Nạ Trắng. Nhân dịp chuyến về nước làm từ thiện, Họa Mi đã lần theo dấu vết thu thập được nhằm tìm ra sự thật đã bị che đậy mấy chục năm trước giữa gia đình cô và kẻ đeo mặt nạ trắng đó.

Nhưng cô không ngờ rằng, mình đang phải chịu một lời nguyền của quỷ: “Hãy nhớ, ta sẽ khiến cho các người, dòng họ các người phải chịu những cái chết đau đớn nhất…”;- Trích đoạn trong Mặt Nạ Trắng - Dưới ngòi bút của tác giả trẻ Kim Tam Long, cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị đang gây sốt trên cộng động mạng.

***

Người dân làng Kẻ Nha thường nói với nhau rằng, mùa đông là mùa của những cái chết đến từ từ nhưng thảm khốc và dày vò người ta đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.
Những bóng người gầy guộc, xiêu vẹo với nét mặt tái xanh ngoài đường làng tối tăm giống như những bóng ma ẩn hiện. Thỉnh thoảng cũng có nhiều người gục xuống kiệt sức vì đói, lạnh và bởi vì một điều còn khủng khiếp hơn thế, bị đánh cho đến chết.
Dưới chân núi Vôi, một xóm rèn nhỏ lưa thưa vài căn nhà rách nát nhưng cũng bị bỏ hoang từ lâu, khung cảnh nhìn rất tiêu điều, hoang vắng. Những người dân này đã bỏ đi nơi khác, có thể họ hy vọng sẽ tìm được cái ăn, hoặc ít nhất là một cuộc sống bình yên hơn, chỉ còn một lò rèn vẫn ngày đêm đỏ lửa, lập lòe ánh sáng, lạc lõng giữa bầu trời u ám…
Tiếng búa dội xuống đe không ngớt từ bàn tay lực lưỡng của Ơn. Hàng trăm phát búa đều đặn đập xuống thanh sắt nung đỏ rực, làm mồ hôi anh đã chảy ướt sũng thân áo cũ kỹ màu nâu bạc màu.
Ơn là người thợ rèn cuối cùng còn lại của làng Kẻ Nha, đời thứ mười trong gia đình nối tiếp truyền thống làm nghề rèn. Anh có đôi bàn tay khéo léo, ánh mắt sáng quắc tinh tường cùng với bí quyết riêng để làm ra được những vật dụng thường dùng như dao, cuốc, liềm sắc bén và độ bền mà hiếm người thợ nào có thể làm được. Tuy nhiên đối với Ơn, thứ quan trọng nhất khiến anh tự hào là chiếc búa chứ không phải những vật dụng mình làm ra. Dù búa đã cũ, cán gỗ mòn vẹt, in hằn năm đầu ngón tay nhưng nó giúp anh uốn nắn được những đường nét chi tiết của sản phẩm một cách tinh xảo nhất.
“Mình nghỉ tay ăn cơm đi, muộn quá rồi. Hôm nay có món cá nướng mình thích đấy.” Nhã âu yếm nhìn gương mặt đã lấm lem của chồng, hai bàn tay cô xoa nhè nhẹ vào nhau cho đỡ lạnh.
Ơn chưa vội dừng búa, khẽ quay đầu lại cười, anh nói. “Bình rượu nếp hạ thổ chắc vẫn còn mình nhỉ? Tối nay tôi muốn uống một ít.” Tiếng búa của Ơn vẫn liên hoàn dội xuống, tạo thành những âm thanh chan chát. Xung quanh có vài chục con dao to, nhỏ đã rèn xong được xếp ngay ngắn thành hàng.
“Em chỉ lo cho sức khỏe của mình thôi. Dừng tay ăn đã.” Vợ Ơn thúc giục với giọng phụng phịu.
“Sớm mai, tôi và thằng Đãng vào nội thành giao hàng cho người ta nên phải cố nốt, tiện thể chờ nó sang rồi ăn luôn, hai anh em làm chén rượu cho ấm bụng!” Ơn lại đưa thanh sắt lên, nheo một mắt ngắm nghía hồi lâu, đầu khẽ gật gù, nét mặt tỏ vẻ hài lòng.
Bỗng Ơn dừng tay, quay hẳn người lại khi nhìn thấy Nhã đang co ro, miệng xuýt xoa vì rét, anh lo lắng. “Mình vào nhà ngay, cảm lạnh thì chết, tôi cũng xong rồi đây.”
Ngoài trời đã tối đen như mực, gió lạnh thổi ào ào qua những hàng cây xơ xác ngoài vườn, xen lẫn vài tiếng quạ kêu từ xa vọng lại càng làm không gian trở nên vắng vẻ, heo hút…
*
Ơn kính cẩn thắp nén hương trên ban thờ đơn sơ của cha anh, chắp tay vái lạy trang nghiêm, miệng lẩm bẩm khấn điều gì đó. Có lẽ đã thành thói quen, dù bận đi đâu làm gì anh cũng không quên thắp hương cầu nguyện, đặc biệt là vào ban đêm…
“Mình có thể cất thứ đó đi được không? nhìn sợ lắm.” Giọng Nhã bỗng nhỏ hơn khi nhìn thấy chồng đang cầm chiếc mặt nạ trên tay, nét mặt bần thần suy nghĩ. Không ít lần cô cảm thấy rùng mình khi vô tình nhìn thấy chiếc mặt nạ kì quái này, có vẻ như nó được làm bằng loại da mềm để trùm kín đầu. Tuy không gớm ghiếc như gương mặt ma quỷ, cũng chỉ là hình khuôn mặt người nhưng lại toát ra vẻ vô cảm, lạnh lùng đến ghê rợn.
Ơn không trả lời mà vội gấp chiếc mặt nạ vào trong hộp sắt nhỏ, anh nhẹ nhàng để lại ngay ngắn trên ban thờ.
“Sao giờ này thằng Đãng chưa sang nhỉ?” Ơn thoáng lo âu.
Nhã xới bát cơm độn đầy sắn cho chồng rồi trấn an. “Cậu Đãng chắc đi đào khoai cùng đám trẻ con trong làng, lát sang ăn sau vậy, mình đừng lo!”
Tần ngần đỡ bát cơm từ tay vợ, anh nói khẽ. “Thằng Đãng cũng như đứa em trong nhà nên tôi muốn dạy lại nghề rèn này. Tiếc là nó sức khỏe kém, ăn chưa đủ no thì sức đâu mà làm việc nặng như tôi.” Ơn thở dài buồn bã. “Sao càng ngày người dân càng khổ thế, cứ đà này rồi chết đói hết mất.”
“Thôi, mình nghĩ làm gì nhiều. Không chỉ riêng làng mình đâu, mọi nơi đều khổ như vậy. Người bị bắt đi làm lính tập, người đi kéo xe cho Tây, những người còn lại bỏ vào nội thành kiếm sống. Ừm, sáng mai hai anh em đi sớm phải cẩn thận đấy, trời lạnh lắm.” Nhã an ủi. Thấy chồng đang trầm ngâm, nét mặt ưu tư, cô gợi chuyện. “À, lò rèn nhà mình ngày xưa chắc lớn nhất vùng đấy, mình nhỉ? Nhưng chắc phải có gì đặc biệt mới khiến lò rèn nhà mình được nhiều người biết đến thế chứ?”
“Đó là bí quyết được truyền lại từ nhiều đời trong gia đình tôi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là rèn bằng cái tâm.”
“Bằng cái tâm.” Nhã bật cười. “Tâm hồn ạ?”
“Đúng rồi! Như là rèn con dao, phải đặt hết mọi giác quan của mình vào đó thì con dao rèn ra mới sắc bén và bền được. Ngoài biết cách chọn nguyên liệu để đốt lò, còn phải có đôi mắt tinh, nhìn được màu sắc của sắt. Tai, mũi phân biệt được tiếng động, mùi vị để điều chỉnh nhiệt độ trong lò nung cho phù hợp, thậm chí cảm nhận được cả độ rắn của dao mà không bị giòn, độ dẻo mà không bị mềm, đó mới là một người thợ rèn giỏi. Nên tôi mới nói là rèn bằng cả cái tâm là thế, rất khó diễn đạt hết được bằng lời.”
“Đúng rồi. Thế nên hồi trước học nghề không cẩn thận, mình mới có vết sẹo to thế kia, nhỉ?” Nhã trêu đùa chồng.
Ơn cũng bật cười, anh ngửa tay trái của mình ra, khoe vết sẹo lớn, sần sùi.
“Hồi đó do tôi bất cẩn, bị thanh sắt nóng đâm xuyên qua lòng bàn tay nên mới có vết sẹo này.” Anh giải thích. “Nhưng chẳng vấn đề gì, vết sẹo giờ thành hình giống ngôi sao, trông cũng đẹp đấy chứ.”
Nhã lắc đầu, cô dặn dò. “Kể cả thành nghề rồi thì mình cũng đừng chủ quan. Nghề rèn vừa nặng nhọc, vừa nguy hiểm. Em lo lắm.”
“Bây giờ lấy được mình, tôi càng cố gắng làm nhiều hơn, tôi hứa sẽ không để mình phải chịu khổ, chịu thiệt thòi.” Ơn âu yếm nhìn vợ.
Khuôn mặt Nhã ửng đỏ, ánh mắt long lanh, đong đầy hạnh phúc. Bóng của hai vợ chồng đung đưa trên vách tường qua ánh đèn dầu vàng nhạt.
Ơn nhìn vợ âu yếm, anh lấy tay vuốt nhẹ má cô, nói tiếp. “Mình phải nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, sau này nếu trời thương cho chúng ta đứa con trai, nó sẽ nối nghiệp tôi.”
“Mình vẫn chưa trả lời chuyện cái mặt nạ gớm ghiếc kia kìa.” Nhã vừa nói vừa gắp miếng cá cho chồng, sau khi đã cẩn thận gỡ hết xương.
“Ừm, cũng bắt nguồn từ người Pháp đấy. Có lần họ mời thầy tôi tới tham dự một lễ hội của họ, lễ hội gì nhỉ?” Ơn vỗ tay nhè nhẹ vào trán, mắt sáng lên. “Lễ hội Hóa Lộ Quỷ! nghe thầy tôi kể, trong ngày đó người Pháp họ tổ chức vui chơi tiệc tùng, đốt lửa, ăn mặc kì dị và ai cũng đeo mặt nạ như vậy…”
“Nhưng để làm gì ạ?” Nhã cảm thấy khó hiểu.
“Đấy là lễ hội dành cho những linh hồn ma quỷ. Họ nói rằng những người đã qua đời sẽ quay trở về từ địa ngục vào đêm đó và vui chơi, trò truyện cùng với người sống. Vì vậy ai cũng đeo mặt nạ kì quái như vậy để trông giống với hồn ma, những người đã chết.”
Ơn giải thích, giọng anh trầm ấm dưới ánh đèn dầu le lói, tiếng gió vẫn rít lên qua cánh cửa gỗ thông đã cũ.
“Sao nghe ghê vậy mình?” Nhã cảm thấy có chút gai người. “Đeo chiếc mặt nạ này có thể nhìn thấy hồn ma của những người đã chết ư?”
“Đúng vậy. Người tham gia, họ chọn những chiếc mặt nạ khác, không hiểu sao thầy tôi lại lấy chiếc này. Ai ngờ, đó là chiếc mặt nạ linh thiêng nhất, vì được làm từ da…” Ơn chợt ngưng lại khi nhìn vào ánh mắt sợ hãi đã phảng phất trên khuôn mặt vợ. “À, của một tên tử tù.”
“Nghĩa là nó được làm bằng da người?” Nhã khẽ rùng mình ớn lạnh vì câu chuyện Ơn kể.
“Quan ba tặng lại thầy tôi làm kỷ niệm vì thấy ông có duyên với nó. Lúc còn sống, ông bảo đây là vật hiếm lắm nên giờ tôi phải giữ cẩn thận kẻo ông buồn.” Ơn tiếp tục kể.
Nhã bỗng nhìn chồng hoài nghi. “Mình nói dối! Câu chuyện đâu thể đơn giản như vậy được. Còn sự thật khác nữa phải không?”
Ơn ngạc nhiên, khẽ mỉm cười rồi ngập ngừng đáp. “À, không có gì nữa.”
“Còn chuyện thầy từng dùng chiếc mặt nạ này để trả thù bọn lính và thầy cũng đã bị bắn chết vì nó.” Giọng cô quả quyết.
“Đeo chiếc mặt nạ này sẽ biến thành người khác, không còn cảm giác sợ hãi điều gì nữa, vì nó là hiện thân của thần chết.” Ơn quay mặt lảng tránh. Anh cố tình không nói gì thêm về cái chết của mẹ anh do bọn lính gây ra. Đó là điều bí mật chỉ riêng cha con anh mới hiểu, nhiệm vụ của anh là phải tiếp tục trả thù…
*
“Mình để phần cơm cho thằng Đãng chưa?” Ơn quay lại nhìn vợ đang thu gọn mấy cái bát.
Nhã đậy cái rổ lên, trả lời. “Rồi ạ, chắc chỉ chốc nữa là cậu ấy sang thôi.” Cô nhìn chồng, miệng cười tủm tỉm. “Mình đứng ra đây em xem nào!”
Thấy chồng vẫn ngơ ngác chưa hiểu, Nhã cầm một chiếc áo dài tay còn thơm mùi vải mới lên ướm thử vào người Ơn, cô lẩm bẩm. “Vừa vặn quá.”
Ơn vui mừng giống như đứa trẻ được nhận quà, anh cầm chiếc áo ngắm nghía, xoay ngang xoay dọc làm Nhã cũng bật cười. “Để em khâu lại vai áo một chút nữa là xong, ngày mai mình mặc được rồi.”
Bỗng Ơn tắt nụ cười, anh cầm tay vợ. “Sao mình không để dành tiền sau này còn lo cho con cái? Mua vải làm gì cho tốn kém, tôi quanh năm làm việc nặng nhọc, bụi bặm, đâu cần áo đẹp. Phí lắm!”
“Em có mua đâu, còn thừa mảnh vải mới thầy u cho từ ngày trước. Mấy cái áo này rách hết rồi còn đâu, mai đi sớm lạnh lắm.” Nhã vừa nói vừa cầm ngọn đèn dầu lại gần, lấy cuộn chỉ nhỏ, tay cô thoăn thoắt xâu kim. “Mình cứ cậy có sức khỏe nên chủ quan lắm, ốm ra đây thì…”
“Tôi khỏe như voi ấy! Ốm làm sao được mà mình lo. Số tôi sống dai lắm, trời chẳng bắt tôi chết được đâu.” Ơn cười khà khà, anh lại ngửa bàn tay trái của mình ra cho vợ xem, hào hứng nói. “Mình xem này, người ta ai cũng có đường chỉ tay sinh mệnh, nhưng tôi bị vết sẹo lớn này che hết rồi nên sẽ sống lâu lắm đấy.”
“Thôi, mình đừng chủ quan.” Nhã vừa nói vừa khẽ lườm.
Hai vợ chồng trẻ đang nhỏ to tâm sự thì bỗng có tiếng đập cửa mạnh kèm theo tiếng gọi lớn từ bên ngoài.
“Thằng Ơn có nhà không? Mở cửa ra!”
Ơn vội vàng giơ tay ra hiệu cho vợ yên lặng, anh nói nhỏ: “Trốn vào buồng trong ngay, chắc bọn lính tập đi tuần!”
Nhã cũng hoảng hốt, cô vội bỏ chiếc áo lại trên bàn, nhanh chân đi vào trong.
Cánh cửa từ từ được mở ra, toán lính khố xanh gồm ba tên, tay cầm súng dài, tay cầm đuốc xông vào miệng chửi bới, người đứa nào cũng nồng nặc mùi rượu…
“Có người chỉ điểm với tao, nhà mày rèn vũ khí để tiếp tay cho Việt Minh đúng không? Định làm phản à? lục soát hết cho tao!” Giọng thằng Tư lè nhè, hắn chỉ tay vào mặt Ơn dọa nạt.
Hai thằng lính còn lại là Hòe và Mã thi nhau khua khoắng ngọn đuốc đang cháy rực lửa khắp nhà để tìm kiếm.
“Các ông nhầm rồi! Mời các ông ra ngoài lò rèn để kiểm tra thực hư. Nếu phát hiện vũ khí, tôi xin chịu tội.” Ơn xua tay giải thích.
Có vẻ như chẳng thèm nghe Ơn nói, bọn lính lục lọi và lật tung đồ đạc trong nhà. Mục đích đến đây kiếm tiền hoặc những đồ vật có giá trị khác, đấy cũng là cách thường làm để cướp bóc của dân làng. Chúng thi hành chế độ quân quản và thiết quân luật, giờ giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian này, chúng có quyền vào bất cứ nhà nào để bắt bớ, đánh đập người dân. Chúng lấy hết số tiền ít ỏi của vợ chồng Ơn dành dụm rồi nhét vào túi. Ơn cay đắng đứng nhìn, anh không dám manh động vì nghĩ đến người vợ mới cưới của mình đang trốn ở buồng trong.

Mời các bạn đón đọc Mặt Nạ Trắng của tác giả Kim Tam Long.