Gió hắt hiu, mưa lác đác, mây âm u, bầu trời ảm đạm vô cùng.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, đối với người nặng trĩu tâm sự thì sầu của cảnh càng lộ liễu, càng thấm thía đến thắt ruột, thắt gan.
Những ngọn tùng, ngọn bá mọc thành rừng trên đỉnh Sở Giác Lãnh trơ mình dửng dưng trước vẻ buồn của trời đất, mặc cho gió lòn, mưa phủ, mặc cho mây vần mỗi phút mỗi thêm dày, thêm đen…
Trên đỉnh Sở Giác Lãnh, một tòa kiến trúc toàn bằng đá trơ mình thi đua với những ngọn bá tùng, trời ảm đạm nhuộm xám lớp đá xanh cấu thành tòa kiến trúc đó.
Tòa kiến trúc mang tên Đạn Kiếm lâu, Tổng đường của Thanh Long xã.
Trong võ lâm từ nghìn xưa, những tổ chức của những người đồng tâm, đồng chí trong võ lâm, đều mang cái danh xưng bang này, giáo nọ, phái kia, riêng nhóm của Yến Thiết Y thì lại khoác cái hiệu “Xã”.
Trên giang hồ, vào thời kỳ đó, ai nghe nói đến Thanh Long xã mà chẳng rợn người!
Nếu thiên hạ hiểu rành hơn về Thanh Long xã, thì người ta phải ngán luôn danh hiệu Đạn Kiếm lâu.
Hiện tại, trong tòa Đạn Kiếm lâu, tại gian phòng dùng làm hội sở, có cái tên là Long Hồn sảnh, một số xã viên cao cấp đang họp đại hội.
Hai bên một chiếc bàn dài, có hai hàng ghế kiểu Thái sư ỷ, nơi đầu trong có một cái bục cao, trên bục đặt một chiếc ghế bành, rất lớn, mặt ghế phủ một tấm da hổ màu vằn đen.
Trên ghế bành, vị chủ tể Thanh Long xã đang ngồi.
Vị chủ tể Thanh Long xã, là Yến Thiết Y, các xã viên có lối gọi chỉ huy tối cao của họ bằng hai tiếng Khôi Thủ, “khôi” là đầu, là trên hết, mà “thủ” cũng là đầu, là trước hết.
Bên cạnh chiếc ghế bành của Yến Thiết Y, có một chiếc bàn không lớn lắm, thấp hơn ghế ngồi, mặt bàn phủ gấm.
Trên mặt gấm, đặt thanh Thái A kiếm chuôi vàng, hình ngắn, và một thanh kiếm khác, dài hơn, tên Chiếu Nhật kiếm.
Sau lưng Yến Thiết Y, một tấm hoành bằng gỗ, nền đen chữ trắng, treo cao.
Hoành cực lớn, chữ rõ ràng: Trung Nghĩa Thiên Thủ.
Bốn chữ nói lên chánh khí chói lòa, mắt nhìn lên là tâm khích động, một niềm khích động nung sôi bầu nhiệt huyết, củng cố can trường.
Cạnh Yến Thiết Y, hai bên tả hữu, có hai tên cận vệ.
Cận vệ bên hữu tên Hùng Đạo Ngươn, ngoại hiệu Khoái Thương, thế cách khôi ngôi, thân vóc cao lớn, trán rộng, mặt xanh.
Cận vệ bên tả tên Thôi Hậu Đức, thân hình phì phạc, mũi to, miệng rộng, ngoại hiệu Sát Đao.
Dĩ nhiên cả hai là những nhân vật xuất danh hằng gìn tâm trung trực, không hung nhưng bạo, họ không độc ác nhưng bất chấp cảm tình, họ là những nét mực không chiều cây cong.
Bằng hữu giang hồ từng gọi họ là Thanh Hùng, Sư Thao. Gấu xanh, là loài hi hữu, móng sư tử bén hơn kiếm đao. Họ phải có cái gì hơn người, nên người mới gán cho danh từ ghê gớm đó.
Riêng về con người của Yến Thiết Y thì quả thật là một đầu đề gây nghi hoặc cho mọi người.
Chàng không có vẻ anh tuấn như hạng bạch diện thư sinh, mà cũng chẳng có mãnh như bậc cự phách giang hồ thường có.
Không, chẳng có vẻ hung ác, tàn độc, không âm trầm, nham hiểm, không bốc đồng, bạo tàn, thoạt trông, ai cũng cho là chàng ở vào lứa tuổi 22, 23, nhưng thực ra chàng đã được ba mươi hơn. Mặt thuần thành, chất phác, hơi có vẻ non, có phần ốm và dài, làn da trắng màu sữa.
Đôi mắt cực to và đen, sáng một cách lạ thường, đôi mày hiền hậu, có chiếc mũi nhỏ, thẳng, trông xinh xinh, vành môi hơi mỏng, thường ửng đỏ, tất cả những vẻ đó cấu thành bộ mặt chưa được sành đời cho lắm, nhưng cái vốn kinh nghiệm của chàng thì quá dồi dào, một bậc lão thành cỡ lục tuần trở lên cũng chẳng hơn.
Chàng có nụ cười thật nhu hòa, đôi mắt tuy sáng nhưng rất am tường, nhìn đôi mắt đó không ai tưởng là chàng có thể giết người.
Nhưng, Yến Thiết Y là một cái gì mà ai nghe nói đến cũng phải kinh tâm khiếp đảm, những kẻ chưa thấy mặt chàng cứ tưởng chàng là một hung thần, khi gặp chàng rồi thì lại hoài nghi lời truyền thuyết chứa đựng nhiều xuyên tạc.
Mớ tuổi đời không cao lắm, thì mớ tuổi giang hồ đương nhiên cũng chẳng được bao nhiêu, song có thể bảo mỗi một ngày của chàng là một tháng, một năm của người khác, bởi từ lúc xuất đạo đến nay, không ngày nào là chàng được ung dung nhàn hạ, không ngày nào chàng chẳng đương đầu gió lớn, bão to, hết vào nguy lại ra tử, tìm cái sống trong cái chết, luôn luôn phấn đấu từng phút từng giây.
Nhờ thế mà uy tín Thanh Long xã càng ngày càng lan rộng khắp bốn phương trời, thinh danh của Đạn Kiếm lâu càng ngày càng vang dội khắp năm hồ, bốn biển.
Trong hai đạo hắc, bạch, chẳng ai không ngán chàng.
Hiện tại, chàng có vẻ chán nản cực độ.
Thực ra thì chàng rất ghét những cuộc đại hội như thế này, vì bắt buộc phải có mặt chàng miễn cưỡng chủ tọa.
Cứ mỗi năm có hai lần đại hội như vậy, cách sáu tháng một lần.
Các xã viên trú đóng tại các địa phương xa, đáo lệ trở về Thanh Long xã, báo cáo tình hình sinh hoạt, thỉnh thị huấn lệnh cần thiết cho những hoạt động tương lai.
Các vị phụ trách địa phương mang cái danh xưng là Đại Thủ Não, có địa vị cực cao trong xã, họ chỉ chịu dưới quyền của mỗi một Khôi Thủ và ba vị lãnh chúa là những người đại diện trực tiếp và thường xuyên của Khôi Thủ mà thôi.
Trong Xã, còn có một vị chấp pháp, chấp chưởng Hình đường, chuyên thưởng phạt.
Vị chấp pháp ngang quyền với ba lãnh chúa, trên bậc đại thủ não.
Đại hội vốn thuộc thông quy, nên không thể phế bỏ được. Chỉ có những kỳ đại hội như thế này, Yến Thiết Y mới có dịp tiếp xúc với các thủ hạ cốt cán, gây thêm tình cảm đồng đội.
Một lợi ích khác do đại hội mang lại, là chàng nắm vững tình hình các địa phương, qua báo cáo của thuộc hạ.
Do đó, chàng sẽ kiểm điểm ưu, khuyết điểm, sẽ hoạch định kế sách củng cố cơ đồ, khuếch trương thinh thế.
Thanh Long xã có một hệ thống kinh tài quảng đại, gồm đủ mọi ngành sinh hoạt trong xã hội: có ngân hàng, có hiệu buôn, có phố phường cho thuê, có trại chăn nuôi, có khách sạn, có hiệu cầm đồ, có sòng bạc, có buôn lậu, có đủ thứ, trừ một thứ mà chẳng bao giờ chàng chịu cho khai thác dù lợi tức khá quan trọng, là kỹ viện.
Hệ thống kinh tài cỡ đó đòi hỏi một số lớn nhân viên phụ trách, nên xã viên càng ngày càng đông.
Mời các bạn đón đọc Thanh Long Giáo Chủ của tác giả Nhất Giang.