Phong Thần Ký - Trong 600 năm nước Đại Thương đã hầu hạ "Thần" đến thời đại của Trụ Vương - một người nhất quyết đối đầu với thần. Chu Võ Vương với sự hổ trợ của "Thần" tiến đánh vào triều ca. Và cuộc chiến "Phong Thần" bắt đầu nỗi dậy!
tất cả sẽ có trong Phong Thần Ký! cùng đọc thử nào!
PHONG THẦN KÍ: ĐỈNH CAO CỦA BỘ ĐÔI TRỊNH- ĐẶNG
Trịnh Kiến Hòa và Đặng Chí Huy là tên của bộ đôi quái kiệt trong làng manhua những năm gần đây. Từ bước đấu là hợp tác với “cây đại thụ” Ôn Nhật Lương làm nên series Võ Thần, họ đã đi đến đỉnh cao với tác phẩm Phong Thần Kí.
Bạn muốn một bộ truyện tranh có yếu tố tiên hiệp bối cảnh Trung Hoa cổ?
Bạn là fan của dòng game RPG nơi có nhiều chủng tộc (race) và nhiều hệ phái khác nhau?
Bạn thích một bộ truyện có tính đột phá, đầy yếu tố hào hùng và nét vẽ đặc sắc?
Tất cả đều có ở Phong Thần Kí!
Cũng giống như tác phẩm Tây Hành Kí sau này, Phong Thần Kí mượn bối cảnh “Phong Thần diễn nghĩa” để làm nền cho câu chuyện của riêng mình.
Trong thế giới của Phong Thần Kí, Trụ Vương sở dĩ bị trừng phạt là vì đã dám chống lại chế độ nô lệ mà Thiên- Hắc Long áp đặt lên loài người. Vì không cam tâm tiếp tục làm tay sai cho Thiên, Trụ Vương khoác lên mình áo giáp có Bất Tử Điểu, khiêu chiến với Thiên và chết trên sa trường.
Trong đêm nhà Thương thất thủ, con trai của Trụ Vương là Võ Canh được Đắc Kỉ dùng thần lực mà chuyển sinh vào một thân xác nô lệ tên A Cẩu. Và từ đó, câu chuyện của anh ta bắt đầu!
Nếu ở đầu câu chuyện, Võ Canh được giới thiệu như là một gã hoàng tử hung bạo, ích kỉ, thì sau khi trở thành “A Cẩu”, cậu ta phải dựa vào các bạn “của mình” là Bạch Thái, Khương Tử Nha mà sống sót, khiến cậu dần có lòng cảm thông và đức hi sinh.
Dần dần, A Cẩu dần mạnh hơn lên khi cậu đánh thức được sức mạnh Vô Sắc Giới Thần Lực (của Thần), học được Luyện Khí (pháp môn của loài người và Huyễn Đảo tộc), Mệnh khí nhập hồn (pháp môn của Minh Tộc).
Càng xem, người đọc càng bị cuốn vào một thế giới mở nơi có đủ thứ công pháp, pháp bảo đầy thú vị. Và trái với các bộ truyện chữ tu tiên hay bị lậm vào câu kéo tình tiết, Phong Thần Kí có một mạch truyện khá cân bằng : khi A Cẩu phải tu luyện, xây dựng lực lượng thì các tình tiết có sự kết hợp giữa yếu tố hài hước và giải thích về thế giới để người đọc nhập tâm hơn. Nhưng khi đã bắt đầu cuộc chiến, thì chẳng có một giây lãng phí khi các cuộc chiến đầy khốc liệt mà vẫn được giải quyết trọn vẹn ( nếu so với Naruto tràn đầy “flashback no jutsu” thì đúng là 1 trời 1 vực).
Tuyệt vời hơn nữa, trong thế giới mở rộng của Phong Thần Kí, những nhân vật cũng được khắc họa với đầy đủ cá tính và suy nghĩ rất riêng. Họ không phải những con rối với võ công khác nhau, được thêm vào cho đủ bộ. Mà trái lại, họ đóng góp trọn vẹn vai trò của mình để đẩy cốt truyện đến cao trào. Rất hiếm bộ truyện nào mà ở mỗi cảnh đánh nhau, từng nhân vật xuất hiện lại mang đến những cảm giác hào hứng vô cùng khác biệt.
Nếu là A Cẩu, khi y xuất hiện người ta biết rằng sẽ có một tràn đấu võ lẫn đấu trí. Bởi A Cẩu về cơ bản là một tên khốn vô cùng gian xảo. Khi biết đánh không lại, y sẽ dùng “khẩu thuật” (gamer hay gọi là trashtalk =)) ). Điều này khiến các đối thủ có tâm không vững dễ bị lung lạc. Còn nếu đánh không lại? Y nhất định sẽ có cách giải quyết hợp lý. Cá nhân tôi nhận thấy nhân vật A Cẩu là nhân vật chính ít dùng đến plot shield ( tình tiết nhằm bảo vệ nhân vật chính chết trước khi truyện kết thúc)
Nếu là Tử Vũ, chú của A Cẩu, thì người đọc sẽ không ngừng xuýt xoa khi thấyThiên hạ đệ nhất nhân đột phá võ học, đánh bại kẻ thù mạnh hơn. Thực vậy, Tử Vũ là nhân loại duy nhất từng chặt đứt đầu rồng của Thiên, đánh tỉnh Chân Thiền Pháp Vương, đánh ngang tay với Cổ Long. Y chính là hình ảnh đại diện của những võ si, luyện võ đến cùng cực. Chính vì thế, mà mỗi khi y xuất hiện, người đọc lại tò mò, không biết võ còng y đã đến đâu.
Nếu là những đại tướng Minh Tộc, người ta sẽ thấy máu nóng sục sôi theo từng đòn đánh. Bởi Minh tộc là chủng tộc tôn thờ võ lực. Võ công của họ là thiêu đốt linh hồn, tạo nên sức mạnh bộc phá. Những cái tên như Nghịch Thiên Nhi Hành, Hàn Phong Lẫm Lẫm, và đặc biệt là Tử Vong Thần Nhãn… mỗi một chiêu thức của họ như xé truyện mà ra, khích động đến tận sâu tâm hồn của người đọc.
Phong Thần Kí sở dĩ là đỉnh cao của Trịnh- Đặng là vì nó còn làm được 1 điều mà ít tác giả manhua hiện đại làm được: đặt ra cái kết của truyện.
Thực vậy, ngay như Mã Vĩnh Thành, Hoàng Ngọc Lang còn vì doanh số mà bôi ra nghìn chap truyện, việc dừng bộ truyện trước chap 200 là một quyết định đáng hoan nghênh của họ.
Nhờ thế, mà Phong Thần Kí khép lại viên mãn. Và dù nó là đỉnh cao của bộ đôi tác giả, thì những độc giả trung thành cũng vô cùng hài lòng trước cái kết này.
***
Đối với tôi, cho đến thời điểm hiện tại, Phong Thần Ký là một bộ truyện rất đặc biệt.
Trước đây đọc bất cứ một bộ truyện nào, đều sẽ tồn tại hai phe chính tà thế bất lưỡng lập. Nhân vật chính có thể là chính, có thể là tà, cũng có thể ở thế trung lập. Câu hỏi được đặt ra trong tất cả những bộ truyện này là: “Thế nào là chính, thế nào là tà?” Nhưng với Phong Thần Ký thì lại không hề tồn tại ranh giới đó, đương nhiên cũng không cần chúng ta phải nhọc lòng tìm câu trả lời cho câu hỏi hóc búa trên.
Đấy là điểm đầu tiên khiến tôi rất thích, rất ấn tượng với bộ truyện này.
Trong thế giới của Phong Thần Ký, không có chính, không có tà. Không có cực ác, cũng không có cực thiện. Chỉ có những trận chiến. Những trận chiến vì tham vọng, vì lý tưởng, hoặc vì ước mơ. Nhưng trận chiến lớn nhất, nổi trội nhất được tác giả khắc họa trong Phong Thần Ký, là trận chiến vì tự do và tự chủ.
Không quá khó để nhận ra điều này trong thế giới mà tác giả dày công xây dựng. Ngay từ những hồi đầu tiên, trận chiến vì tự do và tự chủ đã được nói lên rất rõ ràng. Con người cam chịu sự khống chế của Thần quyền, chịu ngu muội dưới trướng của Thần. Thương Trụ, trong tình cảnh đó, là con người đầu tiên dám chống lại Thần để đoạt lấy cho con người sự tự do và tự chủ mà con người không bao giờ dám nghĩ đến.
Có thể ở đây, nhiều người nghĩ rằng tác giả đi ngược lại với sách sử, cho rằng Thương Trụ không phải bạo quân, còn Cơ Phát thì là một kẻ dựa hơi Thần tộc để đoạt lấy ngôi báu. Và từ đó nghĩ rằng chính tà đảo lộn, có nghĩa là trong thế giới này tồn tại chính-tà. Nhưng càng đọc sẽ càng thấy, thật ra những thứ đó chả hề tồn tại trong thế giới ấy. Tồn tại trong thế giới của Phong Thần Ký, là kẻ thống trị và kẻ bị thống trị. Khi chịu sự áp bức đến cùng cực, kẻ bị thống trị sẽ vùng lên cắn lại chủ, đó là đạo lý từ xưa. Nếu đã có một kẻ dám đứng lên, thì chắc chắn sẽ có vô số kẻ khác tỉnh ngộ làm theo. Hãy để ý đến Thương Trụ và Cơ Phát. Khi Cơ Phát dẫn binh đến Triều Ca, khi Thương Trụ chống lại Thần, khi Cơ Phát trầm mặc. Đó là lúc thấy được ngọn lửa đấu tranh giành lấy tự do và tự chủ của kẻ bị thống trị được thắp lên, chứ không còn âm ỉ trong suy nghĩ bất mãn nữa.
Thương Trụ chết đi, người kế thừa lý tưởng là con trai của y, cũng là nhân vật chính của bộ truyện – Võ Canh. Võ Canh, hay nên gọi là A Cẩu là người tiếp tục, dẫn dắt và kết thúc trận chiến giành lấy tự do và tự chủ đó của con người. Nói nôm na, A Cẩu là người được chọn. Rất nhiều người cho rằng, A Cẩu là một kẻ theo chủ nghĩa cá nhân. Điều này cũng không sai, nhưng chính vì A Cẩu cá nhân như thế, hắn mới xứng đáng là nhân vật chính đại diện cho toàn thể tộc người.
Con người vốn dĩ luôn tự tư, tham lam, ích kỉ – A Cẩu chính là điển hình.
Con người sẽ trưởng thành, suy nghĩ sẽ chín chắn, sẽ dần không chỉ sống cho bản thân, mà còn sống cả cho cộng đồng – A Cẩu cũng là điển hình.
Con người bầu ra lãnh đạo. Người lãnh đạo, là người sống vì cộng đồng, nhưng cũng sẽ có lúc, vì sự phát triển của toàn cộng đồng, mà đặt lợi ích cá nhân lên trên cả lợi ích cộng đồng – A Cẩu vừa hay chính là con người như vậy.
Hơn cả, con người luôn khát cầu tự do, luôn mong muốn tự chủ, mà A Cẩu – lại chính là kẻ có khát khao đó cháy bỏng nhất. Tôi nói cháy bỏng nhất, vì A Cẩu là kẻ dám biến suy nghĩ thành hành động, dám chống lại, dám đấu tranh, chứ không như những kẻ khác, chỉ dám nghĩ chứ không dám làm. Dám làm, nhưng lại không dám làm đến cùng.
Vì vậy, không quá khó để hiểu vì sao A Cẩu lại được chọn làm nhân vật chính, dẫn dắt, tiếp tục và kết thúc cuộc chiến.
Tạm không đề cập đến A Cẩu nữa, tiếp tục với vấn đề trong thế giới quan của Phong Thần Ký chỉ tồn tại những trận chiến, nổi bật nhất là chiến vì tự do và tự chủ.
Trận chiến này xuyên suốt toàn bộ bộ truyện, với lực lượng chính là Minh tộc, chứ không phải con người. Tôi thấy điểm này tác giả làm rất thỏa đáng. Không lấy con người làm chủ lực, mà lấy Minh tộc. Thứ nhất, con người quá yếu đuối, ngoại trừ một bộ phận nhỏ biết “Luyện Khí Thuật”, còn lại chỉ như sâu kiến trong mắt Thần tộc. Thứ hai, con người bị áp bức quá lâu, tư tưởng nô lệ sớm đã ăn sâu vào não, không thể chỉ trong một thời gian ngắn mà giác tỉnh đại ngộ, nhận ra con đường nên đi. Thứ ba, con người bị thống trị bởi “vua”, “vua” là Cơ thị, Cơ thị lại chưa dám chống lại Thần tộc, cho nên lấy con người làm nòng cốt chính trong trận chiến này, là thất sách. Vì thế, tác giả chọn Minh tộc – bộ tộc bị đày xuống Địa ngục thâm uyên, hơn 10 vạn năm không thể thấy ánh mặt trời. Khác với con người, Minh tộc có khát vọng tự do mãnh liệt. Họ đã chiến đấu vì tự do và tương lai của con dân tộc mình trong suốt 10 vạn năm, liên tục không nghỉ. Minh tộc giác ngộ sớm hơn con người, không chỉ thế, còn có sức mạnh hơn hẳn loài người vốn dĩ yếu đuối. Họ có lãnh đạo dám chiến đấu, dám hy sinh vì tự do.
Tôi không bao giờ nói Minh tộc chiến đấu với Thần tộc vì thù hận, dù rằng tổ tiên của họ 10 vạn năm trước đã thất bại dưới tay Thần tộc, vì vậy con cháu mới phải sống ở nơi tối tăm lạnh lẽo. Thù hận, có thể là sức mạnh thúc đẩy người ta chiến đấu, nhưng thù hận sẽ khiến đấu tâm cháy trong bao lâu? Có thể một đời, có thể là hai đời, nhưng suốt 10 vạn năm, có ai giữ nổi lòng thù hận đó hay không? Thù hận rồi sẽ tan biến theo thời gian, vậy nên tôi không nói, Minh tộc chiến đấu với Thần tộc vì thù hận. Họ chiến, vì họ muốn được sống dưới ánh mặt trời, muốn được hưởng tự do, muốn đời sau của họ có cuộc sống tươi đẹp. Mong ước tự do thấm nhập vào cốt tủy họ, đời này sang đời khác, nó mới là động lực khiến họ không ngừng chiến đấu với Thần tộc, dù biết rằng đó là trận chiến bản thân không thể thắng. Nhìn vào lãnh đạo đương thời của họ – Nghịch Phong Nhi Hành, ta sẽ thấy. Thần tộc giết chết huynh trưởng của y, nhưng y chiến với Thần tộc là vì tự do của toàn tộc. Đọc truyện, tôi không hề thấy Nghịch Phong Nhi Hành có ý tưởng trả thù cho huynh trưởng, y chỉ muốn, trước khi chết, phải dẫn Minh tộc đến Thần vực, đánh một trận để giành lấy tự do mà bộ tộc bọn họ đã mất trong 10 vạn năm.
Một bộ tộc không ngừng chiến đấu vì tự do, tự chủ như thế, chẳng phải là lựa chọn tuyệt vời nhất hay sao?
Ngoài trận chiến vì tự do, trong câu chuyện này, còn có một trận chiến nữa cũng nổi trội không kém – trận chiến vì sự sống. Trận này rõ nhất ở phần 3, khi nói về dân Uyển Cừ và ở trận chiến cuối cùng với Thần tộc. Ở đây không dám bàn nhiều, để mọi người tự đọc sẽ có cảm nhận sâu sắc hơn.
Sau cùng, một hai lời khó có thể nói hết vì sao Phong Thần Ký lại có sức thu hút đến thế. Không chỉ là ở nội dung, mà còn ở mỗi nhân vật. Những nhân tố không hoàn hảo. Bộ truyện đang được dựng thành film hoạt hình rồi, không rõ nsx làm ăn thế nào, nhưng nếu giữ nguyên được bản sắc vốn có của bộ truyện, khi nào có nhất định sẽ xem.
Mời các bạn đón đọc Phong Thần Ký của tác giả Trịnh Kiến Hòa & Đặng Chí Huy.