NGỌN LỬA THẦN KỲ là câu chuyện về dầu mỏ.
Ngày nay hai tiếng "dầu mỏ" đã trở nên quen thuộc và gần gũi với mọi người. Vì thế hiểu biết về dầu mỏ là điều rất cần thiết và lý thú, nhất là đối với những lớp người trẻ tuổi, những người chủ của đất nước giàu đẹp trong tương lai.
Đọc NGỌN LỬA THẦN KỲ các bạn sẽ thêm yêu ngành hóa học, một ngành có thể tạo nên được những điều kỳ diệu như trong giấc mơ vậy.
***
Vào một đêm cách đây không biết đã bao nhiêu thế kỷ… biển Kha-dắc1* quanh năm gầm thét đang làm chìm đắm bán đảo Áp-xê-rôn2* trong dông bão và bóng đen dày đặc, thì đột nhiên từ trên các khối đá ven bờ và ngay cả trên những đợt sóng biển nhấp nhô có vô số những ngọn lửa cháy bùng lên, phát ra các màu xanh lam, đỏ tía và da cam. Hình như bị một người nào đó đuổi, chúng uốn khúc, bốc cao lên và chạy vội từ chỗ này sang chỗ khác. Có những ngọn tắt đi và ngay tại đây phát ra tiếng lách tách hay những tiếng nổ giòn, đồng thời các ngọn khác lại xuất hiện… Cứ như thế, cả một vùng rộng lớn tắm mình trong những ánh sáng kỳ ảo.
Biển Kha-dắc: tên cũ của biển Cát-xpiên, nằm sâu trong biên giới giữa châu Âu và châu Á.
Áp-xê-rôn: nằm trong lãnh thổ A-déc-bai-gian (Liên Xô), là vùng dầu mỏ lớn trên thế giới.
Những ngọn lửa bí ẩn cháy liên tục từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Cảnh tượng kỳ lạ ấy đã gieo vào lòng người những điều dị đoan và những nỗi khiếp sợ. Thế rồi theo những người du lịch đã đặt chân lên vùng này, câu chuyện về ngọn lửa bí mật được truyền đi khắp thế giới.
Nhưng những ngọn lửa như thế không phải chỉ có ở nơi đây. Từ những chuyện cổ tích còn lưu lại tới ngày nay, chúng ta được biết thêm rằng khoảng sáu nghìn năm trước công nguyên, những ngọn lửa kỳ lạ cũng đã cháy ở chân dãy Cáp-ca-dơ3*, Ác-mê-ni4*, Bu-kha-ra5* trên bờ hồ E-ri thuộc Bắc Mỹ, ở Péc-xi6*, I-ta-li-a, Trung Quốc và đảo Gia-va7*.
Cáp-ca-dơ: vùng núi ở phía nam Liên Xô.
Ác-mê-ni: một nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết.
Bu-kha-ra: thành phố thuộc nước cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan (Liên Xô).
Péc-xi: là tên cũ của nước I-răng.
Gia-va: một hòn đảo nằm trong quần đảo Ma-lai-xi-a và là một phần của lãnh thổ In-đô-nê-xi-a.
Sự xuất hiện ngọn lửa xanh không bao giờ tắt đã đặt một dấu hỏi lớn cho tất cả những người sống trong thời kỳ đó. Ở đây, cái gì đã bốc cháy? Củi ư? Làm gì có củi và cũng chẳng có cái gì khác có thể cháy được cả. Hơn nữa làm sao mà lửa lại có thể cháy được trên các tảng đá và ngay trên mặt nước. Đấy là chưa kể vì sao những ngọn lửa đó có thể cháy mãi mà không cần ai trông coi. Không, rõ ràng đây không phải là ngọn lửa vẫn thường thấy trong các bếp ăn hay trong lò rèn. Nó phải là ngọn lửa bí mật, ngọn lửa thiêng liêng, ngọn lửa do một vị thần nào đó đốt lên để gieo rắc tai họa cho trần thế. Mà nếu vậy thì ngọn lửa ấy đáng khiếp sợ và tôn kính. Vì thế, nhân dân địa phương đã lập các nhà thờ, trong đó ngọn lửa kỳ lạ kia được sùng bái như một vị thần có quyền lực và có phép mầu nhiệm. Họ gọi ngọn lửa đó là “A-te-sơ-ga”, nghĩa là ngọn lửa vĩnh cửu, và để thờ phụng, người ta đã dùng một đống lửa, một cây đèn, một ngọn nến v.v… làm vật tượng trưng cho ngọn lửa bất diệt ấy.
Có những ý kiến cho rằng, đạo thờ thần lửa đã xuất hiện từ đó. Trung tâm của đạo này là A-déc-bai-gian8*. Thế rồi từ Bát-đa9*, Bu-kha-ra, A-ra-vi10*, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Nhật Bản, các tín đồ hướng về đây để tỏ lòng kính trọng và nỗi khiếp sợ đối với ngọn lửa vĩnh cửu. Hiện nay, ở Xu-ra-kha-nư11* vẫn còn giữ lại cảnh đổ nát của những nhà thờ A-te-sơ-ga, trong đó ngọn lửa vĩnh cửu đã cháy liên tục cho đến cuối thế kỷ 19.
A-déc-bai-gian: một nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết, nằm trên bờ biển Cát-xpiên.
Bát-đa: thủ đô nước I-rắc.
A-ra-vi: bán đảo lớn ở châu Á.
Xu-ra-kha-nư: một làng ở A-déc-bai-gian nằm trên bán đảo Áp-xê-rôn, cách Ba-cu, thủ đô nước cộng hòa A-déc-bai-gian (Liên Xô) 19 ki-lô-mét.
Ở Việt Nam, người ta đã lưu truyền câu chuyện sau đây: một bữa nhân dừng chân ở một quán trọ vùng Quảng Yên, Trạng Bồng (tức Vũ Duy Thanh, một nhà bác học tài năng thời Tự Đức) chợt nghe thấy nhân dân bàn tán xôn xao về một hiện tượng kỳ lạ là có một vùng đất đá tự dưng bốc lửa cháy, ngọn lửa xanh biếc mấy ngày đêm mới tắt. Người thì nói đó là “lửa thần” báo điềm tai họa cho nước nhà. Người thì bàn nên lập đền cúng lễ thần đất để cầu cho tai qua nạn khỏi. Trạng Bồng hỏi han kỹ mọi nhẽ, rồi nói:
- Có gì mà bà con phải bàn tán, lo lắng. Thứ lửa đó chẳng qua do “khí đất” tích tụ thoát ra ngoài, gặp khi trời nắng nóng hay lửa thì bốc cháy đó thôi.
Nói xong, ông bèn theo lời chỉ dẫn tìm vào tận nơi xảy ra hiện tượng lạ ấy để xem xét, nghiên cứu…
Ít lâu sau, Vũ Duy Thanh đã lập được một bản đồ địa chất khu vực Quảng Yên trên đó ghi rõ những nơi có “khí đất”, những vùng có mạch than. Khi về kinh, ông đã thảo một bản điều trần chi tiết, kèm theo bản đồ, đệ trình lên Tự Đức xin cho tiến hành khai khẩn những mỏ chất đốt quí giá này để mở mang công thương nghiệp trong nước. Rất đáng tiếc, do cách nhìn thiển cận và đầu óc bảo thủ của bọn vua quan triều Nguyễn, bản điều trần của Vũ Duy Thanh, sau khi chuyển sang Viện cơ mật với lời phê “để xét”, đã nằm lại ở đó cho tới năm chục năm sau mới được ngó tới…
Tất nhiên, mặc dù Vũ Duy Thanh đã biết “khí đất” là một thứ chất đốt quí, nhưng ông cũng không thể hiểu được đó là loại khí gì và do đâu mà có.
Như vậy, trải qua không biết bao nhiêu năm, bí mật của ngọn lửa kỳ lạ vẫn chưa được khám phá. Không thiếu gì người can đảm, có óc tìm tòi và nghiên cứu đã cố công vén bức màn đó, nhưng bí mật vẫn còn là bí mật. Cho mãi tới cách đây không lâu, khi khoa học và kỹ thuật đã phát triển tới mức độ nhất định, bức màn đen che đậy bản chất của ngọn lửa vĩnh cửu mới từ từ được vén lên.
Mời các bạn đón đọc Ngọn Lửa Thần Kỳ của tác giả Trần Quang Hân.