Vào thời Vua Louis XIV, các quý tộc có vợ được vì vua chuyên chế để mắt tới là cả một niềm vinh hạnh cho dòng tộc. Cái ngày mà Vị Vua-Mặt Trời này đưa cặp mắt tình đặt lên tấm thân ngọc ngà của nữ Hầu tước De Montespan, giới quý tộc ở Versailles đều chúc mừng sự may mắn của đấng phu quân. Nhưng đấy là họ chưa biết hết tính cách của Louis-Henri Pardailan, Hầu tước De Montespan! Là một người chồng hạnh phúc, yêu vợ đến mê muội, chàng không chịu nổi cảnh vợ mình rơi vào tay con người có quyền lực mạnh nhất toàn cầu hồi ấy. Nơi mà vợ chàng, người đàn bà đẹp nhất nước Pháp bấy giờ đã từng phải thốt lên với chồng : “Versailles là một thế giới khủng khiếp và sẽ chẳng có cái đầu nào không quay cuồng ở đó. Triều đình làm thay đổi cả những con người kiên định nhất”.
Ngay từ lúc khám phá ra điều bất hạnh của mình, chàng đã dùng mọi phương tiện, từ cao ngạo, hỗn xược đến ti tiện để chứng tỏ cho nhà vua thấy rằng ông ta chỉ là kẻ đớn hèn, lấy cắp vợ của kẻ khác. Hầu tước đã trở thành trò cười cho thiên hạ khi chàng cho trang trí trên chiếc xe tuyệt mỹ của mình một cặp sừng nguy nga. Chàng từ chối tước hiệu, bổng lộc, những cơ hội đầy hứa hẹn mà nhà vua hứa ban tặng nếu chàng để mắt làm ngơ trước cuộc tình của Vua và vợ mình. Chàng từ chối hết thảy, đơn giản là chàng không rao bán vợ mình. Bất chấp những thủ đoạn đê tiện liên tiếp được Vua tung ra, đến những vu cáo phải đưa ra tòa xét xử, đến những ngày ngồi tù, gia tài đình đốn, suy kiệt, và cả những âm mưu ám sát, chàng vẫn cứ tiếp tục đeo đuổi lòng hận thù đối với con người đầy quyền lực hòng lấy lại vợ mình.
Jean Teulé đã đằm mình vào trong quá khứ vinh quang của hoàng gia Pháp, bới tìm tất cả những thói thường diễn ra trong tầng lớp quý tộc. Những trò giả dối, đạo đức giả, lừa gạt tiền, tình… đằng sau những hào nhoáng là chất đầy những trò sa đọa, đàng điếm, con người luôn rình rập những thất thế của người khác để dè bửu, nhạo báng lẫn nhau. Tình cảm, tình thương yêu của con người đều được đem ra tính bằng chức tước bổng lộc. Tình vợ chồng mong manh…
Gấp lại cuốn sách, chúng ta phần nào thấy được quá khứ của xã hội Pháp, nhưng phải chăng điều ấy giờ đây vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Tác phẩm như một áng thơ ca, ca ngợi tình yêu, tình người bất diệt mà như tạp chí Nouvel Observateur đã viết: thật tài, đó như là một điều kỳ diệu của nền văn học Pháp. Bạn đọc có thể bị xáo trộn tâm hồn, bị đè nén, nhưng lại cười, cười với niềm hy vọng mạnh mẽ nhất.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Công ty CP sách An Tiêm.
Nhà Vua đã cho thúc trống dậy
Nhà Vua đã cho thúc trống dậy
Để nhìn tất thẩy các lệnh bà
Và người đầu tiên Người nhìn thấy
Đã khiến tâm hồn Người ngất ngây.
Hầu tước, nói đi, ngươi biết người ấy chứ?
Hầu tước, nói đi, ngươi biết người ấy chứ?
Lệnh bà xinh đẹp đó là ai?
Và Hầu tước đã tiếp lời:
«Tâu Bệ hạ, đó chính là vợ tôi…»
(Bài hát của Saintonge, thế kỷ XVII)
***
Thứ bảy ngày 20 tháng giêng năm 1663, vào quãng mười một giờ khuya, lúc ra khỏi Palais - Royal, nơi Đại công tử - em trai Vua - tổ chức một đêm khiêu vũ rầm rộ, thì hai thanh niên, được sáu người khác theo sau, lao vội vã vào trong phố. Họ mắng chửi nhau trong ánh sáng lóa của lông mũ và đăng ten.
- Fils de prêtre!
- Cul-vert
Tác giả chơi chữ, đồng âm khác nghĩa. Fils de prêtre: đồ con cha xứ (hay cũng có thể hiểu là đồ quạ con, khi thóa mạ nhau).Cul-vert: đồ nô lệ vừa được giải phóng.
Một người cao gầy nhỏng, môi loe hếch ngược phô hết cả hàm lợi, trong trang phục sặc sỡ, tô điểm kim cương lấp lánh, xô một tên nhỏ thó bụng phệ đội tóc giả đen làm ra vẻ ta đây to lớn vì đôi giầy của hắn cao hết sức. Đeo đầy nhẫn và vòng tay, tên này vừa đi loạng choạng trên gót giầy, vừa như ngạt thở:
- Cul-vert à?! La Frette ư! Ta, hoàng thân xứ Chalais mà mi dám coi ta là nô lệ được giải phóng ư?
- Ông hoàng của những kẻ ham tình dục đồng giới thì có, đúng thế, đồ đít xệ! Hệt như Đại công tử, mi thích công tử bột hơn là đàn bà ba hoa. Còn ta, ta ghét cay ghét đắng thói đồi bại Ytalia. Mi hả, mi qua Naples mà không cần dùng cầu*!
Ý chỉ bọn đồng tính luyến ái. (Tất cả chú thích trong truyện là của người dịch).
- Ối!
Trong suốt cuộc cãi cọ này, cánh cửa phòng khiêu vũ, đã khép lại, vẫn được đèn rọi rất sáng, ồn ã tiếng nhạc, bốc hơi nghi ngút, đầy những động tác cuồng loạn của các vũ công, còn đây, tám người bọn họ, hiện có mặt trong bóng đen băng giá của đường phố.
Một tên gù, ngồi chồm hỗm sát một cái cột, cầm một ngọn đèn sáng được đặt trong một cái bong bóng lợn, treo nơi đầu gậy, liền đứng lên ngay, đi về phía họ và gọi gióng từ xa:
- Một cây đèn soi đường đưa các ngài về nhà chứ ạ, thưa các Đại công tử?…
Bị thọt, hắn đi khập khiễng, người lắc lư. Tóc ép sát tận da đầu, thắt lại sau gáy thành dây giếng, hắn đi vòng quanh họ với chiếc đèn lồng chiếu sáng từng khuôn mặt.
Tên Chalais nhỏ bé giang tay tát La Frette, đầu người này lắc mạnh, phả ra một làn bụi phấn đậu tằm. Bị xỉ nhục, tên cao lớn ngậm miệng, mím môi trùm kín hai hàm răng mà hắn đã trang điểm theo lối Hà Lan - quệt bơ vào các lỗ răng sâu, răng cửa và răng nanh, và do vậy mà hắn phải bành miệng, nhe lợi để làm lạnh khối bột sữa nhão ấy, tránh cho nó khỏi chảy ra. Nhưng hiện giờ, đang cơn bực tức cao độ, hắn nghiến chặt môi thành hình đít gà và phồng má trong một mối oán giận nóng bỏng. Khi hắn mở miệng trở lại, ôi thôi lũ răng của hắn trôi đi: «Cậu đã thấy chưa hả, Sain-Aignan? Nó đã tát…»
- Mi đã tát anh trai ta hả, cul-vert?
Một hiệp sĩ cộc cằn ác độc mười chín tuổi, đội mũ đính nhiều lông dài chĩa tua tủa và một mắt bị chột do đậu mùa, đứng sững trước Chalais. Tên xách đèn lồng, chào hàng dịch vụ chiếu sáng di động cho cả hai bên, biện bạch hành động của mình:
- Đêm tối, lũ bất lương, kẻ cướp đường và bọn con trai tồi tệ, thường rình rập khách qua đường đang hối hả trở về nhà…
Tám thanh niên đeo tóc giả*, chia thành hai bang, diện mạo báng bổ, tạo những bộ mặt gớm ghiếc, giằng xé các mảnh vải lụa và ru-băng trên trang phục của nhau. Tên xách đèn lồng nâng cái bong bóng sáng của mình lên: Một trong số họ, người vừa bị rủa: «Flamarens, đồ tồi đàng điếm», có vẻ mặt nhợt nhạt. Hắn đã lấy bút vẽ tự họa những đường ven giả xanh lơ, màu của giới quý tộc và của máu tinh chất. Kẻ xách đèn lồng hạ chùm sáng xuống, những cặp giầy trên nền đường lát đá bắt sáng lấp lóa. Dầu bắt đầu bốc hơi:
Đeo tóc giả là biểu trưng rất thịnh hành của giới quý tộc trong thời Vua Louis XIV tại Pháp.
- Năm sol một cuốc đê! Năm sol có là gì khi mà, như các ngài đây, đeo đế giày đỏ của những quý tộc gia chứ?
Một lưỡi kiếm hiểm độc bốc mùi bội phản được rút ra lóe sáng, khoắng một nhát lên một khuôn mặt còn đang ngỡ ngàng: «Noirmoutier!» Kẻ bị rách mặt, tay kéo thanh kiếm, muốn xọc thủng Noirmoutier như một con lợn. Kẻ mà hắn gọi là d’Antin - «D’Antin, chớ có dính dáng vào đây nhé!» - dẫu vậy vẫn can thiệp vào trận ẩu đả đang có chiều hướng trở nên trầm trọng: «Ê, này, hãy cư xử cho đúng mực đi!»
Tên xách đèn lồng nhẩy ngay theo ý anh ta:
- Đúng thế, hãy cư xử cho đúng mực… khu rừng tối tăm nhất và ít người qua lại của Triều đình ở gần Paris là một nơi chắc chắn.
La Frette nhổ thẳng đám bơ hơi quện trong những gốc răng sâu của mình vào mặt Chalais:
- Đồ ruột rỗng, hẹn ngày mai trên bãi hoang tu viện nhé!
D’Antin chết đứng người:
- Bãi cỏ ư? Các người điên hết cả rồi! Các chỉ dụ đã…
Nhưng tên La Frette cao lớn bị xúc phạm, đứng gần Saint Aignan, ra lệnh:
- Arnelieu, Amolly, ta đi thôi.
Bốn người đi về phía những ô cửa sổ sáng đèn của khu Tuilerie, bốn kẻ kia đi về hướng đối diện. Còn tên xách đèn lồng thì lỉnh mất, vừa ngúc ngoắc bước đi vừa đung đưa thân thể dọc theo phố Sain-Honoré. Ánh sáng trong cái bong bóng của hắn rọi lên một cái bóng gù và nhẩy nhót trên các bức tường trong khi hắn cố ghi nhớ:
- La Frette, Saint-Aignan, Amilly, Arnelieu… và Chalais, Flamarens, d’Antin, Noirmou…
⁎⁎⁎
Vào lúc những tia sáng lờ mờ đầu tiên của buổi bình minh thầm lặng vừa tỏa lên trong lớp sương mù dầy đặc bao trùm hết cả bãi cỏ, và khi d’Antin nghe thấy tiếng giầy gắn khuyên bạc của hiệp sĩ Saint-Aignan bước lạo xạo trên những vũng nước đóng băng, thì anh ta quay sang bảo người đứng cạnh, là Noirmoutier, đưa cho mình lọ độc dược Schaffhouse, nó là chất tuyệt vời cho chứng bất tỉnh nhân sự.
Paris yên ắng. Gà trống vẫn còn chưa cất tiếng gáy thì cánh xúc phạm Chalais, xếp thành hàng dài trước một dãy cây dẻ phủ đầy băng giá, phát hiện bóng dáng nhợt nhạt lờ mờ của bọn vô lại thuộc băng bị xúc phạm La Frette ló ra từ một cái kho chứa rơm khô mênh mông. Bọn chúng cũng vậy, gióng thẳng hàng tiến thẳng về phía kẻ thù của mình.
Họ chẳng bao lâu nữa sẽ chạm mặt nhau, do cánh đồng cỏ rất nhỏ. Bên phải, những khu nhà sang trọng đang ngủ vùi. Bên trái, tu viện của dòng thánh Bru-nô với dãy hành lang và các am thầy tu mà có lẽ chẳng nên đánh động khi hét toáng những lời thóa mạ vô ích làm gì.
Kiểu gì đi nữa thì cũng chẳng còn gì để nói với nhau. Họ không còn ở đoạn đó nữa rồi. Chuyện giờ liên quan đến một trận đấu tay đôi cho đến khi có kẻ hồn lìa khỏi xác đầu tiên và D’Antin cảm thấy không được khỏe dưới mái tóc giả xoăn tít nặng trịch trên đầu. Áo khoác hồng điều buông trên vai và mũ đen đội hếch lên kiểu catalogne, dẫu vậy anh ta vẫn chọn đứng trong tư thế đỏm dáng, tiến một chân lên và đặt tay cạnh sườn. Nhưng những ngón tay anh ta run lẩy bẩy. Kể từ lúc tuyên bố trận đấu tay đôi ban nãy, thì cặp mí mắt anh ta đã sưng mọng lên, một màu đỏ tấy thành quầng đã mọc trên trán, tai anh ta toát mồ hôi, một mụn ghẻ xuất hiện sau đầu, những chốc vẩy đụn lên ở cằm và dưới nách trái, khiến anh ta ngứa ngáy.
Sự ngẫu nhiên đã xếp đặt cho tuổi trẻ chuyên sống trong sơn son thiếp vàng. La Frette sẽ đối đầu Chalais. Amilly sẽ được dành cho Flamarens. Noirmoutier sẽ đấu với Arnelieu, còn D’Antin nhìn thấy hiệp sĩ Saint-Aignan tiến thẳng về phía mình.
Tóc xoăn kiểu Hy lạp, con người hình chim này, với những chiếc lông vũ dài và cặp mắt chột do lây bệnh từ lũ điếm trong các nhà thổ, ngắm nhìn đối thủ của mình từ trên xuống dưới, trong lớp sương mù mà không hề giảm bước, với một khuôn mặt tự tin không biểu lộ chút sợ hãi. Anh ta có vẻ thoải mái với cây kiếm trong tay sẵn sàng rửa danh dự cho anh mình. Anh ta tiến nhanh và chưng ra ánh thép của lưỡi kiếm. D’Antin tự hỏi khi nào thì hắn ta sẽ dừng lại, tập trung chú ý, nhưng kẻ kia tiếp tục tiến như thể hắn sẽ băng qua cả hàng cây dẻ. Tóc! D’Antin cảm thấy xương trên trán mình nát vụn do lưỡi kiếm xuyên thấu toàn bộ đầu mình, kéo theo đằng sau hộp sọ mớ tóc giả mà anh cố tóm lại, ngố thật… thật ngu khi chết như thế trong một buổi sáng giá lạnh và rớt thẳng lưng xuống trong chiếc quần bó màu xám ngọc trai, và bên dưới bằng lụa đỏ đã được người ta gắn chặt bằng nịt, khi mà tất cả xung quanh bạn, đã chuyển thành một cuộc tàn sát. Bên phải, ba người cùng cạ của anh rên rỉ trên cỏ ướt. Đám đối thủ bỏ đi.
Tên Chalais nhỏ bé gượng đứng lên và bị sai mắt cá chân do cặp đế giầy quá cao. Hắn áp một tay lên bụng, nơi máu đang đổ xối xả. Flamarens vừa lê sau mình một chân dính máu, vừa nhẩy loi choi về phía cái bóng nhợt nhạt của một cỗ xe. Noirmoutier, vai rách nát, chạy về phía một con tuấn mã ở hướng ngược lại.
Mời các bạn đón đọc Chuyện Tình Của Hầu Tước Montespan của tác giả Jean Teulé.