Bộ này gồm 3 truyện:
Đơn Kiếm Diệt Quần Ma, Thái A Kiếm và Tục Thái A Kiếm
Nguyên Tác: Thập Niên Cô Kiếm Thương Hải Minh (十年孤剑沧海盟) và Hiệp Cốt Phong Hào (侠骨风豪)
Tác giả: Võ Lăng Tiều Tử
Phóng Tác Tiền Phong Từ Khánh Phụng
***
Giữa đời vua Càn Long, trong võ lâm xuất hiện một quái kiệt. Không ai biết người ấy xuất thân và lai lịch ở đâu và cũng không biết chàng theo học môn phái nào? Chỉ biết võ công của chàng tinh tuyệt, hành sự lại khác hẳn người thường, thật là đi không hình bóng, tới vô tung tích, không ai hay biết chỗ ở của chàng ở đâu. Trong cuộc đại hội quần hùng trên đỉnh núi Phù Dung, một mình chàng đã tiêu diệt sạch mấy chục cao thủ. Sau vụ chém giết đó, không ai trông thấy mặt chàng nữa. Thật đúng câu phương ngôn: “Thần long kiến thủ bất kiến vỹ” (Rồng thần thấy đầu không thấy đuôi).
Mấy trăm năm sau, các nhân sĩ giang hồ vẫn còn nhắc nhở tới chuyện đó. Những lúc trà dư tửu hậu, các cụ bô lão hay đem chuyện ấy ra truyền tụng, vẽ hình tả bóng, hình dung như sự thật vừa mới xảy ra vậy. Nhưng chuyện đó là hư là thật quý vị độc giả nên tự phân lấy.
Hãy nói, ở huyện Hưng Quốc tỉnh Giang Tây, về phía tây nam năm mươi dặm, có một dãy núi, trên có một ngôi chùa lớn. Chùa ấy tên là Bảo Hoa Cổ Sát. Ngôi chùa này tuy ở loạn sơn hoang lĩnh, nhưng nổi tiếng khắp thiên hạ. Tương truyền ngôi chùa này được xây từ thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, tới đầu thời nhà Đường, tiên ông Mã Tổ đắc đạo ở đó.
Cửa chùa ở lưng núi, nhưng phía sau chùa ở tận trên đỉnh núi, như vậy đủ thấy ngôi chùa ấy lớn biết bao, Lại còn rất huy hoàng nữa.
Gian thứ ba trong chùa là Linh Cốt Điện (nơi táng tro hài cốt của các vị tăng già). Dưới sàn ở trước điện, có hai cây bách cổ trồng hai bên, cao hai ba mươi trượng, thân cây vừa bốn người ôm. Nghe nói hai cây đó do tay Mã Tổ trồng, tuổi cây đã tới nghìn năm. Những cành lá rụng, cắm vào trong lư hương đốt, thơm tho vô cùng.
Lúc ấy vị chủ trì của ngôi cổ sát đó là Minh Lương đại sư, năm nay tuổi đã ngoài bảy mươi. Minh Lương đại sư hồi thiếu thời là một tú tài, vì thi hội cứ rớt liền mấy khoá, nản chí bỏ học, suốt ngày ngao du sơn thuỷ khắp các danh sơn đại xuyên, khi tới phía bắc Thiên Sơn, tình cờ gặp một vị cao tăng chỉ bảo triết lý, liền cắt tóc đi tu.
Lão hòa thượng học rộng tài cao, cầm kỳ thi họa đều tinh xảo, và còn giỏi tài khắc ấn nữa. Duy có một điểm rất lạ là không ai biết hòa thượng là người có biết võ hay không, đến cả chư tăng trong chùa cũng không ai hay biết.
Tuy tuổi đã ngoài bảy mươi, đại sư quanh năm chỉ mặc một cái áo bào xám, đi đường lúc nào cứ rảo bước như bay không kém gì những người trung niên ba bốn mươi tuổi thiện võ nghệ.
-oOo-
Một buổi sáng nọ, mặt trời chưa mọc, sương mù vẫn phủ đầy núi, lại thêm mưa phùn ướt át, có một thiếu niên ở trên đỉnh núi Di Lạc, đối diện với núi Bảo Hoa, hấp tấp chạy xuống, thân hình như bay, chân không điểm mặt đất, tiến thẳng tới cửa ngách Nghênh Vân của chùa Bảo Hoa, đẩy cửa đi vào, xuyên qua hành lang, lên tới gian đại điện thứ ba của Bảo Hoa tự vào luôn căn phòng của lão hòa thượng.
Thiếu niên nọ diện mạo anh tuấn, mặt ngọc môi son, vai vượn lưng ong, riêng có đôi mày chau lại tỏ vẻ lo âu, gặp tăng chúng trong chùa chỉ khẽ gật đầu chào, chân vẫn không ngừng bước. Chư tăng đều thấy làm lạ nhưng không tiện hỏi han tại sao.
Lúc ấy, Minh Lương đại sư vừa tụng kinh sáng xong, đang tĩnh tọa trong phòng nghe thấy bên ngoài có tiếng chân nhộn nhịp hấp tấp, liền mở mắt ra coi, đã thấy thiếu niên nọ vén màn bước vào, vẻ mặt ủ rũ âu sầu.
Lão hòa thượng trông thấy, hiểu ngay có chuyện bất lành, cũng chau mày, vẫn giữ ôn hòa, cất tiếng hỏi:
- Vân Nhạc, sao sáng sớm thế này đã sang đây? Trông mặt con khó coi thế kia, chẳng lẽ bệnh cũ của cha con tái phát hay sao? Thiếu niên vái chào xong, liền đáp:
- Thưa đại sư, sáng nay vào giờ tý, bệnh cũ của gia phụ lại lên cơn, nhưng lần này lại khác hẳn mọi lần, cứ ho ra máu luôn luôn. Lúc gia phụ nói là hơi tắc cổ, khí huyết nhộn nhạo, chân khí không sao điều hòa được. Vừa rồi gia phụ đã uống linh dược của đại sư ban cho, bây giờ thấy hơi dễ chịu một tí, nhưng gia phụ nói, có lẽ lần này không… Nói tới đây chàng bỗng nghẹn ngào, phải ngừng giây phút mới nói tiếp được:
- Cho nên gia phụ mới sai đệ tử sang mời đại sư qua bên đó một phen.
Lão hòa thượng thở dài một cái, rồi nói:
- Vân Nhạc, việc này sớm muộn thế nào cũng phải phát sinh, con còn lạ gì nữa. Nhưng điều cần nhất là con chớ có tỏ vẻ lo âu trước mặt cha con, để ông ta khỏi khó chịu. Trong hai ba ngày nữa chắc chưa hề gì đâu. Con hãy trở về trước bần tăng sẽ sang sau.
Thiếu niên nọ vâng lời, cúi chào xong, liền ra khỏi phòng, qua sơn môn, xuyên cánh đồng dưới chân núi, rồi lên núi Di Lạc, khi tới đỉnh ngừng lại, xung quanh thấy bốn bề không có bóng người, mới hít mạnh một hơi đơn điền chân khí, giở khinh công thượng thặng ra, nhảy lên phía trên như vượn nhảy hạc bay vậy, chỉ trong chốc lát đã lên tới đỉnh chót vót. Thiếu niên nọ thở nhẹ một cái, rồi tiến về phía sau núi.
Hậu sơn không có một cây cỏ nào, chỉ toàn là đá. Những núi thuộc vùng này đa số không có cây cỏ vì nơi đây là mỏ quặng. Chỉ thấy thiếu niên nọ chạy như bay, tới một chỏm núi tận cùng, liền ngừng chân lại. Nơi đây một bên là vách núi lởm chởm, một bên là hang sâu. Trước mặt thiếu niên có một tảng đá cao mười mấy trượng, phía trên có hở một cái khe khá lớn. Thiếu niên nhún vai một cái nhảy lên cao bảy tám trượng, khi đuối sức sắp rơi xuống, thấy chân chàng đạp lên nhau, co mình một cái lại lên được năm sáu trượng cao nữa.
Đột nhiên chàng giương hai tay ra, lượn một vòng đã nhẹ nhàng rơi xuống một hòn đá ở trong khe. Tuyệt đỉnh khinh công của chàng vừa biểu diễn gọi là Thế Vân Tung hay là Thất Cầm thân pháp, là một thế khinh công rất khó luyện và rất ít người biết tới.
Khe núi đó rất thấp, thiếu niên đó phải cúi đầu mới vào được cái động ở cạnh khe.
Bỗng nghe thấy một giọng già yếu ớt hỏi:
- Vân, lão sư phụ đã tới chưa? Thiếu niên đáp:
- Thưa cha, lão sư phụ sắp tới đấy ạ.
- Ừ.
Tiếng nói của ông già yếu ớt và sầu não khác hẳn mọi ngày, thiếu niên nghe thấy lo âu vô cùng.
Trong động chỉ có một ngọn đèn dầu, thắp cả ngày đêm, vì không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, trong động lúc nào cũng tối om như ban đêm. Động này có hai căn thạch thất, do nhân công tạo nên. Căn trong bày những: lò,bàn, ghế, bát, chén, rổ rá, vân vân, ngoài ra ở góc phòng có một đống sách mấy chục cuốn.
Căn ngoài chỉ có hai cái chõng tre bày hai bên. Một ông cụ già nằm trên chõng phía Tây, người gầy gò, hơi thở hổn hển, tóc dài và rối bù, hình như đã lâu chưa gội và chải chuốt.
Thiếu niên bước vào vội đến ngồi cạnh cụ, rồi nói:
- Cha, ngực đã đỡ đau chưa? Vừa nói chàng vừa phành áo ông cụ ra, hai tay cứ xoa bóp liên tiếp.
Hình như thấy dễ chịu hơn, ông cụ thở dài một cái, liền nói:
- Vân con, mấy năm liền con vất vả quá, tội nghiệp cho con. Có nhiều việc con còn chưa hay biết. Cha cứ để mãi trong lòng, không dám kể cho con hay, là sợ phân tâm học võ của con đi. Nhưng bây giờ cha tự biết dầu đã sắp cháy cạn, rời khỏi thế gian này chỉ là chuyện chốc lát thôi. Nên mối thù huyết hải của cha, đều trông mong vào mình con báo trả đấy. Tất cả nhân quả và lai lịch xuất thân của cha, Minh Lương đại sư đều biết rõ hết. Lát nữa lão sư phụ tới sẽ do ông ta nói cho con hay. Cũng may con đã trưởng thành, cha đỡ phải lo ngại, chỉ có một điều hơi ân hận là cha chưa thấy con thành gia lập thất thôi.
Thiếu niên nghe người cha nói xong, nước mắt chảy quanh, vội nói:
- Sao cha lại nói những lời tiêu cực như thế làm gì? Lão sư phụ nói… Chưa dứt lời, chàng thoáng thấy cửa động có bóng người, một luồng gió nhẹ đưa tới, Minh Lương đại sư đã vào tới trong động rồi.
Thiếu niên đứng dậy cúi chào, ông cụ cũng cố gượng định ngồi dậy. Lão hòa thượng giơ tay ra cản, mỉm cười nói:
- Văn huynh, cứ việc nằm xuống thì hơn. Bây giờ huynh không nên cử động nhiều.
Nói xong, lão hòa thượng đưa luôn một viên thuốc, ông cụ cầm lấy uống liền, cười chua chát một tiếng rồi nói:
- Vậy đệ xin vâng theo.
Nói tới đó, ho một tiếng, ông cụ lại nói:
- Đại sư hà tất phải mất công như vậy, chỉ mất viên thuốc quý báu Trường Xuân đơn này thôi. Chớ sự thật sáng nay đệ đã tự thăm mạch rồi, thấy lục mạch tán loạn, không còn cách gì cứu vãn được, dù có linh đơn diệu dược, cũng không thể nào kéo dài thêm ba ngày thọ. Như vậy thà sớm ngày lìa khỏi trần còn hơn là giằng giai thế này mãi. Chỉ vì chưa dứt tâm niệm, cho nên đệ mới cho cháu Vân sang mời đại sư, để nhờ vả đôi chút. Bấy lâu nay cháu Vân được đại sư chỉ điểm cho rất nhiều, nhưng cháu nó vẫn chưa tận lễ đệ tử, đệ muốn bắt đầu từ ngày hôm nay, cháu Vân xin bái làm môn hạ của đại sư, mong đại sư dạy bảo cho cháu nghiêm ngặt một chút nữa, năm sau xin truyền thụ cho nó Hiên Viên Chân Kinh của đệ nhặt được. Khi nào thành nghề đại sư mới cho nó hạ sơn truy sát kẻ thù, và tại sao có mối thù oán này cũng xin đại sư cho hay rõ nguyên nhân. Đây là lời yêu cầu trước khi vĩnh biệt của đệ, xin đại sư vui lòng nhận.
Lão hòa thượng mỉm cười nói:
- Những việc sau này đã có bần tăng xử trí, Văn huynh hãy nên tịnh dưỡng, không nên nói nhiều mà hao tổn tinh thần, nên ngủ một giấc thì hơn.
Nói xong, lão hòa thượng giơ tay ra khẽ điểm yếu huyệt bệnh nhân, ông cụ ngủ thiếp đi tức thì.
Lão hòa thượng nghĩ một lát liền nói:
- Vân Nhạc, con lại đây.
Thiếu niên đang đứng cạnh giường cha khóc, nghe thấy đại sư gọi liền tới ngay.
Lão hòa thượng thở dài một tiếng, rồi nói:
- Vân Nhạc con chớ có bi thương quá như vậy. Người đời có ai tránh khỏi cái chết đâu? Cha con được tắt nghỉ trên giường như thế này đã phúc đức lắm rồi. Người trong giang hồ đã có mấy ai được như thế này đâu?… Đã đôi ba phen rồi, cha con cứ nài bần tăng nhận con làm đồ đệ, bần tăng cực lực từ chối, không phải là bần tăng có ý nghĩ gì khác đâu. Sở dĩ bần tăng không nhận dạy con là vì tất cả tăng lữ trong chùa Bảo Hoa không ai biết lão Hòa thượng này biết võ giỏi cả. Tối đa chúng chỉ có thể đoán bần tăng hơi biết chút võ nghệ để luyện tập cho khoẻ mạnh thôi. Khi con đã bái lão hòa thượng này là sư phụ thì phải thay đổi xưng hô, vả lại cha con nhiều kẻ thù lắm, vạn nhất sơ hở để chúng biết chuyện, không những đại địch thâm thù của cha con kéo tới đây náo loạn mà còn gây cho chùa Bảo Hoa thêm tai ách, ta từ chối mãi là thế. Mấy năm nay con đã học hết võ công của cha con rồi, duy có kinh nghiệm còn hơi kém. Lão hòa thượng này thấy nhân phẩm xương cốt căn bản của con đều khá, đã hứa trong lòng từ lâu rồi nhưng chưa tới thời cơ, không chịu nhận ngay mà thôi. Từ ngày hôm nay trở đi, con là môn đồ của lão, đến giờ lão sẽ đến dạy võ công cho con, chớ có lui tới bên chùa luôn luôn, để tránh tai mắt của mọi người, nghe chưa? Lúc này thiếu niên vừa đau đớn vừa hoan hỉ, cung kính quỳ xuống lạy ba lạy, cất tiếng gọi:
- Sư phụ.
Lão hòa thượng mỉm cười bảo thiếu niên đứng dậy.
Ba năm trước, thiếu niên đã nghe cha chàng nói Minh Lương đại sư võ công siêu thần nhập hoá. Hiện giờ trong võ lâm có lẽ không ai địch nổi.
Nghe đồn đại sư là môn đồ của Vô Vi thượng nhân ở Tráp Vân Nhai trên núi Bắc Thiên Sơn. Hai trăm năm trước đó, Vô Vi thượng nhân đã được thiên hạ tôn là đệ nhất kỳ nhân, sau không ai biết hành tung của thượng nhân cả. Cha chàng lại nói, nếu chàng học được một hai phần võ nghệ của Minh Lương đại sư cũng đủ thụ dụng cả một đời rồi, nay chàng lại được nhập môn của đại sư, nếu không vì cha bệnh nặng, thì có lẽ chàng sung sướng đến nhảy nhót như chim như vượn rồi.
Mời các bạn đón đọc Thái A Kiếm của tác giả Từ Khánh Vân.