Người đàn bà bị hủy diệt là một trong những tác phẩm cuối cùng của SIMONE DE BEAUVOIR và được coi là mang đậm tính văn chương hơn cả của bà.
Người Đàn Bà Bị Hủy Diệt là ba câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà với sự thanh xuân đã qua của họ và sự đương đầu với những khủng hoảng bất ngờ.
Trong câu chuyện mang tựa đề của cuốn sách, cuộc sống thanh bình của nữ nhân vật chính đã bị đảo lôn khi biết được chồng mình ngoại tình.
Trong tuổi biết khôn, một nữ giáo sư thành đạt, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, ngày một đau khổ vì đứa con trai duy nhất say mê người vợ trẻ với những giá trị trần tục của cô ta.
Trong Kịch một vai, người đàn bà giàu có, hư hỏng, ở nhà một mình trong đêm giao thừa, đã trút ra sự giận dữ và thất vọng của cả một đời người bằng những lời lẽ độc địa. Tình tiết hấp dẫn cộng với những hiểu biết tâm lý phụ nữ của tác giã khiến cho Người Đàn Bà Bị Hủy Diệt được xem như là cuốn sách hay nhất của nữ văn sĩ vào hàng danh tiếng nhất ở mọi thời đại.
***
Simone de Beauvoir, nữ văn sĩ Pháp (1908 – 1986), sinh tại Paris trong một gia đình tiểu tư sản. Năm 21 tuổi bà đậu thạc sĩ triết và dạy triết học tại các trường đại học ở Marseille, Roen và Paris. Năm 27 tuổi, gặp Jean-Paul Sartre, nhà văn, nhà triết học Pháp; người từ chối giải thưởng Nobel (1964) và được coi là cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh, bà trở thành môn đệ rồi sau đó, thành bạn đời của ông.
Năm 35 tuổi, Simone de Beauvoir bỏ nghề dạy học để theo nghiệp văn chương với tác phẩm đầu tay Người khách đàn bà (1945). Tiếp theo bà lần lượt cho ra mắt các tác phẩm Pyrrhus et Cinéas, Những cái miệng vô ích, Máu của người khác… Hai tác phẩm quan trọng nhất của bà là: Giới thứ 2 (1949) và Các đại trí thức (1954) trong đó Các đại trí thức đã mang lại cho bà giải thưởng Goncourt, giải thưởng văn học quan trọng nhất của Pháp.
Ngoài văn chương, Simone de Beauvoir còn viết nhiều tác phẩm triết học và hồi ký, đều tuân theo khuynh hướng hiện sinh của chồng.
Người đàn bà bị hủy diệt là một trong những tác phẩm cuối cùng của SIMONE DE BEAUVOIR và được coi là mang đậm tính văn chương hơn cả của bà.
TRUNG NGUYÊN
***
Phải chăng đồng hồ của tôi đã chết? Không. Nhưng dường như những chiếc kim của nó không còn chuyển động nữa. Hãy đừng để ý đến chúng. Hãy nghĩ về những chuyện khác – bất kỳ cái gì đó khác hơn; về ngày hôm qua chẳng hạn, một ngày yên ổn, dễ dàng, dù có sự căng thẳng vì chờ đợi.
Sự dịu dàng thức tỉnh. André nằm trong một tư thế kỳ quặc trên giường, người cuộn tròn, mắt bịt dải băng, một tay tỳ vào tường tựa như đứa trẻ. Giấc ngủ có hỗn độn và mệt mỏi, anh cần phải vượt qua nó để chứng tỏ sự bền vững của thế giới. Tôi ngồi xuống bên mép giường, đặt tay lên vai anh.
- Tám giờ rồi.
Tôi mang bữa sáng vào phòng sách, lấy ra cuốn đang đọc dở hôm trước, đã được một nửa. Thật buồn tẻ, tất cả là do thiếu giao tiếp. Nếu bạn thực sự muốn có sự giao tiếp, bạn phải hành động, không cách này thì cách khác. Tất nhiên không phải gặp gỡ với tất cả mọi người nhưng ít nhất cũng là hai hoặc ba người. Đôi khi tôi không cho André biết về tâm trạng, sự buồn rầu, những lo lắng vu vơ của tôi, anh cũng không nghi ngờ về những bí mật nho nhỏ đó, nhưng nhìn chung chúng tôi biết tất cả mọi chuyện của nhau. Tôi rót trà ra chén, trà Trung Quốc trong bình nóng và rất đặc. Chúng tôi uống trà và nhìn nhau xa xăm, mặt trời tháng Bảy tràn ngập căn phòng. Không biết đã bao lần chúng tôi cùng nhau ngồi bên chiếc bàn này, đối diện, cũng với bình và những tách trà nóng, rất đặc, đặt trước mặt? Và có lẽ chúng tôi sẽ còn ngồi với nhau như vậy vào ngày mai, suốt năm, và cả chục năm nữa… Vào thời điểm đó, không khí dịu dàng ngọt ngào của kỷ niệm và niềm vui của một lời hứa hẹn nào đó luôn ngự trị. Chúng tôi ba mươi hay đã sáu mươi tuổi?
Tóc André bị bạc từ khi anh còn trẻ; những ngày còn trẻ, mái tóc trắng này làm nổi bật làn da trắng mịn, trông anh càng bảnh bao. Giờ đây, mái tóc đó trông vẫn rất đẹp. Dù làn da đã nhăn nheo – dấu hiệu của tuổi tác – nhưng nụ cười trên miệng và trong đôi mắt anh vẫn lấp lánh. Bất cứ cuốn album nào của anh tôi cũng thấy sự nhất quán này, những bức ảnh thời trẻ không khác chút nào so với khuôn mặt bây giờ đây; tôi đã không thể nhận ra dấu vết của tuổi tác trong chúng. Một cuộc sống với đầy tiếng cười, nước mắt, cãi vã, say đắm, thú tội, im lặng và những cơn bột phát của trái tim đã không thể xóa đi bởi thời gian. Tương lai vẫn còn chưa thể xác định đầy đủ.
Anh đứng dậy.
- Anh hy vọng công việc của em tốt đẹp, – anh nói.
- Anh cũng thế chứ? – Tôi đáp.
Anh không trả lời. Đối với sự nghiên cứu, có những lúc không thể tránh khỏi, người ta không đạt được tiến bộ nào trong công việc; nhưng anh không chấp nhận điều đó dễ dàng.
Tôi mở cửa sổ. Paris oi ả dưới ánh mắt thiêu cháy của mùa hè, mùi nhựa đường và dấu hiệu của những cơn bão sắp đến. Mắt tôi dõi theo André. Có thể lúc này, khi tôi canh chừng sự biến mất của anh, thì anh lại tồn tại hiển hiện nhất, rõ ràng nhất; vóc dáng cao lớn nhỏ dần, mỗi bước chân vạch ra con đường mà anh sẽ quay lại; nó biến mất và đường phố dường như trống vắng; nhưng thực tế nó sẽ đưa anh trở về với tôi, như trở về với nơi cư trú tự nhiên của anh. Tôi thấy điều đó là chắc chắn, thậm chí còn trước cả sự hiện diện của anh.
Tôi đứng trên ban công một lúc lâu. Từ tầng bảy, Paris trải dài trước mắt tôi với những đàn bồ câu bay lượn trên những mái nhà lợp đá trông tựa như những lọ hoa ống khói lò sưởi. Những chiếc cần cẩu màu đỏ, hoặc vàng, đang vươn những cánh tay thép lên bầu trời: năm chiếc, bảy chiếc, mười chiếc. Tôi đếm được mười chiếc cần cẩu như vậy; xa hơn về bên phải tôi bắt gặp một bức tường cao vút với đầy các lỗ nhỏ – một khối nhà máy, tôi cũng có thể nhìn thấy những tòa nhà đang được xây dựng – dáng dấp như những tháp cao hình lăng trụ. Không biết từ khi nào đã có những chiếc ôtô đỗ ở phần đường nhánh của đại lộ Edgar – Quinnet? Tôi quan sát, phát hiện những nét mới mẻ của thiên nhiên; giờ thì tôi không thể nhớ nổi trước đây khung cảnh như thế nào. Tôi đã muốn có hai bức ảnh để cạnh nhau, trước đây và hiện nay, để tôi có thể thấy được sự khác nhau. Không, rõ ràng là không. Thế giới bản thân nó đang tồn tại trước mắt tôi như một hiện tại vĩnh cửu, tôi đã thích ứng với nó nhanh đến mức không nhận thấy có gì thay đổi.
Những thẻ tra cứu tài liệu và trang giấy trắng trên bàn thôi thúc tôi làm việc; nhưng từ ngữ cứ nhảy múa trong đầu khiến tôi không thể tập trung suy nghĩ được.
Mời các bạn đón đọc Người Đàn Bà Bị Hủy Diệt của tác giả Simone de Beauvoir.