Bạn đọc biết đến Phạm Hoàng Quân là một nhà nghiên cứu độc lập, với một hướng tiếp cận đặc biệt: nghiên cứu từ thư tịch cổ sử Trung Quốc để chứng minh chủ quyền Việt Nam trong lịch sử. Ông bắt đầu nghiên cứu Biển Đông và các đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ năm 2005 và đã được trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2015.
“Những mảnh sử rời” gom góp những bài viết và dịch trong hơn mười năm của ông, có bài rất dài như nghiên cứu “Minh thực lục và sách Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV-XVII” viết cả năm trời, có bài rất ngắn như “Cắt vài lát sử ở chỗ trung tâm thế giới” chỉ viết chừng một buổi, có bài viết lúc tinh thần bực bội với lời lẽ hơi gay gắt như “Bàn về địa danh Thất Châu Dương” với một học giả Trung Hoa, nhưng bù lại cũng có những bài vui vẻ, xuề xòa như “Bia, miệng và sử”. Những bài dịch có khi khởi từ bất chợt như một cách chia sẻ cùng nỗi niềm người trước hoặc có khi về những nghiên cứu của tác giả nước ngoài để qua đó học hỏi hoặc thêm nguồn tư liệu… Đại thể có thể coi đây là cuộc trải nghiệm rời rạc trong quá trình tự trau dồi qua sự tiếp cận ít ỏi vấn đề trong mênh mông lịch sử.
***
Những mảnh sử rời, tập hợp một số tiểu luận khoa học, bài báo về lịch sử của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân viết trong khoảng 10 năm qua, mới được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành, là một công trình nghiên cứu nghiêm cẩn và tinh tế, mang lại những lát cắt lịch sử độc đáo và góc nhìn diễn giải lịch sử thú vị.
Phạm Hoàng Quân được biết đến trong giới nghiên cứu cổ sử như một chuyên gia nghiên cứu độc lập. Trên cơ sở khai thác nguồn thư tịch cổ Trung Quốc, ông đã có những nghiên cứu xuất sắc về Biển Đông, với những công trình dịch thuật, chú giải, giới thiệu được đánh giá cao như: Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale, Xiêm La quốc lộ trình tập lục: Giao thông thủy bộ Việt - Xiêm năm 1810… Ngoài ra, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân còn tham gia hiệu đính, chú giải, giới thiệu hai bộ thư tịch lớn của Trung Quốc (liên quan đến lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX) là Minh thực lục và Thanh thực lục.
Những công trình của Phạm Hoàng Quân được nhiều học giả đánh giá cao, đặc biệt được đông đảo bạn đọc quan tâm và yêu thích lịch sử đón đọc. Còn cuốn sách mới, như tác giả tự nhận xét, “đại thể, có thể coi đây là cuộc trải nghiệm rời rạc trong quá trình tự trau dồi qua sự tiếp cận ít ỏi vấn đề trong mênh mông lịch sử”, với ba phần Sử liệu và nghiên cứu, Sử học và cuộc sống và Phiếm đàm đề cập tới vấn đề lịch sử nhưng cách diễn đạt, góc nhìn khác nhau. Độc giả sẽ thấy ở đó những nghiên cứu lịch sử nghiêm cẩn và tinh tế, những lát cắt lịch sử độc đáo và góc nhìn diễn giải lịch sử thú vị, trong tâm thế một nhà nghiên cứu tự do, hiện đại và luôn hướng đến cộng đồng.
Cần tận dụng sử liệu Trung Quốc trên tinh thần phê phán
Quan điểm của Phạm Hoàng Quân là cần sử dụng, tận dụng nguồn sử liệu Trung Quốc cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam dựa trên việc minh định, phê phán và chỉ ra những chỗ sai lạc, nhầm lẫn. Điều đó sẽ giúp khắc phục một hạn chế lớn là chúng ta rất thiếu tư liệu về mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam, do sử học thường phản ánh các cuộc chiến tranh và sự cầm quyền của các triều đại. Ngay cả về các cuộc chiến hay “chính sự” thì sử liệu Việt Nam cũng còn thiếu góc nhìn của “phía bên kia” để có thể hiểu biết và đánh giá khách quan hơn sâu sắc hơn về những sự kiện, nhân vật lịch sử trong bối cảnh cụ thể, nhất là trong quan hệ bang giao Việt – Trung thời cổ. Có thể thấy rõ điều đó trong phần Một Sử liệu và nghiên cứu gồm các tiểu luận, dịch thuật một số công trình sử học của Trung quốc, Việt Nam qua văn bản chữ Hán. Đây là phần khảo cứu sử liệu qua việc dịch, chú giải, hiệu đính, chú thích… hết sức nghiêm túc, thận trọng, được tiến hành bằng những phương pháp văn bản học dựa trên nguồn tài liệu tham khảo nguyên bản, phong phú, và được khai thác khá triệt để.
Ở phần này Phạm Hoàng Quân đã cho thấy, ý kiến cho rằng những sử liệu của Trung Quốc liên quan đến Việt Nam thường ít nhiều có sự xuyên tạc, không đáng tin cậy… là hoàn toàn có thể khắc phục được nếu nhà nghiên cứu có khả năng, điều kiện đọc sử liệu Trung Quốc bằng nguyên bản và vận dụng tri thức khoa học của những ngành liên quan thì sẽ nhận biết được mức độ chân, giả của sử liệu Trung Quốc nói riêng và sử liệu nước ngoài nói chung.
Vì vậy phần này có giá trị cao đối với người nghiên cứu, bởi: giá trị tư liệu từ ngôn ngữ gốc: Hán, Nôm, Hoa, Anh, Pháp…; giá trị khảo cứu “văn bản học”, vừa dịch, chú giải, đính chính, phê phán tư liệu; giá trị về nội dung thông tin lịch sử: tư liệu mới, nhận thức mới, cách tiếp cận mới.
Không ràng buộc bởi định kiến
Phần hai Sử học và cuộc sống gồm những bài viết thuộc thể loại lịch sử xã hội mang lại cho độc giả những kiến thức đa dạng và lý thú. Các khảo cứu của tác giả Phạm Hoàng Quân về người Hoa ở Chợ Lớn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, không chỉ là những thành tố văn hóa mà còn là nguồn gốc, đặc trưng và cả phần nào tâm lý xã hội của người Hoa thông qua những hoạt động văn hóa của họ. Bức tranh đa dạng của văn hóa xã hội Sài Gòn không thể thiếu sắc màu rực rỡ của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn.
Trong phần này tuy chỉ có một bài về Văn hóa biển qua thuyền cổ nhưng nó đã gợi lên cho độc giả và những nhà nghiên cứu một vấn đề quan trọng: kỹ thuật đóng tàu, thuyền và kỹ thuật hàng hải của người Phù Nam, Óc Eo hồi những thế kỷ đầu công nguyên đến “văn hóa biển” của quốc gia Việt Nam ngày nay, tất nhiên, gắn liền với đó là quá trình giao thương và bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của đất nước qua những giai đoạn lịch sử.
Các bài viết phê phán, chỉ ra thiếu sót của một số công trình nghiên cứu, sử liệu của nước ngoài liên quan đến lịch sử Việt Nam đã thể hiện nhãn quan chính trị dựa trên một cơ sở khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, thuyết phục. Đặc biệt, từ điều này mang lại một nhận thức mới cho độc giả: các nguồn sử liệu trong hay ngoài nước, “bên ta” hay “bên nó”, nếu nhà nghiên cứu tiếp cận từ ngôn ngữ gốc, không bị ràng buộc bởi định kiến chính trị hay thái độ học phiệt hoặc không có thái độ phân biệt nhà nghiên cứu hàn lâm, quan phương hay nhà nghiên cứu độc lập, “tay ngang”… thì sử liệu ấy sẽ được sử dụng và khai thác một cách khách quan, mang lại giá trị to lớn cho khoa học, nhất là khoa học lịch sử.
Phần ba gồm một số Phiếm đàm thể hiện một Phạm Hoàng Quân với góc nhìn sắc sảo, hóm hỉnh, ngôn từ hài hước và châm biếm, mà nếu chỉ tiếp xúc chúng ta thấy ông là người khá trầm lặng và chừng mực. Thông qua việc minh định những câu thành ngữ, tên người, một sự hiểu biết nào đó đã từ lâu “đóng đinh” trong tâm thức dân gian, nhưng hóa ra “coi vậy mà không phải vậy”. Bằng khảo cứu nghiêm túc và giọng văn nhẹ nhàng “tưng tửng”, tác giả Phạm Hoàng Quân đã đính chính cho những cái “sai mãi thành đúng” khá phổ biến mà phần lớn liên quan đến điển tích trong văn hóa Trung Hoa, nhân vật người Hoa ở Việt Nam. Cái sự “hiểu sai” chỉ một từ ngữ, ý tứ thôi cũng làm cho việc sử dụng xa “ngàn dặm” so với nguyên bản, mà trường hợp về nhân vật “Mạnh Thường Quân” là một điển hình.
Vài bài phiếm đàm nhân các sự kiện thời sự làm người đọc thích thú vì đã ‘khai quật” tận gốc rễ nhưng lại mới mẻ, dễ hiểu, người đọc nhận thấy văn chương báo chí còn là một thế mạnh của nhà nghiên cứu cổ sử này.
Công trình Những mảnh sử rời của Phạm Hoàng Quân một lần nữa khẳng định, tầm quan trọng của việc nghiên cứu đối sánh, thẩm định tài liệu văn bản gốc một cách khách quan, hiểu rõ vấn đề lịch sử và phê phán sử liệu bằng phương pháp khoa học. Nhất là đối với việc nghiên cứu về biển Đông, phương thức này tránh cho nhà nghiên cứu bị sa vào “mê hồn trận” những “tài liệu khoa học” mà hiện nay Trung Quốc cho xuất bản rất nhiều, dồn dập, phổ biến khắp nơi… Đồng thời cũng hạn chế tình trạng nghiên cứu khoa học “chạy theo” các sự kiện chính trị mà không đầu tư xứng đáng các nguồn lực cho tiến trình nghiên cứu từ cái gốc của vấn đề lịch sử, đó là các nguồn sử liệu.
Mời các bạn đón đọc Những Mảnh Sử Rời của tác giả Phạm Hoàng Quân.