Vào khoảng hai tuần trước khi bị bắn chết, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã mơ thấy hình ảnh chính bản thân mình bị ám sát.
Trước khi anh trai mất mạng trong một vụ nổ, nhà văn Mark Twain đã mơ thấy thi thể của anh mình nằm trong một cỗ quan tài.
Những sự kiện có thực, những cái chết có thực… nhưng lại được báo trước ở trong cõi hư ảo do chính con người vẽ nên.
Chuyện gì sẽ xảy ra…
Khi giấc mơ không đơn thuần chỉ là giấc mơ?
Khi sự đấu tranh giữa tham vọng và sự sống trở nên vô cùng khốc liệt?
Sợi dây liên kết giữa mộng và thực sẽ đi về đâu khi mà một ngày kia, con người bỗng có khả năng đi vào giấc mơ của nhau?
“Kẻ trộm giấc mơ” của Yasutaka Tsutsui - cuốn tiểu thuyết giả tưởng lừng danh về đề tài tâm lý học - có thể sẽ cho bạn một câu trả lời thỏa đáng.
Paprika – cô gái tự xưng là thám tử giấc mơ - luôn che giấu danh tính thực sự của mình là Chiba Atsuko, chuyên viên tâm lý hàng đầu Nhật Bản. Với mục đích chữa bệnh, Paprika đã phát minh ra DC Mini, một thiết bị có khả năng giúp các bác sĩ tâm lý xâm nhập vào giấc mơ của bệnh nhân.
Mọi việc có lẽ vẫn sẽ tốt đẹp nếu như một ngày kia, 3 chiếc DC Mini không bỗng dưng… biến mất?!
Trong cuộc hành trình tìm lại DC Mini của Paprika, những góc khuất đen tối của một xã hội Nhật Bản tù túng đến nghẹt thở đã dần hiện ra. Hóa ra bên trong những lớp mặt nạ che giấu đi bản ngã thực sự, con người đang ngày càng cảm thấy trống rỗng đến vô hồn.
Dựa trên học thuyết nổi tiếng về biện giải giấc mơ của nhà tâm lý học đại tài – Sigmund Freud, “Paprika - Kẻ trộm giấc mơ” của Yasutaka Tsutsui không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mang yếu tố phiêu lưu giả tưởng đơn thuần, mà đan xen bên trong nó còn lột tả những gì trần trụi nhất trong nội tâm con người ẩn sau những giấc mơ tưởng chừng như đẹp đẽ.
***
YASUTAKATSUTSUI
Sinh năm 1934 tại Osaka, tốt nghiệp Đại học Doushisha chuyên ngành Văn học.
Những tác phẩm tiêu biểu bao gồm:
Oinaru joso, Kyojin tachi (đoạt giải thưởng văn học Izumi Kyoka), Asa no gasuparu (đoạt giải thưởng lớn cho tác phẩm khoa học viễn tưởng Nhật Bản), Watashino guranpa (Đoạt giải thưởng văn học Yomiuri)…
***
Tokita Kousaku chậm chạp bước vào phòng điều hành. Thân hình anh dễ phải nặng đến hơn trăm ký. Không khí trong phòng nóng nực và đặc quánh.
Phòng điều hành của Tập đoàn tài chính Viện Nghiên cứu Tâm thần học thường chỉ có hai cán bộ thường trực là Tokita Kousaku và Chiba Atsuko, nhưng có tới năm chiếc bàn làm việc. Bàn của hai người được đặt trong góc, cạnh cửa sổ. Phòng điều hành ngay sát phòng nhân viên, vì cửa kính ngăn cách hai bên lúc nào cũng mở toang nên phòng điều hành nhìn giống như phần mở rộng của phòng nhân viên vậy.
Chiba Atsuko đặt chiếc bánh mỳ sandwich cùng tách cà phê cô mới mua ở cửa hàng tiện lợi trong Viện lên bàn. Cô không muốn ăn. Đã từ rất lâu, mọi bữa trưa của Atsuko đều như thế này. Thực ra cũng có nhà ăn chung để bệnh nhân và nhân viên trong Viện dùng bữa, nhưng thức ăn thường dở đến không thể nuốt nổi.
Vì chẳng có cảm giác thèm ăn nên Atsuko không phải lo lắng về chuyện tăng cân, cô luôn giữ được vẻ ngoài xinh đẹp cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận phỏng vấn với đài truyền hình bất cứ lúc nào, thế nên có thể coi đó là một điều may mắn. Nhưng đáng tiếc thay, ngoài việc sử dụng sắc đẹp vì mục đích trị liệu cho bệnh nhân, cô chẳng mảy may quan tâm gì tới diện mạo của bản thân cũng như đài truyền hình.
“Đang có tin đồn bệnh tâm thần phân liệt có khả năng lây nhiễm nên mọi người hoảng hốt lắm”, Tokita nói, đặt thân hình đồ sộ của mình vào chỗ ngồi bên cạnh Atsuko. Một chuyên viên trong Viện đã nhiễm chứng hoang tưởng. “Giờ ai cũng sợ không dám đụng đến máy quét và máy chiếu nữa.”
“Phiền thật nhỉ”, bản thân Atsuko chẳng nhớ đã trải nghiệm chuyện đó bao nhiêu lần, từ xưa đến nay ai ai cũng biết các chuyên viên tâm lý đều sợ bị nhiễm bệnh tâm thần phân liệt. Thậm chí còn có người ba hoa rằng bệnh có thể lây qua màng nhầy như mụn rộp. Từ khi những máy móc trị liệu tâm thần tân tiến như máy quét và máy chiếu được đưa vào sử dụng, nỗi lo ngại đó càng lúc càng trở nên có căn cứ hơn. “Chỉ những chuyên viên không muốn thấu hiểu bệnh nhân hay có xu hướng thích ‘đổ thừa’ mới hay lo lắng thế. Mà đúng ra, trải qua chuyện đó họ mới có cơ hội tự chữa trị cho bản thân trên cương vị một nhà tâm thần học chứ.”
“Đổ thừa” ở đây nghĩa là, khi không thể kết nối với bệnh nhân, bác sỹ trị liệu thường đổ lỗi cho những bất ổn về tâm lý mà bệnh nhân đang gặp phải. Đó chính là cơ sở của việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt hai mươi năm trước.
“Trời ơi, lại ngưu bàng xào cà rốt với gà chiên kiểu yuan* nữa à!”, Tokita mở nắp hộp cơm bento mẹ làm cho, bĩu đôi môi dày, phàn nàn với vẻ bất mãn. Anh sống cùng mẹ trong căn hộ dành cho chuyên viên của Viện. “Mất cả hứng ăn.”
Atsuko ngó vào hộp bento cỡ bự của Tokita, cảm giác thèm ăn bắt đầu trỗi dậy. Chắc chắn là cơm hộp rong biển đây rồi. Dưới đáy hộp là một lớp cơm trắng mỏng, bên trên trải rong biển khô tẩm nước tương, rồi lại thêm một lớp cơm nữa, đó là hộp cơm rong biển ngày xưa cô đã ăn không biết bao nhiêu lần. Trong hộp cơm ấy là những món ăn gia đình quen thuộc Atsuko vẫn hằng mong mỏi, là hương vị của những bữa cơm do chính tay mẹ cô nấu. Atsuko vốn không phải người khảnh ăn, thậm chí bây giờ cô còn cảm thấy mình sắp chết đói tới nơi luôn rồi.
“Thế để tôi ăn hộ cho”, cô quả quyết, nhanh chóng với tay qua. Atsuko dùng cả hai tay định nhấc hộp bento lớn đan bằng tre của Tokita lên, nhưng Tokita cũng phản xạ rất nhanh. “Còn lâu nhé”, anh nhấn hộp cơm trên tay Atsuko xuống.
“Anh vừa nói không muốn ăn còn gì”, Atsuko khá tự tin vào độ khỏe của đầu ngón tay mình. Cô cố giằng cho bằng được hộp bento từ tay Tokita.
Ngoài hộp cơm này ra, trong Viện không còn gì có thể thỏa mãn nổi cái dạ dày của Tokita nên anh cũng hừng hực quyết tâm. “Đã bảo bỏ tay ra cơ mà.”
“Ối chà chà”, Viện trưởng Shima Toratarou đứng trước hai người họ, mặt nhăn lại. “Hai ứng cử viên số một cho giải Nobel Sinh lý học và Y khoa lại đi tranh nhau cơm hộp thế này ư?”, ông rầu rĩ.
Shima Toratarou hay có thói quen rời phòng Viện trưởng, dạo quanh phòng các nhân viên rồi bất chợt bắt chuyện với mọi người. Vài nhân viên giật bắn mình khi bất thần có tiếng người từ phía sau, điều này chẳng tốt cho tim mạch của mọi người chút nào nên nhiều khi Viện trưởng cũng bị lời ra tiếng vào lắm.
Dù cấp trên cong môi buông lời mỉa mai, hai người kia vẫn không ai chịu nhường ai, tiếp tục giằng co trong thầm lặng. Trong một thoáng, Shima quan sát cảnh ấy với vẻ thất vọng thấy rõ, nhưng có lẽ sau khi thông cảm rằng trí óc thiên tài thường đi đôi với hành vi con nít, ông khẽ gật đầu vài lần.
“Cô Chiba, lát nữa đến phòng Viện trưởng gặp tôi nhé”, Shima khẽ nói, đoạn chắp hai tay sau tấm lưng hơi khòng của ông và thong thả đi bộ quanh phòng nhân viên như mọi khi.
“Nhưng dù là bác sĩ trị liệu đi chăng nữa, mắc chứng hoang tưởng giống bệnh nhân cũng đâu phải chuyện tốt đẹp gì”, Tokita nói, bất đắc dĩ chia nửa phần cơm của mình ra nắp hộp. “Cậu Tsumura lẫn lộn giữa nỗ lực tìm kiếm độc lập siêu việt và nỗ lực tìm kiếm độc lập thực nghiệm ở bệnh nhân. Cũng giống như người nhà họ hay mắc chứng hoang tưởng như chính người bệnh vậy đấy.”
Thế lại càng nguy hiểm hơn. Bởi trong mắt bệnh nhân, bác sĩ trị liệu trông sẽ chẳng khác gì một kẻ bịp bợm, cũng tương tự như việc họ cảm thấy bị lừa gạt khi người nhà tỏ ra thấu hiểu những vấn đề của họ. Tự mình phải phân tích anh chàng Tsumura này thôi, Atsuko thầm nghĩ.
Mời các bạn đón đọc Kẻ Trộm Giấc Mơ của tác giả Yasutaka Tsutsui.