Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bóng Tối Thời Con Gái

Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại Huế. Từ 1960 chuyển vào sống tại Saigon. Xuất hiện lần đầu trên tạp chí Hiện Đại số ra mắt với 3 bài thơ: Bài Nhã Ca Thứ Nhất, Ngày Tháng Trôi Đi và Thanh Xuân, bút hiệu Trần Thy Nhã Ca đã để lại một ấn tượng sâu sắc.

Thực ra, Nhã Ca đã có thơ, văn đăng từ rất sớm, trên tờ Văn Nghệ Học Sinh của Lê Bá Thảng, khoảng giữa thập niên 1950, với bút hiệu khác. Khi đó, nhà thơ Trần Dạ Từ, người bạn đời của bà sau này, phụ trách phần bài vở.

Trong 15 năm, từ 1960 đến ngày 30-4-1975, bà đã xuất bản 36 tác phẩm. Hai lần được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc. Lần thứ nhất, năm 1965 với thi phẩm “Nhã Ca Mới”. Lần thứ hai, 1966, với truyện dài “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”.

Nhã Ca Mới ấn hành năm 1964 với Nguyên Sa đề tựa, Dương Nghiễm Mậu viết bạt, Nghiêu Đề vẽ bìa, Duy Thanh, Nguyễn Trung vẽ chân dung, Đằng Giao, Cù Nguyễn, Viên Linh vẽ phụ bản. Tập thơ đã được trao giải Thi Ca Toàn Quốc.

Trong số các tác phẩm của Nhã Ca, “Giải Khăn Sô Cho Huế” viết về biến cố tết Mậu Thân 1968 tại Huế, đã khiến bà bị nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội giam cầm một thời gian và đưa bà - nữ tác giả duy nhất - vào danh sách 10 “Biệt kích văn hóa” ác ôn nhất ở Miền Nam Việt Nam cùng với Mai Thảo, Duyên Anh, Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, v.v… Sau đó, Nhã Ca được mô tả thành "nhân vật phản diện" trong tiểu thuyết điệp báo đăng nhiều kỳ trên báo Công An, rồi được in thành sách, dựng thành phim "Vụ Án Hồ Con Rùa".

Bà là nhà văn miền Nam đầu tiên và sớm nhất có tác phẩm được dịch qua 2 ngoại ngữ Pháp và Anh. Đó là các cuốn “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác” được Liêu Trương dịch sang tiếng Pháp với nhan đề “Le cannon tonnent la nuit” và cuốn “Đoàn Nữ Binh Mùa Thu” được Barry Hilton dịch sang tiếng Anh với tựa đề “The Short Times”.

Từ tháng 9-1988, bà cùng chồng là nhà thơ Trần Dạ Từ và các con rời Việt Nam sang Thụy Điển, nhờ sự can thiệp của P.E.N International và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson.

Từ 1992, định cư tại California, tiếp tục viết văn làm báo, cùng chồng sáng lập và điều hành hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ.

***

NĂM tôi mười bẩy thì chị Hiền lấy chồng. Chị Hiền lấy anh Thân, một giáo sư tư thục. Anh Thân người Bắc, hơi già so với tuổi chị Hiền, nhưng được cái dáng điệu nhanh nhẹn, trẻ trung.

Dĩ nhiên tôi cũng ở chung với anh chị, vì chúng tôi không còn bố mẹ. Anh Thân cũng là người mồ côi sớm giống như chị em chúng tôi. Anh di cư vào đây một mình, có một ít chú bác nhưng cũng ít liên lạc. Cuộc sống chung của chúng tôi vì thế cũng dễ chịu.

Hai chị em tôi vốn sống đùm bọc nhau từ nhỏ. Tôi không nhìn thấy mặt thầy mẹ tôi bao giờ nhưng theo chị Hiền thì tôi giống mẹ tôi lắm ; còn chị thì giống thầy tôi. Tôi cũng nghĩ như vậy vì hai chị em tôi đều không giống nhau cả về khuôn mặt cũng như tâm tính. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng tôi ít thương yêu nhau. Tôi thương và hết sức nghe lời chị Hiền. Mặc dầu tôi đã mười bẩy tuôi, nhưng đối với chị, tôi còn như một con bé lên mười, lên mười hay lên chín cũng vậy.

Chị Hiền có một tính dễ làm tôi khó chịu là không hay nói. Mỗi khi tôi có lỗi, chị chỉ lạnh lùng với tôi và cử chỉ lạnh nhạt đó làm tôi đau đớn còn hơn những vết roi quất. Nhưng từ năm tôi mười bảy và chị lập gia đình với anh Thân rồi thì chị dịu dàng với tôi hơn.

Anh Thân cũng rất vui tính. Có lẽ anh cũng rất thương mến tôi nhưng ít khi có dịp biểu lộ tình thương ấy vì tôi đã lớn… Ngày trước, khoảng hai năm trước đó, khi quen và yêu chị Hiền, anh vẫn thường dẫn tôi đi ăn kem, đi xi nê, hoặc tới thăm các bạn bè của anh, nhưng bây giờ thì không. Nhiều lúc, tôi cũng thấy là tôi đã mất luôn chị Hiền, vì chị là một người vợ tốt, thích chiều chuộng chồng và để hết tâm trí vào gia đình.

Ngôi nhà chúng tôi ở có hai phòng ở dưới và một căn gác nhỏ phía sau. Kiểu nhà thông thường ở Sàigòn, nhưng sang được một căn ở khu sạch sẽ, yên tĩnh như khu chúng tôi ở không phải là dễ. Tôi chiếm căn gác phía sau và sống một mình hầu như riêng biệt trên đó. Sự riêng biệt cũng nhiều khi làm tôi tủi thân, nhất là khi chị Hiền mang thai.

Khi nghe tin chị có thai, tôi thấy tình thương còn lại ở chị Hiền dành cho tôi như mất thêm đi một nửa. Có điều đặc biệt là từ đó anh Thân thường hay vắng nhà hơn trước. Nhưng chị Hiền không buồn. Chị nói với tôi là anh ấy cần phải làm việc nhiều hơn vì sắp làm cha. Gia đình, trong những ngày chị Hiền mang thai, có phần vui vẻ hơn. Anh Thân, chị Hiền đều có vẻ rạng rỡ và tôi chắc anh chị đều vui vẻ thật tình.

Anh Thân có nhiều bạn lắm. Thường thường chủ nhật họ hay kéo lại nhà ăn uống, hội họp, bởi chị Hiền làm thức ăn khéo léo nên các buổi hội họp rất vui. Với lại tính anh Thân vốn cởi mở, yêu thích bè bạn. Nhưng tôi thì không thích những ồn ào đó. Trong khi dưới nhà ăn uống vui vẻ, tôi rúc đầu trên căn gác đọc tiểu thuyết. Tôi cũng rất thích viết văn và ưa trở thành văn sĩ. Tôi tập viết đủ loại nhưng tôi không thành công về mặt này. Cuối cùng tôi xoay ra tập vẽ và muốn trở thành một họa sĩ. Thật bất ngờ, tôi có vẻ thành công hết sức về mặt này.

Anh Thân cũng như chị Hiền đều không đề ý tới những việc tôi làm. Lần đầu tiên trông thấy một bức tranh bột màu trên căn gác của tôi, anh ngạc nhiên, hỏi :

- Hạnh vác bức tranh này ở đâu về vậy ?

Mời các bạn đón đọc Bóng Tối Thời Con Gái của tác giả Nhã Ca.