Một người phụ nữ thuộc tầng lớp bần cùng và bị khinh rẻ nhất trong xã hội Ấn Độ, người phải đi nhặt phân sống của dân làng bằng đôi bàn tay trần. Một cô gái trẻ đang sống bình yên tại một miền biển nước Ý, ngày ngày cần mẫn làm việc trong xưởng sản xuất của gia đình. Và một nữ luật sư danh tiếng tại vùng biển Canada, với hai đời chồng, ba đứa con cùng một sự nghiệp đầy hứa hẹn.
Dải Sam là một câu chuyện cảm động về 3 người phụ nữ này, những người phụ nữ không chịu khuất phục trước số phận mà người khác đã định đoạt cho họ. Bạn có thể lướt qua họ hàng ngày trên đường phố. Trước con mắt vô tình của bạn, họ hiện ra như những người hết sức bình thường, nhưng bạn không hề biết về cuộc tranh đấu mà họ đang theo đuổi có khi phải đánh cược bằng cả mạng sống. Cuộc đấu tranh mà bạn không hề biết tới ấy, chúng thật sự phi thường. Smita, Giulia và Sarah sẽ khiến bạn phải tự hỏi: Nếu ở vào hoàn cảnh của họ, liệu bạn có thể có sự can đảm và quyết đoán đến thế không? Và rồi bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình, rằng ta buộc phải trở lên mạnh mẽ không ngờ khi ra rơi vào hoàn cảnh không có sự lựa chọn nào khác.
***
Ngay trong hai tuần đầu phát hành, tác phẩm “Dải sam” (tên gốc La Tresse) của nữ nhà văn người Pháp Laetitia Colombani đã tạo ra một cơn sốt mới khi cuốn sách này bán được 54.000 bản. Hai tháng sau đó, số ấn phẩm bán ra đã tăng thêm 15.000 bản. Tính đến tháng 3-2018, 340.000 bản của cuốn sách này được độc giả nồng nhiệt đón mua, đây thực sự là niềm ao ước của rất nhiều nhà văn.
Không những vậy “Dải sam” còn mang về cho Laetitia Colombani vô số giải thưởng danh giá như Cúp Văn học năm 2017; Quả cầu Pha-lê năm 2018…, một thành tích nổi bật trong chuỗi hoạt động nghệ thuật của cô.
“Dải Sam” xoay quanh số phận của ba người phụ nữ ở những quốc gia khác nhau. Thay vì thuật lại đời sống của từng nhân vật, tác giả đã lựa chọn cách kể xen kẽ từng khoảnh khắc cũng như các biến cố trong cuộc đời của những người phụ nữ ấy. Ba người phụ nữ ở ba vùng đất khác nhau và tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng với cách dẫn dắt của tác giả, người đọc đã cảm nhận được sự liên quan đầy thú vị giữa họ và dần tìm ra câu trả lời vì sao tác phẩm lại có tên gọi là “Dải Sam”.
Tác phẩm mở đầu với câu chuyện về Smita, một người phụ nữ Ấn Độ làm nghề dọn nhà xí. “Công việc của Smita đang làm, quả thật, không một từ ngữ nào có thể dùng để miêu tả được nó. Việc của cô là đi nhặt phân của những người khác với đôi tay trần từ sáng đến tối”. Smita vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên theo mẹ làm công việc này. “Cô đã nôn thốc, nôn tháo ở vệ đường. Smita đã học cách nín thở. Giá mà cô có thể sống mà không cần thở, nhưng rõ ràng là cô cần phải thở. Hãy nhìn xem cô ho đến mức nào. Cô cũng cần phải ăn nữa chứ. Đã từ lâu Smita mất đi cảm giác ngon miệng khi ăn. Đói ư? Cô đã không còn nhớ được cảm giác đói là như thế nào nữa rồi”. Không những vậy, cô không được phép chạm mặt những người dân làng và lại càng không được phép trò chuyện với họ. Cô không chỉ là kẻ bần cùng không ai đếm xỉa đến mà cô còn phải vô hình.
Chồng cô, Nagarajan làm nghề tìm bắt chuột với hai bàn tay không. Anh cũng không thể quên ngày đầu theo bố làm công việc này. Khi đó, anh mới lên 8 tuổi. Bố Nagarajan đã dạy anh cách nhận biết những lỗ nhỏ xíu, nơi trú ẩn của loài chuột trên mặt đất. Đó là những dấu hiệu vô cùng đặc trưng. Vào ngày hôm đó, khi anh luồn tay vào trong cái lỗ. Một cơn đau nhói chạy dọc làn da, con chuột đã cắn vào phần da mỏng nhất trên tay anh. Nagarajan đã hét lên và bàn tay anh đẫm máu. Những người Dalit như Nagarajan không được nhận thù lao, họ chỉ có quyền giữ lại những gì mình kiếm được và vì thế, chuột là những gì anh được nhận. Buổi tối, gia đình anh ăn những con chuột nướng với cơm.
Nghề nhặt phân và nghề bắt chuột đều là những công việc “cha truyền con nối”. Như lời tác giả đã viết, đó là “một vòng tròn mà không ai có thể thoát ra. Một cái nghiệp nặng nề!”.
Vào buổi sáng nọ, Smita đã đưa ra một quyết định liều lĩnh, đó là đưa con gái 6 tuổi của cô, Lalita đến trường. Cô cho rằng, đó là cách giúp con gái cô thoát khỏi cái công việc bẩn thỉu và bị xã hội khinh rẻ.
Nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng như những gì cô nghĩ. Dù lão thầy giáo đã nhận tiền của Smita và nhận con gái cô nhưng ngay trong ngày đến trường đầu tiên, tất cả những gì con bé Lalita nhận được chỉ là những làn roi mây đánh đập khiến làn da đứa trẻ “như bị chẻ nứt làm đôi, những vết máu vẫn còn mới đây. Sắc đỏ son tứa ra như dấu chân bindi trên trán”.
Đâu chỉ dừng lại ở đó, đứa trẻ 6 tuổi ấy còn phải hứng chịu những lời phỉ báng: “Mày sẽ chết trong đống phân như mẹ mày và bà mày. Sẽ chẳng có gì ở đây dành cho chúng mày, lũ tiện dân, thứ đồ bỏ đi của nhân loại, không có gì ngoài thứ mùi ô nhục ghê tởm đó, qua hàng thế kỉ, chỉ có phân của những kẻ khác, chất thải của thế giới này là thứ để chúng mày lượm lặt”. Đến giờ ăn trưa, lão thầy giáo còn tịch thu hộp cơm của Lalita và không cho cô bé ăn. Trước những hành động thô bạo, đầy khinh miệt, cô bé không khóc, không gào thét, không hé răng nửa lời, không cầu xin. Cô bé thật mạnh mẽ, đầy phẩm cách!
Smita cảm thấy tự hào cho sự dũng cảm của đứa con gái bé nhỏ nhưng người phụ nữ chưa bao giờ tỏ ra yếu mềm, đầu hàng trước những cay đắng mà cuộc sống đưa lại ấy bỗng chốc trở nên nhỏ bé như chính đứa con của cô và bật khóc cho những hy vọng nhỏ nhoi vừa bị dập tắt của cô. Cô đã khao khát nhưng không thể mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con gái của cô.
Tuy vậy, Smita không bỏ cuộc. Cô đã trải qua nhiều đêm không ngủ và khi cô nghe người ta nhắc đến Chennai, vùng đất dành riêng cho những người Dalit, nơi đó có trường phổ thông và đại học. Không những vậy, tới đó, gia đình cô sẽ không phải ăn thịt chuột mỗi bữa, cô chẳng còn phải đi nhặt phân. Cô và chồng sẽ tìm được công việc mới và họ sẽ được mọi người tôn trọng. Một tương lai tươi sáng đang hiện ra trước mắt cô. Và cô đã đưa ra một quyết định táo bạo nhưng cũng vô cùng nguy hiểm: bỏ trốn.
Anh Nagarajan, chồng cô tìm mọi lý lẽ để thuyết phục vợ. Anh lo sợ, khi bị phát giác, gia đình anh sẽ bị trừng phạt khủng khiếp. Chắc chắn, họ sẽ chết trong mục ruỗng, chết theo cách thảm khốc nhất có thể. Người ra sẽ không bao giờ buông tha cho con gái họ.
Và một điều khác, họ hoàn toàn trắng tay vì họ đã trao hết số tiền tích góp còm cõi cho thầy giáo Lalita để con bé được đi học. Smita quyết định lấy lại số tiền thầy giáo Lalita đã nhận của vợ chồng cô. Cô biết vợ lão ta giấu ở đâu và cô sẽ tới để cầm đi đúng số tiền của mình, không hơn một roupie.
Smita đã kiên cường mang theo đứa con gái bỏ trốn, kể cả khi chồng cô không đi theo. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, nỗi sợ hãi bị phát hiện trên suốt quãng đường trốn chạy, cuối cùng, cô và con gái đã an toàn đặt chân đến ga Tirupati. Smita quyết định không đến Chennai như dự kiến, cô sẽ cùng con gái đi về phía ngọn núi linh thiêng Tirumala để tạ ơn Lord Venkateshwara, vị “Chúa tể của Bảy Ngọn Đồi” – một trong những hoá thân của thần Vishnou. Người ta tin rằng, Ngài sẽ nghe thấy tất cả những lời thỉnh cầu trong đau khổ của người dân và biến những mong muốn đó thành hiện thực.
Khi bước chân đến Đền Thờ Vàng, Smita và con gái cũng giống như những người nghèo khổ khác, họ đã dâng lên Lord Venkateshwara thứ tài sản duy nhất của họ, đó là mái tóc. Truyền thống này vẫn được duy trì đến ngày nay dù tuổi đời của nó cũng lên tới cả hàng vạn năm. Người dân dâng lên thần linh mái tóc của họ nhằm thể hiện rằng, họ sẵn sàng hy sinh cái “tôi” của mình, chấp nhận xuất hiện trước Chúa trời trong hình hài khiêm nhường nhất, trần trụi nhất. Smita nhìn thấy dưới chân mình một mớ tóc đen huyền, đó từng là một thời trở một phần của cô nhưng giờ đã trở thành ký ức. Cô cảm nhận tâm hồn và thể xác mình hoàn toàn tinh khiết, như được ban phước lành và đã sẵn sàng cho một tương lai tươi sáng ở phía trước.
Tác giả không kể tiếp đoạn sau của cuộc đời Smita và con gái của họ ra sao nhưng bà đã ưu ái dành những lời văn tràn đầy hy vọng để kết thúc câu chuyện của Smita như sau: “Khi rời khỏi Điện Thờ Vàng, tay nắm chặt tay con gái, Smita không cảm thấy buồn bởi cô biết chắc một điều, trước lễ vật của họ, Chúa Trời sẽ biết cách để tỏ lòng đền đáp”.
Ai sẽ giúp Giulia cứu lấy xưởng làm tóc bên bờ vực phá sản của gia đình cô?
Mái tóc của hai mẹ con Smita đã vượt qua nhiều đại đại dương và bao vùng đất để đến với xưởng làm tóc của gia đình cô gái Giulia (sống ở Sicillia, nước Ý). Chính mái tóc của những người phụ nữ như Smita đã mang đến cuộc sống mới cho xưởng làm tóc lâu đời ngấp nghé bờ vực phá sản của gia đình Giulia cũng như mối tình rạo rực, đầy yêu thương giữa cô và người đàn ông nhập cư, không xu dính túi.
Có thể nói, tác giả đã dành những trang văn vô cùng lãng mạn để miêu tả chuyện tình giữa Giulia và người đàn ông khiến cô chưa bao giờ cảm thấy bối rối đến thế, Kamaljit Singh. Lần đầu tiên cô gặp Kamal là khi anh xuất hiện trong một lễ diễu hành trên phố. Và lần đầu tiên họ bắt chuyện với nhau là khi cô vô tình gặp lại anh tại một thư viện. Lần này, cô đã bạo dạn tiến gần đến anh và ngỏ ý giúp anh lựa chọn một cuốn sách cải thiện khả năng viết bằng tiếng Ý. Chàng thanh niên da sẫm màu Kamaljit Singh đã cầm lấy cuốn sách và không quên cảm ơn cô trước khi ra về.
Ngày hôm sau, Giulia quay trở lại thư viện và ấp ủ niềm hy vọng thầm kín sẽ được nhìn thấy anh thêm một lần nữa. Và điều mong ước ấy đã hiện ra trước mắt cô. Cô thật sự bất ngờ và trái tim cô như ngừng đập khi nhìn thấy chàng trai kia đang đứng đúng chỗ họ trò chuyện ngày hôm và vô tình ngước mắt về phía cô như thể anh đang chờ cô tới. Thì ra, lý do anh đến đây là bởi, anh muốn mang tặng cô một chai dầu ô liu ở trang trại anh làm việc để cảm ơn cô. Cảm động trước sự chu đáo, dịu dàng và phẩm cách của anh, Giulia ngỏ ý mời anh đi dạo vài bước cùng cô trên con đập chắn sóng.
Kể từ sau ngày hôm đó, cả hai gặp nhau mỗi ngày. Họ hẹn nhau ở thư viện, cùng nhau đi ăn trưa và cuối cùng là đi dạo bên bờ biển. Điều khiến cô vừa tò mò vừa thích thú ở người đàn ông này là vì anh không giống như những người đàn ông trong gia đình cô. Nét tính cách phổ biến của họ là gia trưởng, dễ nổi nóng và ngoan cố.
Chuyện tình của họ ngày càng đi xa hơn, cho đến một ngày, Giulia dẫn anh đến một cái hang, không ai biết tới. Cô muốn chỉ cho anh thấy, đó là nơi thỉnh thoảng cô thường tìm đến để đọc sách. Đó thực sự là nơi yên tĩnh, ẩm ướt và tối tăm. Và rồi chuyện đó cũng đã đến!
Mời các bạn đón đọc Dải Sam của tác giả Laetitia Colombani.