“Cuốn sách của Wendy Mogel khiến độc giả cảm thấy an tâm. Đây quả thực là một phước lành.”
- Lisa Belkin, The New York Times
“Đây chính là giọng nói mà mỗi bậc phụ huynh đều mong ước tìm thấy khi ngụp lặn trong sự bối rối của việc nuôi dạy con ngày nay: kiên nhẫn, hiểu biết, cảm thông và được đưa ra từ cả kiến thức nghề nghiệp lẫn trải nghiệm cá nhân.”
- Judith Warner, tác giả các cuốn sách Sự điên rồ hoàn hảo (Perfect Madness) và Chúng ta có vấn đề (We’ve got issues)
“Đây là cuốn sách gối đầu giường cho tất cả các bậc phụ huynh, dù họ theo tôn giáo nào… Dạy con kiểu Do Thái: Sự may mắn của điểm B trừ cho độc giả thấy họ đang có rất nhiều điều may mắn. Mogel đã cố gói ghém rất nhiều lời khuyên thông thái trong khuôn khổ một cuốn sách.”
Nhật báo Người Do Thái ở San Diego
“Cuốn sách với nội dung sâu sắc về việc làm sao để nuôi dạy nên những thanh thiếu niên kiên cường, đã đưa ra rất nhiều kiến thức hợp tình hợp lý. Bạn sẽ cảm thấy được an ủi và nhắc nhở rằng dù những năm tháng khi bọn trẻ đến tuổi vị thành niên rất khó khăn nhưng rồi con bạn sẽ trở thành những người lớn tự tin và hạnh phúc.”
Tạp chí Phụ nữ Do Thái
“Cuốn sách hay nhất về chủ đề nuôi dạy trẻ vị thành niên.”
Điểm sách Rosebud
“Thông minh, dí dỏm và cuốn hút, cuốn sách này là kiến thức quý giá với tất cả những ai có con ở tuổi vị thành niên.”
Rabbi Harold S. Kushner, tác giả cuốn sách
Khi người tốt gặp chuyện xấu
(When bad things happen to good people)
“Khả năng biến những tri thức cũ trở nên mới mẻ của Wendy Mogel thật phi thường. Bản thân cô cũng là một người phụ nữ uyên bác. Các bậc phụ huynh ở Mỹ - và do đó cả trẻ em Mỹ nữa - nên biết ơn cô.”
Leon Wieseltier
“Tất cả chúng ta nên biết ơn cuốn sách Dạy con kiểu Do Thái: Sự may mắn của điểm B trừ này. Cũng giống như Wendy Mogel, cuốn sách này rất vui nhộn và nhiều kiến thức. Nó sẽ cho các bậc phụ huynh thứ họ cần: quan điểm về một công việc phức tạp và thường khiến bạn phát điên -nuôi dạy trẻ vị thành niên.”
TS. Michael Thompson, tác giả cuốn sách
Chuyện con trai: Sự phát triển của con trai bạn từ khi mới chào đời đến năm 18 tuổi
(It’s a boy: Your son’s development from birth to age 18)
“Wendy Mogel đã cho chúng ta một tài liệu thuyết phục và thú vị về những sai lầm của việc làm cha mẹ và phải làm sao với chuyện đó. Với các bậc cha mẹ quá quan tâm đến con cái, đây là cuốn sách không thể bỏ qua.”
Patrick Basset, Chủ tịch Hiệp hội Trường học Độc lập Quốc gia
“Trong cuốn sách đặc biệt thẳng thắn và bổ ích này, Wendy Mogel đã đưa ra những lời khuyên thực tế và quan điểm tích cực về tất cả các vấn đề, lớn và nhỏ, mà mọi gia đình - dù có niềm tin và các nền tảng văn hóa khác nhau - đều phải đối mặt khi con cái đến tuổi vị thành niên. Đó là một giọng nói hài hước, lý trí, sáng suốt và đầy cảm thông trong một nền văn hóa được thúc đẩy bởi tính cạnh tranh thái quá, đề phòng thái quá và hiếu động thái quá. Dạy con kiểu Do Thái: Sự may mắn của điểm B trừ truyền cảm hứng và an ủi bạn. Quan trọng hơn cả, cuốn sách đáng đọc này cho chúng ta những công cụ mình cần để trở thành những ông bố bà mẹ tự tin và tỉnh táo hơn. Đó không phải là trí tuệ Do Thái mà là trí tuệ của con người. Và tôi luôn biết ơn về điều đó.”
Katrina Kenison, tác giả cuốn sách
Món quà của một ngày bình thường
(The gift of an ordinary day)
Bộ sách Dạy Con Kiểu Do Thái gồm có:
***
Chú thích của tác giả
Trừ những phần được chú thích riêng, tất cả những giáo huấn Do Thái giáo trong cuốn sách này đều được lấy từ các nguồn sau: Chú giải Kinh Thánh và hầu hết các bản dịch từ tiếng Do Thái được lấy từ cuốn Torah: Chú giải hiện đại (The Torah: A Modern Commentary) (Liên hiệp Giáo đoàn Do Thái Mỹ, New York, 1981) của Rabbi W. Gunther Plaut, Ngũ thư và chú giải của Rashi(The Pentateuch and Rashi’s Commentary) (Nhà xuất bản S. S và R., New York, 1949) của Rabbi Abraham Ben Isiah và Rabbi Benjamin Sharfman. Các bản dịch khác là của cuốn Tanakh:(1) Bản dịch Kinh Thánh mới (Tanakh: A new translation of the Holy Scriptures) (Philadelphia and Jerusalem, 1985). Khi lựa chọn giữa ba cuốn này, tôi thường kết hợp chúng lại với nhau.
Trích dẫn các câu nói của thánh Moises Maimonide là từ bản dịch và chú thích của cuốn Torah truyền khẩu: Luật lệ và đạo đức của Maimonide (Mishneh Torah: Maimonides code of law and ethics) (Công ty xuất bản Tiếng Do Thái, New York, 1994). Các giáo huấn trong Talmud Babylon được lấy từ ấn bản Schottenstein của Talmud Bavli (Nhà xuất bản Mesorah, New York, 1993). Các trích dẫn về quan điểm của Rabbi Girondi về sự hối hận trong Chương 8 và của hoàng tử Rabbi Judah về niềm vui trong Chương 9 từng được Rabbi Joseph Telushkin trong bản sử dụng tóm tắt kinh điển Trí tuệ Do Thái (Jewish Wisdom) (William Morrow, New York, 1994).
***
Tôi đã đánh mất niềm tin và tìm được niềm tin mới
Tôi từng có 15 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn tâm lý trẻ em và tôi rất yêu thích công việc này. Từ ô cửa sổ văn phòng trên tầng 7, theo hướng bắc sẽ thấy Hollywood Hills(1) và theo hướng tây là Beverly Hills(2). Các gia đình đến văn phòng tư vấn đều sinh sống tại những khu vực lân cận. Phần lớn thời gian tôi tiến hành kiểm tra tâm lý và thực hiện liệu pháp tâm lý với trẻ em. Cũng giống như những người bước vào nghề chữa bệnh, tôi rất hài lòng khi tìm ra căn nguyên của vấn đề, sau đó hướng dẫn cha mẹ và trẻ cách khắc phục.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như các gia đình đến gặp tôi đều có cuộc sống lý tưởng. Cha mẹ tận tâm nuôi dưỡng những đứa con thành đạt, vui vẻ, tâm lý ổn định. Họ tham dự tất cả các trận thi đấu bóng đá của con. Họ sẽ hét thật to: “Đội Green Hornets ơi, tấn công đi!” để cổ vũ cả đội, thay vì chỉ cổ vũ cho con trai mình. Phụ huynh tham dự các buổi hội thảo ở trường và họ chú ý lắng nghe. Họ tích cực tham gia các hoạt động của con. Họ thuộc lòng tên tuổi và cá tính nổi bật nhất của ba người bạn thân thiết nhất của con. Nếu con bị điểm kém, cha mẹ sẵn sàng thuê ngay gia sư hoặc nhà trị liệu giáo dục.
10 năm trước, tôi bắt đầu cảm thấy có sai sót cơ bản trong việc nuôi dạy trẻ. Tôi nhận thấy khuôn mẫu kỳ quặc trong hoạt động kiểm tra, tôi bất mãn lắm. Tôi quá quen đối mặt với những nỗi khốn khổ về tâm lý ở mọi cấp độ, từ những đứa trẻ có tâm lý cực kỳ bất thường đến những đứa trẻ có vẻ hơi hơi ảo não. Tôi thường phải báo tin buồn phiền và đầy thất vọng cho các phụ huynh. Tôi thường phải nói: “Mặc dù Jeremy thuộc rất nhiều ca khúc trên truyền hình và có vẻ sáng dạ, lanh lợi, nhưng chỉ số IQ của bé thấp hơn hẳn mức bình thường và bé cần phải tham gia khóa học đặc biệt.” Hoặc là: “Max rửa tay nhiều đến vậy không phải vì bé kỹ tính đâu. Hành vi này của bé là triệu chứng của chứng rối loạn xung lực ám ảnh và triệu chứng này được thấy trong các bài kiểm tra tâm lý mà tôi giao cho bé.”
Tôi vẫn nghĩ đó là những ngày “báo tin xấu” và tôi không bao giờ mong ngóng đến ngày đó. Nghe báo cáo của tôi, phụ huynh thường tỏ vẻ phản kháng. Cũng dễ hiểu thôi vì tình yêu thương mãnh liệt và nỗi lo sợ khủng khiếp, đa số các cha mẹ sẽ phủ nhận và đó là tấm chắn khó có thể xuyên thủng. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều đón nhận thách thức, quyết xử lý vấn đề của trẻ bằng lòng thương cảm và sự tận tâm.
Thật may mắn vì hồi đó cũng có rất nhiều ngày “tin tốt,” khi tôi thông báo với cha mẹ trẻ rằng vấn đề của trẻ nằm trong giới hạn bình thường, nghĩa là trẻ có thái độ, tâm trạng và hành vi có thể chấp nhận đối với độ tuổi nhất định. Lòng dạ tôi nhẹ nhõm khi thông báo thông điệp an ủi, rằng chỉ đơn giản vì trẻ đang trải qua giai đoạn khó khăn và rằng tâm lý chung của trẻ hoàn toàn lành mạnh.
Tôi bắt đầu nhận thấy một xu hướng vô cùng kỳ lạ: một số cha mẹ được báo “tin tốt” không hoan nghênh tin tốt của tôi. Họ thất vọng thay vì cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu như không có bất ổn, nếu như không có sự chẩn đoán, không có rối loạn, vậy thì trẻ không thể ổn định được. “Con tôi đang sa sút!” các bậc phu huynh lo âu phàn nàn như vậy. Và tôi cũng đồng tình với họ. Con cái của những người cha người mẹ cao thượng này đang phát triển không bình thường.
Trong cả ngày dài, một số trẻ gặp phải nhiều khó khăn. Buổi sáng, trẻ kêu ca này nọ. “Con đau bụng… Con không muốn đi học vì Sophie từng là bạn thân nhất của con, và giờ bạn ấy vẫn thế… Huấn luyện viên Stanley bất công lắm. Thầy ấy muốn bọn con chạy quá nhiều chặng đường.” Sau khi tan học, trẻ lại phải đối mặt với trận chiến xem khi nào và ai sẽ hoàn thành bài tập về nhà, hoặc những nhu cầu mong muốn không có điểm dừng: “Bạn nào lớp con cũng có giày đế bằng… Các bạn đều được xem phim PG-13(3) hết… Bố mẹ các bạn cũng cho các bạn ấy xỏ lỗ tai… Các bạn ai cũng được nhiều tiền tiêu vặt hơn con.”
Còn tại bàn ăn là cuộc xung đột về món ăn vốn đã được nấu xong xuôi và liệu trẻ có hứng thú ăn hay không. Đến giờ ngủ, trẻ càng kêu ca nhiều hơn nữa: “Con chỉ xem một chương trình nữa thôi mà… Tai con bị đau… Chân tay con đau lắm… Con sợ ngủ tắt đèn lắm.” Khi cha mẹ cố gắng giải thích (“Con phải đi học bởi vì… Con cần phải ăn tối vì… Con phải đi ngủ vì…”) thì trẻ bỗng nhiên trở thành các luật sư nhí, sẵn sàng đưa ra luận cứ để đáp trả mỗi lời giải thích đó.
Có vẻ như các vấn đề điển hình này rất bình thường, là đặc trưng của mối bất đồng bình thường giữa con trẻ và cha mẹ. Nhưng những tình tiết mà phụ huynh mô tả với tôi không hề bình thường chút nào. Những rắc rối thường ngày cứ kéo dài dai dẳng và chỉ tạm ngưng trong một vài tình huống nhất định. Các chi tiết được gắn kết như sau: nếu trẻ cảm thấy được bảo vệ trước các mối nguy hiểm, hoặc trẻ an tâm trước áp lực phải tỏ ra có trách nhiệm, hoặc được tạo đủ hào hứng để có thật nhiều điều thú vị để làm, trẻ sẽ nguôi giận, có tinh thần hợp tác, vui vẻ và lễ phép. Nhưng hiếm hoi lắm mới có những khoảnh khắc như thế. Phần lớn thời gian cha mẹ và trẻ đều vô cùng khổ sở và tuyệt vọng.
Một trẻ trong số những trẻ này ở ngoài đường biên của “giới hạn bình thường.” Tôi vẫn thường được đề nghị xử lý các ca bệnh tè dầm ra giường, táo bón, điểm kém của các trẻ có chỉ số IQ cao, hoặc trẻ gặp các khó khăn nghiêm trọng trong việc kết bạn và duy trì tình bạn. Nhưng các trẻ này không nằm trong danh mục các ca “tin xấu”. Dường như không trẻ nào phải trải qua bất kì liệu pháp bệnh học tâm lý thực sự nào. Thay vào đó, tất cả mọi người – từ trẻ đến cha mẹ - dường nhưcó rất ít thời gian vui vẻ bên nhau.
Tôi đánh mất niềm tin
Tôi được đào tạo để tin vào tâm lý học, vào liệu pháp “chữa bệnh bằng lời nói.” Tôi được dạy để hỗ trợ về mặt tâm lý nhưng không được chỉ trích phê bình, nhưng càng ngày tôi càng có nhiều phán xét hơn. Tôi thấy sự bất ổn nhưng không thể đưa vấn đề đó vào sách hướng dẫn chữa bệnh. Khi làm việc với trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy mình là bảo mẫu được-trả-lương-cao. Khi làm việc với cha mẹ của trẻ, tôi có cảm giác như mình đang kê đơn thuốc Tylenol(4) cho bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp tính. Khi cần đến sự giám sát và hướng dẫn, tôi tham khảo ý kiến của hai thầy thuốc lâm sàng kỳ cựu có những quan điểm mà tôi vô cùng kính trọng. Tôi quay trở lại với liệu pháp chữa bệnh, để xem mình có chút phản kháng vô ý thức nào trong việc hiểu rõ khách hàng và con cái của họ không. Vẫn không hiệu quả. Khi mô tả những đứa trẻ với tâm trạng bồn chồn đó, tâm trí tôi vẫn xuất hiện các từ ngữ cũ kĩ: hay dỗi, ương bướng, cứng đầu, tham lam, nhút nhát, hờ hững, hống hách. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu các vấn đề này có thuộc phạm trù bệnh nào khác chứng bệnh mà tôi đang cân nhắc hay không, hay liệu có phải chỉ riêng tâm lý liệu pháp khó lòng chữa khỏi các vấn đề này không – các vấn đề về tính cách. Tôi thất bại với chính chương trình đào tạo của mình.
Lời than vãn của người mẹ thời hiện đại
37 tuổi, tôi bắt đầu tìm kiếm phương pháp tư vấn khác. Trong 10 năm làm việc, tôi dành phần lớn thời gian để tìm ra triết lý mới của việc nuôi nấng con cái và tận dụng tốt điều đó, và xét theo đúng nghĩa về nội tại và bên ngoài, cuộc sống của tôi rất giống với cuộc sống của các gia đình mà tôi tham vấn. Giống như họ, tôi cũng cảm thấy gánh nặng trên vai. Vợ chồng tôi có hai cô con gái nhỏ, và mặc dù gia đình tôi cũng thuê người giúp việc nhưng chúng tôi vẫn phải tự mình đảm trách phần lớn việc chăm sóc con. Khi các con lớn hơn, tôi quyết phải tham gia tất cả các tình tiết dù là nhỏ bé nhất trong cuộc sống của con: tự làm bánh sandwich tươi và tự nấu ăn cho con, hướng dẫn con tắm táp, giám sát con làm bài tập về nhà, lập kế hoạch vui chơi giải trí và sáng nào cũng vẫy tay tạm biệt con giống y như Harriet Nelson(5). Cũng giống như rất nhiều bà mẹ mà tôi tư vấn, tôi cũng muốn trở thành một người mẹ tích-cực, và cũng như họ, tôi có rất nhiều hoài bão khác. Tôi muốn tiếp tục công việc chuyên môn, có sức khỏe, được đi xem phim, được chăm sóc vườn tược, mỗi tuần đọc tối thiểu một tạp chí chuyên ngành và một cuốn sách, ngày nào cũng đọc báo, đứng đầu các tổ chức hoặc ban ngành tại trường học của con, nướng bánh… và học thổi kèn saxophone.
Đương nhiên là tôi cũng muốn các con được tạo mọi cơ hội để thành công. Vì vậy, cùng với việc phải làm bài tập ở trường, bài tập ở nhà, các buổi đi chơi đã được lên lịch sẵn, mỗi tuần một buổi, từng bé lại được đi học nhạc và thi thoảng còn có gia sư đến tận nhà kèm cặp nếu bé bị điểm kém. Mỗi cuộc hẹn được ghi sẵn trong hai quyển lịch - một quyển lịch đại treo trong bếp và sổ hẹn của tôi. Đứa nào cũng có lịch kín mít học và chơi.
Hàng ngày, tôi dậy lúc 6:15 để chuẩn bị bữa trưa và tiễn con lên xe đến trường. Hầu hết mỗi sáng tôi đều đến phòng tập thể dục hoặc đi bộ nhanh với bạn, sau đó đi làm. 4 giờ chiều, khi các con về nhà thì tôi đã kiệt sức, và đến 10 giờ tối, tôi ở trong trạng thái bị thôi miên. Việc này không nằm trong kế hoạch – tôi muốn dành thời gian buổi tối ở bên chồng, xem phim, làm tình, hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện về những chuyện bên ngoài gia đình. Tối nào tôi cũng thề là tối mai sẽ thức khuya với anh, nhưng tối hôm sau tôi lại giống anh hai vợ chồng mệt mỏi ngủ lăn ra sau một ngày dài nhiều việc.
Dù mệt lả nhưng tôi ngủ không ngon. Tôi thường tỉnh dậy giữa đêm, nhìn đồng hồ và thấy những con số không mấy thiện cảm như 1:25 hoặc 3:30 sáng. Mỗi ngày đều không có đủ thời gian cho tất cả các mối lo lắng của tôi, vì vậy chúng ùa đến trong giấc mơ. Tôi vẫn thường chào đón các cơ hội này để tự ngẫm lại mọi chuyện. Nhưng thông thường, tôi dành thời gian để tổ chức cả trăm nhiệm vụ chuyển động vốn sẽ lấp kín cả ngày sắp tới: Cô giáo Susanna gửi về gia đình tờ giấy nhắn có ghi “mai mang lõi cuộn giấy vệ sinh.” Tôi thì nghĩ món đồ này khác với lõi cuộn giấy vệ sinh. Chắc chỉ là lõi cuộn thôi. Tôi có nên tháo giấy của cuộn giấy trong bếp ra và đặt chồng giấy thừa sang bên cạnh, hay tôi nên đưa con đi học mà không mang theo lõi cuộn giấy vệ sinh, và khiến con có nguy cơ bị đứng ngoài hoạt động nghệ thuật nào đó?
Khi đêm đến, mối lo lắng lớn nhất của tôi là tuổi tác. Tôi sinh Susanna khi 35 tuổi và 39 tuổi mới sinh Emma, tôi không thể nào ngưng toan tính về tương lai… Khi Emma 21 tuổi, tôi sẽ 60 tuổi. Nếu trẻ hơn, liệu tôi có nhiều năng lượng hơn dành cho bọn trẻ hay không? Tôi sẽ bao nhiêu tuổi khi các con xây dựng gia đình? Có lẽ nào là 70 tuổi ư? Lúc đó liệu tôi có còn sống trên đời này không? Bạn bè tôi sẽ khó lòng sống thọ đến khi các cháu nội ngoại kết hôn. Chúng tôi phải làm sao đây?
Một lời mời
Vào thời điểm đó, tôi không bao giờ có thể hình dung ra điều này, nhưng những lời răn của Do Thái giáo đã làm dịu mối hoài nghi và lo lắng trong tôi. Điều này không diễn ra một sớm một chiều, mà mất nhiều năm, nhiều tháng tôi mới phát hiện ra các ưu tiên và giá trị có thể làm nguôi nỗi sợ hãi của bản thân, giúp tôi có cái nhìn lạc quan về tương lai.
Sự việc diễn ra không lâu sau cuộc tham vấn thất bại của tôi với hai thầy thuốc lâm sàng kỳ cựu. Tôi quyết định cho rằng thêm nhiều liệu pháp nữa cũng không giúp gì được cho mình và tôi tạm thời từ bỏ công cuộc tìm kiếm hướng đi mới. Tôi giảm bớt thời gian làm việc để có thêm thời gian ở bên Susanna, lúc đó con bé mới 2 tuổi, rất thích khám phá thế giới. Trong một buổi đi chơi, tôi nhận lời cô bạn Melanie là sẽ cùng cô tham dự buổi lễ Rosh Hashanah(6) tại thánh đường Reform gần Bel Air(7). Chắc cũng hay ho, tôi thầm nghĩ vậy. Tôi và Susanna đều ưa thích các sự kiện văn hóa. Tuần trước, tại công viên, mẹ con tôi có khoảng thời gian tuyệt vời trong lễ hội khiêu vũ quốc tế. Bây giờ chúng tôi sẽ có cơ hội được xem những người Do Thái tại miền Tây Los Angeles tổ chức ngày lễ tôn giáo cổ xưa. Chắc chắn lúc đó tôi không hề mong đợi buổi đi chơi này sẽ thay đổi cuộc đời mình.
Tôi được nuôi dạy (bởi cha mẹ cũng theo đạo Do Thái) mà biết rất ít ỏi về truyền thống Do Thái, đến mức đôi lúc tôi còn nghĩ mình là kẻ cải đạo. 8 tuổi, tôi biết rõ sự khác biệt giữa loài trai nhỏ và loài trai non thường được ăn sống, giữa món súp sò khoai tây của Manhattan và New England. Kiến thức của tôi về cá nonkosher(8) vượt xa kiến thức về Ngũ thư. Thủa ấu thơ, mỗi năm các nghi lễ Do Thái của gia đình tôi chỉ kéo dài đúng 5 giờ đồng hồ: cầu nguyện thắp nến Hanukkah(9) (5 phút để thắp nến, nhân với 8 buổi tối), cộng với bữa tiệc Seder(10) 4-tiếng được tổ chức tại nhà dì Florrie. Năm nào cha tôi cũng một mình tham dự các buổi lễ trong mùa lễ Rosh Hashanah và Yom Kippur(11) tại giáo xứ làng bên và gia đình tôi không phải là thành viên của giáo xứ đó.
Mời các bạn đón đọc Sự May Mắn Của Cái Đầu Gối Bị Trầy Xước của tác giả TS. Wendy Mogel.