Tác phẩm Là người Nhật - Lịch sử, Thi ca và Kịch bản học quá trình hình thành chế độ toàn trị của A. N. Mesheriakov, một nhà Nhật Bản học nổi tiếng, là phần tiếp theo của cuốn Hoàng đế Minh Trị và nước Nhật Bản của Ngài - một bestseller của ông. Tác phẩm mới này nói về giai đoạn đầy bi kịch trong lịch sử Nhật Bản nửa đầu thế kỉ XX, giai đoạn đất nước này đang rơi nhanh vào vực thẳm của chế độ toàn trị. Những cuộc chiến tranh do Nhật Bản tiến hành trong giai đoạn đó đã gây ra biết bao đau khổ cho chính nhân dân Nhật Bản cũng như nhân dân các nước khác.
Lần đầu tiên, tác giả cho ta thấy cơ chế quản lí và đặc biệt là cơ chế văn hóa đã tạo điều kiện cho nhà cầm quyền huy động quần chúng một cách thành công chưa từng có. Ông cố gắng tìm hiểu người Nhật giai đoạn đó, con đường mà đất nước lựa chọn hấp dẫn họ ở điểm nào. Ông tập trung vào những vấn đề hết sức lí thú như quan niệm của người Nhật đối với thể xác và tinh thần, đối với tuổi già và tuổi trẻ, đối với mình và với người.
Đây là tác phẩm không thể thay thế cho tất cả những người muốn đi sâu tìm hiểu lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Người dịch
***
Cũng như những thế kỉ trước, thế kỉ XX là thế kỉ của những điều không tưởng, vấn đề là, những điều không tưởng của thế kỉ XX khác hẳn với những điều không tưởng của quá khứ. Khác không chỉ ở tính chất của những ước mơ mà còn ở quy mô của những mưu toan nhằm hiện thực hóa chúng nữa. Sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, giao thông và thông tin liên lạc đã dẫn đến việc hiện đại hóa công nghệ quản lí, cho phép huy động vào công cuộc xây dựng tương lai tươi sáng một lượng người lớn chưa từng có, nó tạo điều kiện cho nhà nước thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống, khiến số lượng nạn nhân cũng ở mức độ chưa từng có. Đô thị hóa làm cho cơ chế kìm hãm và nền đạo đức cũ sụp đổ, những giá trị và định hướng cũ mất dần ý nghĩa. Dân chúng rất dễ bị lừa mị, nhân dân biến thành đám đông ngay trong chớp mắt.
Mưu toan xây dựng các chế độ không tưởng được thực hiện cả ở Liên Xô, cả ở nước Đức quốc xã lẫn nước Nhật. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa cộng sản quốc tế, nước Đức quốc xã xây dựng “trật tự mới ở châu Âu”, còn nước Nhật phong kiến thì xây dựng khu vực thịnh vượng chung của các dân tộc Á Đông. “Tương lai tươi sáng”, “Sứ mệnh vĩ đại”, “Hòa bình vĩnh cửu”, “Hạnh phúc cho tất cả mọi người” đã nghiễm nhiên bước vào từ điển của các chế độ không tưởng đó. Phương tiện để thực hiện những mục tiêu này chính là bạo lực. Bạo lực đối với chính nhân dân nước mình và với các dân tộc khác. Bạo lực đối với thông tin, đối với văn hóa, đối với thể xác và bạo lực quân sự. Cho nên, để thực hiện các tư tưởng không tưởng, ở cả ba nước nói trên người ta đều thiết lập một hệ thống cai trị. Hệ thống này phải được gọi là chủ nghĩa toàn trị.
Thuật ngữ này rộng hơn khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa xã hội quốc gia” hay “chế độ quân chủ”. Nó gom vào cùng một nhóm những chế độ và cơ cấu nhà nước đặc thù: đối với các chế độ này, đời sống của con người chẳng có một chút giá trị gì. Vì vậy, nhà nước tự giành lấy cho mình quyền - cả về mặt đạo đức lẫn pháp lí - thâm nhập vào mọi lĩnh vực có thể tưởng tượng được, nó tước đoạt ngay cả quyền sống độc lập của con người. Nó tạo ra một kiểu người không đủ sức suy nghĩ một cách độc lập về những lợi ích cá nhân và “ích kỉ” của chính mình.
Động viên, kế hoạch, chủ nghĩa tập thể, thống nhất, đấu tranh là những đặc trưng gắn liền với đời sống và hệ tư tưởng của những nhà nước đó. Lợi ích của những con người cụ thể bị lờ đi và bị coi là chủ nghĩa cá nhân thối tha. Đơn vị xã hội là giai cấp, đất nước và dân tộc. Con người chỉ được coi là có “đầy đủ giá trị” khi đã hòa nhập vào quần chúng. Những đám quần chúng này có niềm tự hào riêng của mình, họ coi mình là những người làm nên lịch sử, và rất dễ rơi vào tình trạng bị kích động, thậm chí còn lấy làm hài lòng vì bị kích động nữa.
Người ta thường nghĩ rằng dân chúng luôn luôn là nạn nhân của những chính trị gia khôn khéo và bất lương, những kẻ lúc nào cũng chỉ theo đuổi quyền lợi ích kỉ. Tôi cho rằng hiểu như thế là không đúng. Phần lớn các chính trị gia và sử gia vẫn còn là tù nhân của những ảo tưởng “mị dân”: nhân dân bao giờ cũng đúng. Còn nếu nhận thấy ở nhân dân có điều gì đấy tiêu cực thì bao giờ họ cũng bảo rằng nhân dân đã bị lừa bịp. Nghĩa là trước những sự kiện đang diễn ra, “người dân bình thường” không phải chịu bất kì trách nhiệm đạo đức nào, nhân dân bị coi là những đứa trẻ vị thành niên và không thể bị đưa ra xét xử. Kể cả xét xử trước tòa án của lịch sử. Cách hiểu như thế, theo tôi, là vô trách nhiệm và đầy khiếm khuyết. Nhà nước toàn trị là kết quả hoạt động của rất nhiều người, mỗi người trong số họ phải chịu phần trách nhiệm của mình.Phần trách nhiệm của mỗi người dĩ nhiên là khác nhau, nhưng những mưu toan “biện hộ” cho nhân dân nhất định sẽ đưa đến sự băng hoại cả về mặt đạo đức lẫn thể xác của họ.
Cả Nhật, Đức và Liên Xô đều tiếp cận với quá trình công nghiệp hóa tương đối muộn. Nhưng quá trình công nghiệp hóa lại diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, tay chân hoạt động nhanh hơn đầu óc, tình cảm không theo kịp máy móc. Trong khi tự hào với sức mạnh quân sự và công nghiệp của đất nước mình thì người dân lại khao khát tinh thần gia trưởng xưa cũ. Sự phát triển của nền văn minh đô thị dẫn đến sự đa dạng, mà đôi khi lại bị coi là hỗn loạn. Sự phân chia trong nội bộ làng xã thành “mình” và “họ” đã được mở rộng sang các giai cấp và dân tộc, và đạt đến biên giới quốc gia chứ không còn giới hạn trong làng xã nữa. Bị đẩy từ nông thôn lên phố thị, con người bị cắt rời khỏi cội rễ và những cơ chế kìm hãm của xã hội truyền thống. Họ trở thành những chủ thể độc lập của quá trình sáng tạo của lịch sử. Trong khi đó, họ lại là những người nhu nhược và là đối tượng tuyệt vời cho việc ru ngủ và những thủ đoạn lừa gạt khác. Chính họ cũng muốn “thống nhất” tình cảm và cảm xúc của mình vì không thể chịu đựng nổi những thử thách của sự cô đơn và chủ nghĩa cá nhân. Họ thường xuyên bị những căng thẳng, những cơn rối loạn thần kinh và thái độ hung hãn giày vò; họ sẵn sàng tìm và dễ dàng tìm được kẻ thù. Ở cả trong cũng như ngoài biên giới quốc gia.
Xã hội trở thành một đội quân cực kì đông đảo, tất cả các chiến binh đều sẵn sàng thi hành mệnh lệnh ngay lập tức. Đàn ông lí tưởng không phải là người có thể tự đưa ra quyết định mà là người chiến sĩ sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh một cách vô điều kiện. Thực tế là không có ngoại lệ, mọi người đều được xếp vào đội ngũ, không ai được quyền hành động một cách độc lập. Phụ nữ và trẻ con cũng được yêu cầu trở thành những người giống như mẫu đàn ông nói trên. Và họ cũng vui vẻ đi theo con đường đó. Tất cả đều muốn đoàn kết với những người còn lại. Tất cả đều sợ cảnh cô đơn.
Cả Nhật, Đức và Liên Xô đều tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của họ là hòa bình. Nhưng không nước nào trong ba nước nói trên có thể tồn tại và muốn tồn tại trong điều kiện hòa bình. Chiến tranh - giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc, giữa các chủng tộc và giai cấp - là điều kiện tồn tại chủ yếu của họ. Nhà nước toàn trị chỉ có thể tồn tại trong không gian ngày càng được mở rộng, khi các cơ quan như quân đội và công an có nhiều quyền lực hơn các cơ quan dân sự, khi lĩnh vực đối nội phải phục tùng các mục tiêu đối ngoại. Tính chất không tưởng của những mục tiêu nói trên nhất định sẽ xung đột với bản chất của con người, bạo lực sẽ ngày càng gia tăng và sự chống đối cũng tăng theo. Chính vì vậy mà thời gian tồn tại của chủ nghĩa toàn trị mới ngắn như thế, cơ chế tự hủy đã được cấy sẵn vào trong lòng nó ngay từ đầu.
Trong nhiều nước “tiên tiến” thế kỉ XX, nghệ thuật quản lí con người mới được phát minh (giáo dục bắt buộc và giống nhau, chế độ quân dịch chung cho tất cả mọi người, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng), cũng như sự phát triển chưa từng có của khoa học và kĩ thuật đã dẫn đến niềm tin ngây ngô và nguy hiểm vào khả năng vô hạn của nhà nước cũng như khả năng huy động của nó. Các nhà nước thế kỉ XIX không thể cấp súng cho hàng triệu người dân của mình. Các nhà nước này cũng không thể động viên hàng trăm ngàn người tham gia những cuộc biểu tình ủng hộ họ. Họ cũng không thể bắt buộc dân chúng mơ ước rằng hai mươi năm sau cuộc đời sẽ tốt hơn hẳn. Và muốn thế thì phải hi sinh. Trong thế kỉ XX, niềm tin như thế đã trở thành tài sản chung, các ảo thuật gia đã nắm được quyền điều khiển cuộc chơi. Rất ít người nghi ngờ, nếu có cũng không thể át được tiếng nói của đám đông; điều đó đã dẫn đến kết cục bi thảm cho hàng trăm triệu người. Tất cả đều chịu chung hậu quả: cả những người nghi ngờ lẫn các ảo thuật gia và những người muốn được họ dắt mũi nữa.
Các đảng viên quốc xã, những người dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản và đảng viên cộng sản Liên Xô có quan niệm khác nhau về thiên đường trên cõi thế. Thiên đường quốc xã không có người Do Thái và người Di-Gan, nhưng có những sắc dân khác, đấy là những sắc dân phải lao động vì hạnh phúc của dân tộc thượng đẳng. Trong thiên đường Nhật Bản với tên gọi “Khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á”, Nhật Bản vĩ đại là người truyền bá ánh sáng và đức hạnh, là người dẫn các dân tộc bị những tên đế quốc “da trắng” áp bức bước vào tương lai. Thiên đường chính là sự “hài hòa” hay địa vị rõ ràng và dứt khoát cho các dân tộc, mỗi dân tộc sẽ có vị thế tương xứng của mình. Thiên đường cộng sản được mường tượng như là một xã hội thuần nhất, không còn dân tộc, không còn giai cấp, mọi người đều bình đẳng.
Mặc dù có những khác biệt như thế, nhưng phương pháp xây dựng thiên đường thì lại giống nhau đến lạ lùng. Các kiến trúc sư không tưởng luôn theo dõi nhau và với thái độ đầy ngờ vực, nhưng lại sẵn sàng bắt chước kinh nghiệm của nhau, coi đó là sản phẩm của chính mình. Chủ nghĩa toàn trị có đặc điểm là mang tính quốc tế, hệ thống toàn trị này không thể tồn tại nếu không có hệ thống kia. Chế độ toàn trị Nhật Bản cáo chung ngay sau khi chế độ toàn trị quốc xã sụp đổ. Sau đó chế độ toàn trị Xô Viết rơi vào giai đoạn hấp hối và tự sụp đổ - không có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ bên ngoài, khả năng sáng tạo của nó đã suy kiệt một cách nhanh chóng.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Đức và Liên Xô là những người dễ bị kích động và thiếu văn hóa. Nói về đạo đức, những người cầm quyền Nhật Bản ăn đứt giới lãnh đạo chóp bu của Đức và Liên Xô. Họ chưa từng kêu gọi giết người, nhưng ngôn từ không tưởng của họ nhất định sẽ dẫn đến giết người. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Đức và Liên Xô đều tin vào sứ mệnh thiêng liêng và khẳng định tính độc đáo của đất nước mình. Họ tin rằng mình nắm được chân lí và có những bản thiết kế thần thánh, họ sẽ xây dựng tương lai theo đúng những bản thiết kế đó. Ý tưởng về tương lai tươi sáng đã làm họ lên cơn say. Họ không hề nghĩ rằng điều khiển một đất nước trong tình trạng say sưa là một việc làm vô cùng nguy hiểm, cho cả mình lẫn những người xung quanh, nguy hiểm hơn cả lái xe trong tình trạng say rượu.
Nhưng thuật ngữ “chủ nghĩa toàn trị” không xóa nhòa hiện tượng là phương pháp xây dựng chế độ toàn trị trong mỗi nước lại có những khác biệt cực kì sâu sắc. Chế độ toàn trị ở mỗi nước lại có những cơ chế đặc thù về văn hóa và dân tộc. Cái nhìn từ vũ trụ tưởng là giống nhau thì trên mặt đất hóa ra lại khác nhau. Khác với Đức và Liên Xô, cơ cấu bộ máy nhà nước Nhật, mà trung tâm của nó là vị hoàng đế thiêng liêng, không cần phải chứng minh tính chính danh của mình. Vì vậy mà hào quang hàng thế kỉ luôn luôn tỏa ra xung quanh những lời có cánh và những ẩn dụ mà nó sử dụng. Viện dẫn truyền thống là biện pháp rất thịnh hành ở Nhật. Tách hẳn khỏi các sự kiện lịch sử thì không một tư tưởng gia nào có thể hi vọng thành công. Vì vậy mà các kiến trúc sư toàn trị Nhật Bản không có tinh thần dũng cảm và táo bạo như các “đồng sự” của họ ở phương Tây. Cũng vì vậy mà chế độ toàn trị Nhật Bản không thể (không muốn) tạo ra được “phong cách” hoành tráng (trong nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, văn học), dù còn lâu mới làm người ta nhớ tới những công trình sáng tạo được chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản hà hơi tiếp sức.
Khi viết tác phẩm này, không chỉ sự tương đồng mà tính đặc thù trong quá trình xây dựng xã hội toàn trị Nhật Bản cũng làm tôi băn khoăn lo lắng. Tính đặc thù xuất hiện khắp nơi: trong các mục tiêu, trong tương tác giữa giới tinh hoa cầm quyền với xã hội, trong các phương pháp giáo dục con người lí tưởng, trong bức tranh về thế giới, trong động cơ hành động, trong phong cách sống và chết. Nói cách khác, tôi cố gắng tìm hiểu: Người Nhật trong nửa đầu thế kỉ XX là những người như thế nào. Vì rằng “người Nhật” trong giai đoạn này đã không hoàn toàn có nghĩa như trước đây nữa. Khi viết tác phẩm Hoàng đế Minh Trị và nước Nhật Bản của Ngài*, với các sự kiện kết thúc vào năm 1912 - tức là khi vị hoàng đế này băng hà - tôi cũng đặt ra cho mình nhiệm vụ mô tả cảm quan của chính người Nhật Bản: cuốn Là người Nhật là phần tiếp nối của tác phẩm nói trên. Những ai đã đọc tác phẩm trước hẳn có điều kiện khẳng định rằng người Nhật vẫn nói tiếng Nhật, nhưng tiếng Nhật bây giờ đã khác trước. Dĩ nhiên là mỗi người Nhật đều đã sống một cuộc đời riêng, mỗi cuộc đời đó đương nhiên cũng không chỉ là thực hiện những chức năng mà xã hội và nhà nước giao cho từng người. Tuy nhiên vẫn có một cái gì đó giống nhau, chính cái sự giống nhau này đã đưa số phận của từng cá nhân vào một mẫu số chung. Tôi đã cố gắng quan sát những chiếc kim nhằm gắn kết, nhằm biến những cái riêng thành mẫu số chung đó.
A. N. Mesheriakov, Hoàng đế Minh Trị và nước Nhật Bản của Ngài, Moskva: Natalis, 2006.
Chế độ toàn trị Nhật Bản kéo dài không lâu. Tác phẩm này mô tả quá trình hình thành, hoạt động và cáo chung, cũng như những tình cảm liên quan đến quá trình xây dựng nó. Xây dựng chế độ toàn trị là một công việc to tát, có hàng triệu người tham gia. Có cả những diễn viên chính lẫn những kẻ “cờ đèn kèn trống”. Nhưng tất cả bọn họ đều là diễn viên của cùng một vở kịch. Một vở kịch không thể diễn đến lần thứ hai. Dù có đầy đủ tính khoa trương, thiếu tự nhiên và xung động như mọi chế độ toàn trị khác, chế độ toàn trị Nhật Bản, về bản chất, là hiện tượng cực kì nghiêm túc. Trên sân khấu không có gì là giả mạo hết, tất cả các diễn viên đã sống và chết một cách nghiêm túc. Trong vở kịch này không có chỗ cho sự tự trào, chính vì vậy mà bao giờ nó cũng có kết cục khủng khiếp.
Câu chuyện kết thúc vào giai đoạn người Mĩ chiếm đóng Nhật Bản, đặt dấu chấm hết cho chế độ và con người toàn trị Nhật Bản - kẻ sáng tạo ra (cũng đồng thời là sản phẩm của) chế độ đó. Trên đống đổ nát của chế độ cũ, từ con người “Nhật Bản tan hoang” bắt đầu hình thành một con người Nhật Bản hoàn toàn khác. Đấy là con người có nhiều điểm chung với hình ảnh đã ăn sâu vào nhận thức của độc giả trong nước hiện nay (ý nói nước Nga - ND), quá trình hình thành nên người Nhật Bản mới này là đề tài của một câu chuyện khác. Tác phẩm này mới chỉ đề cập sơ qua mà thôi.
Tôi, tác giả cuốn sách này, sinh năm 1951, là sản phẩm của xã hội toàn trị. Tôi bước vào đời đúng lúc xã hội đó bắt đầu quá trình phân rã. Khi còn là học sinh, rồi đội viên và vào đoàn, tôi vẫn chưa có ý niệm gì về những vấn đề toàn trị, những vấn đề vốn đã là hiện thực khách quan của cuộc sống vô tư lự. Nhưng, như tôi nhớ, từ khi bước chân vào đại học, những lí tưởng mà chủ nghĩa cộng sản dùng để quyến rũ tôi đã không còn tạo được bất kì ảo tưởng nào. Nhưng có khá nhiều người thông minh và tử tế đã lên án những ý kiến mang tính phê phán của tôi. Tôi hoàn toàn không nghĩ là họ ngu dốt hơn mình, vấn đề là tại sao họ lại gắn bó với chế độ toàn trị. Cũng như người Nhật và người Đức đã từng gắn bó với nó.
Trong tác phẩm này tôi phân tích chủ yếu những vấn đề gần gũi với nghề nghiệp của mình. Tức là Nhật Bản. Nhưng kinh nghiệm sống ở Liên Xô đã cung cấp nền tảng vững chắc cho những suy nghĩ của tôi. Điều trước tiên tôi muốn tìm hiểu là vì sao những con người tế nhị, sắc sảo và nhạy cảm lại ngả theo chủ nghĩa toàn trị. Hiểu điều đó nghĩa là trả lời được câu hỏi: những người vẫn tự gọi mình là người Nhật thực chất là người như thế nào. Họ cảm nhận về mình như thế nào, họ dựa vào cái gì để sống và nguồn động viên của họ là gì, điều gì làm họ vui mừng hay đau khổ. Vì vậy mà tôi không quan tâm nhiều đến bản thân các sự kiện, có thể tìm được những sự kiện như thế trong các tác phẩm khác. Thảo luận về những tiểu tiết của những sự kiện cũng không thuộc phạm vi quan tâm của tác phẩm, vấn đề tôi quan tâm nhất là những người vẫn tự gọi mình là người Nhật đó nhận thức các sự kiện như thế nào.
Hiểu biết hiện nay của chúng ta về những sự kiện đó khác hẳn với hiểu biết của người đương thời. Nhận thức của họ cũng khác hẳn nhận thức của chúng ta. Nhưng chính họ lại tin là mình biết khá rõ những sự kiện đang diễn ra. Hiểu biết tạo ra trong lòng người ta tình cảm và quyết định những hành vi tiếp theo. Những ẩn dụ mà họ sử dụng tiềm ẩn khả năng xây dựng cũng như phá hoại rất lớn. Nói cách khác, tác giả không chỉ giữ vai trò của một nhà sử học cố gắng mô tả những sự kiện lịch sử theo quan niệm hiện nay mà còn đóng vai một nhân chứng-người đương thời với các sự kiện nữa. Theo quan niệm của tôi, cách tiếp cận như thế giúp dễ dàng giải thích và nhận thức hiện thực lịch sử và con người.
Dĩ nhiên, ngay cả bằng cách tiếp cận như thế, tôi vẫn không thể (không muốn) tránh được những nhận định cảm tính và mang tính cá nhân, đấy là do những thiên kiến và kinh nghiệm sống của mình mà ra. Trong thời gian viết tác phẩm này, có những lúc cảm xúc đã xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn tôi. Theo quan niệm của tôi đấy là những tình cảm hữu ích - trách nhiệm nhà sử học của tôi được thể hiện qua những tình cảm đó. Trong đó, theo tôi, không chỉ có khía cạnh nhận thức mà còn hàm chứa cả khía cạnh đạo đức. Tôi nghĩ rằng suy tư về “đề tài Nhật Bản” giúp chúng ta hiểu tại sao chúng ta lại rơi vào (và rơi vào như thế nào) cái bẫy toàn trị, mà hôm nay chúng ta vẫn chưa thể (chưa muốn) thoát ra được. Thật đáng tiếc là tại nước Nga hiện nay, vấn đề trách nhiệm về mặt văn hóa và trách nhiệm của nhân dân đối với quá khứ toàn trị đẫm máu đã không được đem ra thảo luận. Người ta đã gán nó cho một cá nhân và gọi là chủ nghĩa Stalin, điều đó chứng tỏ rằng tư duy lịch sử-văn hóa và trách nhiệm của chúng ta còn ở trình độ cực kì thấp kém.
Tác giả nhận thức rõ rằng đối với nhiều vấn đề, tác phẩm này mới chỉ đề ra được cách tiếp cận mang tính nghiên cứu mà thôi, vấn đề ở đây không chỉ là ở sự phức tạp của đối tượng nghiên cứu và sự hiểu biết chưa đầy đủ của tác giả. Chủ nghĩa toàn trị Nhật Bản cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn. Sau Thế chiến II, các nhà sử học cánh “tả” giữ thế thượng phong trong ngành sử liệu học Nhật Bản. Đồng tình với những lời lên án chế độ toàn trị và những kiến trúc sư rất thiếu thiện cảm của chế độ đó, tôi vẫn phải ghi nhận rằng trong rất nhiều tác phẩm, lòng nhiệt tình mang tính chính luận đã lấn át chức năng phân tích. Sự phân chia một cách dứt khoát thành “giới thượng lưu” cầm quyền đầy sức mạnh và “nhân dân” chẳng có chút quyền hành nào đã dẫn đến kết quả là người ta đổ riệt mọi tai họa cho “bọn quân phiệt”. Với cách tiếp cận như thế, những cơ cấu do tâm lí và văn hóa tạo ra, làm cho chủ nghĩa toàn trị trở thành chế độ được nhiều người hâm mộ đã không được xem xét nữa. Sau khi Thế chiến II kết thúc, “bọn quân phiệt” được coi là những kẻ có tội trong việc làm cho đất nước sụp đổ, và như thế là vô hình trung đã làm cho những người đại diện “bình thường” của nền văn hóa Nhật không cần phải trăn trở, không cần phải chịu trách nhiệm cá nhân gì hết. Dư luận xã hội giữ vị trí “thụ động”: họ cho rằng nhân dân Nhật Bản đã bị một lũ lưu manh “lừa bịp”. Như thế lại càng cần phải hiểu vì sao nước Nhật lại bó tay trước sức cám dỗ của chủ nghĩa toàn trị. Chủ nghĩa toàn trị Đức và Nga sinh ra phần lớn là do sức ép của những hoàn cảnh cực kì khắc nghiệt: Thế chiến I. Vì đóng góp của Nhật vào cuộc chiến này là rất ít cho nên phải công nhận rằng chủ nghĩa toàn trị Nhật Bản chủ yếu là hiện tượng nội sinh. Theo nghĩa đó, Nhật Bản là ví dụ về chủ nghĩa toàn trị “thuần chất”, không pha tạp. Là ví dụ về chủ nghĩa toàn trị được khuyến khích bởi những toan tính trừu tượng và những cảm xúc đầy chất thơ.
Việc quy toàn bộ trách nhiệm cho “bọn quân phiệt” ở Nhật Bản lại trùng hợp một cách khác thường với xu hướng chủ đạo trong ngành sử liệu học ở Mĩ và Liên Xô. Đại diện của ngành sử liệu học ở những nước này cũng coi “chủ nghĩa quân phiệt” là “sự chệch hướng” của các sự kiện, các sự kiện đã không đi theo tiến trình “bình thường” và “tự nhiên”, tức là tiến trình dường như chắc chắn sẽ dẫn tới xã hội (xã hội chủ nghĩa) hòa bình và dân chủ. Hành động của “bọn quân phiệt” được coi là âm mưu đểu cáng nhằm lừa bịp toàn thế giới cũng như nhân dân nước mình. Cơ sở của quan điểm như thế là niềm tin mang tính “dân chủ” (“dân túy”) rằng “nhân dân”, về bản chất, là người đại diện của những tư tưởng cao cả, đúng đắn và bẩm sinh là không thể làm điều ác. Qua phân tích các sự kiện, các thảm họa cả về mặt xã hội lẫn con người, diễn ra trong thế kỉ XX, tác giả không thể đồng tình với quan điểm đó. Theo thiển ý, “nhân dân” và những thành viên của nó cũng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, tương tự như “chính quyền”: họ là những chiến binh của cùng một hệ tư tưởng.
Sau khi đã nói đến quá trình nghiên cứu còn nhiều khiếm khuyết về hiện tượng toàn trị Nhật Bản, người viết buộc phải bổ sung thêm: lĩnh vực sử liệu học Nhật Bản trong những năm gần đây đã có những thay đổi căn bản. Ở Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện những công trình nghiên cứu coi những điều đã xảy ra không phải là thảm họa mà là kết quả hợp quy luật của quá trình phát triển cả về lịch sử lẫn văn hóa của đất nước. Độc giả có thể tìm thấy trích dẫn từ những công trình như thế trong cuốn sách này.
Xuất phát điểm của cuốn sách này là vương triều của hoàng đế Đại Chính (1879-1926, ở ngôi từ năm 1912 đến năm 1926). Khi còn sống, các thần dân vẫn gọi ngài là “hoàng đế Yosihito” (Gia Nhân). Chỉ sau khi băng hà, người ta mới gọi ngài là Đại Chính. Tương tự trường hợp hoàng đế Minh Trị. Để tránh lầm lẫn chúng ta sẽ gọi ngài là “hoàng đế Đại Chính”, tức thụy hiệu mà người ta vẫn gọi ngài hiện nay. Ta cũng sẽ làm như thế với con của ngài. Khi còn là đông cung thái tử, chúng ta gọi ngài là hoàng tử Hirohito (Dụ Nhân) (1901-1989, ở ngôi từ năm 1926 đến 1989). Sau khi lên ngôi, ngài trở thành hoàng đế Chiêu Hòa, mặc dù người đương thời biết rằng ngài chính là Hirohito. Thuật ngữ “vương triều Đại Chính” hay “vương triều Chiêu Hòa” là do truyền thống và chỉ có tính chất kĩ thuật - các “hoàng đế” Nhật Bản không liên quan gì đến việc cai trị, mặc dù hình ảnh của họ giữ vai trò vô cùng to lớn trong thế giới quan của người Nhật hồi đó.
Tôi xin chân thành cảm ơn những người đã góp ý, giúp đỡ tài liệu và đưa ra nhận xét trong quá trình biên soạn tác phẩm này. Trước hết, đấy là A. R. Viatkin, A. M. Gorbylev, O. A. Mudrak, K. K. Podlesky, E. K. Simonova-Gudzenko, V. V. Sumsky.
Tôi không thể không nhắc đến những người mà tình bạn và những buổi thảo luận với họ đã giúp hình thành tư tưởng và niềm tin của tôi. Đấy là nhà kinh tế học A. A. Konius (1895-1990) và nhà Trung Quốc học G. A. Tkatrenko (1947-2000). Họ đã không còn, nhưng quá trình tiếp xúc lâu dài và thường xuyên với họ là món quà vô giá mà tôi hi vọng rằng tôi đã rút ra được những bài học nhất định*.
Xin đọc: G. A. Tkatrenko (1947-2000), Các công trình về nhân loại học văn hóa. Moskva, Văn học phương đông; NXB Con kiến, 2003, trang 5-17; Konuis A. A. (1985-1990). Sinh sôi cá tính (đang in). Trong bản dịch này, tất cả các tài liệu tham khảo tiếng Nga và tiếng Anh đều được dịch sang tiếng Việt, các tài liệu tiếng Nhật thì được giữ nguyên theo phiên âm trong nguyên tác - ND.
Mời các bạn đón đọc Là Người Nhật: Lịch Sử, Thi Ca Và Kịch Bản Học Quá Trình Hình Thành Chế Độ Toàn Trị của tác giả A. N. Mesheriakov.