Bức tranh khắc họa hiện thực xã hội, ca ngợi tình bạn, đồng thời là một lời dự đoán cho tương lai.
Thân thể là con gái, nhưng tâm hồn là con trai. Đau khổ chịu đựng suốt gần ba mươi năm, đến khi có cơ hội sống đúng với bản chất của mình thì Mitsuki lại vô tình dính vào một vụ giết người ngang trái. Đầu thú hay bỏ trốn? Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Mitsuki muốn gặp lại những người bạn đại học đã cùng cô chia sẻ tuổi thanh xuân nồng nhiệt. Tetsuro cùng vợ mình, đồng thời là bạn thân của Mitsuki, quyết định giúp đỡ cô, nhưng… Phải chăng khoảng thời gian mười năm đã khiến tình bạn của họ, thậm chí cả bản thân họ, thay đổi?
Còn hơn cả một tiểu thuyết trinh thám, "Đơn phương" là bức tranh khắc họa hiện thực xã hội, ca ngợi tình bạn, đồng thời là một lời dự đoán cho tương lai. Một lần nữa, tài hoa bậc thầy của Keigo Higashino đã đưa một tác phẩm hay lên tầm tuyệt tác.
Keigo Higashino sinh năm 1958 tại Osaka, có thể nói ông là nhà văn trinh thám với nhiều tác phẩm bestseller nhất hiện nay của Nhật Bản. Những tiểu thuyết của Keigo Higashino được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh còn nhiều hơn cả Tom Clancy hay Robert Ladlum, và không thua kém gì Michael Crichton.
Đoạn trích tiêu biểu:
“Tớ đang bị truy lùng.” Mitsuki thở hắt ra một cái.
“Hả?” Tetsuro nói. Anh nghĩ mình nghe nhầm ở chỗ nào đó. “Bị truy lùng?”
“Đúng vậy, bị truy lùng. Nói chính xác thì giờ này họ đã bắt đầu truy bắt tớ rồi… có lẽ thế.” Mitsuki gật gù tỏ vẻ chắc chắn. “Cảnh sát ấy, việc họ bắt được tớ chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. Sau đó mọi chuyện sẽ kết thúc.”
“Cảnh sát á? Hiura, cậu…” Tetsuro cảm thấy hoang mang. “Đã làm gì vậy?”
“Cậu thật sự muốn biết?”
“Tất nhiên.”
“Ừ. Tất nhiên nhỉ?” Mitsuki nhún vai rồi nhìn Tetsuro lần nữa. “Tớ phạm tội sát nhân. Tớ đã giết người.”
***
Review Linh Naby:
“Con người ta chỉ có một đời sống”, bởi vậy, ai mà chẳng muốn “phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”, ai mà chẳng muốn được sống là chính mình, được là chữ “tôi trọn vẹn”. Nhưng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, có những con người, sinh ra mà thể xác và tâm hồn đã là sự sắp đặt trái ngang của tạo hóa; có những con người, sinh ra đã mặc định khó lòng sống được là chính mình bởi những định kiến nghiệt ngã của cuộc đời.
Nói đến những kiếp người như vậy ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, trong tiểu thuyết Kataomoi – Đơn phương , Higashino Keigo lần nữa chứng minh, tác phẩm của ông, không đơn thuần chỉ là trinh thám. Mà ở đó là những mảnh ghép đời thực muôn màu với những số phận bé mọn của con người, đang lầm lũi, vẫy vùng để tìm thấy ánh sáng, tìm ra con đường sống cho bản thân.
Như nhiều sáng tác khác của Higashino Keigo, Đơn phương không hoàn toàn là một câu chuyện thuần trinh thám, thậm chí chất trinh thám chìm vào rất sâu trong tiến trình diễn biến của cốt truyện để làm nổi bật lên là chất xã hội; là những dòng suy nghĩ, nội tâm, những giằng xé trong trái tim con người.
Nếu định nghĩa “tiểu thuyết trinh thám” là tiểu thuyết phá án, thì Đơn phương đáp ứng đủ yếu tố của một tác phẩm trinh thám chuẩn mực: Có vụ án xảy đến – một người đàn ông, tình nghi là kẻ bám đuôi, đã bị giết chết một cách bí ấn và vứt xác cách xa địa điểm gây án. Tang chứng quan trọng trong vụ án: chiếc xe đã xảy ra xô xát giữa nạn nhân và hung thủ biến mất. Từ những bí ẩn của vụ án, cảnh sát đã vào cuộc điều tra nhằm tìm ra hung thủ, thu hồi vật chứng.
Tuy nhiên, đó lại chỉ là bề nổi là tiền đề, chất xúc tác, là cách Keigo-sensei mào đầu cho hàng loạt những đau thương, bí ẩn, những góc khuất thẳm sâu trong xã hội: Góc khuất của con người mang mặc cảm về giới tính.
Trước khi bàn về vấn đề giới tính trong Đơn phương, cần phải nói rằng: Đơn phương được viết vào năm 2001, năm đầu thế kỷ 21. Khi ấy, con người, nhất là những người sống ở một đất nước vẫn còn mang nặng giáo lý đạo Khổng như Nhật Bản chưa thể có cái nhìn toàn diện, đúng đắn nhất về giới tính như người hiện đại ngày nay. Bởi thế, cần nhìn nhận Đơn phương của Higashino Keigo như một trong những tác phẩm tiên phong, đầy giá trị hiện thực và nhân đạo khi ông dám viết, dám nhìn nhận hiện thực dưới nhiều góc độ hết sức khác nhau.
Thật vậy, Kataomoi – Đơn phương là cuốn sách được tạo lên từ hiện thực: một hiện thực đầy tàn khốc và nghiệt ngã với những kiếp người bé mọn, sinh ra mà không được làm chính mình, không được theo đuổi ước mơ của bản thân, không được đối xử như một con người bình thường. Họ đã phải đấu tranh, đã phải vẫy vùng tìm đường sống giữa định kiến của người đời, thậm chí, họ đã phải đánh đổi cả căn cước của bản thân, để được sống thật với tâm hồn thật sự ẩn sâu trong thân xác. Mà một con người, còn gì đau đớn khi ngày ngày sống trong lo âu với những bí ẩn không thể phơi bày khi bản thân họ đã chối bỏ đi danh tính, chối bỏ đi sự tồn tại của chính mình, để sống dưới bóng của một người khác?
Tạo dựng hiện thực ấy trên trang văn, dẫu rằng, kiến thức về giới trong Đơn phương ở nhiều phân đoạn còn giản đơn, thậm chí là có chỗ sai lệch, mang không ít mâu thuẫn do xuất phát từ yếu tố thời gian, bối cảnh tác phẩm ra đời; nhưng Higashino Keigo đã thể hiện rất rõ cái tâm cùng tấm lòng nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Bởi, nếu không thật sự yêu thương và quan tâm đến con người, không có cái nhìn cảm thông tới những số phận phải chịu giằng xé cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn, Keigo-sensei sẽ chẳng thể nào tái hiện được lên nhiều mâu thuẫn đến thế ở tình tiết, sự kiện. Và ông cũng chẳng thể nảo, vẽ ra một con đường đầy đau thương mà những người thuộc cộng đồng LGBT có thể sẽ đi để được sống đúng là “tôi trọn vẹn”.
Bên cạnh vấn đề về giới, Đơn phương còn là câu chuyện về những con người lẫn một xã hội rất Nhật, đang cựa mình sau thời kỳ kinh tế bong bóng vào những năm đầu thế kỷ XXI. Mỗi người họ, đều mang trong mình một cuộc khủng hoảng căn cước, một cuộc khủng hoảng về “cái tôi” riêng. Ai cũng phải đấu tranh, trên con đường cũng như lựa chọn ngã rẽ cuộc đời. Vì thế, có thể nói chăng, câu chuyện về nhóm bạn từng gắn bó bên nhau trong câu lạc bộ bóng bầu dục ngày trước không còn là câu chuyện của những cá nhân độc lập trên bờ vực tan vỡ tình bạn. Mà đó còn như là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Nhật Bản với đủ các mảng màu khác biệt trong một bức tranh loang lổ màu sắc, nơi đấy, người ta phải đứng trước nhiều ngã rẽ, nhiều lựa chọn giữa tình cảm con người với trách nhiệm cộng đồng, sự ích kỷ cá nhân với những quan hệ xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, bởi khai thác trên nhiều khía cạnh, góc độ, mang cấu trúc lớp lang truyện lồng truyện móc xích, ngoài ra còn là sự song chiếu liên tục giữa quá khứ – hiện tại, giữa kiến thức của thi đâu cùng các vị trí trong bóng bầu dục với đời sống thực mà hơn 500 trang truyện Đơn phương dễ khiến độc giả cảm thấy hụt hơi. Giống như những lúc, Mitsuki cũng phải mệt mỏi với cuộc sống bản thân trên chặng đường dài vô tận để cô tìm được bản chất con người thật của chính mình.
(Mượn ý từ vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ).
Cuộc sống của con người phải là sự hòa hợp của phần hồn và phần xác. Sinh ra là con gái nhưng mang tâm hồn là con trai, sinh ra là con trai nhưng nội tâm lại là một nhi nữ, hoặc sinh ra mang hình hài con gái nhưng lại có cả hai bộ phận sinh dục của nam và nữ… Những con người ấy, bản thân họ không thể tự mình lựa chọn giới tính mà mình sinh ra, cũng không thể lựa chọn được cơ thể sẽ chứa đựng nội tâm họ.
Vì thế, khi ý thức được những mâu thuẫn sâu sắc giữa phần hồn và phần xác, họ dằn vặt, tự làm đau bản thân để rồi cuối cùng đã tìm đến những hướng giải quyết tiêu cực nhất. Bởi xã hội khi đó, không thể chấp nhận cho họ được sống là chính mình.
Đi sâu, khai thác, tái hiện lên những gì là giằng xé, mong manh, những gì là lo âu, sợ hãi của mỗi kiếp người đang ngày đêm sống với khao khát được làm chính mình, quả thực Keigo-sensei đã lần nữa thể hiện những gì là hiện sinh, nhân bản, và cũng là nhân quyền nhất. Đó là tiếng nói, đòi quyền bình đẳng, đòi quyền sống cho những con người như Kaori, như Taiteishi, như cô bé Mutsumi hay ông chủ đoàn kịch Saga Seido. Và nếu người đời, cứ mãi giữ định kiến, cứ mãi giữ “thành kiến nặng tựa quả núi lớn” trong lòng, thì sẽ còn lắm những bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình xảy ra. Do vậy, hàng loạt nhân vật xuất hiện trong Đơn phương, có người chỉ đóng vai trò thoáng qua, nhưng chẳng ai là nhân vật thừa trong hệ thống nhân vật đồ sộ của cuốn tiểu thuyết hơn 500 trang này.
Nhưng Đơn phương, có đơn thuần Higashino Keigo chỉ đề cập tới những người thuộc cộng đồng LGBT đang vật lộn để được sống là chính mình không? Hẳn là không phải. Bởi từng nhân vật xuất hiện trên trang văn của ông, ai chẳng có khao khát được sống là chính mình? Ai chẳng có nỗi niềm riêng để bản thân họ, chẳng thể “sống là tôi trọn vẹn”.
Một Mitsuki ở giữa dải Mobius, đau đớn không thể xác định được bản thân là con trai hay con gái, mang tâm hồn của nữ hay nam, đã tự làm khổ bản thân, tự hành hạ cảm xúc cũng như cơ thể hết lần này đến lần khác.
Một Tetsuro lỡ dở với ước mơ trở thành cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp, rồi cũng lỡ dở với khát vọng trở thành nhà văn, đành chôn ngòi bút nơi trang tin thể thao của một tờ báo.
Một Risako đã phải chôn vùi dự định trở thành một phóng viên ảnh vào những ràng buộc của cuộc sống hôn nhân, gia đình.
Một Nakao, dịu dàng hơn hết thảy nhưng cũng quyết đoán hơn tất cả khi phải đưa ra quyết định, con đường bản thân phải đi. Một người, xác định rất rõ tình cảm bản thân, yêu ghét hận thù nhưng đến cuối cùng, lại chẳng thể ra đi với trọn vẹn danh tính thật.
Hay một Hayata, dẫu cứng rắn nhưng luôn xiêu lòng, luôn mâu thuẫn trước một bên là nhiệm vụ xã hội với một lên là tình cảm bạn bè, cá nhân.
Với những con người như vậy, trừ Mitsuki, thì mâu thuẫn nảy sinh không thật sự bắt nguồn từ vấn đề giới tính, mà bắt nguồn từ việc bản thân mỗi người, vẫn đang vẫy vùng để khẳng định cái tôi cá nhân, khẳng định bản ngã, khẳng định sự tồn tại giữa cuộc đời và giữa những người xung quanh. Họ ý thức được kiếp “sống mòn” họ đang trải qua, nhưng bản thân, lại không thể nào đủ động lực để vượt thoát những xiềng xích trói buộc tư tưởng để sống là chữ “tôi” trọn vẹn. “Nhưng anh vẫn không tài nào mường tượng được khung cảnh trong đó hai người cùng chung sống với nhau. Anh có thể tưởng tượng được hình ảnh hai người dưới một mái nhà, nhưng sống một cách vô hồn không khác gì hai con búp bê trong ngôi nhà đồ chơi.”
Chính vì thế, tiêu đề tác phẩm: Kataomoi – Đơn phương, đâu đơn thuần chỉ là ám chỉ tình cảm của người này hướng đến người kia nhưng không được hồi đáp? Đó còn là sự đơn phương trên chặng đường đầy đau thương để được sống là chính mình của những người lưỡng tính và chuyển giới. Là sự đơn phương của những người song tính (bisexual) trên dải mobius tính hướng của bản thân: khi tâm hồn là con trai, khi tâm hồn lại là con gái. Mà không chỉ vậy, đơn phương, đó còn là sự chấp nhận nhưng không buông bỏ của con người với chính ước mơ, với chính cái tôi mà bản thân hướng đến.
Được viết vào năm 2001, vấn đề về giới tính được Higashino Keigo thể hiện trong tác phẩm, trong nhiều phân đoạn còn chưa thực thỏa đáng. Nếu là một độc giả hiện đại, nắm vững khái niệm về giới, thậm chí có thể sẽ thấy Keigo-sensei xây dựng lên một Mitsuki có phần trẻ con, ấu trĩ.
Nhưng, nếu không nhờ các tác phẩm như Đơn phương là phát pháo tiên phong cho việc đòi quyền bình đẳng, đòi nhân quyền, đòi quyền được sống là chính mình; thì sao độc giả hôm nay, có thể có được cái nhìn nhân bản, nhân đạo nhất với những ai thuộc cộng đồng LGBT.
Hơn cả, gần 20 năm đã qua nhưng đây vẫn là cuốn tiểu thuyết của hôm nay, với tất cả những gì là hiện sinh về lẽ sống, về ước mơ, về tình cảm, về trách nhiệm của con người với khát vọng của bản thân, và với những quan hệ xã hội phức tạp xung quanh họ.
Mời các bạn đón đọc Đơn Phương của tác giả Higashino Keigo & Yên Châu (dịch).