Truyện Ngắn Và Vừa F. M. Dostoievski gồm có:
***
# Những người cơ cực
Tôi đã chán ngấy những cái lão viết truyện ngắn này rồi! Họ không viết đươc môt cái gì bổ ích, thú vị, dịu dàng, lại còn đào bới lên đủ các thứ chuyện kì bí!… Phải cấm ngay không cho họ viết! Thật chẳng ra làm sao cả: đọc của họ… tự nhiên lại đâm ra suy nghĩ, - toàn những chuyện vớ vẩn làm nặng cả đầu tôi mà có quyền là tôi cấm ngay không cho họ viết, quả thật là phải cấm tiệt.
Công tước V.Ph. Odoepxki
Tháng Tư ngày 8
Em Vacvara Alekxeepna ngàn vàng của anh !
Ngày hôm qua anh thật hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc đến mức không thể nào hơn được! Em của anh bướng bỉnh là thế mà đã có một lần trong đời chịu nghe lời anh, dù chỉ một lần thôi. Quãng tám giờ tối hôm qua anh thức giấc (em cũng biết đấy, cô em ân nghĩa của anh ạ, anh vẫn thích ngủ một vài giờ sau ngày làm việc), anh đã châm nến, chuẩn bị giấy tờ, sửa sang bút mực, thì bất chợt, - cũng chỉ là ngẫu nhiên thôi, - anh ngước mắt lên, thế là trái tim anh quả nhiên bắt đầu nhảy nhót thật! Thế là em đã hiểu được cái điều anh mong mỏi, cái điều trái tim nhỏ nhoi của anh trông chờ! Anh đã nhìn thấy một góc rèm cửa sổ phòng em uốn cong lên và được ghim vào chậu hoa bóng nước, hoàn toàn đúng hệt như ý anh đã nói cùng em hôm trước rồi lại cũng đúng vào phút giây ấy anh thấy gương mặt em thoáng hiện bên trong cửa sổ, rõ ràng là em đang đứng trong phòng nhìn sang phía anh,rằng em đang nghĩ tới anh. Nhưng anh lại thấy buồn hực biết bao nhiêu, cánh chim câu bé nhỏ của anh ạ, bởi lẽ anh chẳng thế nào nhìn được cho rõ gương mặt dễ thương của em. Con người ân nghĩa của anh ơi, cũng đã có một thời anh nhìn mọi vật thật rõ ràng sáng sủa. Tuổi già đâu phải tuổi hoa, cô em ruột già của anh ạ! Bây giờ thì trước mắt anh mọi vật cứ bập bềnh thế nào ấy, buổi tối hễ cứ làm việc một chút, viết lách một chút là sáng ra hai mắt cứ đỏ lừ, nước mắt giàn giụa, cho nên cứ thấy người lạ là xấu hổ. Thế nhưng trong trí tưởng tượng của anh thì, thiên thần bé nhỏ của anh ơi, nụ cười hiền hoà của em, nụ cười hồ hởi của em lúc nào cũng cứ ngời sáng, và trong trái tim anh vẫn còn giữ nguyên cái cảm giác giống hệt như cái phút giây anh ôm hôn em, em Varenca, thiên thần của anh, em có nhớ không nhỉ? Em có biết không, cánh bồ câu của anh, thậm chí anh còn thấy rằng lúc ở đó em đã giơ ngón tay doạ anh. Có phải thế không, cô em tinh quái? Thế nào em cũng phải viết thật chi tiết mọi chuyện trong thư đấy nhé.
Thế nào, bây giờ em nghĩ gì về cái rèm cửa của em, hả Varenca? Tuyệt diệu, có phải vậy không? Cho dù là anh đang ngồi làm việc, anh sắp đi nằm hay anh vừa thức giấc thì lúc nào anh cũng biết rằng em đang nghĩ về anh, em đang nhớ anh, còn em thì vẫnvui cười, khoẻ mạnh. Hễ em hạ rèm xuống là có nghĩa chào anh, anh Makar Alekxeevích, đến giờ ngủ rồi anh ạ! Hễ em vén rèm lên có nghĩa là chúc buổi sáng tốt lành, anh Makar Alekxeevich, đêm qua anh ngủ thế nào, hoặc giả, này anh, anh Makar Alekxcevich, sức khoẻ anh hôm nay ra sao? Còn về phần em thì, kính lạy Đấng sáng thế, em vẫn được mạnh khỏe, an thường! Em thấy chưa, tâm hồn bé nhỏ của anh ơi, anh nghĩ ra chuyện ấy khéo quá đấy chứ, rồi ra chúng mình cũng chẳng cần phải thư từ gì cả! Khôn ngoan thật, có phải không em? Tất cả đều là ý đồ của anh đấy! Em có thấy rằng anh rất sành những việc ấy không, em Vacvara Alekxeepna của anh ?
Anh phải báo cho em được biết, cô em từ mẫu của anh, cô nàng Vacvara Alekxeepna của anh, rằng đêm qua anh ngủ một giấc thật là thanh thản ngoài cả ước muốn, điều ấy khiến anh vui sướng quá chừng, mặc dù mình đến nhà mới, phòng vừa dọn xong, những lúc ấy thường thì người ta nằm không ngủ được, mọi vật cứ thế này mà lại chẳng ra thế này! Sáng nay anh dậy mà thấy mình như cánh chim ưng sảng khoái, lòng đầy yêu thương vui vẻ! Làm sao buổi sáng hôm nay lại tốt đẹp làm vậy, cô em từ mẫu của anh!
Cửa sổ phòng anh mở rộng, mặt trời hiền hoà chiếu rọi, chim chóc líu lo, không khí thì ngọt ngào hương vị mùa xuân và cả thiên nhiên đang bừng tỉnh dậy, thế đấy, vạn vật đều như thế cả, tất cả đều bình lặng, đều phơi phới xuân quang. Hôm nay thậm chí anh thấy mình mơ ước khá là thú vị, và bao giờ những mơ ước của anh cũng hướng về em, em Varenca. Anh ví em với cánh chim trời, em sinh ra để an ủi lòng người và trang điểm cho thiên nhiên tạo vật. Thế rồi, hỡi em Varenca, anh lại nghĩ rằng cứ như chúng ta, đôi con người sống trong lo toan phấp phỏng, chúng ta cũng đến phải ghen tị với cái hạnh phúc vô tri vô trách của lũ chim trời kia, rồi tất cả những chuyện khác anh cũng cứ nghĩ như thế, tương tự như thế, có nghĩa là anh cứ làm những phép ví dụ xa vời đi mãi. Anh có một quyển sách, Varenca ạ, trong đó cũng toàn những chuyện như thế, người ta cũng viết thật là chi tiết như thế. Anh cũng phải viết thêm vào đây rằng đó là những mơ ước khác nhau, cô em từ mẫu của anh ạ. Còn bây giờ đang là mùa xuân, thế nên mọi ý nghĩ đều là thú vị, tinh tế, bay bổng, những ước mơ đến thật dịu ngọt, tất cả đều là màu hồng. Anh viết đến đây thế là hết rồi đấy, hơn nữa, tất cả mọi điều anh đều lấy ra trong cuốn sách kia. Trong đó người sáng tác đã phát hiện ra một mong ước tương tự bằng thơ, ông ấy viết rằng :
Sao ta không được là chim, một cánh mãnh cầm!
Đấy, vân vân và vân vân. Trong đó còn nhiều tư tưởng khác, nhưng thôi, mặc xác những tư tưởng ấy. Này em Vacvara Alekxeepna, thế sáng hôm nay em bước đi đâu? Lúc anh còn chưa chuẩn bị xong để ra nhiệm sở, thế mà em, hệt như một cánh chim xuân, em đã bay từ căn buồng bên ấy rồi lướt qua sân vui vẻ dị thường. Được nhìn thấy em lòng anh vui sướng bao nhiêu! Chao ôi, Varenea, Varênea!- em đừng bao giờ buồn tủi nhé nước mắt chẳng giúp gì cho nỗi đớn đau anh biết điều ấy rồi, cô em ân nghĩa của anh, anh đã biết điều ấy qua kinh nghiệm đường đời. Bây giờ em đã được yên tĩnh, sức khoẻ của em đã phần nào bình phục. - Thế nào, cô bạn Pheđora của em ra sao? Chao ôi, cô ấy là một thiếu phụ hiền dịu quá chừng! Varenca này, em hãy viết cho anh biết bây giờ em sống với cô ấy ra sao và hai người có bằng lòng nhau mọi chuyện hay không? Phedora thì cũng hay càu nhàu một chút đấy, nhưng Varenca ơi, em cũng đừng để bụng nhé. Trời đất phù hộ cho cô ta. Cô ấy quả là tốt bụng.
Anh cũng đã viết cho em về cô Tereza ở đây - cũng là một thiếu phụ tốt bụng, thuỷ chung. Mà này, anh chẳng an tâm được về những bức thư này của hai đứa chúng ta! Liệu chúng có sang tay người khác không đấy? Chúa Trời thật là phúc đức đem cô Tereza đến cho chúng mình. Cô ấy tốt bụng, hiền thảo mà không bao giờ nói ra miệng. Thế nhưng bà chủ nhà chỗ anh thì thực nhẫn tâm, bắt cô ấy làm lụng cứ như dùng cái giẻ rách không bằng.
Thế đấy, anh đã rơi vào một cái ổ chuột, em Vacvara Alekxecpna ạ! Thôi, nhưng cũng là một căn hộ! Xưa kia anh vẫn sống như một chú gà đồng, em biết rồi chứ, anh sống thật hiền hoà, lặng lẽ ở trong phòng anh hồi ấy có con ruồi bay qua thì mới có tiếngruồi kêu. Còn ở đây thì suốt ngày có tiếng reo hò, la hét. Em còn chưa biết một điều này là những chuyện ấy ở đây được hình thành ra sao. Em hãy hình dung rằng, chẳng hạn, có một hành lang dài hết sức tối tăm và bẩn thỉu. Bên tay phải là một bức tường bưng bít, bên tay trái thì lại toàn những cửa là cửa, hệt như số phòng nhà trọ xếp đều tăm tắp. Thế rồi người ta đến thuê những cản phòng ấy, mỗi phòng một số, cứ mỗi phòng có hai ba người ở. Về trật tự thì đừng có mà hỏi, đó là một chiếc thuyền Noh (4). Tuy vậy anh thấy rằng mọi người cũng tử tế, có văn hoá và có học thức. Có một người là quan chức (ông ta làm gì đó trong ngạch văn chương), ông ta đọc sách nhiều lắm, đọc cả Home, cả Brambeus (5), ông ta nói đủ các tác phẩm của hai ông kia, nói đủ mọi chuyện, - thật là một kẻ sáng láng! Nơi đây còn hai viên sĩ quan đánh bạc suốt ngày. Lại còn một thiếu uý hải quân và một ông giáo người Anh nữa. - Em cứ chờ đấy. anh sẽ làm cho em rất vui, cô em từ mẫu của anh, thư sau anh sẽ mô tả họ bằng giọng văn châm biếm, nghĩa là em sẽ được biết một cách hết sức tường tận họ là những con người như thế nào. Bà chủ nhà anh là một mụ già thấp bé và cáu bẩn, suốt ngày đi giày, mặc áo khoác và suốt ngày chửi mắng cô Tereza. Anh thì sống trong phòng bếp, hoặc là nói cho hết sức đúng đắn ra thì nói thế này: ở ngay liền cạnh nhà bếp có một căn phòng nhỏ (cũng cần phải nói cho em thấy rằng bếp ở chỗ anh cũng sạch sẽ, sáng sủa và rất thuận tiện), cái phòng nhỏ này bé lắm, đó là một chỗ thật khiêm nhường… nghĩa là, hay nói thế này đúng hơn, cái nhà bếp thì lớn, có ba của sổ, người ta làm cho anh một tấm vách ngăn dọc theo bức tường ngắn, thế là được thêm một căn phòng nữa, một căn phòng ngoại lệ, như thế cũng là rộng rãi, thoải mái, lại có cả cửa sổ, và tất cả mọi điều, nói tóm lại, tất cả mọi điều đều thuận lợi cả. Đấy, cái tệ xá của anh là như thế đấy. Cho nên, em thân yêu, em cũng đừng có nghĩ rằng ở đây có một cái gì khác lạ, một ý niệm gì huyền bí, em chỉ cần biết rằng nó chính là một cái nhà bếp, tức có nghĩa là anh đang sống trong chính căn phòng ấy sau tấm vách ngăn, nhưng chẳng hề gì đâu, đối với tất cả mọi người anh vẫn đang sống biệt lập, sống thu mình và sống trầm lặng. Anh đã bày biện trong phòng một giường, một bàn, một tủ com-môt, hai chiếc ghế và treo một bức tranh thánh. Quả thật anh đã có một căn hộ và còn hơn thế nữa, - cũng có thể là có những căn hộ hơn thế này nhiều, nhưng tiện nghi mới là chủ yếu bởi vì anh dành tất cả để có tiện nghi, nên em cũng đừng có nghĩ rằng anh vì một cái gì khác. Cửa sổ phòng em ở ngay trước mặt, cách có một khúc sân mà cái khúc sân chỉ có mấy bước, chỉ cần được thoáng thấy em thì con người đau khổ là anh đây lại thấy vui lên, mà niềm vui ấy chẳng tốn kém gì mấy. Nơi đây có một căn phòng mạt hạng nhất có một cái bàn mà giá thuê cũng đến 35 rúp tiền giấy. Như thế thì túi tiền của anh không sao kham được! Còn căn hộ của anh chỉ có 7 rúp tiền giấy, cái bàn thì mất 5 rúp tiền kim, thế là đi hai mươi bốn rúp rưỡi, trước kia anh cứ trả tròn ba mươi rúp, mà như vậy thì mình phải hạn chế nhiều thứ trà không được uống thường xuyên, còn bây giờ thì anh có tiền uống cả trà, lại uống cả đường nữa. Em yêu dấu. em có biết không, mình không uống trà thì cứ thấy ngượng thế nào ấy, ở đây toàn những người sung túc, vì thế mà ngượng. Chính mình uống trà là vì những người khác, Varenca ạ, để người ta thấy mình uống, để mình có tiếng nói còn đối với anh thì uống hay không cũng thế thôi, anh đâu có nghiện. Em hãy hình dung thế này tiền bỏ vào túi thì thế nào cũng có việc phải dùng đến: nào mua giày ư, nào sắm áo ư - như thế thử hỏi liệu còn nhiều không? Cứ thế mà tháng lương của anh hết nhẵn. Anh cũng chẳng phải cằn nhằn gì và vẫn thấy hài lòng. Tiền lương thế cũng là đủ. Mấy năm nay vẫn đủ như thế, mà anh lại còn được thưởng nữa chứ. Thôi, ta tạm biệt nhé, thiên thần của anh. Anh đã mua cho em hai chậu hoa bóng nước và hoa thiên trúc, cũng chả đắt lắm. Thế còn em, có thể là em thích hoa mộc tê thảo chăng? Hoa mộc tê thảo cũng có đấy. Em viết cho anh nhé, mà em có biết không, em phải viết thật là chi tiết đấy. Tuy nhiên, em cũng không phải nghĩ ngợi điều gì, không phải băn khoăn điều gì về anh, về cái việc anh đã thuê căn phòng như thế, cô em ân nghĩa của anh ạ. Không, chỉ là vì cái sự thuận tiện nó buộc anh thuê đấy thôi, cái sự thuận tiện nó cám dỗ anh đến đấy thôi. Em của anh ơi, anh cũng dành dụm được tiền, cũng có đồng ra đồng vào. Em đừng có đánh giá cái việc là anh sống quá trầm lặng đến nỗi có thể là một cánh ruồi bay cũng khiến anh bươu đầu mẻ trán. Không đâu, em của anh ạ, đối riêng bản thân thì anh cũng là kẻ tinh khôn lắm đấy, còn về tính cách thì anh cũng thuộc cái hạng người có tâm hồn thật là cứng rắn, quật cường. Tạm biệt nhé, thiên thần của anh! Anh đã viết cho em gần kín cả hai trang giấy, mà lẽ ra anh phải đi làm từ lâu. Cho anh hôn những ngón tay mềm mại của em, cô em từ mẫu của anh, cho anh được làm kẻ nô bộc thấp hèn nhất và người bạn trung thành nhất của em.
Makar Đevuskin
T.B. Anh chỉ cầu xin một điều: thiên thần của anh hãy trả lời anh càng chi tiết càng hay. Nhân tiện đây anh gửi đến em, em Varenca, một phun (6) kẹo, em ăn cho khoẻ thêm, em hãy vì Chúa mà đừng có lo gì cho anh và đừng có giận anh nhé. Thôi, anh phải tạm biệt em đây, cô em từ mẫu của anh ạ.
Mời các bạn đón đọc Truyện Ngắn Và Vừa F. M. Dostoievski của tác giả F. M. Dostoievski.