Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Suy Tưởng

Marcus Aurelius Antoninus

Đất nước chỉ hạnh phúc khi nào người cầm quyền trở thành triết gia và triết gia thành nhà cầm quyền.

Plato - Cộng hoà

Nghe nói Marcus Aurelius thích trích dẫn câu nói trên của Plato, và những ai đã từng viết về ông khó cưỡng lại vận nó vào bản thân Marcus. Và tất nhiên, nếu là đi tìm ông vua-triết gia của Plato bằng xương bằng thịt thì chúng ta cũng khó tìm được ai tốt hơn Marcus, người cai trị Đế quốc La Mã gần hai thập niên, và là tác giả cuốn Meditation (Suy tưởng) bất hủ. Thế nhưng danh hiệu này chắc chắn bản thân Marcus sẽ bác bỏ. Ông không bao giờ nghĩ mình là một triết gia. Ông chỉ tự nhận là một học trò cần mẫn và người thực hành chưa hoàn hảo của một triết thuyết do những người khác lập ra. Còn về ngôi vua, nó đến một cách gần như tình cờ. Khi Marcus Annius Verus sinh ra, năm 121 CN, những người có mặt đã tiên đoán một sự nghiệp sáng chói trong Viện Nguyên lão của bộ máy cầm quyền. Họ không thể nào đoán được số phận đã dành cho ông ngôi hoàng đế, và trong trí tưởng tượng của họ không thể nào có cảnh tượng người kị sĩ đồng cô độc giơ tay vẫy chào chúng ta từ trên đỉnh đồi Capitol La Mã qua hai nghìn năm1.

Marcus sinh ra trong một gia đình hết sức danh giá. Năm ông ra đời cũng là năm ông nội ông giữ chức Chấp chính quan nhiệm kì thứ hai, chức vụ cao nhất về lí thuyết ở La Mã, mặc dù lúc đó tầm quan trọng của chức vụ này chỉ có tính nghi thức. Và ông nội ông đã nuôi dạy ông, vì cha ông mất khi ông còn rất nhỏ. Trong Suy tưởng, Marcus nói về tính cách của cha mình theo những gì ông nhớ được hoặc nghe người khác kể lại, những hiểu biết của ông về người cha chắc là từ những câu chuyện được nghe kể hơn là từ trí nhớ của chính ông. Về những gì còn lại trong thời thơ ấu và niên thiếu của ông, chúng ta biết nhiều hơn trong Suy tưởng một chút. Tiểu sử của ông trong cái gọi là Historia Augusta (một tác phẩm lạ lùng và không đáng tin cậy vào cuối thế kỉ thứ 4, có lẽ dựa trên một loạt tiểu sử bị thất lạc do nhà viết tiểu sử thế kỉ thứ 3 Marius Maximus biên soạn) kể với chúng ta rằng ông là một cậu bé nghiêm túc, thích đấu quyền, vật, chạy và nuôi chim ưng, rằng ông đá cầu giỏi và thích săn bắn. Những thú vui như thế chẳng có gì là lạ ở một thanh niên thuộc tầng lớp thượng lưu.

Quyển 1 của Suy tưởng lướt qua việc học hành của Marcus, và qua bức tranh đó chúng ta có thể hình dung việc giáo dục thanh niên thượng lưu thời kì đó như thế nào. Những người thầy đầu tiên của ông, như người thầy không nêu tên trong Suy tưởng 1.5, có lẽ là những nô lệ, nhờ họ mà ông nắm sơ được cách đọc và viết. Vào một thời kì muộn hơn ông được trao cho những vị thầy riêng để học văn chương, đặc biệt chắc chắn là Aeneid - bản anh hùng ca vĩ đại của Virgil. Nhưng văn chương chỉ là bước chuẩn bị cho mục chính yếu - khoa hùng biện, chìa khóa đi vào sự nghiệp chính trị dưới thời đế chế cũng như trước đó dưới thời Cộng hòa. Dưới sự chỉ dạy của một nhà hùng biện lão luyện, Marcus bắt đầu với những bài tập ngắn trước khi tiến tới những bài hùng biện tầm cỡ, trong đó ông được yêu cầu bảo vệ bên này hoặc bên kia trong một vụ kiện tưởng tượng hoặc cố vấn cho một nhân vật lịch sử kiệt xuất trong những bước ngoặt sự nghiệp của ông ta (Caesar có nên vượt Rubicon không? Alexander có nên quay trở lại Indus không? Tại sao nên hay không nên).

Việc đào tạo như thế được tiến hành bằng tiếng Hi Lạp và tiếng Latin. Vì ít nhất từ đầu thế kỉ thứ nhất trCN, giai cấp thượng lưu La Mã đã dùng hai ngôn ngữ cơ bản, và Marcus nói và viết tiếng Hi Lạp chắc cũng trôi chảy như tiếng Pháp của giới quý tộc Nga thế kỉ 19 hay tiếng Hán của một viên triều thần Nhật Bản thời đại Heian2. Chắc Marcus đã đọc IliadOdyssey của Homer và những bi kịch của Euripides song song với Aeneid và nghiên cứu những bài diễn văn của nhà hùng biện vĩ đại Athens là Democthenes sâu sắc như những diễn văn của chính khách La Mã Cicero. Chính những nhà văn và nghệ sĩ Hi Lạp đã tạo thành giới trí thức tinh hoa ở thủ đô; khi vào cuối đời hoàng đế trò chuyện với Galen, thầy thuốc của triều đình, ông đã nói bằng tiếng mẹ đẻ của ông thầy thuốc3. Đặc biệt, tiếng Hi Lạp vẫn là ngôn ngữ thịnh hành trong triết học. Vào cuối thời Cộng hòa và đầu đế chế, các nhà văn như Lucretius, Cicero và Seneca đã làm việc để tạo ra một dòng văn chương triết học bằng tiếng Latin và đã thành công lớn.

Nhưng những nhà tư tưởng lớn - Plato, Aristotle, Theophrastus, Zeno, Chrysippus, Epicurus, v.v. - tất cả đều là người Hi Lạp. Nghiên cứu triết học một cách nghiêm túc đòi hỏi phải quen thuộc với thứ tiếng mà họ viết v những thuật ngữ mà họ sáng tạo ra. Bởi thế Marcus đã biên soạn Suy tưởng của ông bằng tiếng Hi Lạp thật tự nhiên trôi chảy.

Năm 137, khi Marcus 16 tuổi, xảy ra một sự kiện quan trọng. Đương kim hoàng đế là Hadrian không có con. Trước đó một năm vua lâm trọng bệnh, và rõ ràng là ông không thể sống mãi (sic4). Hadrian được thừa hưởng ngai vàng từ

vua đời trước là cha nuôi, và là người có họ xa với ông, Trajan. Theo gương Trajan, Hadrian đã chỉ định nhà quý tộc lỗi lạc Lucius Ceionius Commodus kế vị ông. Nhưng nãm 137 Ceionius mất đột ngột, và Hadrian buộc phải tìm người kế vị khác. Ông chọn nguyên lão Antoninus, với điều kiện là Antoninus sẽ phải nhận Marcus (cháu trai họ) và con trai của Ceionius là Lucius Verus, khi đó mới 7 tuổi làm con nuôi. Marcus lấy họ của cha nuôi, và trở thành Marcus Aurelius Antoninus.

Hadrian băng hà vào năm sau, để lại Marcus đứng ở hàng đầu những người thừa kế ngai vàng. Học vấn của ông và của Verus, người trẻ tuổi hơn, bây giờ là vấn đề được quan tâm hơn nhiều, và rõ ràng công sức đã không hề uổng. Để được đào tạo hùng biện bằng tiếng Hi Lạp, ông được giao phó cho Herodes Atticus, một nhà hùng biện Athens vô cùng giàu có, mà những mối quan hệ bão táp của ông với gia đình, đồng bào và ngay cả với triều đình có thể cung cấp đủ tài liệu cho một vở ca kịch bình dân (soap opera). Thầy dạy hùng biện tiếng Latin của ông là Marcus Cornelius Fronto, một nhà hùng biện xuất sắc đến từ Cirta ở Bắc Phi. Do một sự tình cờ của số phận, nhiều bức thư Fronto gửi Marcus vẫn còn đến ngày nay, và chúng cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa thầy và trò. Chúng cũng gợi cho ta thấy nỗi luyến tiếc của Fronto khi thấy Marcus rời khoa hùng biện để đi sâu nghiên cứu triết học.

Quyển 1 của Suy tưởng bày tỏ lòng tôn kính nhiều nhà triết học mà Marcus học được, dù chính thức hay không chính thức, trực tiếp theo học hay nghe qua nhiều người khác.

Marcus cũng đã học được nhiều điều từ bên ngoài lớp học. Trong đào tạo về những vấn đề luật học và chính trị, có một lối học nghề/truyền nghề (apprenticeship) không chính thức đã gắn giới trẻ quý tộc với các nhân vật kì cựu của xã hội, những người như Junius Rusticus, mà ảnh hưởng đối với Marcus được ghi lại trong 1.7. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất chắc chắn là từ cha nuôi của Marcus, Antoninus Pius. Chắc Marcus đã chứng kiến những khi Antoninus tiếp các đại sứ, xử các vụ kiện và đọc (cho thư kí ghi) những bức thư gửi các người phó của ông. Trong khi đó địa vị hoàng thái tử của Marcus được báo hiệu qua nhiều dấu hiệu. Năm 140 (khi 19 tuổi) ông lãnh chức tổng tài [consul] và được tái cử vào năm 145. Cùng năm này ông cưới con gái của Antoninus là Faustina, mà ông viết lời ca ngợi trong Suy tưởng 1.17.

Cuốn Lịch sử Suy tàn và Sụp đổ của Đế quốc La Mã của Edward Gibbon mô tả triều đại của Antonius “cung cấp rất ít tài liệu cho lịch sử, hơn là ghi lại những tội ác, những chuyện điên rồ và những bất hạnh của nhân loại”. Nó cung cấp tài liệu về tiểu sử của Marcus cũng ít như thế. Từ năm 145 đến năm 161 chúng ta biết rất ít về những hoạt động của Marcus, và chỉ biết thoáng qua sự phát triển nội tâm của ông từ những thư từ trao đổi giữa ông và Fronto. Nhưng hai cực đã chi phối phần còn lại của cuộc đời Marcus - triều đình và triết học - dường như được định hình chính ở thời điểm này. Không có bằng chứng nào về việc Marcus trải qua điều gì như là một sự “cải đạo” sang triết học, như nhiều nhân vật cổ đại khác đã trải nghiệm (hay chịu ảnh hưởng) nhưng rõ ràng từ giữa đến cuối những năm 140 triết học ngày càng trở thành trung tâm cuộc sống của ông.

Ngày 31, tháng Tám năm 161, Antoninus qua đời, để lại Marcus là người thừa kế duy nhất của ông. Marcus ngay lập tức hành động để thực hiện điều dường như là ý định ban đầu của Hadrian (có lẽ đã bị Anthoninus lờ đi) bằng cách chỉ định người em nuôi, Lucius Verus, làm đồng nhiếp chính. Tính cách của Verus chịu nhiều thiệt thòi khi so với tính cách của Marcus. Những nguồn tài liệu cổ, đặc biệt là Historia Augusta có khuynh hướng vẽ anh ta như một kẻ thoái hóa tự nuông chiều mình - gần như một Nero khác. Điều này có lẽ không công bằng, ít nhất nó không giống hình ảnh của anh ta mà chúng ta có được từ những hồi ức của chính Marcus, trong Suy tưởng. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng Marcus đã hành xử như một hoàng đế đàn anh trên thực tế chứ không chỉ trên danh nghĩa. Sẽ là đáng ngạc nhiên nếu ông không làm như vậy. Ông lớn hơn gần chục tuổi, và đã được chính bản thân Antoninus đào tạo cho ngôi vị ấy.

Vậy ông vua-triết gia này là nhà cai trị thuộc loại nào? Có lẽ không khác mấy với những bậc tiền nhiệm của ông như người ta mong đợi. Mặc dù một hoàng đế về lí thuyết là người có toàn quyền, nhưng khả năng của ông kiểm soát chính sách trong thực tế bị hạn chế hơn nhiều. Phần nhiều thời gian của ông phải dùng để xử lí những vấn đề trên thực địa: tiếp sứ từ các thành phố lớn của đế quốc, xử chung thẩm những vụ án hình sự, trả lời thắc mắc của các tổng trấn, và xử lí đơn thỉnh nguyện của các cá nhân. Ngay cả với hệ thống bưu trạm công của đế quốc, tin tức phải mất nhiều tuần lễ mới từ ngoại vi về đến được trung tâm, các chỉ dụ của hoàng đế mất nhiều thời gian để đi xuống qua nhiều cấp truyền. Trong khi quyết định của hoàng đế có hiệu lực pháp lí, thì việc thực thi pháp luật hầu như nằm trọn trong tay tổng trấn các tỉnh, mà sự tận tụy của họ bị ánh hưởng bởi tình trạng thiếu khả năng, tham nhũng hay một mong muốn dễ hiểu là tránh làm mất lòng giới quyền thế ở địa phương.

Chúng ta có dịp liếc qua những bổn phận hằng ngày của Marcus từ bằng chứng của những quyết định còn được lưu lại trong thư từ, các bản khắc và các bộ luật. Văn bản pháp luật còn sót lại cho thấy một mối quan tâm nhất định đến việc giải phóng nô lệ và những quy định liên quan đến giám hộ trẻ mồ côi. Đã có nhiều cố gắng gắn việc thứ nhất với những niềm tin triết học của Marcus, và việc thứ hai với những kí ức của riêng ông về một tuổi thơ thiếu cha. Nhưng vẫn còn vấn đề là chính sách này bao nhiêu phần là do chính Marcus, và nó khác đến đâu so với chính sách của vị tiền bối của Marcus, Antoninus. Có lẽ thú vị hơn là những nét nhân cách của Marcus đuợc thể hiện rõ trong việc soạn những tài liệu của hoàng đế, ở đó ta thấy sự chú ý đến từng chi tiết và một sự đắn đo trong sử dụng ngôn ngữ có vẻ làm cho Marcus khác biệt với các vị tiền bối của ông. Không có nét khác biệt bất ngờ trong tác giả của Suy tưởng và người học trò của Fronto, những bức thư còn lại của ông thầy này cho thấy sự nhấn mạnh yêu cầu dùng từ ngữ tinh tế nhất.

Một trong những ưu tiên của Marcus là duy trì mối quan hệ tốt với Viện Nguyên lão. Mục đích là che giấu đi tính tuyệt đối của quyền hành hoàng đế: để giữ lấy cái vẻ ngoài của - và đôi khi chắc chắn là để đạt được trong thực tế - sự đồng thuận và hợp tác. Một trăm năm trước giới quý tộc có lẽ đã mơ về việc phục hồi một nước Cộng hòa (một số chắc chắn đã làm). Nhưng vào thế kỉ thứ 2 rõ ràng là không có giải pháp thay thế cho nguyên tắc này. Viện Nguyên lão mong chờ sự tôn trọng trong xã hội và hi vọng có được ảnh hưởng sau hậu trường, các hoàng đế “tốt” sẵn sàng hợp tác. Trong việc gây dựng các giai cấp thượng lưu (sic), Marcus theo sát bước chân Antoninus và Trajan, hơn là Hadrian, quan hệ của ông này với Viện Nguyên lão đầy gai góc. Và chính điều này cùng với nhiều điều khác, đã làm cho ông có tiếng là một chính khách nhân từ độ lượng. Một hoàng đế có thể làm theo ý thích khi đang còn sống, nhưng chính những nhà sử học là nguyên lão nghị viện - như Cornelius Tacitus trong những năm 120 hay Cassius Dio thuộc thế hệ sau khi Marcus băng hà mới là những người có tiếng nói cuối cùng.

Một lĩnh vực khác, trong đó chính sách của Marcus tiếp tục chính sách của các tiền bối của ông liên quan đến một giáo phái nhỏ và kì dị được biết như những người Cơ Đốc giáo. Trong thế kỉ sau họ đã trở thành một vấn đề ngày càng lớn cho chính quyền của đế quốc, và sự nổi bật của họ trong thời của Marcus đã khiến một Celsus nào đó lên tiếng phản đối mạnh mẽ; một phần của tác phẩm Chống những người Cơ đốc của ông này vẫn còn lại đến ngày nay. Giáo phái này gặp phải sự khinh bỉ từ những tri thức hạ cố để ý đến nó (thầy dạy của Marcus, Fronto, rõ ràng là một trong số này), và sự nghi ngờ và thù địch từ những dân thường và nhà cầm quyền. Sự căm ghét những người Cơ Đốc xuất phát từ chỗ họ không thừa nhận những vị thần mà cộng đồng bao quanh họ thờ cúng. Sự “vô thần” của họ - việc họ từ chối chấp nhận bất kì vị thần nào khác ngoài vị thần của họ - gây nguy hiểm cho những láng giềng của họ cũng như cho bản thân họ, và việc họ không sẵn lòng thừa nhận tính chất thần thánh của hoàng đế đã đe dọa trật tự xã hội và phúc lợi của nhà nước.

Cơ Đốc trở thành bất hợp pháp từ đầu thế kỉ thứ 2, khi một chất vấn của Pliny-Trẻ (khi đó là tổng trấn Bithynia thuộc Tiểu Á) gợi ý hoàng đế Trajan lập ra một chính sách chính thức: khi những người Cơ Đốc còn chưa bị truy nã, những ai tự thú tin theo nó sẽ bị hành hình. Nhưng cuộc khủng bố cho đến rất lâu về sau vẫn chưa diễn ra trên toàn đế quốc. Mối đe dọa chủ yếu cho những người Cơ Đốc trong thế kỉ thứ 2 đến từ cá nhân các tổng trấn, hành động theo sáng kiến của chính họ hoặc dưới sức ép của các cộng đồng địa phương. Chẳng hạn, vào cuối những năm 170 tình trạng náo loạn trong dân chúng ở Lyons dẫn đến một cuộc tàn sát thật sự những cư dân Cơ Đốc giáo nói tiếng Hi Lạp ở đó. Thầy dạy của Marcus là Junius Rusticus, với quyền hành của một thái thú, đã xử và hành hình những người Cơ Đốc giáo (trong đó có cả người biện hộ cho họ là Justin Martyr). Chắc chắn bản thân Marcus đã biết về đạo Cơ Đốc, nhưng không có lí do gì để nghĩ rằng nó chiếm phần quan trọng trong đầu óc của ông. Một lần trực tiếp nhắc đến nó trong Suy tưởng (11.3) hầu như là sau đó ông tự ý thêm vào, còn những ẩn ý mà một số học giả nêu ra chắc chắn là không có thực.

***

Nền tảng triết học

Ngày tháng biên soạn Suy tưởng được ghi là những năm 170, thập niên cuối cùng của cuộc đời Marcus. Rõ ràng đây là một thời kì đen tối và căng thẳng đối với ông. Trong vòng mười năm từ năm 169 đến năm 179 ông đã phải đối phó với cuộc chiến liên miên trên biên giới, cuộc nổi loạn sớm thất bại của Cassius, và cái chết của người đồng nhiệm Verus, của Faustina - vợ ông, và những người khác. Mặc dù khó mà đoán trước cái thế kỉ hỗn loạn sau khi ông chết, ông có lẽ đã ngờ rằng Commodus, con trai và người kế vị ông, không phải con người mà ông hi vọng. Chính trong những hoàn cảnh như vậy, việc Marcus tìm an ủi trong triết học là điều tự nhiên. Nhưng để hiểu Marcus tìm kiếm điều gì từ những nghiên cứu triết học của ông cần có định hướng nhất định. Để hiểu Suy tưởng trong bối cảnh của nó, chúng ta không chỉ cần làm quen với thuyết Khắc kỉ (Stoic) - hệ thống triết học là cơ sở của tác phẩm này - mà còn phải hiểu vai trò của triết học trong đời sống thời cổ đại nói chung.

Ngày nay triết học là một môn học hàn lâm, môn học mà không mấy ai ngoài những nhà triết học chuyên nghiệp coi là trung tâm cuộc sống hằng ngày của họ. Mỗi chúng ta có thể nghĩ rằng bản thân chúng ta có một “triết lí sống”, những triết lí này chẳng mấy quan hệ với những gì diễn ra trong các khoa triết của các trường đại học của chúng ta. Những công trình triết học phân tích (analytic philosophy) của thế kỉ 20 thường có vẻ cách biệt với cái mà nhà triết học Mĩ Thomas Nagel gọi là những “vấn đề cốt tử”: những vấn đề liên quan đến những quyết định lựa chọn đạo đức, xây dựng một xã hội công bằng, phản ứng trước những đau khổ và mất mát, và đi đến đương đầu với viễn cảnh của cái chết, phần lớn chúng ta có xu hướng coi những vấn đề này thuộc địa hạt tôn giáo chứ không phải của triết học.

Đối với Marcus và những người cùng thời với ông, tình hình khác hẳn. Triết học cổ đại chắc chắn có phương diện hàn lâm của nó. Athens và các thành phố lớn khác có những chức vụ giáo sư triết được công khai tài trợ, và các nhà triết học chuyên nghiệp cũng giảng dạy, biện luận và viết như ngày nay. Nhưng triết học còn có một phương diện khác thực tế hơn. Nó không phải chỉ là chủ đề để viết và biện luận, mà còn là cái được người ta mong đợi cung cấp một bản “đồ án cho cuộc sống”, một bộ quy tắc sống mà người ta sống theo nó.

Đây là một nhu cầu mà tôn giáo thời cổ có đặc quyền lễ nghi về giáo thuyết không đáp ứng, và nó ít cung cấp những hướng dẫn về luân lí và đạo đức. Mà cũng không ai mong đợi nó làm điều đó. Đó là những gì mà triết học phải làm.

Triết học theo nghĩa hiện nay là sáng tạo của một người: Socrates, nhà tư tưởng Athens thế kỉ thứ 5 trCN. Nhưng điều chủ yếu trong thời đại Hellenistic (văn hóa cổ Hi Lạp) là chúng ta thấy nổi lên những môn phái triết học truyền bá những “hệ thống niềm tin” chặt chẽ mạch lạc, mà một cá nhân có thể chấp nhận toàn bộ, và được lập ra để giải thích vũ trụ trong tính toàn thể của nó. Trong các hệ thống Hellenistic này cái quan trọng nhất, đối với cả La Mã nói chung và Marcus nói riêng, là trường phái Khắc kỉ (Stoic). Phong trào này lấy tên từ chữ stoa (cổng vòm, “porch” hay “portico”) trong khu sầm uất của Athens, nơi người sáng lập của nó Zeno (332/3- 262 trCN) dạy học và giảng bài. Các triết thuyết của Zeno được những người kế tục ông, Cleanthes (331-232 trCN) và Chrysippus (280-206 trCN) soạn lại và phát triển. Đặc biệt Chrysippus là nhà văn viết rất nhiều, chính ông là người đặt nền móng cho thuyết Khắc kỉ có hệ thống. Chủ nghĩa Khắc kỉ “hàn lâm” này là nguồn gốc của một số thuật ngữ và khái niệm sẽ tái xuất hiện thường xuyên trong thời Trung cổ, và chúng ta cần phải làm quen với toàn bộ triết thuyết Khắc kỉ để có thể hiểu đúng quan điểm của Marcus.

Trong các học thuyết trung tâm của thế giới quan Khắc kỉ chủ nghĩa, có lẽ quan trọng nhất là niềm tin không lay chuyển rằng thế giới được tổ chức theo một cách hợp lí và mạch lạc, chặt chẽ. Đặc biệt hơn, thế giới ấy được kiếm soát và dẫn hướng bởi một lực lượng tràn ngập khắp nơi mà những người Khắc kỉ gọi bằng thuật ngữ logos. Thuật ngữ này (mà từ tiếng Anh “logic” và hậu tố “logy” rút ra từ nó) có một miền ngữ nghĩa rộng đến mức hầu như không thể dịch được, ở tầm cơ sở, nó chỉ tư duy mạch lạc, hợp lí - được hình dung như một tính cách đặc trưng (tính hợp lí, khả năng suy lí) hay như sản phẩm của tính cách ấy (một phát biểu dễ hiểu hay một diễn ngôn mạch lạc). Logos hoạt động cả trong cá nhân lẫn trong toàn thể vũ trụ. Trong cá nhân nó là khả năng suy lí. Trên bình diện vũ trụ nó là nguyên lí hợp lí chi phối việc tổ chức vũ trụ7. Theo nghĩa này, nó đồng nghĩa với “Tự nhiên”, “Ý trời”, “Thượng Đế” (Khi tác giả Sách phúc âm của thánh John nói với chúng ta “Lời” [the Word], tức Logos, có nghĩa là “với Chúa” và được đồng hóa với Chúa, là ông mượn thuật ngữ logos của phái Khắc kỉ).

Mọi sự đều được quyết định bởi Logos, và theo một chuỗi nhân quả vững chắc. Như vậy chủ nghĩa Khắc kỉ khởi đi từ một hệ thống quyết định luận dường như không còn chỗ cho tự do ý chí của con người, hay trách nhiệm về đạo đức. Trong thực tế chủ nghĩa Khắc kỉ không sẵn lòng chấp nhận một sự dàn xếp như thế, và cố gắng vượt khó khăn đó bằng cách định nghĩa tự do ý chí như một sự tự nguyện thích ứng với những gì dù sao cũng không tránh khỏi. Theo lí thuyết này, con người giống như một con chó bị buộc vào một xe ngựa. Nếu con chó từ chối chạy theo chiếc xe ngựa thì nó sẽ bị xe ngựa lôi đi, tuy nhiên nó có quyền lựa chọn: chạy, hay bị lôi đi. Cũng giống như thế, con người chịu trách nhiệm về những lựa chọn và những hành động của mình, cho dù những lựa chọn và hành động ấy đã được logos định trước và tạo thành một bộ phận kế hoạch của nó. Ngay cả những hành động có vẻ như-và thật sự-vô đạo đức hoặc bất công cũng thúc đẩy thiết kế tổng thể, được hiểu một cách tổng quát như hài hòa và tốt đẹp. Cả chúng nữa, cũng bị logos chi phối. Nhưng logos không đơn giản chỉ là một lực lượng quan trọng chi phối và dẫn hướng thế giới. Nó còn là một chất có thật, tràn ngập thế giới này, không phải theo nghĩa ẩn dụ, mà trong một dạng cụ thể như ôxy hoặc cácbon. Trong hiện thân vật lí của nó, logos tồn tại như thể khí (pneuma), một chất mà phái Khắc kỉ tưởng tượng như ‘ngọn lửa tinh khiết’, và Chrysippus tưởng tượng như một hỗn hợp giữa lửa và không khí. Khí là năng lượng - hơi thở sống động - làm cho các động vật và con người có sinh khí. Như trong câu của Dylan Thomas, nó là “năng lượng truyền qua cầu chì xanh làm rạo rực bông hoa”, và nó có mặt ngay cả trong những vật không có sự sống như hòn đá hay kim loại, nó gắn kết đối tượng - cái sức căng bên trong khiến cho hòn đá là hòn đá. Như vậy tất cả mọi đối tượng đều là hợp thể của vật chất không có sự sống với năng lượng sống động. Trong nhiều dịp, khi Marcus nhắc đến “nguyên nhân và vật chất” (cause and material) là ý ông muốn nói đến hai thành tố của những hợp thể trên, vật chất trơ ì và khí linh hoạt sống động - chúng thống nhất với nhau chừng nào bản thân đối tượng còn tồn tại. Khi đối tượng héo tàn, chết, là khi hoạt lực của nó bị hút lại vào logos toàn thể. Điều này cũng diễn ra trên một quy mô rộng lớn toàn vũ trụ, trong những quãng cách lớn nó bị lửa thiêu rụi hoàn toàn8 rồi sau đó lại được phục hồi.

Nếu quả thật thế giới trật tự ngăn nắp như thế, nếu logos kiểm soát mọi thứ, thì trật tự mà nó tạo ra có thể nhận thức được với mọi khía cạnh của nó. Giả định này không chỉ dẫn phái Khắc kỉ đến chỗ suy luận về bản chất của thế giới vật chất mà còn thúc đẩy họ đi tìm đặc trưng hợp lí của logos trong những khu vực khác, đặc biệt trong logic hình thức và bản chất và cấu trúc của ngôn ngữ (mối quan tâm của họ đến từ nguyên học được phản ánh ở nhiều tiểu mục trong Suy tưởng). Sự thôi thúc có hệ thống này còn tái xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Thư mục các tác phẩm của chính Chrysippus còn được nhà chép tiểu sử Diogenes Laertius ở cuối thế kỉ thứ 3 lưu lại quả là rất dài; nó bao gồm không chỉ những luận thuyết triết học theo nghĩa hẹp, mà cả những công trình như “về Cách Đọc Thơ”, “Chống Việc Sửa Lại các Bức Tranh”. Các nhà Khắc kỉ về sau còn tham gia vào lịch sử và nhân học, cũng như những đề tài triết học thông thường hơn.

Tư tưởng Khắc kỉ được truyền bá không chỉ về mặt trí thức mà cả trên phương diện địa lí nữa. Phong trào này ra đời ở Athens. Trong một thế kỉ rưỡi sau cái chết của Chrysippus nó lan rộng đến các trung tâm khác, đặc biệt là đến thành La Mã (Rome). Người La Mã của thế kỉ 2 trCN đang ở giữa một quá trình chinh phục mà cuối thế kỉ ấy họ đã thật sự làm chủ khu vực Địa Trung Hải. Công cuộc chinh phục đi kèm với văn hóa. Nhìn lại sự Hi Lạp hóa (Hellenization) nhanh chóng của giới quý tộc La Mã từ những năm 200 đến thời của ông, nhà thơ Horace có nhận xét nổi tiếng rằng “Người Hi Lạp bị chinh phục thật ra là người đi chinh phục”.

Không đâu ảnh hưởng của người Hi Lạp rõ ràng hơn trong triết học. Các nhà triết học Hi Lạp, kể cả các nhà Khắc kỉ, Panaetius (khoảng 185-109 trCN) và Posidonius (khoảng 135-50 trCN), sang Rome để giảng dạy. Nhiều người ở lại trong những khoảng thời gian dài. Vào thế kỉ 1 trCN, đối với thanh niên thuộc tầng lớp thượng lưu La Mã, sang Athens học là thời thượng, như một phiên bản thời cổ đại của ‘Grand Tour’ thế kỉ 189. Giới quý tộc La Mã hành động như những nhà bảo trợ cho các cá nhân triết gia, và lập những thư viện lớn chứa những văn bản triết y học (như thư viện ở trang trại nổi tiếng của a Papyti ở Herculaneum), và những người La Mã 9 như Cicero và Lucretius cố gắng giải thích những học thuyết triết học Hi Lạp. Trong các trường phái triết học chủ yếu, chủ nghĩa Khắc kỉ chính là một trường phái có sức thu hút lớn nhất. Không giống như một số môn phái khác, chủ nghĩa Khắc kỉ luôn luôn chấp thuận tham gia vào đời sống cộng đồng, và lập trường này đánh trúng vào thị hiếu của giới quý tộc La Mã, mà bộ tiêu chuẩn giá trị khuyến khích hoạt động chính trị và quân sự. Chủ nghĩa Khắc kỉ thậm chí đã được mô tả, không phải là không có lí, như một tôn giáo thật sự của tầng lớp thượng lưu La Mã. Trong quá trình này nó trở thành một phiên bản khác hơn so với triết thuyết được Zeno và Chrysippus giảng dạy. Có lẽ sự phát triển quan trọng nhất là việc chuyển trọng tâm, thu hẹp tầm bao quát. Ở giai đoạn đầu và giữa, chủ nghĩa Khắc kỉ là một hệ thống hoàn chỉnh. Nó nhằm bao quát mọi tri thức, và tiêu điểm của nó là suy đoán và lí thuyết. Chủ nghĩa Khắc kỉ La Mã, trái lại, là môn học thực hành - không phải là một hệ thống trừu tượng của tư tưởng, mà là một thái độ đối với cuộc sống.

Phần nào vì những lí do lịch sử, chính cái chủ nghĩa Khắc kỉ đã được La Mã hóa này là cái có ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ sau. Thật ra việc áp dụng hình dung từ “khắc kỉ” cho một con người biểu lộ sức mạnh và lòng can đảm trong bất hạnh có lẽ thích hợp với hệ thống giá trị của quý tộc La Mã hơn là với các triết gia Hi Lạp.

Chủ nghĩa Khắc kỉ trong hình thức sau này của nó là một hệ thống truyền cảm hứng không chỉ từ các văn bản hay học thuyết, mà còn nhờ thông qua các cá nhân. Một trong những môn đệ xuất sắc nhất của nó là Marcus Cato (thường được gọi là Cato trẻ để phân biệt với ông nội của ông là một gương mặt kiệt xuất của thế kỉ trước đó). Là một vị nguyên lão nổi tiếng chính trực, khi Julius Caesar tiến quân vào Rome năm 49 trCN, Cato đứng về phe Pompey - đối thủ của Caesar, trong việc bảo vệ tính hợp pháp của chính phủ. Khi Caesar chiến thắng, Cato không chịu sống dưới nền Cộng hòa mà đã tự tử sau trận Munda năm 46. Trong vòng một thế kỉ ông đã trở thành biểu tượng của tinh thần Khắc kỉ phản kháng bạo quyền. Dưới triều Nero tên tuổi của ông được nhà thơ Lucan làm cho bất tử, và được nguyên lão Thrasea Paetus ca ngợi tán dương trong một cuốn tiểu sử. Bản thân Thrasea cũng hi sinh thân mình khi chống lại Nero.

Con rể của Thrasea là Helvidius Priscus, đóng một vai trò tương tự - và cũng đi đến một kết cục tương tự - dưới thời Vespasian. Thrasea và Helvidius lần lượt là những kiểu mẫu cho tầng lớp quý tộc thế kỉ thứ 2, như những bậc thầy của Marcus: Rusticus, Maximus, và Severus. Bản thân Marcus đã dành những lời ngợi ca họ (và Cato) trong Suy tưởng 1.14.

Cato, Thrasea, và Helvidius là những người hành động, không phải những nhà văn, và những tính cách anh hùng của họ không tránh khỏi đem đến cho họ một phẩm chất dường như hai chiều. Một gương mặt phức tạp và thú vị hơn nhiều là người chú của nhà thơ Luca, Lucius Annaeus Seneca (khoảng năm 4 trCN-65 CN) thường được biết dưới tên Seneca Trẻ để phân biệt với người cha cũng kiệt xuất của ông. Khởi đầu là quân sư (councillor), thầy dạy cho ông vua trẻ Nero, cuối cùng ông đã bị buộc phải tự sát sau khi bị lôi kéo vào một âm mưu chống lại học trò cũ của mình. Cuộc sống của con người không phải luôn luôn nhất quán với những lí tưởng của họ, và các nhà bình luận thấy khó lòng dưng hòa những luận điểm triết học của Seneca với sự giàu có đến khó tin của ông và sự nịnh nọt vô sỉ của ông đối với Nero. Tuy nhiên tác phẩm của ông, (đặc biệt Những bức thư gửi Lucilius) vẫn còn lưu lại những ấn tượng lôi cuốn và dễ tiếp cận của chủ nghĩa Khắc kỉ hậu kì. Vì được viết bằng tiếng Latin nên chúng cũng nằm trong số tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất đến các thế hệ sau. Nhưng không phải tất cả các nhà Khắc kỉ đều là những vị nguyên lão giàu có. Còn có một loại kiểu mẫu Khắc kỉ khác; kẻ bên lề mà lối sống khổ hạnh của ông đã khiến ông được những người đương thời giàu có hơn ngưỡng mộ và cho phép ông phê phán tính giả dối của xã hội thượng lưu bằng một thẩm quyền đích thực. Trước đó có một thí dụ về kiểu mẫu này là Gaius Musonius Rufus (khoảng 30-100) một thành viên của giới quan chức La Mã, cái gọi là đoàn kị sĩ (equites) bị cả Nero lẫn Vespasian trục xuất. Một thí dụ còn ấn tượng hơn là Epictetus, học trò của Musonius (khoảng 55-135) người đã thực hành triết lí này khi còn là một nô lệ và hiến dâng phần còn lại của cuộc đời mình cho nó sau khi được tự do. Dưới triều Domitian ông bị đày tới Nicopolis (ở phía bắc Greece), và sau khi bạo chúa này chết, ông được giữ lại ở đó để dạy học và giảng cho các du khách thường vượt những quãng đường dài đến để nghe. Trong số này có nhà sử học kiêm chính khách thuộc tầng lớp thượng lưu Arrian (khoảng 86-160), đã công bố một bản ghi chép dài về những cuộc thảo luận của thầy, văn bản này thường được nhắc đến với cái tên Những bài giảng của Epictetus (chính là Những bài thuyết giảng hoặc tập ghi chép riêng về những bài đó) (Discourses). Sau đó ông soạn một bản rút gọn, Encheiridion (“Cẩm nang” hay “Sổ tay”).

Epictetus dường như là một gương mặt đặc biệt quan trọng đối với Marcus. Ông cảm ơn thầy dạy triết Rusticus đã giới thiệu cho ông Những bài giảng của Epictetus, và trong Quyển 2 của Suy tưởng có cả loạt những câu hích và những đoạn văn trích từ triết gia này. Và bản rút gọn (Encheiridion) của Arrian cho ta một bản tương đương gần sát nhất với bản Suy tưởng, không chỉ về nội dung mà cả về hình thức: một loạt những mục (entry) tương đối ngắn và không có liên quan với nhau.

Mời các bạn đón đọc Suy Tưởng của tác giả Marcus Aurelius Antoninus.