Con Giai Phố Cổ, tập tạp văn mới nhất của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Từng ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội.” Nguyễn Việt Hà vừa bảo, đó là “linh hồn” của thành phố này, vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”.
Hàng ngày, khi truyền thông “nghiện” nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội thì đây chính là chân dung tự họa của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội lúc giao thời hai thế kỷ, và cho đến tận bây giờ.
***
Hà Nội của những cao bồi già Nguyễn Việt Hà đến giờ vẫn chưa thạo dùng email và càng không biết các thứ mạng xã hội. Anh là một con người của đường phố theo đúng nghĩa. Đường phố ở đây là của Hà Nội, một vùng Hà Nội cũng rất hẹp với khu phố cũ có bán kính một cây số từ Hồ Gươm. Tạp văn của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Tình ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội.”
Nguyễn Việt Hà vừa bảo, đấy là “linh hồn” của thành phố này, vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”.
Đó chính là chân dung tự họa của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội lúc giao thời hai thế kỷ và cho đến tận bây giờ, khi hàng ngày truyền thông “nghiện” nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội.
Tạp văn hay tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một món ăn pha chế nêm nếm các mùi vị đặc trưng, để đẻ ra những trang viết bảo là ê hề “tái nạm gầu gân”
như phở bò cũng được, mà bảo là kênh kiệu “cam vắt không đường” cũng xong. Chúng lại có cái mùi Tây của những chai rượu mạnh uống “xếch”, những nhãn hiệu rượu mà tác giả hay dẫn vào văn của mình, và đậm đặc những tích văn cổ trong khi cũng rất dễ dàng thấy những triết lý Thiên Chúa giáo xoắn xuýt bổ trợ. Để rồi từ đó, Nguyễn Việt Hà đánh võng từ vỉa hè này sang cột điện kia, khiến cho Hà Nội trong văn của anh nhộn nhịp gấp bội. Nào đã ai thấy hai cái nhà mặt phố Hà Nội nào giống hệt nhau?
Hà Nội trong tạp văn của Nguyễn Việt Hà là một Hà Nội truyền từ những gã đàn ông gia đình buôn bán nhưng đầu óc lãng đãng như sương mù tháng Chạp bốc lên từ Bờ Hồ, hơi có tí phẩm chất giang hồ để thành ra những tay “cao bồi già”, cho đến bọn trai trẻ “nhất loạt đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt vào được đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi. Chỉ trong vài buổi cóp nhặt học truyền tay đã lập tức bập bùng ghita điêu luyện tán gái. Phải xem một thằng con giai xõa sợi tóc dài khàn khàn cầm đàn ‘quạt chả’ hát ‘Đau, từ đáy trái tim ta buồn đau… Đau…’ thì mới hiểu được thế nào là sự quyến rũ”. Không gian Hà Nội đầy hoài cổ ấy thực ra lại rất đương đại, cái ngày hôm qua sở dĩ sống động thế là vì cái kẻ đang sống hôm nay cũng rất thức thời. Lớn lên từ những mái nhà hôm qua “ngói thâm nâu”, hôm nay trưởng thành dưới mái bằng lợp tôn, họ vẫn ăn chơi bốc giời như thường. Nhưng đúng là Nguyễn Việt Hà khắc khoải nhiều về một giai đoạn vài chục năm trước, lúc sự ăn chơi của tuổi trẻ phố cổ “đầy trong trắng”, nghèo nghèo đơn sơ và mang gương mặt mộc không trang điểm.
Hãy xem tác giả nói về việc viết tạp văn của mình:
“Tạp văn kiếm tiền bắt buộc phải lên gân. Thành ngữ bia hơi bảo ‘cổ có gân thành thần nói phét’, tạp văn kiếm tiền mà không biết bốc phét thì có nước húp cháo… Tạp văn thành sách không hiểu có oai và sang hơn không nhưng chắc chắn là đang thời thượng, bởi nó a dua chiều theo cái thói quen ngại đọc dài của độc giả”. Tuy ra giọng có vẻ coi thường thể loại này, nhưng bản thân Nguyễn Việt Hà đã có đến vài tập tạp văn, và là cây bút sung sức loại nhất của tạp văn đăng báo vài năm qua. Chính ở thể loại tạp văn, người đọc thưởng thức được khả năng càn lướt đề tài của anh, cũng như sự thông minh dí dỏm đặc trưng, để ai cũng nhặt ra được vô số triết lý đặc sệt tinh thần đường phố Hà Nội. Và ngay cả khi cần phải chứng minh kiến văn của mình, Nguyễn Việt Hà cũng có đầy ắp tra cứu Đông Tây từ chuyện cũ rích đến chuyện gần đây.
Vậy là theo tinh thần đương đại, tôi cũng xin mời độc giả “đăng nhập” vào thế giới mạng xã hội của Nguyễn Việt Hà. Nó kết nối sâu sắc với thế giới của Cơ hội của Chúa, cuốn tiểu thuyết đầu tay làm nên tên tuổi của anh vào những năm cuối thế kỷ trước.
Người đọc của mạng xã hội này hẳn sẽ gặp nhau, kết bạn, yêu đương và tranh cãi ầm ĩ như thường.
Nguyễn Trương Quý
Mời các bạn đón đọc Con Giai Phố Cổ của tác giả Nguyễn Việt Hà.