"Chuyện trò" là cuốn tản văn mới nhất của giáo sư Cao Huy Thuần, gồm có 6 phần: Chuyện mở đầu và Chuyện cuối, ở giữa là Chuyện tình yêu, Chuyện lạy Phật, Chuyện văn hóa, Chuyện giáo dục.
Trong sáu phần lớn đó là những câu chuyện cùng đề tài, lời kể của giáo sư chính trị học Cao Huy Thuần thật thoải mái và hóm hỉnh, duyên dáng và thâm sâu.
Lời kể chuyện đẫm chất thi ca, bao nhiêu là gửi gắm, vật vã với cuộc đời, với người. Từ những chuyện lớn như bàn về đạo đức, giáo dục, lý tưởng sống, văn hóa… đến chuyện thường ngày ai cũng cần như tình yêu, lòng chung thủy, sự ngưỡng mộ, sự lễ phép… đều được viết ra nhẹ nhàng, hấp dẫn bằng giọng văn tha thiết, không rao giảng, không lên gân, vô cùng thấm thía, có thể đọc một mạch, đọc mãi không chán. Và đọc xong là nhớ. Không chỉ là thú vị, còn có thể học được rất nhiều, cả từ chính những chi tiết nhỏ, nhiều câu thơ, lời văn trong các câu chuyện của ông.
***
Giáo sư Cao Huy Thuần dạy đại học Pháp, một cây bút quen thuộc trong cộng đồng tiếng Việt, đặc biệt gần với những ai có quan hệ trực tiếp hoặc có mối quan tâm tới đạo Phật và văn hóa Phật giáo.
Không kể các công trình nghiên cứu xuất bản ở nước ngoài, ông đã cho in tại Việt Nam rất nhiều bài báo, bài giảng và hàng loạt tập sách với phong cách văn chương luận đề hài hòa được cả hai thiên chức: nhà giáo - nhà văn. “Chuyện trò”, ấn phẩm mới nhất trong số đó, gồm đôi mươi câu chuyện hoặc mang tính chuyện, chuyện kể, chuyện trò, hoặc mang tính truyện, truyện phóng tác, truyện ngụ ngôn, tự truyện. Chỉ đôi mươi câu chuyện thôi, mà chuyên chở bao nhiêu tâm tình, chừng như ông muốn dành riêng trải lòng cùng tuổi trẻ.
Câu chuyện mở đầu, “Sợi tóc”, phảng phất chất li kì trinh thám khơi gợi nỗi dằn vặt rắc rối, thế nào là nói dối? Một nhà sư khai dối với cảnh sát để cứu giúp một con người trong trắng vô tội tránh khỏi vụ điều tra án mạng. “Có những trường hợp buộc ta phải nói dối vì thương xót, vì lịch sự, vì để cứu một mạng người, hoặc để tránh một hậu quả xấu hơn”. “Nếu nguyên tắc ‘không nói dối’ được áp dụng một cách tuyệt đối, xã hội không thể tồn tại”.
“Tính thiện nằm trong cái đẹp và cái thật”. Nhưng “không nói dối” lại nằm trong nguyên tắc ngũ giới của nhà Phật.
“Nguyên tắc là tối thượng”. Nhà sư thành thật với lòng, vậy có phải là không nói dối?…
Đột ngột một câu hỏi oái oăm: “Đồng tiền có biết tu không?”. Đột ngột một bất ngờ thú vị: “ Biết! Mà tu rất giỏi! Đắc đạo như chơi!”. “Ở nước Mỹ, bao nhiêu nhà giàu trọng truyền thống tặng tiền cho các trường đại học để đại học Mỹ vẫn dẫn đầu văn hóa đại học trên thế giới”.
Ông liên hệ Việt Nam: “Tôi bắt đầu có cảm tưởng các đại gia cũng muốn cho đồng tiền đi tu và tôi tán dương khuynh hướng này”. “Văn hóa bố thí của Phật giáo là con đường của đồng tiền biết sám hối”. “Cần phải biết rằng bố thí cho những công trình từ thiện, văn hóa cũng phước đức như hiến tặng chùa chiền…”
Câu chuyện rất gần đây, còn nóng hôi hổi trên giấy, “Hãy bay với hai cánh vào hiện đại”, tác giả vừa trình bày trong Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại Nghệ An tháng Tám, 2012.
Sau những thông tin bao quát về sự lan tỏa của Phật giáo sang phương Tây từ phương Đông, về sự tha hóa con người trong khủng hoảng hiện đại…, ông nhấn mạnh vấn đề đạo đức với dồn dập nhắn gửi “Khoa học mà không có lương tâm là đổ nát của linh hồn”. “Đạo đức của Phật giáo nhắm mục đích làm cho con người tốt hơn đã đành, nhưng cốt nhất làm cho nội tâm thanh thản, bởi vì thanh thản chính là hạnh phúc”. “Không có lòng tin thì cánh cửa cuối cùng của trí tuệ vẫn không mở ra”. “Trí tuệ và lòng tin phải cùng bay với nhau như hai cánh của con đại bàng”…
“Yêu nhau” mượn điển tích về cây trong thơ Bạch Cư Dị, mượn luôn cốt truyện về chim của văn hào Guy de Maupassant tô điểm thêm hình tượng tình yêu, “như chim liền cánh như cây liền cành”. “Tình yêu không có cái chết”. “Tình yêu chính là sự sống”.
Ở phần cuối sách, “Cái nhìn” đưa người đọc lòng vòng từ kỉ niệm trẻ con của một cậu học trò, lang bang sang chuyện ông Sartre, ông Camus, ông Freud… để đi tới những suy nghiệm gan ruột. “Muốn sống phải vượt qua sự hổ thẹn”.
“Phải biết hổ thẹn mới đi lên được”…
Thông điệp rải đều trong từng câu chuyện.
“Chuyện trò” vừa vận chuyển lượng thông tin dồi dào tri thức liên quan nhiều lĩnh vực: luân lý, chính trị, triết học, thần học, văn học, xã hội học, tâm lý học… vừa mở mang mạng giao lộ liên tưởng dẫn tới những thông điệp bao hàm kinh nghiệm sống, triết lý sống.
Cao Huy Thuần có cái duyên tự nhiên, giọng văn mềm mại, dịu dàng, lời văn giản dị, trong sáng, khoáng hoạt mà chuẩn xác. Một người đã bước qua ngưỡng tuổi “cổ lai hi”, đã sống xa Đất Mẹ từ lúc còn rất trẻ giữa thập niên 1960, lại phải sống bằng ngôn ngữ xứ người, mà dùng tiếng mẹ đẻ nhuần nhuyễn, uyển chuyển đến thế, kể cũng là sự hiếm.
Cứ thong thả, nhẹ nhàng, ông thủ thỉ lắm điều nhiều chuyện, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện mình, chuyện người, đang chuyện chùa, chuyện Phật, ngoặt sang chuyện thơ, chuyện tình, chuyện tắm. Mỗi câu chuyện lững thững ngang trang giấy thường lắng lại tiếng lòng kẻ sĩ thiết tha với những gì hệ trọng của nước nhà, nào lịch sử, tôn giáo, nào văn hóa, giáo dục…
Mát tay sai sử ngôn từ, ông kết nối liền lạc các mảnh chuyện “dây cà ra dây muống” bằng hơi văn tình tự và cài đặt đường link kêu gọi làm người. Cân bằng trí và tâm, thông tuệ và lương thiện. Trên nền tảng này hãy xây tiếp tầng tầng tốt đẹp. Linh hồn của tiến trình hoàn thiện người ấy, theo cổ súy của ông, là tinh thần Phật giáo mà ông muốn gióng lên thành tiếng trống trường.
2-9-2012
NGUYỄN DUY
Mời các bạn đón đọc Chuyện Trò của tác giả Cao Huy Thuần.