“Chỉ cần Colosseum đứng vững là Rome sẽ đứng vững ”
Bede
Năm 80, mọi nẻo đường thành Rome rạo rực phấn khởi. Hoàng đế mới lên ngôi đã ưng thuận một trăm ngày vui chơi nhân khánh thành đấu trường tọa lạc tại trung tâm thành phố.
Đấu trường Flavian, được đặt tên theo dòng dõi hoàng gia, là một kỳ công kỹ nghệ. Công trình khổng lồ này cao hơn 45,72 m, có sức chứa năm mươi nghìn người. 80 cổng vào dẫn khán giả tới đúng chỗ ngồi. Nơi đây có quầy bán đồ ăn vặt, rất nhiều vòi phun nước và cả phòng tắm trong nhà.
Một tấm bạt lớn căng qua khu võ trường lộ thiên làm mái che cho quần chúng. Việc kéo bạt do đội gồm một nghìn thủy thủ đảm nhiệm, chỉ có họ mới đủ sức kéo tấm bạt này – một mái nhà bằng vải đồ sộ – vào vị trí và điều chỉnh khi cần.
Những cuộc giao đấu giữa người và mãnh thú mở màn cho buổi diễn hôm ấy. Thú hoang – sư tử, hổ, gấu, và voi – từ khắp mọi miền Đế chế La Mã được đưa về đây. Trong một trăm ngày tiếp đó, hơn chín nghìn con thú sẽ bị tàn sát.
Rồi, vào giờ trưa, tù nhân bị áp giải từ nhà ngục tới cho lũ thú hoang xé xác hoặc quân lính giết hại. Với chúng ta, thú vui này thật khó hiểu nhưng đám đông thời đó lại lấy thế làm vui. Dân chúng thành Rome mê mẩn cảnh tượng ấy – càng máu me lại càng phấn khích.
Cao trào trong ngày diễn ra vào buổi chiều – từng cặp đấu sĩ với tên gọi “võ sĩ giác đấu” sẽ tỉ thí với đủ loại vũ khí chết người. Mọi người cổ vũ cho võ sĩ họ mong thắng cuộc. Họ hô hoán, cổ động. Ngày nay, ai lại nghĩ việc giết chóc lẫn nhau lại là môn giải trí. Nhưng với dân chúng Rome thời ấy, lại thú làm sao.
Lễ khánh thành hoành tráng cho đấu trường rộng lớn này đánh dấu một đỉnh cao trong lịch sử thành Rome cổ đại. Đây là đấu trường lớn nhất từng được xây dựng. Sớm thôi, nó sẽ mang tên Colosseum. Giờ đây, sau hai nghìn năm, nơi đây chỉ còn là phế tích. Dẫu vậy, đây vẫn là một trong những danh thắng nức tiếng của cả thành phố Rome lẫn nước Ý. Mỗi năm, hơn năm triệu người tới để tận mắt chiêm ngưỡng chứng tích của thứ quyền lực đẫm máu thuộc về một trong những đế chế vĩ đại nhất thế gian.
***
Trước khi Colosseum ra đời, thành Rome đã gần 800 năm tuổi.
Truyền thuyết kể rằng, Rome được Romulus kiến tạo năm 753 Trước Công nguyên (TCN). Romulus và người em song sinh của ngài, Remus, là kết tinh giữa một phụ nữ trần thế và Mars, vị thần chiến tranh của người La Mã. Mẹ họ, Rhea, thả hai đứa trẻ xuống dòng Tiber mặc sống chết. Nhưng cặp song sinh cứ thế xuôi dòng rồi được một con sói cái cứu mạng. Con sói nuôi nấng hai đứa bé ở nơi có bảy ngọn đồi lân cận.
Cũng theo truyền thuyết, khi đã lớn khôn, hai anh em những muốn dựng xây đô thành trên một trong bảy ngọn đồi đó. Nhưng họ không thống nhất nổi ngọn đồi sẽ chọn, chẳng ai chịu ai và rồi một trận chiến kinh khiếp nổ ra. Remus bỏ mạng dưới tay Romulus.
Romulus xây đô thành của mình ở chính nơi ông muốn, đặt theo tên mình là Rome. Người dân sinh sống tại đó gọi là người La Mã (Roman).
Suốt 300 năm tiếp theo, Rome bành trướng tới mức chiếm trọn cả bảy ngọn đồi. Thành phố trải dài theo hai bờ sông Tiber nước vốn không sâu.
Khoảng năm 400 TCN, Rome khai sinh Ostia, một thành phố cảng bên bờ biển. Từ nơi này, tàu thuyền La Mã có thể dong buồm tới mọi trung tâm giao thương trên Địa Trung Hải. Người La Mã nhờ vậy trở nên giàu có.
Tới năm 218 TCN, Rome đã xâm lấn toàn bộ những vùng hiện là lãnh thổ nước Ý. Năm 117, Đế chế La Mã trải dài từ Anh quốc phương bắc qua hầu hết châu Âu, gồm toàn bộ những vùng đất bao quanh biển Địa Trung Hải. Những quốc gia hiện tại như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Ả Rập Xê Út đều từng là một phần của Đế chế La Mã. Người La Mã mang theo lối sống của họ tới những vùng đất họ chinh phục.
Sau mỗi cuộc xâm lăng, vị tướng La Mã chiến thắng sẽ trở về và diễu hành qua thành phố, khoe của cải đoạt được cũng như vô vàn tù binh chiến tranh. Của cải từ những vùng đất bị chiếm đóng ấy sau dành để chi trả cho các công trình xây dựng đồ sộ, chẳng hạn Colosseum.
Mời các bạn đón đọc Đấu Trường La Mã Ở Đâu? của tác giả John O'Brien & Jim O'Connor.