Hiro và Satomi, hai đứa trẻ tự chơi và chăm sóc nhau trong căn hộ tập thể nghèo khi mẹ chúng đi làm cả ngày.
Maho, cô gái 24 tuổi hay ốm, đầy tự ti sợ hãi bỗng gặp hai bố con Yasuo mang tâm hồn bị tổn thương, xa lánh người đời. Takayuki và Hatsue đều là trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, sống với người bác Kanichi trong một khi nhà cổ lỗ như thể đã bị thế giới lãng quên.
Gom ba câu chuyện về những con người yếu đuối, khó hòa nhập. Bàn Tay Cho Em là bức tranh về những kẻ không sao thích nghi với guồng sống hiện đại hối hả.. Trên cả tình yêu nam nữ, các nhân vật gắn kết bởi tình thân thiết ruột thịt tựa gia đình, như thể người nay sinh ra để dành cho người kia. Sức mạnh tình cảm ấy lấp đầy thiếu khuyết trong tâm hồn, và họ được ở bên nhau, "như những vì sao".
Tác phẩm của Ichikawa Takuji, vì thế, chính là câu chuyện về thế giới nơi những con người bé nhỏ co cụm tìm đến với nhau để sẻ chia chút hơi ấm và lòng can đảm để bước tiếp.
"Tình yêu là trong lòng luôn cầu mong cho người đó được sống.
Nhưng không chỉ có vậy. Tình yêu còn là sức mạnh làm hồi sinh chính bản thân mình."
***
Takuji Ichikawa sinh ngày mùng 7 tháng Mười năm 1962 tại Tokyo. Ông tốt nghiệp trường đại học Dokkyo. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Separation, xuất bản năm 2002. Cuốn Em sẽ đến cùng cơn mưa (xuất bản tại Nhật với tên Ima Ainiyukimasu) in lần đầu năm 2003, là một trong những tiểu thuyết thành công nhất Nhật Bản, được chuyển thể thành truyện tranh, kịch, phim truyền hình ở Nhật và điện ảnh tại Mỹ.
Một số tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt nam:
Độc giả Việt Nam biết đế cái tên Ichikawa Takuji qua hai cuốn tiểu thyết Em sẽ đến cùng cơn mưa và Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào. Vẫn giọng văn nhẹ nhàng pha chút hài hước, như thể một cậu bé mới lớn đang thủ thỉ kể chuyện, Ichikawa Takuji một lần nữa khắc họa bức tranh tình yêu và sự chia ly bằng những gam màu trong sáng và thuần khiết. Những tác phẩm của ông khiến tâm hồn người đọc trở nên tươi sáng hơn.
***
Trong ký ức ban sơ nhất của tôi, đã có bóng dáng em tồn tại. Satomi có mặt trên thế giới này trước tôi ba tháng nên ngay từ giây phút tôi cất tiếng khóc chào đời, em đã ở bên tôi.
Chả là mẹ tôi và mẹ em là đôi bạn thân. Tuy hai người sinh ra ở hai nơi khác nhau nhưng gặp nhau tại thành phố này, kết tình chị em, và họ sẽ chẳng bao giờ rời xa nhau nếu như một người không phải từ giã thế gian này.
Xuất thân giống nhau, đều là con gái nhà nông, đều tìm đến thành phố với ước mơ xa vời và mục đích rõ ràng (là tìm việc làm), cả hai được nhận vào một nhà máy dệt quy mô lớn, có thể coi là trung tâm và biểu tượng của thành phố này. Rồi họ gặp nhau ở ký túc xá dành cho nữ công nhân chưa lập gia đình.
Và còn nữa, đến mức tôi nghĩ đâu cần thiết phải giống nhau như thế. Đó là họ có em bé gần như vào cùng thời điểm, và em bé đều không có cha. Không, kể thế thì chưa chính xác. Như vậy khác nào nói họ có con khi vẫn còn là trinh nữ? Chỉ là… không có cha trên thủ tục pháp lý mà thôi. Và đương nhiên hai đứa trẻ sinh ra đó là Satomi và tôi.
Đến độ tuổi hiểu chuyện, chúng tôi đã nghĩ thế này:
“Bố của tụi con chắc là cùng một người? Chẳng phải bọn con là anh em cùng cha khác mẹ sao?”
Mỗi lần nghe vậy, cả hai mẹ đều phủ nhận thẳng thừng.
“Sai rồi!” Mẹ tôi bảo.”Vì gu đàn ông của hai chị em ta hoàn toàn khác nhau.”
“Có điều, cả hai mẹ đều giống nhau ở một điểm là không có mắt nhìn đàn ông con ạ.” Mẹ Satomi nói.
“Có lẽ… trên đất nước này có nhiều đứa trẻ khác là anh em cùng cha khác mẹ của tụi con… nhưng mẹ chắc chắn một điều là hai con thì không.”
Lúc đó tôi và Satomi chỉ còn biết nhìn nhau, mắt chớp liên tục. Dường như lo sợ có điều gì ảnh hưởng đến việc giáo dục con, mẹ tôi không quên nói thêm:
“Nhưng các con này, bố các con cũng có nhiều điểm tốt. Vừa hiền lành vừa điển trai, nếu không các mẹ đã không yêu rồi, đúng không?!”
Do quy định chung của ký túc xá, hai người con gái buộc phải rời khỏi đó. Họ quyết định sống chung trong một căn hộ thuê với giá bèo gồm hai phòng chật hẹp. Họ gửi con cho một nhà trẻ tư nhân nhận trông trẻ sơ sinh, và vẫn tiếp tục công việc tại nhà máy dệt như từ bấy đến giờ. Ở thành phố này, nơi những cô gái nông thôn còn trẻ, độc thân đổ về rất nhiều, người cùng cảnh ngộ như họ không phải là hiếm.
Câu chuyện quay trở lại ký ức đầu tiên của tôi.
Tôi đang ngồi xem ti vi trong căn phòng tối om buông rèm dày. Dù vẫn biết là ban ngày, nhưng thứ ánh sáng yếu ớt làm tôi thấy sợ như đang ở trong rừng đêm. Bất giác, nhận ra cái chạm nhè nhẹ trên đầu ngón tay, đến cánh tay, tôi hướng ánh mắt về phía ấy. Khuôn mặt trắng hiện lên trong căn phòng lờ mờ tối. Em đang mỉm cười. Hạnh phúc lan tỏa khi thấy ánh mắt dịu dàng của em. Nỗi lo sợ tan biến, chỉ thấy yên tâm tràn về. “Hiro!” Em gọi tên tôi. Em chỉ gọi vậy thôi mà tôi đã thấy toàn thân run rẩy trong niềm vui sướng. Em nắm chặt cánh tay tôi như an ủi “Không sao đâu…!” Tôi tin tưởng em, khẽ gật đầu, lại quay về với cái ti vi trước mặt.
Có lẽ đây là ký ức của những năm bốn hay năm tuổi. Ngoài ra, cũng có những ký ức xưa hơn thế, nhưng mọi thứ cứ thấp thoáng ẩn hiện như đồng xu dưới đáy nước, không tài nào thể hiện được bằng lời. Cho nên, đây có thể coi là ký ức rõ nét đầu tiên của tôi… Ký ức tôi và Satomi ngồi xem ti vi trông nhà trong khi hai mẹ đi làm. Từ độ tuổi này chúng tôi không còn đến nhà trẻ nữa. Tiền gửi trẻ không rẻ chút nào so với đồng lương ít ỏi của hai mẹ. Lý do chỉ là vậy thôi. Satomi và tôi nép vào nhau cả ngày trong căn phòng không có người lớn. Cái im ắng làm chúng tôi sợ, nên hai đứa bật ti vi suốt ngày. Để ánh mặt trời chiếu vào thì màn hình ti vi bị lóa khó xem, nên lúc nào rèm cũng buông. Trong căn phòng lờ mờ, những vệt sáng trắng xanh nhảy nhót trên người chúng tôi. Tôi luôn nắm tay em vì chỉ có thế nỗi sợ của tôi mới tiêu tan. Satomi chỉ hơn tôi ba tháng, nhưng lúc đó tôi luôn cảm thấy em như một người chị gái hơn nhiều tuổi. Người con gái thay mẹ che chở cho tôi, đấy chính là Satomi. Không ai khác, em chính là cái thế giới ban ngày của tôi.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã bước vào tuổi cắp sách đến trường. Mẹ con Satomi chuyển sang sống ở căn hộ bên cạnh vì tụi tôi cũng đã lớn, căn hộ hai phòng chật hẹp không còn đủ cho bốn người chúng tôi nữa. Khi đó lương của hai mẹ cũng được tăng lên mức hơi thấp.
Ngay cả ở trường, tôi cũng lẵng nhẵng bám theo Satomi. Dù khác lớp, nhưng cứ đến giờ ra chơi là lập tức tôi chạy sang lớp em, bám vạt áo em không rời cho đến khi vào tiết sau. Cho nên, tất cả các áo len hay áo khoác len của em vạt bên phải bao giờ cũng bị thõng xuống, ố màu.
Đương nhiên là đám bạn xung quanh giễu cợt. Tụi con trai thì thẳng thừng không thương tiếc, còn đám con gái lại có cách khéo léo của con gái hòng chà đạp lòng tự trọng của tôi. Vô cùng khổ sở, tôi cũng có ý định phải tách ra tự lập, nhưng cửa ải này thật quá sức vì tôi không thể chịu được một ngày không có Satomi bên cạnh. Ngay cả Satomi hồi đó cũng không có lấy nổi một người bạn thân thiết, và em đã phải trải qua những ngày tháng cô đơn ở trường.
Đây chỉ là sự phụ thuộc một chiều từ phía tôi, nhưng Satomi không hề tỏ thái độ khó chịu. Ớ tuổi đó, Satomi cao hơn tôi, tính cách cũng lớn hơn hẳn, nên chẳng có gì bất thường khi em cư xử như bảo mẫu của tôi.
“Xin lỗi nhé!” là câu cửa miệng tôi.
“Đừng bận tâm!” Satomi lúc nào cũng nói vậy. “Bảo vệ Hiro là trách nhiệm của mình mà!”
“Thật không?”
“Thật, không sao đâu. Mình sẽ bênh vực Hiro mãi mãi!”
Lời nói đó như chỗ dựa vững chắc, như khế ước bảo lãnh suốt đời của Satomi với tôi. Khi ấy, khả năng tư duy của tôi chỉ ngang với loài thú ăn kiến, thiếu hẳn năng lực nhìn xa đến tương lai. Tôi chỉ mơ hồ nghĩ cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn như thế này. Không, tôi thậm chí còn không thể nghĩ ra điều đó nữa cơ. Dẫu sao, ngày mai sẽ giống hôm nay, và cả ngày mai của ngày mai nữa… cũng sẽ là một ngày không có gì quá thay đổi. Tôi chỉ nghĩ mông lung vậy thôi. Não tôi khá chậm chạp khi nghĩ về những việc như mình sẽ trưởng thành, hoàn cảnh rồi sẽ thay đổi theo thời gian. Vậy nên tôi thấy rất vui với những gì Satomi nói. Vì tôi nghĩ, đối với một kẻ yếu ớt như mình, thế giới này thật quá khắc nghiệt và nếu rời xa em, tôi sẽ lập tức vỡ tan thành hàng ngàn, hàng ngàn mảnh mất.
Bởi vì có thể nói Satomi gắn bó với tôi bằng sợi dây rốn tinh thần. Nó không phải là sợi tơ hồng mong manh, mà là sợi thừng được bện rất dày, giữ chặt tôi trong biển cả cuộc đời.
Thấm thoắt mùa hè năm mười một tuổi đã đến.
Chẳng mấy nữa mà học kỳ một kết thúc. Những ngày tháng Bảy nóng nực chia cắt ranh giới giữa những ngày trước đó, và những ngày về sau.
Tôi nhớ chính xác việc xảy ra ngày hôm đó vào lúc sắp hết tiết bốn. Từ cửa sổ lớp nhìn xuống, tôi thấy một chiếc xe cấp cứu đang chạy vào sân trường. Đám bạn cùng lớp không còn giữ được bình tĩnh khi tiếng còi cấp cứu réo mỗi lúc một gần hơn. Một số tò mò còn rời khỏi chỗ ngồi của mình chạy ra tận cửa sổ. Ngay cả thầy chủ nhiệm lớp tôi cũng quên cả giảng bài, cứ cầm nguyên sách giáo khoa trên tay, nhìn miết xuống sân trường. Vì ở trên tầng hai nên chúng tôi chứng kiến từ đầu chí cuối cảnh cấp cứu. Khi xe vừa dừng bên cửa sảnh chính thì tiếng còi cũng im bặt. Đội cấp cứu mở cánh cửa phía đuôi xe, kéo cáng ra, hai nhân viên khiêng cáng mất hút vào khu học xá. Sau có vài giây, bất thình lình cánh cửa lớp tôi bật mở. Có lẽ phần lớn đám bạn trong lớp, kể cả tôi, ai nấy đều tưởng đó là đội cấp cứu đến, không hề nghĩ rằng không thể nhanh như vậy. Trong giây lát tất cả đều nín thở, không khí trong phòng như loãng hẳn đi.
Thế nhưng, ở cửa là một cô giáo trẻ, chủ nhiệm lớp Satomi. Sau khi giải thích gì đó với thầy giáo đang đứng ngây người trên bục giảng, cô nhìn xuống quanh lớp, rồi ngay lập tức ánh mắt dừng lại chỗ tôi.
“Tazawa, em đi cùng cô được chứ?”
Tôi rụt rè gật đầu rồi đứng lên, làm xô cả chân ghế và đi đến chỗ cô. Trong lúc ấy, cô nói gì đó rất nhỏ với thầy chủ nhiệm của chúng tôi, rồi nháy mắt ra hiệu cho tôi nhanh chóng rời khỏi lớp học. Vừa đi dọc hành lang cô vừa nói:
“Satomi đột nhiên bị mệt. Cô đã gọi xe cấp cứu rồi nhưng con bé cảm thấy bất an và gọi tên em. Em có thể đi cùng Satomi giúp cô được không?”
Mời các bạn đón đọc Bàn Tay Cho Em của tác giả Ichikawa Takuji.