Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ánh Viên: From Zero To Hero

Ánh Viên là một trong sáu vận động viên bơi lội xuất sắc nhất trong lịch sử SEA GAMES. Với thành tích đạt 8 huy chương vàng cá nhân cùng 8 lần phá kỷ lục SEA GAMES chỉ trong một kì đại hội 2015, Anh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội.

***

Khi thực hiện xong cuốn sách này, chúng tôi ngồi lại để lựa chọn một tấm hình làm bìa sách. Cuốn sách về Nguyễn Thị Ánh Viên thì tất nhiên phải là hình Nguyễn Thị Ánh Viên rồi, không có gì để bàn cãi.

Nhưng chọn tấm hình nào đây giữa rất nhiều tấm hình ấn tượng được các đồng nghiệp phóng viên thể thao và những người hâm mộ yêu mến Ánh Viên gửi đến? Tấm hình Ánh Viên hạnh phúc khi cô mang về vinh quang cho Tổ quốc? Tấm hình của những giọt nước mắt thất vọng vì thất bại hay nỗi thống khổ về thể xác mà cô phải trải qua? Hay tấm hình cô gái tuổi đôi mươi trẻ trung, tràn đầy sức sống?

Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn tấm hình Ánh Viên đang bơi bướm. Cuộc đời của Ánh Viên, kể từ năm 10 tuổi trở đi sẽ vĩnh viễn gắn liền với bơi, chúng tôi tin như vậy. Vinh quang, thất bại, nhọc nhằn, thống khổ, những cung bậc cảm xúc, hay trạng thái lý trí nào khác của Ánh Viên đều khó có thể tách rời với làn nước. Ánh Viên sinh ra để bơi, như chúng tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta được sinh ra để làm một điều gì đó.

Giữa đôi cánh tay Ánh Viên vung lên đầy dũng mãnh kéo cơ thể về phía trước là một khuôn mặt rất bình thản. Cho dù đôi mắt Ánh Viên bị che phủ bởi cặp kính bơi, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được phía sau cặp kính đó cũng là một đôi mắt rất bình thản.

Nhìn tấm hình, chúng tôi cảm nhận được một niềm vui sướng bình dị toát ra từ sâu thẳm bên trong Ánh Viên. Đó là niềm vui mà cho dù giàu có, danh tiếng hay được hưởng nhiều đặc ân đến đâu, cô vẫn khó đem đi đánh đổi. Cô vẫn luôn yêu bơi lội, yêu làn nước, yêu những cú đập tay của mình.

Với một vận động viên, đích đến hay mục tiêu luôn là điều quan trọng, nhưng những thứ đó chỉ tồn tại ở tương lai hay quá khứ. Điều quan trọng nhất là hiện tại, thứ mà ta có thể nghe được, thấy được, ngửi được, sờ vào được. Hiện tại là tập luyện, là thi đấu, là khoảnh khắc vận động. Một vận động viên bậc thầy là người biết cách hút tất cả những mệt nhọc, sức ép, thất vọng vào mình, sống hòa hợp với chúng, biến chúng trở thành niềm vui, rồi đem niềm vui này lan tỏa sang người khác. Điều này Ánh Viên đã làm được.

Để có được Ánh Viên của ngày hôm nay, trước nhất là sự bền bỉ tự thân của cô và song hành đó là bao người thầy thầm lặng. Đặc biệt là huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn, người đã “nằm gai nếm mật” với Ánh Viên trong hầu hết hành trình vươn đến vinh quang của cô, mà chúng tôi kể sau đây. Có thể nói, nếu không có sự tận tâm của ông Tuấn, khó có Ánh Viên như bây giờ.

Vì vậy, cuốn sách bạn cầm trên tay không phải là tự truyện của Ánh Viên, không phải là cuốn sách viết riêng về Ánh Viên, mà là cuốn sách về hành trình lên đỉnh cao của Ánh Viên, và trong hành trình đó, có mặt của nhiều người. Cuốn sách cũng sơ lược về bơi lội, vốn là môn thể thao cô đơn nhất thế giới, cũng là môn thể thao đòi hỏi khắt khe nhất thế giới. Đồng thời, sơ lược về phong trào bơi lội Việt Nam – đất nước có hơn 3.000 km bờ biển cùng hàng ngàn sông suối và hằng năm vẫn đau đáu với những mất mát thương tâm vì sông nước.

Trong quá trình thực hiện cuốn sách, chúng tôi có được sự giúp đỡ của nhân vật chính Nguyễn Thị Ánh Viên và huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn. Bên cạnh đó tôi còn nhận được sự chia sẻ từ các nhà quản lý trong ngành thể thao: Phạm Viết Muôn, Nguyễn Xuân Gụ, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Thành Lâm, Bùi Hữu Nghi. Đồng thời cũng nhận được sự góp ý của các cựu vận động viên đang là huấn luyện viên như: Đỗ Trọng Thịnh, Nguyễn Kiều Oanh, Chung Tấn Phong, Võ Thanh Bình. Và cả sự chia sẻ của gia đình Ánh Viên. Hầu hết những bức ảnh trong cuốn sách này do huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên cung cấp, ngoài ra tôi còn sử dụng một số hình ảnh từ các tác giả Hải An, Tấn Phúc, Tùng Lê.

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến họ. Và giờ là lúc chúng ta đến với câu chuyện dậy sóng của làn nước mát lạnh…

Đặng Hoàng – Đinh Hiệp

***

NỮ HOÀNG BƠI LỘI MỚI CỦA ĐÔNG NAM Á

Mười chín giờ ba mươi lăm phút ngày 26/8/2017 (giờ Malaysia, tức là 18 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam), Nguyễn Thị Ánh Viên giành chiếc huy chương vàng cá nhân thứ 8 tại SEA Games 2017 ở nội dung 200 m tự do, đồng thời lập kỷ lục SEA Games mới ở nội dung này, sau khi vượt qua một vận động viên Thái Lan và một vận động viên Philippines.

Đây không phải là lần đầu tiên cô giành được 8 huy chương vàng trong một mùa SEA Games. Sân chơi bơi lội khu vực đã biết đến cô gái này từ năm 2015.

Với kỳ tích đoạt 8 huy chương vàng cá nhân cùng 8 lần phá kỷ lục SEA Games chỉ trong một kỳ đại hội 2015 – Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội Đông Nam Á như một trong những tay bơi xuất sắc nhất.

Hai năm trước tờ The Straits Times của Singapore đánh giá Ánh Viên là “Vận động viên giá trị nhất của đoàn thể thao Việt Nam”. Người ta đặt cho cô những biệt danh như “Cô gái thép”(1) hay gọi cô là “Nữ hoàng bơi lội mới của Đông Nam Á”. Điều đó đến nay vẫn đúng.

(1). Tờ The New Paper của nước chủ nhà Singapore đã đặt cho cô biệt danh ấy để so sánh với nữ hoàng bơi thế giới Katinka Hosszu (Hungary), người được dư luận xưng tụng là “người đàn bà sắt” bởi khả năng dự tranh nhiều nội dung bơi ở mỗi giải đấu. Hosszu nổi tiếng khi dự tranh và phá kỷ lục thế giới tới 5 lần ở 8 nội dung tại giải vô địch thế giới năm 2013.

Chưa một vận động viên bơi lội nào của Việt Nam làm được điều mà Ánh Viên đã làm, thậm chí tính trong tất cả các kỳ Đại hội từ năm 1965 đến nay, thành tích như Ánh Viên là một điều hiếm hoi.

Lịch đấu chung kết dày đặc

Nửa giờ đồng hồ sau – 20 giờ 5 phút, Ánh Viên trở lại hồ bơi để thi chung kết nội dung cuối cùng – 50 m tự do. Nhưng cô biết 30 phút trước mình đã có chiếc huy chương vàng cuối cùng trong mùa giải. Ánh Viên không quá đỗi vui mừng khi có chiếc huy chương vàng này, có thể Ánh Viên coi việc về nhất tại nội dung mà hai năm trước đó cô đã chiến thắng trước các đồng nghiệp Đông Nam Á là một nghĩa vụ nên không có lý do gì để phấn khích. Và đây cũng là số huy chương vàng mà cô đã từng đạt được.

Khi đứng sát bể bơi chờ bước lên bục xuất phát, nghe tên mình được xướng lên, Ánh Viên nở nụ cười mà ai đang theo dõi cũng có thể thấy khi máy quay lấy cận khuôn mặt. Bình thường, ở các cuộc thi, khi ban tổ chức xướng tên giới thiệu các vận động viên trước lúc vào đường bơi, trong khi những người khác đứng phía sau bên túi đồ của họ vẫy chào khán giả thì Ánh Viên luôn đứng sát hồ bơi, quăng tay khởi động, chỉnh lại kính bơi, hai tay vỗ mạnh xuống bắp đùi, không đáp chào khán giả; hình như những lúc đó, Ánh Viên không nghe thấy tên mình được xướng lên, trong tâm trí cô có lẽ đang choáng ngợp hồ bơi, làn nước và cuộc đua trước mắt.

Tại sao Ánh Viên lại nở nụ cười “hào phóng” như vậy trong cuộc thi cuối cùng ở Đại hội? Cô biết mình không có cơ hội lớn ở các cự ly ngắn, đó là sở trường của những tay bơi Singapore. Nếu không có Amanda Lim với 5 lần liên tiếp giành huy chương vàng ở cự ly này thì cũng là Quah Ting Wen. Kết cục, Ánh Viên về đích thứ 6. Cũng có thể, nửa giờ đồng hồ xen giữa hai lần thi chung kết là thời gian vừa đủ để Ánh Viên nhận ra rằng, dù không lập được thành tích 9 hay 10 huy chương vàng, nhưng chí ít mình đã trút bỏ được áp lực khi đã có chiếc huy chương vàng thứ 8. Với nó, cô sẽ bớt phải chịu áp lực khi trở về quê nhà.

Nước chủ nhà Malaysia không có nhiều hy vọng trong bơi lội nhưng đấy không phải lý do để họ không làm khó các đội khác. Những ngày đầu đến Kuala Lumpur, thầy trò Ánh Viên phải tự tìm hồ bơi để tập, sau đó ban tổ chức bố trí hồ tập cách xa nơi ở và nơi thi đấu. Các nội dung chung kết lại được xếp quá sát nhau khiến cho một người thi nhiều cự ly như Ánh Viên không có thời gian chuẩn bị, hồi phục sức lực.

Tiếc nhất là ở ngày thi đấu ngay trước đó, 25/8/2017, Ánh Viên có ba cuộc thi chung kết, lần lượt bơi ở các cự ly là: 400 m hỗn hợp cá nhân, 50 m ngửa và 200 m ếch trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, và giữa khoảng các cuộc thi, còn bị mất thời gian với các nghi lễ trao huy chương. 400 m bơi hỗn hợp là nội dung sở trường, chỉ cần lao xuống nước là Ánh Viên có huy chương vàng trong khu vực, tuy vậy cũng tốn nhiều sức lực. Tiếp đó là 50 m bơi ngửa, cự ly ngắn đến mức lao xuống hồ là phải bung hết sức, không cho phép một toan tính chiến thuật nào. Và cuối cùng là 200 m bơi ếch, kiểu bơi khó nhất trong bốn kiểu bơi. Ánh Viên giành huy chương vàng ở đường bơi 400 m hỗn hợp là đương nhiên. Khá bất ngờ khi cô lấy thêm huy chương vàng nữa tại đường bơi 50 m ngửa, nội dung mà cô chỉ đạt huy chương đồng tại SEA Games 2015. Nhưng cuối cùng cô phải trả giá ở 200 m bơi ếch, về nhì sau vận động viên Thái Lan Phiangkhwan Pawapotako, chỉ đạt được huy chương bạc. Hai năm trước đó, mùa SEA Games ở Singapore, chính Pawapotako là bại tướng của Ánh Viên trong cuộc đua giành tấm huy chương vàng cự ly này.

Nếu ban tổ chức không xếp lịch đấu chung kết dày đặc, hoặc là xếp thứ tự các cuộc chung kết theo trình tự ngược lại: 200 m bơi ếch, 50 m bơi ngửa, 400 m bơi hỗn hợp thì Ánh Viên có thể đã có thêm một tấm huy chương vàng cho mình.

SEA Games 2017, Ánh Viên đăng ký 18/20 nội dung thi đấu, chỉ trừ 50 m bơi ếch và chặng 10 km dành cho các vận động viên bơi đường dài được tổ chức ngoài biển. Tuy nhiên, đến cuối cùng cô tranh tài ở 15 nội dung thi cá nhân, không tham dự 3 cuộc thi tiếp sức. Trong 6 ngày, cô đã 27 lần nhảy xuống nước trong cả vòng loại lẫn vòng chung kết, giành 8 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Thành tích này hơn thành tích ở SEA Games 2015 một chút: 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Nhưng kém về số kỷ lục SEA Games: Ánh Viên lập được 3 kỷ lục mới trong đại hội 2017 so với 7 kỷ lục mới của năm 2015.

Ở SEA Games 2015, Ánh Viên chỉ thi 12 nội dung cá nhân. Tức là cô tối đa hóa cơ hội tốt hơn. Hai cự ly Ánh Viên không có huy chương là 50 m bơi bướm (về thứ 4) và 100 m bơi bướm (về thứ 6) vẫn tốt hơn hai cự ly này khi cô thi đấu tại SEA Games 2017: 50 m bơi bướm về thứ 5 còn 100 m bơi bướm không qua vòng loại.

Nguyên nhân? Có lẽ phần lớn là vì chiến lược không quá chú trọng ăn thua ở các cự ly bơi bướm ngắn vốn là lãnh địa mà các vận động viên Singapore thống trị. Nhưng cũng có thể là do điều kiện thi đấu ở Singapore năm 2015 tốt hơn, hoặc là bản thân Ánh Viên 2 năm trước không bị áp lực số lượng huy chương đè nặng.

Tại SEA Games 2015, Ánh Viên mở hàng bộ sưu tập huy chương vàng bằng các cự ly sở trường như 400 m bơi hỗn hợp và 800 m bơi tự do. Tại SEA Games 2017, cô bắt đầu cuộc thi chung kết đầu tiên vào ngày 21/8 với thất bại: về thứ 4 ở cự ly 200 m bơi bướm, mà sau đó như cô tâm sự rằng: “Em chỉ muốn lặn luôn dưới đáy hồ sau thất bại đó”. Trong khi đó, ngày đầu khai cuộc bơi lội, các quan chức và giới truyền thông Việt Nam đều hướng đến hồ bơi để “ăn mừng”, sức ép không nhỏ.

Mặc dù sau đó một giờ, Ánh Viên “chuộc” lại sự trông ngóng của những khán giả đứng trên khán đài bằng huy chương vàng cự ly 100 m bơi ngửa, nhưng điều đó không làm cô hài lòng. Cô chia sẻ khi lên bục nhận huy chương: “Thực sự em cảm thấy rất thất vọng với bản thân mình, vì đã không thể cố gắng hết sức để đạt thành tích tốt ở nội dung thi đấu đầu tiên. Em muốn gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ, những người đã cổ vũ cho em rất nhiệt tình, vì bản thân đã thi đấu chưa tốt. Em hứa sẽ nỗ lực tốt hơn những ngày tới và cố gắng đạt được thành tích tốt nhất, mang về thật nhiều huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam”.

Tại SEA Games 2015, Ánh Viên là người đi săn huy chương vàng, cô không biết mình sẽ có bao nhiêu tấm huy chương, hoàn toàn không bị áp lực về số lượng, nên mục tiêu của cô chỉ là: lấy càng nhiều càng tốt. Nhưng đến SEA Games 2017, Ánh Viên từ “người đi săn” bị biến thành “con mồi” chính bởi số lượng huy chương vàng mà cô đã giành được hai năm trước đó. Người ta không cho cô có quyền phạm sai lầm, áp lực rất khủng khiếp. Chính vì áp lực đó làm Ánh Viên thất bại ở ngay cuộc thi chung kết đầu tiên 200 m bơi bướm, không có nổi huy chương, gần như gãy đổ về tâm lý. Cuộc chuyển đổi từ “kẻ đi săn” thành “kẻ bị săn” không bao giờ dễ dàng và nhẹ nhàng.

Ông Đặng Anh Tuấn, huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bơi Việt Nam, cũng là người trực tiếp huấn luyện Ánh Viên trong gần 6 năm ở Mỹ (tính đến năm 2017) sau này kể lại: “Chỉ 15 phút sau thất bại ở 200 m bơi bướm là phải bước vào cuộc thi chung kết 100 m bơi ngửa, Ánh Viên nhìn tôi với hai dòng nước mắt khi bước lên khỏi hồ, tôi biết ngay vào khoảnh khắc đó rằng: Nếu không kéo được Ánh Viên trở lại chính mình thì mọi thứ sẽ sụp đổ hoàn toàn. Ngay bây giờ, 5 phút duy nhất để cứu lấy tất cả hoặc mất tất cả”.

– Con có phải là Nguyễn Thị Ánh Viên không?

– Con không phải là con.

– Đúng! Chính vì con không phải là Nguyễn Thị Ánh Viên nên con thất bại!

– Nhưng con bơi không được, không có cảm giác nước.

– Con bơi mà trong đầu con luôn suy nghĩ là mình bơi được không? Mình bơi nhanh không? Chắc mình không đủ sức bơi? Chắc đối thủ mạnh hơn mình, thì con làm gì còn sức, còn năng lượng đâu để mà bơi?

– Sao thầy biết con đang suy nghĩ như thế? Đúng là con suy nghĩ như vậy từ tối qua đến giờ.

– Từ hôm qua, thầy nhìn là thầy biết, và thầy đã nói con cần sự thoải mái và tự tin, con phải là Nguyễn Thị Ánh Viên thì con sẽ chiến thắng. Bây giờ, đứng lên ngay, bước ra thi đấu 100 m bơi ngửa, trở lại chính mình và con sẽ bơi phá kỷ lục SEA Games.

– Con bơi như vậy, làm sao phá được kỷ lục SEA Games?

– Thầy chưa bao giờ nói gì hay làm điều gi mà không có cơ sở. Từ trước đến giờ, con có thấy là khi con làm đúng theo những gì thầy nói thì con thành công hay thất bại?

– Dạ, thành công.

– Thế bây giờ là lúc con phải làm đúng như thầy nói, vì khi rồi, 200 m bơi bướm là con làm theo ý con, chứ không phải theo ý thầy.

Cuộc trao đổi chỉ vỏn vẹn 5 phút, vì đã đến giờ Ánh Viên phải ra tập trung thi đấu. Và kết quả, Ánh Viên đã phá kỷ lục SEA Games cự ly 100 m bơi ngửa ngay sau đó. “Đây có thể nói là khoảnh khắc cực kỳ khó khăn, khi Ánh Viên bước lên khỏi hồ, đến bên tôi cũng với hai hàng nước mắt trên khuôn mặt, nhưng đó là hai hàng nước mặt hạnh phúc, tự tin và được giải phóng chứ không phải là hai hàng nước mắt sợ hãi, mất mát của trước đó 10 phút. Và bắt đầu sự tự tin trở lại, cho đến chiếc huy chương vàng thứ 8”, ông Tuấn kể.

Tám chiếc huy chương vàng chưa phải là cái đích mà ông Tuấn và Ánh Viên vươn tới. Ông Tuấn vẫn coi SEA Games 2017 là một trong những giải đấu đáng thất vọng trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Cảm giác “có lỗi” này ngấm ngầm lan sang người học trò, nó đeo bám Ánh Viên đến sau đó, khi hết ngày thi đấu cuối, cô trả lời báo giới: “SEA Games 2017 với tôi vẫn là thất bại. Tôi tiếc khi không lấy được huy chương vàng ở nội dung 100 m bơi tự do và 200 m bơi bướm”. 200 m bơi bướm là cự ly Ánh Viên đã vô địch SEA Games 2015. Còn 100 m bơi tự do luôn được xem như cự ly “mặt tiền”, sàn diễn danh giá nhất của môn bơi lội. Ở cự ly này, năm 2015, Ánh Viên về nhì sau Quah Ting Wen của Singapore – 56 giây 05 so với 55 giây 93; năm 2017, Ánh Viên lại thua đối thủ cũ, lần này rất sít sao, chậm hơn chỉ 2% giây – 55 giây 76 so với 55 giây 74. “Năm 2015, em đã rất cố gắng nhưng vẫn thua. Đây không phải cự ly mạnh nhất của em nhưng em rất muốn thắng. Vận động viên đó cao hơn, thể lực tốt hơn, sở trường của họ là tốc độ. Em đã tập luyện rất nhiều cho cự ly này, trong tập luyện em làm tốt, nhưng khi thi đấu vẫn thua, cảm giác rất khó chịu”, Ánh Viên sau này tâm sự.

Nhưng dù được đánh giá là “thành công” hay tự nhận là “thất bại”, “kẻ bị săn” Ánh Viên đã thoát được cái bóng thành tích trong quá khứ ám ảnh mình và một lần nữa tỏa sáng như chính tên của cô – ánh sáng tròn đầy.

Có những buổi chiều như thế…

Mời các bạn đón đọc Ánh Viên: From Zero To Hero của tác giả Đinh Hiệp & Đặng Hoàng.